>>> Tôi bị người ta lừa ký vào giấy vay nợ, giờ phải làm sao?
>>> Bị chuyển nhầm 300 triệu: Xử lý thế nào để tránh bị lừa?
Hiện nay, với tình trạng đất đai khan hiếm, liên tục tăng giá, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự cả tin của người dân địa phương để thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo như “làm sổ đỏ”, “bao trọn gói”, lấy liền sổ đỏ với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng tỉ đồng.
Như trường hợp của ông Đặng Văn Quyết, ở xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Vì sự cả tin, mà ông trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sự việc đã khiến ông trắng tay và phải gánh nợ số tiền lớn, hơn 1,2 tỷ đồng, tiền lãi ngày một tăng lên, cuộc sống lâm vào cảnh khốn đốn, tạm bợ qua ngày (Theo nguồn tin từ Công an tỉnh Quảng Bình).
Ngày 8/01/2025, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố đối với Hoàng Văn Đà (SN 1986) và Đào Thị Khiêm (SN 1967) cùng ở huyện Thanh Oai, Hà Nội về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, với mục đích chiếm đoạt tiền để chi tiêu cá nhân, Đà nảy sinh ý định nhận tiền làm sổ đỏ cho những người có nhu cầu. Để thực hiện hành vi, Đà tự giới thiệu rằng bản thân quen biết nhiều người ở Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hà Nội, có khả năng làm được sổ đỏ. Ngoài ra Đà còn thành lập văn phòng bất động sản H&D ở huyện Thanh Oai, thuê nhân viên đứng ra tìm người có nhu cầu làm sổ đỏ. Có được lòng tin của nạn nhân, Đà yêu cầu họ đặt cọc tiền mua đất và chiếm đoạt luôn số tiền trên mà không làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Đà biết thông tin có thửa đất 176m2 tại thôn Ngọc Liên, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội đang được rao bán với giá 334 triệu đồng. Đà đặt cọc trước 20 triệu đồng “làm tin”, yêu cầu chủ nhà không được bán thửa đất trên cho ai. Thông qua Đào Thị Khiêm giới thiệu, anh Phạm Văn T biết thông tin thửa đất trên. Đà nói với anh này về việc bán lại thửa đất trên với giá 500 triệu đồng, trong 30 ngày sẽ làm thủ tục, cấp sổ đỏ sớm nhất mà không mất chi phí.
Anh này đã đồng ý và giao cho Đà 100 triệu đồng đặt cọc. Sau đó, anh T đưa nốt 400 triệu đồng và giấy tờ để làm thủ tục. Mặc dù nhận tiền của anh T nhưng Đà không thanh toán tiền cho chủ nhà nên anh T không được giao đất.
Trong thời gian này, Đà nhận được lời đề nghị của người khác về việc làm sổ đỏ, nhờ rao bán thửa đất dịch vụ 150m2.
Khi đó, Đà liền bảo anh T chuyển sang mua mảnh đất này với giá 750 triệu đồng, cho nợ 250 triệu đồng, hứa hẹn trong 01 tháng sẽ làm sổ đỏ và sang tên cho anh T. Tuy nhiên, quá thời hạn cam kết, Đà không giao đất cũng không trả lại tiền cho anh T.
Đào Thị Khiêm cũng bị Đà chiếm đoạt 95 triệu đồng. Vào cuối tháng 10/2021, Khiêm nhờ Đà làm sổ đỏ cho thửa đất 766m2 tại thôn Ngọc Liên, xã Kim An, huyện Thanh Oai. Đà đồng ý và nói phải giao trước 40 triệu đồng. Ngoài ra, vào tháng 12/2021, Khiêm mua mảnh đất diện tích 83,7m2 và nhờ Đà làm thủ tục tách thửa, làm sổ đỏ.
Đối tượng Lê Thanh Hưng tại Cơ quan Công an thời điểm bị bắt giữ
Tổng cộng Khiêm đưa cho Đà 95 triệu đồng song Đà không liên hệ với cơ quan chức năng làm thủ tục cấp sổ đỏ, tách thửa mà sử dụng tiền tiêu xài cá nhân. Nhiều nạn nhân khác cũng bị Đà chiếm đoạt từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng.
