Quy trình kê biên tài sản trong các vụ án hình sự: Quyền và nghĩa vụ của các bên

Trong bài viết này, LHLegal sẽ phân tích toàn diện về kê biên tài sản trong vụ án hình sự, bao gồm khái niệm, cơ sở pháp lý, quy trình thực hiện, những khó khăn trong thực tiễn và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý tài sản kê biên. Qua đó, chúng tôi mong muốn giúp các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức có cái nhìn rõ ràng hơn về biện pháp pháp lý này và cách thức áp dụng đúng theo quy định pháp luật.

>>> Xử lý tài sản bảo đảm bị kê biên trong vụ án hình sự

>>> Quy định về thế chấp bất động sản và việc xử lý tài sản thế trong hợp đồng tín dụng ngân hàng

Kê biên tài sản trong vụ án hình sự là gì?

Định nghĩa kê biên tài sản theo pháp luật

Hiện nay, quy định pháp luật về hình sự chưa đưa định nghĩa chính thức về Kê biên tài sản trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 126 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về các biện pháp cưỡng chế “Để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản.” và Khoản 1 Điều 128 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: “1. Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.”. 

Chúng ta có thể hiểu rằng: Kê biên tài sản trong vụ án hình sự là một biện pháp cưỡng chế do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng đối với bị can (người bị tình nghi phạm tội) hoặc bị cáo (người bị truy tố, xét xử) trong Tố tụng Hình sự. Việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản chỉ được thực hiện đối với các tội phạm mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, có thể bị tịch thu tài sản, hoặc khi cần thiết để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Đồng thời, biện pháp này còn có mục đích ngăn chặn việc người bị buộc tội tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh các nghĩa vụ tài chính tiềm ẩn này.

Mục đích của kê biên tài sản

Từ các quy định được liệt kê tại phần 1.1, mục đích của việc kê biên tài sản trong vụ án Hình sự gồm có:

  • Thứ nhất, để đảm bảo thi hành án hình sự, bao gồm tiền phạt, bồi thường thiệt hại, án phí.

  • Thứ hai, nhằm ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản và bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan.

  • Thứ ba, hỗ trợ quá trình điều tra, xét xử bằng việc thu thập chứng cứ liên quan đến tài sản của bị can, bị cáo.

Cơ sở pháp lý về kê biên tài sản trong vụ án hình sự

Các quy định pháp luật liên quan

Các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh liên quan đến kê biên tài sản trong vụ án Hình sự gồm:

  • Điều 126, 128 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về các trường hợp kê biên, trình tự, thủ tục kê biên.

  • Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về các trường hợp được dẫn chiếu áp dụng biện pháp kê biên tài sản.

Những trường hợp được phép kê biên tài sản

Theo quy định tại khoản 1 Điều 128 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản trong trường hợp sau:

  • Thứ nhất, đối tượng bị áp dụng biện pháp kê biên phải là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự.

  • Thứ hai, kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự 2015 quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại. Ví dụ như: bị can bị khởi tố về tội gây ô nhiễm môi trường vì trong quy định về tội danh này tại khoản 1 Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có đề cập đến hình phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

Quy trình kê biên tài sản trong vụ án hình sự

Bước 1: Xác định điều kiện áp dụng kê biên tài sản

Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo trong các trường hợp sau:

  • Tội phạm bị truy cứu có hình phạt tiền theo quy định của Bộ luật Hình sự.

  • Tội phạm có thể bị tịch thu tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự.

  • Nhằm bảo đảm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự.

Bước 2: Ban hành lệnh kê biên tài sản

Những người có thẩm quyền ra lệnh kê biên tài sản gồm (Khoản 2 Điều 128 BLTTHS):

  • Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp, nhưng phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp, 

  • Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; 

  • Hội đồng xét xử; Thẩm phán chủ tọa phiên tòa

Bước 3: Xác định phạm vi kê biên tài sản và giao bảo quản tài sản kê biên

Chỉ kê biên phần tài sản có giá trị tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại.

Bước 4: Tiến hành kê biên tài sản

Khi kê biên tài sản, bắt buộc phải có mặt các bên sau:

  • Bị can, bị cáo hoặc người đủ 18 tuổi trở lên trong gia đình hoặc người đại diện của họ.

  • Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi có tài sản bị kê biên.

  • Người chứng kiến.

Người có thẩm quyền tiến hành kê biên tài sản phải lập biên bản theo Điều 178 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015, trong đó:

  • Ghi rõ tên và tình trạng từng tài sản bị kê biên.

  • Đọc lại biên bản cho những người có mặt nghe và cùng ký tên xác nhận.

  • Nếu có ý kiến, khiếu nại của các bên liên quan, nội dung này phải được ghi vào biên bản, có chữ ký xác nhận.

Biên bản kê biên được lập thành bốn bản, phân phát như sau:

  • Một bản giao ngay cho bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

  • Một bản giao ngay cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi có tài sản bị kê biên.

  • Một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

  • Một bản đưa vào hồ sơ vụ án.

Bước 5: Kiểm kê & Quản lý tài sản sau kê biên

Cơ quan thi hành kê biên tài sản có trách nhiệm kiểm kê tài sản theo từng danh mục để đảm bảo tài sản không bị thất thoát, hư hỏng trong quá trình bảo quản.

Tài sản kê biên được giao cho:

  • Chủ sở hữu tài sản, hoặc

  • Người quản lý hợp pháp, hoặc

  • Người thân thích của bị can, bị cáo để bảo quản.

Người được giao bảo quản tài sản bị kê biên không được tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản. Nếu vi phạm, họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015.

Người được giao bảo quản tài sản kê biên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hủy hoại tài sản

Thực tiễn kê biên tài sản trong các vụ án hình sự

Những khó khăn khi kê biên tài sản

Trong quá trình thực hiện kê biên tài sản trong vụ án Hình sự, tồn tại còn nhiều bất cập:

Về thẩm quyền kê biên tài sản

Theo khoản 2 Điều 128 Bộ luật Tố tụng Hình sự (Bộ luật Tố tụng Hình sự) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), thẩm quyền ra lệnh kê biên tài sản thuộc về:

  • Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra;

  • Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát;

  • Chánh án, Phó Chánh án Tòa án;

  • Hội đồng xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 chưa quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm thi hành lệnh kê biên. Công văn số 5024/VKSTC-V14 ngày 19/11/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định cơ quan nào ban hành lệnh thì cơ quan đó thực hiện, những quy định này khó khả thi vì:

  • Viện kiểm sát và Tòa án không có lực lượng chuyên trách để kê biên;

  • Hội đồng xét xử không thể tự thi hành do nguyên tắc xét xử liên tục.

Thực tế, lệnh kê biên do Viện kiểm sát hoặc Tòa án ban hành thường được giao cho Cơ quan điều tra thực hiện, phù hợp với điểm e khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, theo đó Điều tra viên có nhiệm vụ thi hành các biện pháp ngăn chặn, bao gồm kê biên tài sản.

Về đối tượng bị kê biên tài sản

Điều 128 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định kê biên tài sản áp dụng đối với cá nhân bị can, bị cáo trong các trường hợp:

  • Tội phạm có hình phạt tiền;

  • Tội phạm có thể bị tịch thu tài sản;

  • Để đảm bảo bồi thường thiệt hại.

Điều 437 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 mở rộng áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội nhưng không bao gồm trường hợp bị tịch thu tài sản. Bất cập đặt ra là:

  • Một số pháp nhân không bị khởi tố vẫn bị kê biên tài sản (ví dụ: Vụ án Châu Thị Thu Nga - Housing Group bị kê biên tài sản dù không bị khởi tố).

  • Khoản 1 và khoản 2 Điều 437 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 chưa thống nhất khi quy định kê biên tài sản pháp nhân nhưng đồng thời giới hạn phạm vi kê biên đối với phần có thể bị phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại.

  • Việc áp dụng kê biên giữa các địa phương không đồng nhất do không phải biện pháp cưỡng chế bắt buộc, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án.

Về phạm vi kê biên tài sản

Theo Điều 128 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, chỉ được kê biên phần tài sản tương ứng với mức phạt tiền, tịch thu hoặc bồi thường. Tuy nhiên, trong thực tế:

  • Việc định giá tài sản bị kê biên gặp khó khăn do giá trị tài sản lớn hơn nhiều so với mức cần kê biên;

  • Đối với tài sản sở hữu chung hợp nhất (ví dụ: tài sản vợ chồng chưa phân chia), khó xác định phần tài sản thuộc bị can, bị cáo, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan.

Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể về cách xác định "phần tài sản tương ứng" để tránh tùy tiện trong áp dụng.

Về quản lý tài sản bị kê biên

  • Về quyền của người bảo quản tài sản: Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 chưa quy định rõ có được sử dụng, hưởng hoa lợi từ tài sản kê biên hay không. Điều này dẫn đến cách hiểu không thống nhất giữa việc cấm tiêu dùng tài sản (Điều 385 Bộ luật Hình sự 2015) và quyền khai thác tài sản trong một số trường hợp.

  • Về người quản lý tài sản của pháp nhân: Điều 437 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định giao tài sản bị kê biên cho "người đứng đầu pháp nhân" nhưng không định nghĩa rõ khái niệm này. Trong khi đó, theo Luật Doanh nghiệp 2020, người đứng đầu có thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc… Điều này gây khó khăn trong thực hiện.

Giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý & kê biên tài sản

Việc kê biên tài sản trong tố tụng hình sự hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập về thẩm quyền, đối tượng, phạm vi, quản lý, thủ tục và hủy bỏ. Để khắc phục những vấn đề này, cần có những giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật, đảm bảo tính hiệu quả và minh bạch trong quá trình thực hiện.

Để khắc phục bất cập liên quan đến kê biên tài sản cần có những giải pháp cụ thể

Trước hết, về thẩm quyền kê biên tài sản, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định rõ ràng cơ quan nào chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp cưỡng chế này. Điều này dẫn đến sự lúng túng trong thực tế áp dụng, gây ảnh hưởng đến tiến độ tố tụng. Để giải quyết vấn đề này, cần bổ sung quy định rằng sau khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án ban hành quyết định kê biên tài sản, quyết định này phải được chuyển đến Cơ quan điều tra trong thời hạn 07 ngày để tổ chức thi hành. Điều này sẽ giúp xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan tố tụng, tránh tình trạng chồng chéo hoặc trì hoãn trong việc thực hiện biện pháp cưỡng chế.

Thứ hai về đối tượng bị kê biên tài sản, khoản 1 Điều 437 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 chưa đề cập đến việc kê biên tài sản của pháp nhân thương mại bị khởi tố, mặc dù có nhiều trường hợp pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể bị áp dụng hình phạt tịch thu tài sản. Việc thiếu quy định này dẫn đến khoảng trống pháp lý trong việc xử lý tài sản của pháp nhân vi phạm. Do đó, cần bổ sung khoản 1 Điều 437 để quy định rõ ràng rằng biện pháp kê biên có thể áp dụng đối với cả pháp nhân khi bị truy tố về các tội danh có hình phạt tịch thu tài sản, từ đó đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong quy định pháp luật.

Thứ ba về phạm vi kê biên tài sản, quy định hiện hành chưa làm rõ khái niệm “tương ứng” với mức phạt tiền, tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại, dẫn đến cách hiểu không thống nhất trong thực tiễn. Để giải quyết vấn đề này, cần quy định chi tiết hơn về nguyên tắc kê biên như sau: Nếu cá nhân hoặc pháp nhân có nhiều tài sản, chỉ được kê biên phần tài sản có giá trị tương ứng với số tiền cần thi hành án; Nếu cá nhân hoặc pháp nhân chỉ có một tài sản duy nhất nhưng có thể chia nhỏ mà không làm giảm đáng kể giá trị sử dụng, thì chỉ kê biên phần tương ứng với nghĩa vụ tài chính; Nếu tài sản duy nhất không thể chia nhỏ mà không làm mất giá trị sử dụng, thì vẫn phải tiến hành kê biên toàn bộ để đảm bảo việc thi hành án. Đồng thời, cần bổ sung quy định về định giá tài sản ngay tại thời điểm kê biên để xác định chính xác giá trị tài sản bị kê biên.

Thứ tư về quản lý tài sản bị kê biên, hiện nay chưa có quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của người quản lý tài sản, dẫn đến những rủi ro trong việc bảo toàn giá trị tài sản kê biên. Cần bổ sung quy định rằng người quản lý không được phép tiêu dùng tài sản bị kê biên theo cách làm giảm giá trị tài sản, nhưng có quyền khai thác tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó. Đồng thời, cần sửa đổi Điều 437 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 theo hướng quy định rõ rằng tài sản bị kê biên của pháp nhân phải được giao cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân để bảo quản, thay vì sử dụng thuật ngữ chung chung như “người đứng đầu pháp nhân”, nhằm đảm bảo trách nhiệm quản lý rõ ràng hơn.

Thứ năm về thủ tục kê biên tài sản, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa có quy định riêng đối với trường hợp kê biên tài sản thuộc sở hữu chung. Việc thiếu quy định cụ thể có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của những đồng sở hữu hợp pháp. Do đó, cần bổ sung quy định yêu cầu khi kê biên tài sản chung, ngoài những người theo thủ tục tố tụng thông thường, phải có sự tham gia của người đồng sở hữu hoặc người đang quản lý hợp pháp tài sản đó. Nếu tài sản chung có thể phân chia, chỉ kê biên phần thuộc sở hữu của người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế; nếu không thể phân chia, cần có hướng dẫn cụ thể về cách giải quyết sau khi kê biên. Ngoài ra, để đảm bảo việc kê biên được thực hiện kịp thời, quyết định kê biên phải được chuyển đến Cơ quan điều tra trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ban hành để tổ chức thi hành ngay.

Cuối cùng, về hủy bỏ kê biên tài sản, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp này, dẫn đến sự chậm trễ trong việc trả lại tài sản khi không còn căn cứ kê biên. Để khắc phục vấn đề này, cần bổ sung quy định vào Điều 130 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 về thời hạn và trình tự hủy bỏ kê biên, trong đó quy định rằng trong vòng 07 ngày kể từ ngày ban hành quyết định hủy kê biên, quyết định này phải được gửi đến tất cả những người có mặt trong biên bản kê biên. Đối với giai đoạn điều tra, trước khi hủy bỏ hoặc thay thế lệnh kê biên, Cơ quan điều tra phải thông báo trước cho Viện kiểm sát để đảm bảo sự giám sát chặt chẽ và tránh sai sót trong quá trình xử lý tài sản.

Như vậy, Kê biên tài sản trong vụ án hình sự không chỉ giúp đảm bảo thi hành án hiệu quả mà còn ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản. Đây là biện pháp quan trọng để thực thi công lý, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:

Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01

Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html

Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830

Website: https://luatsulh.com/

Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang

Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:

Website: https://luatsulh.com/

Facebook: Luật sư LHLegal

Youtube: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)

Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí