>>> Hiểu rõ về tội nhận hối lộ: Phân tích chi tiết theo bộ luật hình sự hiện hành
>>> Khung hình phạt tội đưa hối lộ và nhận hối lộ
Theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đức và bà Trần Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, cùng ba cá nhân khác đã bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc nhận hối lộ. Các đối tượng môi giới, bao gồm Bùi Lan Anh, Nguyễn Thị Bích và Đỗ Doãn Tiến, đã nhận tiền từ các cơ sở kinh doanh dược và phòng khám tư nhân để “hỗ trợ” trong việc cấp hoặc gia hạn các giấy phép hành nghề, như Giấy chứng nhận đạt thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc và Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Mức phí cho mỗi giấy phép dao động từ 15 đến 60 triệu đồng, trong đó các đối tượng môi giới hưởng lợi từ 7 đến 52 triệu đồng, phần còn lại được chia cho các đối tượng liên quan. Từ năm 2018 đến nay, tổng số tiền thu được từ hành vi nhận hối lộ của 760 cơ sở lên đến khoảng 11 tỷ đồng, trong đó Nguyễn Thị Bích hưởng lợi 8 tỷ đồng và Bùi Lan Anh hơn 1 tỷ đồng.
Hành vi của các bị can (đã được nêu tại phần 1.) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (Bộ luật Hình sự hiện hành):
Tội nhận hối lộ (Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)): Áp dụng cho các cán bộ, công chức như ông Nguyễn Văn Đức và bà Trần Thị Bạch Tuyết, những người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền hoặc lợi ích khác nhằm thực hiện hoặc không thực hiện một công việc vì lợi ích của người đưa hối lộ. Mức phạt tù có thể lên đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, tùy thuộc vào số tiền nhận hối lộ và tính chất nghiêm trọng của hành vi. Cụ thể:
Khách thể: Khách thể của loại tội phạm này là hoạt động đúng đắn, bình thường, tính chuẩn mực trong công tác của cơ quan, tổ chức do nhà nước quy định. Đối tượng của tội nhận hối lộ phải là tiền của, tài sản hoặc những giấy tờ có giá trị tài sản.
Mặt khách quan:
Mặt khách quan của tội nhận hối lộ là hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”:
“Sẽ nhận” là trường hợp người có chức vụ chưa nhận tiền của hối lộ nhưng có căn cứ cho rằng đã có sự thỏa thuận về việc nhận hối lộ sau khi thực hiện xong một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Trường hợp, người có chức vụ nhận quà biếu sau khi đã làm đúng chức trách của mình không được coi là nhận hối lộ bởi giữa người có chức vụ và người đưa quà biếu không có bất kỳ thỏa thuận nào về việc tặng quà biếu, người nhận quà biếu thực hiện công việc của mình đúng chức năng, quyền hạn, vô tư thì quà biếu không phải của hối lộ.
Giá trị “của hối lộ” là yếu tố bắt buộc, nếu không đáp ứng thì hành vi trên không cấu thành tội nhận hối lộ. Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên.
Lưu ý:
Nếu “của hối lộ” là lợi ích phi vật chất (chẳng hạn như hứa hẹn thăng chức, lợi ích tình dục,…) thì không bàn đến giá trị tối thiểu để cấu thành tội phạm như trên.
Hành vi nhận hối lộ đã trình bày ở trên vẫn cấu thành tội nhận hối lộ nếu của hối lộ dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi nhận hối lộ mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng được quy định tại mục 1 chương XXIII chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
Mặt chủ quan: Mặt chủ quan của tội phạm được thể hiện do hình thức lỗi cố ý trực tiếp: Người phạm tội thấy trước họ là người có chức vụ, việc nhận tiền của là do lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhận tiền của hối lộ là trái pháp luật, trái với quy định của cơ quan, tổ chức tuy nhiên họ mong muốn nhận được của hối lộ.
Chủ thể:
Chủ thể của tội nhận hối lộ là người từ đủ 16 tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định đồng thời phải là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Chức vụ, quyền hạn ấy liên quan trực tiếp đến việc giải quyết công việc của người đưa hối lộ;
Trường hợp người có chức vụ nhưng chức vụ, quyền hạn của họ không liên quan đến việc giải quyết công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì không coi là tội nhận hối lộ mà phạm vào tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Áp dụng vào trường hợp của ông Nguyễn Văn Đức và bà Trần Thị Bạch Tuyết là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, Nguyễn Văn Đức là Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội; Còn Trần Thị Bạch Tuyết là Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội đều là người có chức vụ, quyền hạn và có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận của hối lộ, các đối tượng môi giới khai nhận 11 tỷ đồng của 760 cơ sở kinh doanh dược, phòng khám, số tiền còn lại đưa cho cán bộ Sở y tế là ông Đức, bà Tuyết,…trung bình ông Đức và bà Tuyết hưởng lợi từ 6 đến 30 triệu đồng/giấy chứng nhận hoặc giấy phép hoạt động. Do đó, hành vi của ông Nguyễn Văn Đức và bà Trần Thị Bạch Tuyết đã cấu thành tội nhận hối lộ quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Hành vi của ông Nguyễn Văn Đức và bà Trần Thị Bạch Tuyết đã cấu thành tội nhận hối lộ
Tội môi giới hối lộ (Điều 365 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)): Áp dụng cho các đối tượng như Bùi Lan Anh, Nguyễn Thị Bích và Đỗ Doãn Tiến, những người đã làm trung gian kết nối giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ. Mức phạt tù có thể lên đến 15 năm, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi môi giới.
Khách thể: Tội phạm môi giới hối lộ xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức bị thoái hoá biến chất. Đồng thời gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp,... hoặc gây lợi ích công cộng.
Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội môi giới hối lộ là hành vi làm môi giới giữa người đưa và nhận hối lộ. Biểu hiện của hành vi làm môi giới hối lộ rất đa dạng:
Người có hành vi làm môi giới hối lộ có thể gặp người nhận hối lộ để gợi ý thăm dò và đưa ra những yêu cầu của người đưa hối lộ hoặc nhận lời với người nhận hối lộ là sẽ tìm gặp người đưa hối lộ để đưa ra những điều kiện của người nhận hối lộ. Việc làm này có thể chỉ diễn ra một lần hoặc có thể diễn ra nhiều lần.
Người có hành vi làm môi giới hối lộ có thể chỉ thu xếp, bố trí thời gian, địa điểm để người đưa hối lộ và người nhận hối lộ tiếp xúc, giao thiệp với nhau về việc đưa và nhận hối lộ.
Cũng có trường hợp người làm môi giới hối lộ có mặt trong cuộc tiếp xúc giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ để chứng kiến hoặc tham gia vào việc đưa và nhận hối lộ.
Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Tội phạm được coi là hoàn thành khi lợi ích mà hành vi môi giới xảy ra tối thiểu như sau:
Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên;
Nếu “của hối lộ” là lợi ích phi vật chất (chẳng hạn như hứa hẹn thăng chức, lợi ích tình dục,…) thì không bàn đến giá trị tối thiểu để cấu thành tội phạm như trên.
Chủ thể: Chủ thể của tội môi giới hối lộ là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Người phạm tội không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn và cũng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.
Áp dụng vào vụ án trên, Bùi Lan Anh, Nguyễn Thị Bích và Đỗ Doãn Tiến là người có năng lực trách nhiệm hình sự, có hành vi móc nối với cán bộ Sở Y tế để làm các thủ tục cấp giấy phép không đúng quy định cho nhà thuốc, phòng khám. Từ năm 2018 đến nay Bích, Lan Anh khai nhận 11 tỷ đồng của 760 cơ sở kinh doanh dược, phòng khám (Bích được hưởng 800 triệu đồng; Lan Anh được hưởng lợi hơn 1 tỷ đồng) và số tiền còn lại đưa cho cán bộ Sở Y tế. Như vậy, hành vi của các đối tượng Bùi Lan Anh, Nguyễn Thị Bích và Đỗ Doãn Tiến đã cấu thành tội môi giới hối lộ quy định tại Điều 365 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Tội đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Liên quan đến việc chủ cơ sở kinh doanh dược và phòng khám tư nhân tham gia đưa hối lộ cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với mức phạt tù lên đến 20 năm, tùy thuộc vào số tiền và tính chất của hành vi. Cụ thể:
Khách thể: Khách thể của tội đưa hối lộ là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức mình bị thoái hoá biến chất.
Mặt khách quan:
Hành vi của tội đưa hối lộ được thể hiện ở hành vi trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Hành vi đưa hối lộ rất đa dạng: Có thể trực tiếp hoặc qua trung gian (người môi giới), có trường hợp người đưa hối lộ dùng thủ đoạn tinh vi xảo quyệt không trực tiếp đưa hối lộ cho người nhận hối lộ cũng không qua trung gian mà tìm cách mua chuộc những người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn; cũng có trường hợp người đưa hối lộ thông qua việc thanh toán hợp đồng kinh tế, hợp đồng mua bán, thông qua việc nộp thuế, nộp lệ phí để đưa hối lộ từ ít đến nhiều, rồi đến một lúc nào đó người đưa hối lộ mới yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của mình.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội đưa hối lộ. Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên. Nếu “của hối lộ” là lợi ích phi vật chất (chẳng hạn như hứa hẹn thăng chức, lợi ích tình dục,…) thì không bàn đến giá trị tối thiểu để cấu thành tội phạm như trên.
Hành vi nhận hối lộ đã trình bày ở trên vẫn cấu thành tội nhận hối lộ nếu của hối lộ dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi nhận hối lộ mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng tại Bộ luật Hình sự hiện hành chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Mặt chủ quan: Người đưa hối lộ phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp.
Chủ thể: Chủ thể của tội đưa hối lộ là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Người phạm tội không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn và cũng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Hiện nay, Bộ luật hình sự hiện hành không truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại về tội đưa hối lộ (Điều 76 Bộ luật Hình sự hiện hành).
Như vậy, áp dụng vào vụ việc trên, nếu xác định được chủ các cơ sở kinh doanh dược và phòng khám tư nhân có hành vi đưa hối lộ từ 2000.000 đồng trở lên (như đã phân tích) để được cán bộ Sở Y tế cấp giấy phép mặc dù không đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề trên thì đủ yếu tố cấu thành và có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội đưa hối lộ.
Chủ các cơ sở kinh doanh dược và phòng khám tư nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội đưa hối lộ
Do hiện nay Bộ luật hình sự hiện hành không truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại về tội đưa hối lộ (Điều 76 Bộ luật Hình sự hiện hành) nên pháp nhân thương mại là các cơ sở kinh doanh dược và phòng khám tư nhân không chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Vụ việc trên là một lời cảnh tỉnh về tình trạng tham nhũng và thiếu minh bạch trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là trong quản lý hành nghề y dược tư nhân. Để khôi phục niềm tin của công chúng, cần có các biện pháp mạnh mẽ nhằm tăng cường giám sát, minh bạch hóa quy trình cấp phép và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, các cơ sở y tế tư nhân cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật, tránh tham gia vào các hành vi tiêu cực, góp phần xây dựng một môi trường y tế lành mạnh.
Toàn bộ nội dung trả lời trên đây có giá trị giới hạn trong phạm vi tình tiết sự việc cụ thể tại đầu bài viết. Mọi trích dẫn từ phân tích pháp lý trên đều phải ghi rõ nguồn từ Công ty Luật TNHH LHLegal. Nếu áp dụng câu trả lời trong bài viết này cho bất kỳ câu hỏi, sự việc nào khác với bài viết đều có thể không có giá trị và phải tự chịu trách nhiệm bởi người trích dẫn.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Điện thoại: 1900 2929 01
Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang
Điện thoại: 1900 2929 01