Ngoài ra, thông qua Đào Thị Khiêm, Đà còn chiếm đoạt 470 triệu đồng của 4 người khác. Trong đó có chị Nguyễn Thị H bị chiếm đoạt 200 triệu đồng.
Cụ thể, vào tháng 11/2021, chị H có nhu cầu bán 3 mảnh đất diện tích 243m2 nên nhờ Khiêm môi giới. Khiêm nói 2 mảnh đất chưa có sổ đỏ, rất khó bán nên sẽ nhờ người làm sổ đỏ. Đà đồng ý và nói chi phí làm sổ là 140 triệu đồng, thời hạn 75 ngày. Chị H đề nghị làm nhanh sổ để bán được giá cao thì Đà nói nếu làm sổ trong 45 ngày thì mất 200 triệu đồng. Chị H tin và đưa tiền cho Đà để được làm sổ đỏ nhanh. Tuy nhiên, Đà cầm tiền để chi tiêu cá nhân.
Với thủ đoạn trên, từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2022, Đà chiếm đoạt hơn 1,7 tỷ đồng của 18 người. Cơ quan điều tra xác định, khi môi giới, viết, ký hợp đồng đặt cọc, nhận tiền hộ Đà, Khiêm không bàn bạc, trao đổi với Đà về việc chiếm đoạt tiền hay thỏa thuận việc hưởng tiền môi giới, hoa hồng từ việc giới thiệu. Sau khi nhận tiền của các bị hại, Khiêm đều đưa lại hết cho Đà nên không có căn cứ xác định Khiêm đồng phạm với Đà.
Tuy nhiên, trong vụ án này, Đào Thị Khiêm chiếm đoạt 150 triệu đồng của anh Nguyễn Minh Q khi giới thiệu bản thân có mối quan hệ, có thể làm sổ đỏ cho gia đình anh này. Sau khi nhận tiền, Khiêm không thực hiện theo cam kết, không trả lại tiền.
Trên thực tế, các đối tượng còn dùng nhiều cách thức tinh vi để chiếm đoạt tiền của những người “nhẹ dạ cả tin”.
Giữa tháng 9/2024, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Thanh Hưng (sinh năm 1991), trú tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An về các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”; Sử dụng con dấu tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Do nghiện cờ bạc và nhu cầu tiêu xài cá nhân, Lê Thanh Hưng đã tự giới thiệu rằng bản thân có thể làm các thủ tục về cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng, tách thửa… để lừa các bị hại nộp tiền và chiếm đoạt số tiền này.
Cụ thể, vào tháng 7/2022, thông qua các mối quan hệ, Lê Thanh Hưng biết ông Hồ Ngọc L (sinh năm 1972), trú tại xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu đang có ý định làm các thủ tục liên quan đất đai nói rằng bản thân mình có thể lo liệu được. Quá trình nhận làm hồ sơ cho ông L, từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2023, Lê Thanh Hưng đã đưa ra các lý do gian dối như nộp tiền xin cấp phép quy hoạch đất ở, nộp tiền thuế… để ông L. nhiều lần đưa tiền cho Hưng.
Hưng cũng sử dụng điện thoại cá nhân chỉnh sửa ảnh các giấy tờ liên quan rồi gửi qua mạng xã hội zalo như: phiếu thu tiền, biên nhận hồ sơ, biên bản xác định ranh giới mốc thửa đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông L để ông L tin tưởng mà đưa tiền cho Hưng. Với lý do Giám đốc Văn phòng đăng ký đất tỉnh Nghệ An bị bắt và “sổ đỏ” của ông L đang bị giữ lại để điều tra, Hưng yêu cầu ông L đưa 200 triệu đồng để chuộc “sổ đỏ” về. Vì vậy, trong thời gian này, ông L đã tin tưởng và nhiều lần đưa cho Hưng tổng số tiền 944.640.000 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, Lê Thanh Hưng không sử dụng tiền để làm thủ tục cho ông L mà đã tiêu xài cá nhân và đánh bạc qua mạng.
