Phân tích tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định pháp luật hiện hành

Cưỡng đoạt tài sản là gì? Dấu hiệu nhận biết tội cưỡng đoạt tài sản?

Khái niệm cường đoạt tài sản

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. 

Căn cứ theo Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội cưỡng đoạt tài sản được quy định như sau: 

“Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

…”

Dấu hiệu cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản

Từ quy định trên, các dấu hiệu cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản bao gồm: 

Khách thể: xâm phạm quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân (tinh thần của người quản lý tài sản). 

Mặt khách quan: Tội cưỡng đoạt tài sản có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi cưỡng đoạt tài sản đặt nạn nhân vào tình trạng bị khống chế về mặt tâm lý, chưa bị tê liệt khả năng phản kháng, dẫn đến việc nạn nhân miễn cưỡng giao tài sản.
Đối với hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực, hành vi này được thể hiện thông qua thái độ, cử chỉ, lời nói… của người phạm tội, tạo cho người bị đe dọa cảm giác sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng vũ lực nếu nạn nhân không cho lấy tài sản. 

Đối với hành vi dùng thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần, hành vi này có thể được thể hiện thông qua việc đe dọa sẽ gây thiệt hại về tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân nếu như không cho người phạm tội lấy tài sản.

Nạn nhân giao tài sản một cách miễn cưỡng

Mặt chủ quan: Tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. 

Chủ thể: Chủ thể của tội cưỡng đoạt tài sản là người từ đủ 16 tuổi trở lên hoặc từ đủ 14 tuổi trở lên (trường hợp thuộc các khoản 3, 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)) và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. 

Cưỡng đoạt tài sản bao nhiêu thì bị truy cứu  trách nhiệm hình sự?

Theo Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: 

“Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Từ quy định trên, có thể thấy không có quy định số tiền cưỡng đoạt là bao nhiêu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi vì, tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức và được xem là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi mà luật quy định, cho nên, tội cưỡng đoạt tài sản không phụ thuộc vào việc chiếm đoạt được tài sản hay không, số tiền chiếm đoạt được là bao nhiêu.

Mức xử phạt tội cưỡng đoạt tài sản

Về mức phạt, tùy thuộc vào tính chất nguy hiểm của hành vi, tình tiết định khung tăng nặng… mà tội cưỡng đoạt tài sản được xử phạt với các mức khung khác nhau như sau: 

  • Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với cấu thành tội phạm cơ bản;

  • Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu có một trong các tình tiết định khung tăng nặng như sau: 

    • Có tổ chức;

    • Có tính chất chuyên nghiệp;

    • Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

    • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

    • Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    • Tái phạm nguy hiểm.

  • Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm nếu có một trong các tình tiết định khung tăng nặng như sau: 

    • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    • Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

  • Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu có một trong các tình tiết định khung tăng nặng như sau: 

    • Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

    • Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Lưu ý: Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản còn có thể bị hình phạt bổ sung với hình thức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 

Phạt tiền là hình thức xử phạt bổ sung đối với tội cưỡng đoạt tài sản

Một số vụ án tiêu biểu về tội cưỡng đoạt tài sản

Bản án 13/2024/HS-ST ngày 24/04/2024 về tội cưỡng đoạt tài sản

Bị cáo: Phan Đăng Ba D, sinh năm 1986, nơi cư trú: thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. 

Bị hại: Chị Đinh Thị L, sinh năm 1977, nơi cư trú: thị trấn C, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Xem bản án tại đây

Tóm tắt vụ án: 

Vào tối ngày 19/10/2023, anh D đến quán Karaoke Royal của chị L và đe dọa: “…dừ tháng cho tau 12 triệu thì tau để cho mi yên ổn làm ăn”; đồng thời, anh D có hành động lao xe vào quán trong trạng thái đã uống rượu. Vì lo sợ anh D sẽ quấy phá việc làm ăn của mình, chị L đã đồng ý sẽ đưa tiền cho D mỗi tháng 12 triệu. 

Khoảng 14 giờ 20 phút ngày 22/10/2023, D nhờ Trương Công G dùng xe máy chở D đến quán của chị L. Chị L đưa cho D 12 triệu và nói: “Xong nha, có anh Giáp làm chứng”. Lấy được tiền, G chở D ra về. 

