>>> Pháp nhân thương mại là gì? Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội nào?
>>> Một số vấn đề pháp lý liên quan về pháp nhân thương mại phạm tội
Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên, gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật doanh nghiệp hiện hành, quy định khác của pháp luật có liên quan. (Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015).
Căn cứ Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện:
Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại: là hành vi của một hoặc một số người đang thuộc biên chế của doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh tế mà theo pháp luật thì doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh tế này là pháp nhân thương mại. Nếu họ không thực hiện hành vi nhân danh doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh tế được công nhận là pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội của họ không phải là hành vi của pháp nhân thương mại. Trường hợp một người được pháp nhân thương mại ký hợp đồng hay uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân thương mại giao và khi thực hiện họ nhân danh pháp nhân thương mại đã ký hợp đồng hoặc uỷ quyền cho họ thì hành vi phạm tội của người này vẫn là hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại mà họ ký hợp đồng hoặc được uỷ quyền.
Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại: Khi một hoặc một số người thực hiện hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại giao hoặc uỷ quyền đều vì lợi ích của pháp nhân thương mại chứ không vì lợi ích cá nhân của họ. Tuy nhiên, nếu trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội họ lại lợi dụng pháp nhân thương mại để thực hiện thêm hành vi vì lợi ích cá nhân thì chỉ hành vi nào vì lợi ích của pháp nhân thương mại mới buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại: Hành vi phạm tội của một hoặc một số người phải có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Sự chỉ đạo điều hành là sự chỉ đạo của những người đứng đầu hoặc của một tập thể pháp nhân thương mại như: Giám đốc, Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc của công ty. Sự chỉ đạo, điều hành này cũng tương tự như trường hợp phạm tội có tổ chức mà người tổ chức là người chỉ đạo điều hành mọi hành vi của tất cả các đồng phạm khác. Ngoài sự chỉ đạo, điều hành của những người nhân danh pháp nhân thương mại còn có trường hợp tuy không có sự chỉ đạo, điều hành nhưng lại có sự chấp thuận của những người đứng đầu pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội cũng là hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại.
Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) tuỳ thuộc vào tội phạm mà pháp nhân thương mại thực hiện: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Lưu ý: Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh sau:
Nhóm các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Điều 188 (Tội buôn lậu); Điều 189 (Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (Tội đầu cơ); Điều 200 (Tội trốn thuế); Điều 203 (Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ); Điều 209 (Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (Tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (Tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã);
Nhóm các tội phạm về môi trường: Điều 235 (Tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (Tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản); Điều 243 (Tội huỷ hoại rừng); Điều 244 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại);
Nhóm tội phạm xâm phạm trật tự công cộng: Điều 300 (Tội tài trợ cho khủng bố); Điều 324 (Tội rửa tiền).
Pháp nhân thương mại sẽ chịu trách nhiệm hình sự tội rửa tiền
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội như sau:
Hình phạt chính: đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, phạt tiền (Điều 77, 78, 79).
Hình phạt bổ sung: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, phạt tiền (Điều 77, 80, 81)
Riêng hình phạt tiền có thể được áp dụng với một trong hai vai trò là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung.
Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự về các tội phạm do pháp nhân thực hiện là Tòa án nơi pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh của pháp nhân đó thực hiện tội phạm.
Về thủ tục: Việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với pháp nhân phạm tội được thực hiện theo thủ tục chung. Phiên tòa xét xử đối với pháp nhân phải có mặt người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp; có mặt bị hại hoặc người đại diện của bị hại.
Ngày 9/3/2023, Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử sơ thẩm đối với bị cáo là pháp nhân thương mại Công ty CP tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam, người đại diện hợp pháp là bà Trần Thị Ái Loan (gọi tắt là Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam, trụ sở tại đường Lê Thánh Tôn, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM); bị cáo cá nhân là ông Lê Đình Trung (56 tuổi, ngụ TP.HCM), nguyên Giám đốc Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam. Hai bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với nhãn hiệu được bảo hộ, là bia SAIGON của Tổng công ty CP bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Theo cáo trạng, Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam chưa được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH-CN cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hay văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với các đơn đăng ký đã nộp chứa các nhãn hiệu: “BIA SAIGON VIETNAM”, và một số dấu hiệu trên vỏ lon bia, thùng bia.
Nhưng Lê Đình Trung vẫn nhân danh công ty để tiến hành thỏa thuận các nội dung cơ bản để bà Trần Thị Ái Loan ký hợp đồng hợp tác với Bia BiVa, về việc sản xuất sản phẩm “BIA SAIGON VIETNAM” với quy mô lớn, bán ra thị trường, cũng như sử dụng tiếp thị, tặng, cho, tổng giá trị hàng hóa hơn 1,4 tỉ đồng.
Tại tòa, bị cáo Lê Đình Trung khai nội dung cáo trạng là đúng, không oan sai. Đồng thời, bị cáo là người thiết kế nhãn hiệu và đi đăng ký thủ tục tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Theo kết luận giám định sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bia SAIGON của Sabeco, gồm: sản phẩm bia lon, lon đựng bia và thùng carton đựng bia, trên đó gắn các dấu hiệu “BIA SAIGON VIETNAM” và hình khiên đứng + hình con rồng, “BIA SAIGON VIETNAM và hình khiên đứng, khuyết + hình con rồng”, “BIA SAIGON VN” và “BIA SAIGON VIETNAM và hình con rồng”.
“BIA SAIGON VN” và “BIA SAIGON VIETNAM
Về trách nhiệm hình sự trong vụ án, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt tiền đối với 2 bị cáo. Trong đó phạt bị cáo Lê Đình Trung từ 600 - 800 triệu động; phạt pháp nhân thương mại là Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam từ 2 tỉ đồng - 3 tỉ đồng.
Sau phần tranh luận, HĐXX thông báo nghị án kéo dài và tuyên án vào ngày 16/3/2023.
Vào ngày Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lê Đình Trung số tiền 700 triệu đồng; tuyên phạt Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam 3 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ được sung công quỹ Nhà nước.
Còn đối với cơ sở sản xuất bia Biva, do chỉ thực hiện chưng cất, đóng gói theo hợp đồng dịch vụ nên không đủ điều kiện xử lý hình sự. Những sản phẩm do cơ sở này sản xuất cho Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam sẽ bị tiêu hủy.
Trong những năm gần đây, các vụ án liên quan đến pháp nhân thương mại ngày càng gia tăng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế. Việc xác định và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo công bằng xã hội và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự kinh tế, xã hội.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Điện thoại: 1900 2929 01
Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang
Điện thoại: 1900 2929 01