Nạn nhân tiếp theo của Hưng là ông Hoàng Mạnh Th. Tháng 5/2022, ông Hoàng Mạnh Th (trú tại xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu) biết Hưng nhận làm thủ tục liên quan đất đai nên đã liên hệ làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 thửa đất của mình. Hưng đến nhà gặp ông Th và giả vờ gọi điện thoại, sau đó nói dối ông Th đã xử lý xong việc. Hưng yêu cầu ông Th đưa cho mình 50 triệu đồng mà Hưng gọi là “phí ban đầu”. Khoảng một tuần sau, Hưng gọi điện cho ông Th chuẩn bị 50 triệu đồng để đến Chi nhánh Văn phòng đất đai huyện “lo liệu”, sau đó tiếp tục nói dối việc của ông Th “đã xử lý xong”. Để ông Th. tiếp tục đưa tiền, Hưng nói dối ông Th. là thửa đất của ông khai hoang sau 1980 nên phải “chạy” xin xác nhận là khai hoang trước 1980 mới được cấp sổ. Với chiêu trò này, Hưng yêu cầu ông Th đưa thêm 120 triệu đồng. Sau đó, đối tượng này nhiều lần đưa ra những lý do như tiếp khách, gặp gỡ, quan hệ… để “vòi” tiền ông Th. Tháng 7/2023, Hưng tự soạn một Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất, in ra rồi viết nội dung và đóng dấu giả mạo Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Diễn Châu rồi đưa cho ông Th, yêu cầu ông Th đóng thuế đất theo luật mới. Tổng cộng, Hưng chiếm đoạt của ông Th hơn 633 triệu đồng.
Cũng với thủ đoạn tương tự, Hưng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người khác. Qua điều tra cho thấy, từ tháng 7/2022 đến tháng 7/2023, Hưng đã chiếm đoạt tiền của 7 bị hại tổng cộng hơn 2,5 tỷ đồng. Trong quá trình lừa đảo, sợ bị hại phát hiện nên Hưng đã làm giả giấy biên nhận hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất, sử dụng con dấu giả của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Diễn Châu đóng dấu lên giấy biên nhận giả để đưa cho bị hại. Thậm chí lên mạng xã hội đặt mua sổ đỏ giả rồi đưa cho bị hại. Với hành vi trên, Lê Thanh Hưng bị truy tố và đưa ra xét xử về 3 tội danh gồm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức và Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để lấy lòng tin của người dân bằng cách thành lập “văn phòng bất động sản” dù không được đào tạo, không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, thuê nhân viên tìm người có nhu cầu làm sổ đỏ trong thời gian ngắn, chi phí thấp, đưa ra các lời mời chào làm nhanh hồ sơ đất đai, đưa ra thông tin sai sự thật về khả năng, chuyên môn của mình để người dân tin tưởng…
Các đối tượng này còn tìm cách tiếp cận “con mồi” - những người đang có nhu cầu sở hữu về cấp sổ đỏ, đưa ra các lý do gian dối và bịa đặt, khai khống các khoản tiền như nộp tiền xin cấp phép quy hoạch đất ở, nộp tiền thuế, tiền lệ phí … Yêu cầu nạn nhân phải đưa tiền cho chúng nếu muốn hoàn thành thủ tục để được cấp sổ đỏ. Sau khi nhận được tiền từ người dân thì tìm cách chiếm đoạt tiền, bỏ trốn.
Các đối tượng đã tiếp cận người đang có nhu cầu cấp sổ đỏ, đưa ra lý do gian dối để nạn nhân đưa tiền cho chúng
Bằng thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp, các đối tượng lừa đảo gây rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi số tiền chiếm đoạt, vì vậy những bị hại trong các vụ án càng khó khăn, nợ nần chồng chất hoặc phải vay mượn từ nhiều nguồn, nhiều nơi, thậm chí có người đã tìm đến “tín dụng đen” để vay tiền trả nợ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự.
Nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến là những người dân chưa nắm rõ thông tin, hoặc thiếu tìm hiểu kỹ càng về thủ tục làm sổ đỏ, nghĩ rằng thủ tục làm sổ đỏ rất khó khăn, mất nhiều thời gian công sức. Vì tin tưởng nên người dân đã trả tiền dịch vụ cho các đối tượng này, sau đó giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu gốc về đất đai cho họ để thực hiện dịch vụ, số tiền thực hiện dịch vụ vài chục triệu đồng có khi lên tới vài tỷ đồng, những khoản tiền mà pháp luật không có quy định phải nộp nhưng các đối tượng cố tình bịa đặt với lý do cần nộp cho cơ quan nhà nước để hoàn tất thủ tục.