Khoảng 23 giờ 20 phút ngày 29/12/2023, D tiếp tục nhờ G chở đến quán Karaoke của chị L. Chị L đưa 5 triệu cho D và nói: “Em cầm lấy 5 triệu, tết làm ăn được thì chị đưa thêm”. D đồng ý cầm số tiền 5 triệu đồng rồi ra về cùng G. 

Ngày 21/01/2024, chị L đến Công an huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An trình báo về việc D uy hiếp, đe dọa chiếm đoạt của chị số tiền 29.000.000 đồng.

Nhận định của Tòa án: 

  • Hành vi của bị cáo đủ cơ sở để kết luận bị cáo Phan Đăng Ba D phạm vào tội: “Cưỡng đoạt tài sản”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

  • Bị cáo có nhân thân rất xấu, đã nhiều lần bị xét xử nhưng bị cáo không lấy đó làm bài học, vừa chấp hành biện pháp cai nghiện bắt buộc xong bị cáo lại phạm tội, bị cáo phạm tội nhiều lần.

  • Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bố bị cáo là người có công với Cách mạng, sau khi phạm tội bị cáo tác động gia đình bồi thường một phần thiệt hại do mình gây ra, người bị hại đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Quyết định của Tòa án:

  • Xử phạt bị cáo Phan Đăng Ba D 04 năm tù. Thời hạn tù được tính từ ngày tạm giữ, tạm giam 22/01/2024 về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

  • Căn cứ vào khoản 1 Điều 170; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bản án 150/2024/HS-PT ngày 15/04/2024 về tội cưỡng đoạt tài sản

Bị cáo: 

  • Võ Gia Q, sinh năm 1990, nơi cư trú: thôn T, xã T, huyện L, tỉnh Lâm Đồng.

  • Trần Công M. 

Bị hại: Bà Chế Thị T, sinh năm 1967, nơi cư trú: ấp P, xã P, huyện T, tỉnh Đồng Nai.

Xem bản án tại đây

Tóm tắt vụ án: 

Trần Công M và Võ Gia Q có mối quan hệ là bạn bè. Tháng 5/2023, vì cần tiền trả nợ cho Q và tiêu xài, M rủ Q đóng giả chủ nợ đang bắt cóc M rồi điện thoại đe dọa bà T (mẹ ruột của M) để buộc đòi số tiền 230.000.000 đồng. M hứa hẹn với Q nếu lấy được tiền thì sẽ trả nợ cho Q. 

Sáng ngày 17/5/2023, M viết các nội dung ra giấy đưa cho Q đọc, M dùng số điện thoại của mình gọi cho bà T. Để bà T tin thật, M la hét, kêu cứu nói đang bị nhốt ở chuồng gà, bị đánh đập rồi tự dùng tay đánh vào người. 

Tiếp đó, từ ngày 18/5/2023 đến ngày 19/5/2023, M và Q tiếp tục phối hợp gọi điện thoại đe dọa nếu bà T không chuyển tiền sẽ đưa M ra Cơ quan Công an để tố cáo M về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm thúc ép bà T chuyển tiền cho Q. Do sợ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của con trai mình (anh M) nên chiều ngày 19/5/2023 bà T đã chuyển số tiền 5.000.000đ vào số tài khoản của Q và đến Công an trình báo sự việc trên.

Khoảng 08 giờ ngày 20/5/2023, M tiếp tục gọi điện cho bà T và yêu cầu Q nói với bà T trả trước số tiền 150.000.000đ nếu không sẽ đưa M ra Công an để cho M đi tù thì bà T đồng ý. Khoảng 10 giờ cùng ngày, khi M và Q đang ngồi tại nhà của Q để bàn bạc tiếp kế hoạch thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện T phối hợp với Công an huyện L bắt giữ. 

Tòa án nhân dân huyện Tân Phú quyết định tuyên bố các bị cáo: Trần Công M và Võ Gia Q phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Xử phạt bị cáo Võ Gia Q 07 (bảy) năm tù. Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên án đối với bị cáo Trần Công M, tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 18/12/2023, bị cáo Võ Gia Q kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. 

Nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm: 

  • Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo Võ Gia Q phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 170 của Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, có căn cứ pháp luật. 

  • Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Võ Gia Q 07 năm tù là nghiêm khắc. Vì bị cáo mới chỉ chiếm đoạt được của bị hại số tiền 5.000.000đ trong khi bị truy tố, xét xử theo điểm a, khoản 3, Điều 170 BLHS, tức là chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000đ đến dưới 500.000.000đ.

  • Bị cáo đã bồi thường số tiền 5.000.000 đồng cho bị hại Chế Thị T nhưng không áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cho bị cáo là có thiếu sót. 

Quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm: 

  • Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Q, sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm: Xử phạt bị cáo Võ Gia Q 05 (năm) năm tù.

  • Căn cứ vào điểm a, khoản 3, Điều 170; Điều 38; điểm b, s khoản 1, khoản 2, Điều 51; khoản 1 Điều 54, Điều 58 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bản án 20/2024/HS-ST ngày 28/03/2024 về tội cưỡng đoạt tài sản

Bị cáo: Trần H, sinh năm 2003, nơi cư trú: Tổ dân phố 7, phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Bị hại: Võ Trương Minh Đ, sinh năm 2001, nơi cư trú: Tổ dân phố 11, phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ngô Hoàng A, sinh năm 2003, nơi cư trú: Tổ dân phố 6, phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt.

Người làm chứng: Hoàng Khánh C, sinh năm 2003, nơi cư trú: Tổ dân phố 6, phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Xem bản án tại đây

Tóm tắt vụ án: 

Khoảng 14 giờ 50 phút ngày 30/12/2023, C cùng H đến đánh bida tại quán 196 Billards Club. Tại đây, H gặp Đ cũng đang đánh bida cùng bạn. Do trước đó, Đ nợ H số tiền 5 triệu, hứa trả nợ nhiều lần nhưng cố tình trốn tránh không trả nên khi nhìn thấy Đ, H đã bức xúc  và gọi Đ ra trước sân, H dùng tay tát vào mặt, dùng chân đá vào hông và bụng Đ, Đ bị đánh nhưng không đánh lại, chỉ dùng tay đẩy H ra. 

Sau khi đánh xong, do Đ vẫn chưa có tiền trả nợ, H đã nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại di động để buộc Đ trả nợ cho mình. H bảo Đ vào trong quán lấy điện thoại Iphone 7 Plus của Đ đưa cho H. Thấy H đang có thái độ bức xúc, hung hãn, sợ bị đánh tiếp nên Đ lấy điện thoại đưa cho H. H cất giữ điện thoại đến khi cơ quan Công an triệu tập làm việc và thu giữ Theo Kết luận định giá tài sản số 01/KL- HĐĐG ngày 17/01/2024 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thành phố Đồng Hới kết luận: 01 điện thoại Iphone 7 Plus, màu bạc, số imei: 35669608969307 trị giá 1.500.000 đồng.

Nhận định của Tòa án:

  • Hành vi trên đây của Trần H đã phạm vào tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 170 của Bộ luật Hình sự như Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã truy tố là có căn cứ, là đúng pháp luật.

  • Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo đã có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; sau khi phạm tội bị cáo đã tác động gia đình bồi thường tổn thất về tinh thần cho bị hại, được bị hại có đơn đề nghị giảm nhẹ hình phạt. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

  • Bị cáo không có tiền án, tiền sự, hiện đang là sinh viên Đại học và đây là lần vi phạm pháp luật đầu tiên của bị cáo nên Trần H được đánh giá là người có nhân thân tốt.

Quyết định của Tòa án: 

  • Tuyên bố bị cáo Trần H phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Xử phạt bị cáo Trần H 12 (mười hai) tháng tù cho hưởng án treo.

  • Căn cứ vào khoản 1 Điều 170; các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

Nếu như bạn có thắc mắc hay đặt câu hỏi hãy liên hệ đến LHLegal để được hỗ trợ một cách nhanh chóng nhất.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:

Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01

Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html

Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830

Website: https://luatsulh.com/

Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang

Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:

Website: https://luatsulh.com/

Facebook: Luật sư LHLegal

Youtube: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)

Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí