>>> Chi phí khởi kiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản là bao nhiêu?
>>> Lừa đảo bao nhiêu tiền thì bị phạt tù?
“Mr Pips” là TikToker nổi tiếng trên mạng xã hội với mỗi clip có hàng trăm nghìn hoặc cả triệu lượt xem. Đối tượng này thường livestream để đưa ra các phân tích, nhận định, dự báo của mình về giá vàng, tiền số… và đưa ra các lời khuyên phải đầu tư nhiều tiền để thắng nhiều tiền. Ngoài ra, đối tượng này còn khoe lượng tài sản vô cùng đồ sộ và kinh nghiệm 10 năm bất bại trên thị trường đầu tư vàng và chứng khoán quốc tế.
Mr Pips cùng các đối tượng khác thành lập nhiều công ty “ma”, trong đó có 1 công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh làm “bình phong” và có khoảng 44 văn phòng tại Việt Nam.
Mặc dù công ty không đăng ký hoạt động về chứng khoán, tài chính nhưng vẫn tuyển dụng nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.
Các đối tượng đã tạo lập, quản lý 5 trang mạng có giao diện tiếng Anh để tạo sự uy tín, niềm tin cho các nhà đầu tư. Mỗi sàn giao dịch đều kết nối với ứng dụng Meta Trader 4, Meta Trader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới hiện nay.
Ban đầu, các đối tượng đã dùng các thủ đoạn để dụ dỗ các nhà đầu tư giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, “có lãi” và rút tiền được. Sau đó, sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm thúc đẩy khách hàng nâng vốn giao dịch.
Cho đến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính, các đối tượng chặn số liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách đã chuyển. Tính đến nay đã xác định được 2.661 bị hại trên toàn quốc, tổng giá trị tài sản bị thu giữ ước tính hơn 5.200 tỷ đồng.
Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
"Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ."
Như vậy, để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần phải thỏa mãn đủ các yếu tố như sau:
Mặt khách quan:
Hành vi khách quan của tội này bao gồm:
Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà ngay lúc đó, người bị hại không biết được có hành vi gian dối;
Dùng thủ đoạn gian dối là đưa thông tin giả, không đúng sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin rằng đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội.
Hậu quả của tội này là làm thiệt hại tài sản của người khác. Đây là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nếu hành vi gian dối bị phát hiện trước khi người bị lừa dối giao tài sản hoặc người bị lừa dối không phát hiện ra hành vi gian dối nhưng không giao tài sản thì không thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2.000.000 đồng hoặc nếu dưới 2.000.000 đồng thì phải thỏa mãn điều kiện được pháp luật quy định.
Khách thể:
Khách thể của tội này là quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đối tượng tác động của tội này là tài sản, bao gồm vật, tiền.
Dàn siêu xe của Mr. Pips
Mặt chủ quan:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả nhưng vẫn mong muốn hậu quả đó xảy ra.
Chủ thể:
Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định nhóm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật này.
Liên hệ với vụ việc của Mr Pips, xét thấy:
Về mặt khách quan, Mr Pips đã có hành vi dùng nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm tạo lòng tin, niềm tin, uy tín cho khách hàng, từ đó “dẫn dắt” họ tham gia vào các vụ đầu từ giao dịch, từ mức tiền giao dịch nhỏ đến mức tiền vô cùng lớn. Thủ đoạn gian dối của đối tượng này là tạo ra thông tin giả về công ty, các trang sàn giao dịch “uy tín”; hình ảnh thành công, giàu sang của cá nhân đối tượng thông qua các nền tảng mạng xã hội (TikTok)… nhằm tạo cho khách hàng niềm tin, sự uy tín từ đó tự nguyện tham gia đầu tư vào các giao dịch.
Về khách thể, đối tượng này đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của những cá nhân, tổ chức bị đối tượng này lừa đảo. Tổng giá trị tài sản mà đối tượng này chiếm đoạt lên đến hơn 5.200 tỷ đồng.
Về mặt chủ quan, Mr Pips phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, đối tượng nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả nhưng vẫn mong muốn hậu quả đó xảy ra.
Về chủ thể, Mr Pips đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (sinh năm 1994). Đồng thời, thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng này có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
Chính vì thế, Mr Pips thỏa mãn các yếu tố để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sau:
"Điều 52. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
d) Phạm tội có tính chất côn đồ;
đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;
e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
g) Phạm tội 02 lần trở lên;
h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
i) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên;
k) Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội;
n) Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;
o) Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;
p) Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng."
Qua đó có thể thấy chỉ có 15 tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mới được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự này có nội dung và ý nghĩa tăng nặng khác nhau. Chính vì thế, việc áp dụng các tình tiết này đối với những người bị áp dụng cũng sẽ khác nhau.
Tài sản của Mr. Pips bị tịch thu
Theo các khoản 2, 3, 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về các tình tiết định khung tăng nặng như sau:
"2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g)[97] (được bãi bỏ)
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b)[98] (được bãi bỏ)
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b)[99] (được bãi bỏ)
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp."
Theo đó, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có quy định các tình tiết tăng nặng định khung tương ứng với từng khung hình phạt như sau:
Các tình tiết như: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt là những tình tiết tăng nặng định khung được quy định tại khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức khung hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Các tình tiết như: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh được quy định tại khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Các tình tiết như: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp được quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Liên hệ với vụ việc trên, Mr Pips thực hiện hành vi phạm tội với quy mô, tổ chức vô cùng lớn và chuyên nghiệp (có 44 văn phòng tại Việt Nam; tuyển hàng ngàn nhân viên sale được đào tạo để tìm kiếm, dụ dỗ khách hàng; quản lý 5 trang mạng có kết nối với ứng dụng Meta Trader 4, Meta Trader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến…). Qua đó, đối tượng phạm tội có tổ chức và có tính chất chuyên nghiệp – hai tình tiết tăng nặng định khung hình phạt được quy định tại khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đồng thời, xét thấy đối tượng này đã chiếm đoạt tài sản tổng giá trị lên đến hơn 5.200 tỷ đồng, tức là rơi vào tình tiết tăng nặng định khung “chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên” tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hình ảnh giàu sang của Mr. Pips trên mạng xã hội
Ngoài ra, đối tượng này cùng với nhiều đối tượng khác đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất nhiều lần, tổng số nạn nhân trong vụ việc này khoảng 2.700 người. Hành vi phạm tội này được tiến hành từ năm 2021 đến nay. Xét thấy, đối tượng này đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên, đây là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Xét thấy, bị can Phó Đức Nam (tên thường gọi là Mr Pips) phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều tình tiết tăng nặng định khung hình phạt như phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên. Đồng thời, đối tượng này đã thực hiện hành vi phạm tội rất nhiều lần kể từ năm 2021 đến nay. Cho nên, xét thấy tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự thì Mr Pips có thể bị phạt tù với mức khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi vì xét thấy hành vi của đối tượng này là vô cùng nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cho nhiều người. Chính vì thế, cần phải có mức hình phạt thật nghiêm minh để trừng trị đối tượng này một cách thích đáng.
Bản án 28/2024/HS-PT ngày 18/01/2024 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tải bản án tại đây
Bị cáo: Ngô Hồng N, sinh năm 1997, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bị hại:
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Hương G (sinh năm 1989) và ông Nguyễn Văn D1 (sinh năm 1993).
Ông Đặng Minh K (sinh năm 1991).
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Diễm T2 (sinh năm 1978) và ông Nguyễn Ngọc H4 (sinh năm 1981).
Bà Bùi Thị Phương N3 (sinh năm 1980).
Đầu tháng 3/2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát dẫn đến khan hiếm khẩu trang y tế. Thông qua mạng xã hội Facebook và Z, N đã quảng cáo có nguồn khẩu trang y tế với giá bán từ 8.000.000 đồng/thùng đến 11.000.000 đồng/thùng, mỗi thùng có 50 hộp. Phương thức giao dịch là sau khi thống nhất thỏa thuận số lượng và giá cả thì người mua sẽ đặt cọc cho N 50% giá trị lô hàng, trong thời gian từ 7 đến 10 ngày, N sẽ tiến hành giao hàng và nhận số tiền còn lại.
Trong thời gian đầu, N giao hàng đầy đủ nên tạo được niềm tin của khách hàng, tuy vậy từ ngày 08/3/2020 đến ngày 10/3/2020, giá khẩu trang y tế tăng lên từ 15.000.000 đồng/thùng đến 17.000.000 đồng/thùng, nhưng N không thông báo cho người mua biết việc khẩu trang tăng giá mà vẫn rao bán với giá cũ để người mua đặt cọc, chiếm đoạt tiền cọc của khách hàng rồi bỏ trốn.
Cụ thể như sau: Ngô Hồng N đã chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị Hương G và Nguyễn Văn D1 số tiền 1.078.000.000 đồng; chiếm đoạt của ông Đặng Minh K số tiền 1.500.000.000 đồng; chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị Diễm T2 và ông Nguyễn Ngọc H4 305.000.000 đồng. Tổng số tiền mà N đã chiếm đoạt của 03 khách hàng là 2.883.000.000 đồng.
Hành vi nêu trên của bị cáo Ngô Hồng N đã bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội.
Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại, nên đã áp dụng điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với bị cáo là có căn cứ.
Về tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã khắc phục một phần hậu quả cho bị hại; bị cáo có trình độ học vấn 8/12 và có 02 con nhỏ sinh năm 2014 và 2016 đã áp dụng điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 để giảm cho bị cáo một phần hình phạt mà lẽ ra bị cáo phải chịu.
Các lý do của bị cáo nêu để đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại là không có căn cứ, bởi lẽ các vấn đề này cấp sơ thẩm đã xem xét và đánh giá đầy đủ. Hơn nữa, bị cáo cũng không trình bày được tình tiết nào mới để Hội đồng xét xử xem xét. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo N, giữ nguyên bản án sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Ngô Hồng N, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Xử phạt bị cáo Ngô Hồng N 13 (mười ba) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cơ sở pháp lý: điểm a khoản 4 Điều 174; điểm g khoản 1 Điều 52; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 và Điều 50; khoản 1 Điều 56 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Nếu bạn đang tìm kiếm luật sư bào chữa chuyên nghiệp, hãy để LHLegal hỗ trợ pháp lý, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho Quý khách hàng. Liên hệ ngay để nhận tư vấn và hỗ trợ tốt nhất! Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong lĩnh vực bào chữa hình sự, LHLegal tự hào là đơn vị pháp lý hàng đầu cung cấp dịch vụ tư vấn và bào chữa chuyên nghiệp. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng khách hàng trong mọi giai đoạn của vụ án, từ tư vấn pháp lý, chuẩn bị hồ sơ, đến tham gia bào chữa tại Tòa án, đảm bảo quyền lợi tối đa và công bằng pháp lý cho thân chủ.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Điện thoại: 1900 2929 01
Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang
Điện thoại: 1900 2929 01