Nguyên nhân trực tiếp khiến người dân rơi vào bẫy lừa đảo làm sổ đỏ nhanh là tâm lý muốn sở hữu sổ đỏ nhanh. Nhưng trái ngược với mong muốn của người dân, hiện nay, do giao dịch về đất đai là một lĩnh vực nhạy cảm, giá trị giao dịch lớn nên thủ tục hành chính khá phức tạp và mất nhiều thời gian, việc Nhà nước quy định như vậy để đảm bảo việc các bên tự nguyện, không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba.
Tâm lý muốn sở hữu sổ đỏ nhanh, e ngại các thủ tục hành chính rườm rà, mất thời gian cộng thêm lòng tin khiến nhiều người sẵn sàng giao cho các đối tượng lừa đảo số tiền lớn để đặt cọc, mua bán, với hy vọng sở hữu sổ đỏ nhanh chóng mà ít tốn thời gian, công sức đi lại nhất có thể.
Mặc dù nhà nước đã có nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh và quản lý và giám sát hoạt động môi giới, cung cấp các dịch vụ về bất động sản chặt chẽ, nhưng hoạt động môi giới, nhất là môi giới tự do… còn bị buông lỏng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lừa đảo làm sổ đỏ, “hét giá trên trời”, …gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 (sửa đổi, bổ sung năm 2024) quy định:
“Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định tại khoản 5 Điều 9 của Luật này và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Phải có quy chế hoạt động dịch vụ môi giới bất động sản;
b) Phải có cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định của Chính phủ;
c) Có tối thiểu 01 cá nhân có chứng chỉ môi giới bất động sản;
d) Trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản gửi thông tin về doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi thành lập doanh nghiệp để được đăng tải trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của Luật này.
2. Cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản;
b) Phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản”.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, có khoảng trên 300.000 người môi giới bất động sản nhưng những môi giới bất động sản thực sự qua đào tạo và được cấp chứng chỉ hành nghề chỉ có khoảng 30.000 người, nghĩa là chỉ bằng 1/10 con số thống kê, chiếm khoảng 10%. Đó chỉ là con số thống kê người hành nghề môi giới bất động sản tại các sàn giao dịch, còn thực tế môi giới tự phát (hay được gọi là cò đất) thì không thể thống kê hết được và không có cơ chế khả thi để quản lý.
Điều này tạo ra lỗ hổng trong việc quản lý và giám sát các cá nhân, tổ chức hành nghề môi giới bất động sản trái phép (không qua đào tạo, không có chứng chỉ hành nghề).
Để tránh rơi vào bẫy “Cò” làm sổ đỏ, trước tiên người dân cần hiểu rõ quy trình cấp sổ đỏ.
Người dân cần hiểu rõ quy trình cấp sổ đỏ để tránh rơi vào bẫy của bọn lừa đảo
Hiện nay, quy trình cấp sổ đỏ lần đầu được quy định tại Nghị định 101/2024/NĐ-CP Quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai, như sau:
Căn cứ Điều 28 Nghị định trên, hồ sơ cần chuẩn bị để thực hiện hồ sơ thực hiện thủ tục làm Sổ đỏ được quy định như sau:
Trường hợp người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân/cộng đồng dân cư:
Đơn đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK được ban hành kèm Nghị định 101/2024/NĐ-CP (mẫu này cũng áp dụng với người gốc Việt Nam định cư nước ngoài).
Một trong các giấy tờ:
Giấy tờ về quyền sử dụng đất được cơ quan thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 như: Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất đã được UBND cấp xã xác nhận sử dụng trước ngày 15/10/1993, Dự án/danh sách/văn bản về di dân đi xây dựng khu kinh tế mới, di dân tái định cư được UBND cấp huyện/tỉnh hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà có tên của người sử dụng đất, Giấy tờ tạm giao đất của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện, cấp tỉnh... (căn cứ Điều 137 Luật Đất đai năm 2024);
Giấy phép xây dựng nhà ở/xây dựng nhà ở có thời hạn; Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Giấy tờ về mua bán/nhận tặng cho/đổi/nhận thừa kế nhà ở đã có chứng nhận của công chứng/chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền với trường hợp giao dịch trước 01/7/2006… (căn cứ khoản 1, 5 Điều 148 Luật Đất đai 2024);
Giấy phép xây dựng công trình/giấy phép xây dựng công trình có thời hạn; Giấy tờ về sở hữu công trình xây dựng trừ trường hợp Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng; Giấy tờ về mua bán/tặng cho/thừa kế công trình xây dựng... (căn cứ khoản 1, khoản 5 Điều 149 của Luật Đất đai năm 2024)
Nộp thêm giấy tờ về chuyển quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đã cấp đối với phần diện tích tăng thêm đối với trường hợp đất gốc có giấy tờ về quyền sử dụng đất tại Điều 137 Luật Đất đai năm 2024 ở trên mà có phần diện tích đất tăng thêm, đã được cấp giấy chứng nhận.
