Thực tiễn định tội qua hành vi thực hiện tội phạm

Quy định pháp luật

Theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì:

Tội Giết người  (Điều 123) có khung hình phạt cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Tuy nhiên, tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (sau đây gọi gọn là tội Cố ý gây thương tích) dẫn đến hậu quả chết người theo điểm a khoản 4 điều 134 Bộ luật Hình sự thì khung hình phạt từ 7 năm đến 14 năm tù.

Nếu làm chết từ hai người trở lên, khung hình phạt là từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Cùng dẫn đến hậu quả chết người nhưng nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người thì hình phạt sẽ nặng hơn Cố ý gây thương tích. Bởi vì, hai tội này có những sự khác biệt cơ bản sau:

Người phạm tội với lỗi cố ý, có hành vi làm cho người khác chết, dùng mọi thủ đoạn để tước đi mạng sống của người khác thì sẽ bị truy cứu tội giết người.

Còn đối với tội cố ý gây thương tích thì người phạm tội thực hiện hành vi chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể của nạn nhân (không mong muốn nạn nhân chết). Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội.

Thực tiễn xác định hai loại tội này thông qua kinh nghiệm hành nghề của Luật sư Nguyễn Thị Trúc

Trước khi trở thành Luật sư thành viên của Công ty Luật TNHH LHLegal bà Nguyễn Thị Trúc đã có thâm niên công tác 20 năm trong Viện Kiểm Sát với vai trò là Kiểm sát viên trung cấp. Trong suốt quá trình làm nghề để xác định tội danh cụ thể thì Luật sư Trúc chia sẻ bà luôn phải dựa vào các chứng cứ, tài liệu cũng như tình tiết vụ án từ đó suy luận logic có cơ sở nhằm đánh giá đúng sự thực khách quan và xác định trách nhiệm hình sự một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật. Với  tội giết người và tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người thì đều là những tội phạm rất nguy hiểm, có cấu thành riêng biệt, khác nhau về khách thể, về tính chất nguy hiểm cũng như hậu quả. Tuy nhiên trên thực tiễn vẫn tồn tại rất nhiều trường hợp mà sự tách bạch giữa hai loại tội này thực sự mong manh và khiến công tác điều tra gặp khá nhiều khó khăn.

Vụ việc thực tiễn dưới đây sẽ giúp mọi người có cái nhìn sâu sắc hơn về việc xác định loại tội danh phù hợp cũng như phân biệt được 2 tội: Giết người, Cố ý gây thương tích dẫn đến tử vong.

Có vụ việc về 2 nhóm đối tượng (nhóm A và nhóm B) xảy ra mâu thuẫn trong một quán bia ở quận 7. Nhóm A đã sử dụng hung khí gồm mã tấu, đao và tuýp sắt xông vào đánh nhóm B, nhóm B chạy ra ngoài gọi người tới giúp sức, chống trả ngược lại và truy bắt nhóm A. Trong quá trình rượt đuổi, hỗn chiến người của nhóm A đã dùng dao đâm 01 nhát vào ngực của một người của nhóm B, làm cho người này chết tại chỗ. Hậu quả xảy ra, một người của nhóm B chết.

Quá trình điều tra, truy tố vụ việc trên gặp nhiều khó khăn vì vụ án có nhiều bị can cùng nhau thực hiện hành vi đâm chém nhau nên các đối tượng không nhớ ai là người gây ra cái chết của bị hại, là cố ý gây thương tích hay giết người. Cộng với đặc điểm khu vực xảy ra vụ việc không có camera và trời tốt do đó việc xác định được vai trò cụ thể của từng bị can để truy tố xét xử đúng người đúng tội đòi hỏi người làm tố tụng phải có nhiều kinh nghiệm, nắm bắt tình hình cụ thể, xác định, nhận định hồ sơ qua từng chứng cứ có trong vụ án và những vấn đề liên quan, thu thập tài liệu, vật chứng của vụ án.

Với tính chất phức tạp của vụ án, chưa xác định được đối tượng trực tiếp đâm nạn nhân và bằng nghiệp vụ kiểm sát trong quá trình hành nghề Bà Trúc đã yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành giám định vết máu trên hung khí và cho các đối tượng tham gia đối chất với nhau, căn cứ vào các lời khai và kết quả giám định vết máu Cơ quan điều tra đã xác định được đối tượng đã sử dụng hung khí đó trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Từ đó cũng xác định được đối tượng dùng hung khí nguy hiểm gây chết người.