Giấy tờ về nhận thừa kế quyền sử dụng đất mà chưa được cấp sổ đỏ.
Giấy tờ về nhận thừa kế quyền sử dụng đất và giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất khi đã nhận thừa kế.
Giấy tờ về giao đất không đúng thẩm quyền hoặc giấy tờ mua, hoá giá, nhận thanh lý, phân phối nhà ở, công trình gắn liền với đất (nếu có).
Giấy tờ liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (nếu có).
Hợp đồng/văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Toà án về xác lập quyền đối với thửa đất liền kề, có kèm theo sơ đồ thể hiện về vị trí, kích thước của phần diện tích thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế (nếu thuộc trường hợp có đăng ký quyền đối với thửa đất liền kề).
Văn bản xác định các thành viên hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất (đối với trường hợp đất do hộ gia đình đang sử dụng).
Mảnh trích đo bản đồ địa chính của thửa đất (nếu có);
Hồ sơ thiết kế xây dựng công trình được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định hoặc đã có văn bản về việc chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình, hạng mục công trình (nếu thuộc trường hợp chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất nông nghiệp mà chủ sở hữu không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 149 của Luật Đất đai 2024 (như: giấy phép xây dựng; giấy tờ sở hữu công trình xây dựng;...) hoặc công trình thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định).
Quyết định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, có thể hiện biện pháp khắc phục là buộc đăng ký đất đai; chứng từ về việc nộp phạt của người sử dụng đất (đối với trường hợp tại điểm a khoản 6 Điều 25 của Nghị định 101/2024/NĐ-CP - hộ gia đình cá nhân sử dụng đất không đúng mục đích, đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch).
Chứng từ chứng minh thực hiện nghĩa vụ tài chính, giấy tờ về việc miễn giảm nghĩa vụ tài chính về đất và tài sản gắn liền với đất (nếu có).
Giấy tờ về việc chuyển nhượng có chữ ký của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng (đối với trường hợp chuyển quyền mà chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định).
Giấy xác nhận của cơ quan thẩm quyền về xây dựng cấp huyện là đủ điều kiện tồn tại nhà ở, công trình xây dựng (đối với trường hợp có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận thuộc trường hợp phải xin cấp phép xây dựng).
Trường hợp người đang sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong nước, tổ chức nước ngoài có chức năng về ngoại giao, tổ chức tôn giáo/tôn giáo trực thuộc, tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư nước ngoài nhận thừa kế quyền sử dụng đất:
Đơn đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 05/ĐK được ban hành kèm Nghị định 101/2024/NĐ-CP.
Một trong các giấy tờ tại Điều 137; khoản 1, 5 Điều 148; khoản 1, 5 Điều 149 Luật Đất đai năm 2024 đã liệt kê ở trường hợp 1: Giấy tờ về quyền sử dụng đất được cơ quan thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất trước ngày 15/10/1993; Giấy phép xây dựng nhà ở/xây dựng nhà ở có thời hạn...
Giấy tờ người gốc Việt Nam định cư nước ngoài nhận thừa kế quyền sử dụng đất.
Sơ đồ/trích lục bản đồ địa chính/mảnh trích đo bản đồ địa chính của thửa đất (nếu có); mảnh trích đo bản đồ địa chính của thửa đất (nếu có) đối với người gốc Việt Nam định cư nước ngoài.
Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng về sử dụng đất theo Mẫu số 05a/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP đối với trường hợp tổ chức trong nước/tổ chức tôn giáo/tôn giáo trực thuộc đang sử dụng đất.
Quyết định vị trí đóng quân/văn bản giao cơ sở nhà đất hoặc địa điểm công trình quốc phòng và an ninh được cấp thẩm quyền phê duyệt cho đơn vị quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc QĐND và CAND; doanh nghiệp nhà nước do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được giao để quản lý, sử dụng đất và công trình gắn liền với đất.
Hồ sơ thiết kế xây dựng của công trình đã được cơ quan chuyên môn thẩm định hoặc đã có văn bản về việc chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đối với trường hợp chứng nhận quyền sở hữu đối với công trình xây dựng trên đất nông nghiệp mà chủ sở hữu công trình đó không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 149 của Luật Đất đai 2024 (như: giấy phép xây dựng; giấy tờ sở hữu công trình xây dựng;...) hoặc công trình thuộc trường hợp miễn giấy phép xây dựng).
Chứng từ chứng minh thực hiện nghĩa vụ tài chính, giấy tờ về việc miễn giảm nghĩa vụ tài chính về đất, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ.
Hiện nay, nhiều địa phương có dịch vụ công trực tuyến giúp tra cứu tiến độ xử lý hồ sơ trực tuyến để người dân chủ động nắm bắt được tiến độ giải quyết hồ sơ của mình.
(i) Trước khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo: Người dân cần nâng cao cảnh giác khi sử dụng dịch vụ thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Khi cần làm các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan giấy tờ nhà đất thì cần đến văn phòng, cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai để thực hiện, không thông qua trung gian để tránh bị lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu có người tự xưng là cán bộ, công chức nhà nước hoặc môi giới, hãy yêu cầu họ xuất trình giấy tờ chứng minh, đồng thời liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng để xác minh thông tin. Trước khi ký bất kỳ giấy tờ nào, cần đọc kỹ nội dung hoặc nhờ luật sư tư vấn để đảm bảo không bị lợi dụng.
(ii) Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo: Người dân cần tố giác ngay các hành vi lừa đảo với cơ quan công an để điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo theo pháp luật. Đồng thời, việc chia sẻ thông tin và cảnh báo trong cộng đồng sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng “cò đất” lừa đảo, bảo vệ quyền lợi của bản thân và những người xung quanh.
Nếu phát hiện lừa đảo, người dân cần tố giác ngay tại cơ quan công an điều tra
Tư vấn về đất đai, hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai là hoạt động thiết yếu bởi thị trường bất động sản trong những năm qua luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho các cá nhân, tổ chức mua bán, đầu tư, giao dịch bất động sản, nhất là nạn “cò đất” lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Việc tìm đến sự hỗ trợ từ phía luật sư có kiến thức và dày dặn kinh nghiệm tạo ra hành lang pháp lý an toàn trong các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời giúp các thủ tục giải quyết tranh chấp được tối giản, tiết kiệm tiền của, thời gian và công sức.
Một trong những điểm mạnh của LHLegal phải kể đến như:
Tư vấn pháp lý thường xuyên cho các chủ đầu tư phát triển dự án bất động sản, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các tổ chức, cá nhân đầu tư bất động sản;
Tư vấn, xem xét, đánh giá, thẩm định giá trị pháp lý của các giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua, các giao dịch đảm bảo liên quan đến bất động sản;
Tư vấn và hỗ trợ thực hiện các thủ tục xin thuê đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất…;
Tư vấn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, dịch vụ bất động sản (môi giới, định giá, sàn giao dịch bất động sản, quảng cáo và quản lý bất động sản…);
Tư vấn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện các giao dịch bất động sản như tặng cho, chuyển nhượng, trao đổi, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua, cho mượn, thừa kế, thế chấp…
Với đội ngũ Luật sư, Cố vấn có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn về pháp luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, Luật sư LHLegal tự tin đem đến cho Quý Khách hàng dịch vụ tư vấn pháp lý, hỗ trợ thủ tục hành chính trong lĩnh vực bất động sản với sự tận tâm và trách nhiệm cao nhất.
Như vậy, tình trạng người dân rơi vào bẫy của các đối tượng làm sổ đỏ giả, lừa đảo núp bóng dưới danh nghĩa làm sổ đỏ nhanh đang diễn ra phổ biến mà trong thực tế, hậu quả để lại rất lớn và rất khó khắc phục. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác, liên hệ luật sư để được hỗ trợ bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình, tránh rơi vào bẫy của các đối tượng trên.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Điện thoại: 1900 2929 01
Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang
Điện thoại: 1900 2929 01