Lúc này câu hỏi đặt ra là xác định tội danh với đối tượng trên như thế nào. Hành vi của nghi phạm có thể truy cứu trách nhiệm tội giết người hay tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Trường hợp thứ nhất: Đối tượng phạm tội giết người với lỗi cố ý trực tiếp. Do người này đã dùng hung khí nguy hiểm có khả năng gây sát thương cao chém vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại (cụ thể vùng ngực) nhằm mục đích chiếm đoạt mạng sống, gây ra hậu quả làm chết người.

Trường hợp thứ hai: Đối tượng phạm tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người”  vì phải xem xét động cơ hành động của đối tượng. Đối tượng có phải cầm đầu không? Có thể hành động trên bộc phát lúc tự vệ (vì lúc này nhóm B đang đuổi đánh lại nhóm A) và  đối tượng vi chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể nạn nhân. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội.

Theo Luật sư Trúc phân tích: Đối với loại tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người là người phạm tội thực hiện hành vi với mục đích chỉ gây tổn hại đến thân thể người khác, việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội. Đây là đặc điểm phân biệt cơ bản đối với tội “Giết người” tội giết người là người phạm tội thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của người khác. So với cường độ tấn công của tội “Giết người” thì cường độ tấn công của tội này yếu hơn, không liên tục và không dồn dập, tác động vào những vùng không trong yếu như vai, tay, chân...Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi vô ý với hậu quả chết người xảy ra. Khi phân biệt 2 loại tội này cần phải xác định mục đích của người phạm tội, tính chất, hành vi và mức độ phạm tội để có cơ sở xác định tội danh, tránh khởi tố sai tội danh.

Trong vụ việc trên, qua quá trình điều tra, lấy lời khai, nhận định vụ việc trên  thì đối tượng đã sử dụng hung khí nguy hiểm thực hiện hành vi tấn công (đâm, chém) nhanh, với cường độ mạnh, quyết thực hiện hành vi tới cùng vào những vùng nguy hiểm, trọng yếu như là vùng ngực của nạn nhân nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của người kia thì hành vi này có dấu hiệu đặc trưng của tội giết người. Nên đối tượng này bị truy cứu hình sự tội giết người.

Luật sư Nguyễn Thị Trúc - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH LHLegal

Thêm một sự việc thực tiễn xác định tội thông qua hành vi thực hiện tội phạm cụ thể là:

A và B điều khiển xe gắn máy lưu thông trên đường, do tránh người lưu thông hướng ngược lại nên A đã va quệt vào xe của B, B cự cãi và chạy lên phía trên chặn xe của A lại, hai bên xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, B cầm nón bảo hiểm đánh tới tấp vào người của A, A cũng dùng nón bảo hiểm đánh trả lại, thì bị B dùng chân đá vào người A, làm cho A đang ngồi trên xe té ngã ngửa từ trên xe xuống đất, đầu đập mạnh vào phần bê tông của lề đường, gây vỡ sọ. Hậu quả, A tử vong sau đó.

Cùng là hậu quả gây ra cái chết của nạn nhân, nhưng B không phạm tội “Giết người” mà B phạm tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến chết người theo Khoản 4 Điều 134 BLHS năm 2015. Vì:

Về hành vi khách quan: B cố ý gây thương tích cho A, mục đích của B chỉ làm cho A bị thương tích, không có mục đích tước đoạt mạng sống của A.

Về cường độ tấn công: B sử dụng nón bảo hiểm đánh vào người của A không nhắm vào các phần trọng yếu như đầu, ngực và bụng, việc A té ngã và đầu đập vào phần bê tông của lề đường là ngoài ý muốn của B. 

Về mục đích: Cả hai bên xảy ra mâu thuẫn và cùng tấn công nhau nhằm thoả cơn giận vì không phân định được ai đúng ai sai trong va chạm giao thông chứ không có ý thức tước đoạt mạng sống.

Hậu quả A chết nhưng điều này nằm ngoài ý thức chủ quan của B, hay nói cách khác B thực hiện với lỗi vô ý với hậu quả chết người xảy ra.

Thế nên B bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người 

Vấn đề đặt ra trong quá trình xác định, định tội

Thông qua các vụ việc thực tiễn trong quá trình hành nghề Luật sư Nguyễn Thị Trúc đã có những chia sẻ thẳng thắn  2 tội danh nêu trên. Luật sư cho rằng đối với các vụ án có sự nhập nhằng mong manh giữa việc xác định tội giết người và tội cố ý gây thương tích thì nếu không đọc kỹ hồ sơ, xem xét đầy đủ tài liệu, chứng cứ và đặt hành vi vào trong bối cảnh phạm tội để phân tích vấn đề thì rất có thể sẽ có những nhận định không chính xác và đưa ra kết luận nhầm lẫn giữa hai loại tội danh này. Thế nên việc ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất, chi tiết hơn về mọi dấu hiệu pháp lý của hành vi gây ra 2 loại tội này điều hoàn toàn cần thiết như: vị trí tấn công; công cụ, phương tiện sử dụng; cường độ, tính chất quyết liệt; mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả; động cơ, mục đích… và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.

Trên thực tế các văn bản hướng dẫn phân biệt giữa hành vi giết người và cố ý gây thương tích còn chung chung, chưa cụ thể từng hành vi, một số hướng dẫn không còn phù hợp với thực tiễn như việc các hướng dẫn đều cho rằng dùng hung khí nguy hiểm đánh vào vùng trọng yếu của cơ thể là dấu hiệu pháp lý bắt buộc để xử tội giết người. Đây là quy định cứng nhắc và chưa xem xét hết các trường hợp hay nhận thức, hành vi của người thực hiện hành vi trong quá trình phạm tội. Thế nên việc ban hành văn bản hướng dẫn mới phù hợp với thực tiễn hiện nay là hoàn toàn hợp lý.

Lời khuyên Luật sư

Ở góc độ là người làm tố tụng có nhiều kinh nghiệm, am hiểu pháp luật, thụ lý giải quyết nhiều vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, nhận thấy: đối với 2 loại tội phạm “Giết người” và “Cố ý gây thương tích” thường xuất phát từ việc hai bên xảy ra mâu thuẫn nhưng không được giải quyết ứng xử bằng lời nói mà 2 bên đã dùng vũ lực, tác động vật lý với nhau, từ mâu thuẫn nhỏ trở thành những mâu thuẫn lớn phát sinh tội phạm. Khi bạn bị rơi vào tình huống là người pham tội hay là người bị hại thì trước tiên phải bình tĩnh, xem xét hành vi, mức độ của vụ việc đã xảy ra của bản thân như thế nào, sau đó cần xác định trong trường hợp nay ai là người có thể bảo vệ bạn thì bạn hãy nghĩ đến luật sư. Bởi vì: khi gặp Luật sư thì tôi sẽ giúp bạn:  

Ổn định tinh thần, tư vấn, hỗ trợ về xác định tội danh, cấu thành tội phạm và phân tích hành vi phạm tội của tội Giết người;

Tư vấn khách hàng về các tình tiết tăng nặng định khung, các tình tiết giảm nhẹ của tội “Cố ý gây thương tích” hoặc tội “Giết người”;

Hỗ trợ khách hàng trong việc thu thập hồ sơ tài liệu, chứng cứ chứng minh vô tội, hoặc các tài liệu khác để được xem xét hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp bạn phạm tội. Trong trường hợp bạn là người bị hại thì xác định tội danh của người phạm tội, thu thập chứng cứ chứng minh người phạm tội nhằm bảo vệ bạn, yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra, tham gia bào chữa. Đảm bảo quá trình tố tụng được thực hiện một cách khách quan và đúng qui định pháp luật.

Tham gia cùng khách hàng tại các buổi ghi âm, ghi hình, lấy lời khai, hỏi cung bị can và thực nghiệm điều tra (nếu có).

Sao chụp tài liệu tại Toà án, nghiên cứu hồ sơ, soạn thảo bản luận cứ bào chữa, đề cương câu hỏi và tranh luận tại Toà án.    

Tham gia phiên toà xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí