Phân tích pháp lý - Buôn hàng tấn vàng, trị giá hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong 3 tháng?

Tóm tắt vụ việc

Tham gia vào đường dây buôn lậu vàng gồm có: Nguyễn Minh Trí, Nguyễn Văn Sang, Cao Văn Chức, Nguyễn Hoàng Sa, Nguyễn Hữu Nghĩa, Huỳnh Ngọc Quang Trung, Ngô Việt Quốc Tuấn, Nguyễn Chí Khoa, Ôn Thế Hải, Lê Huy Phương, Huỳnh Cẩm Chương, Phạm Ngọc Thắng và Lê Thị Kim Xuyên, Trần Thị Hoàn, Vàng Thị Phượng, Trần Thành Hiếu, Lương Thị Bích Hà, Nông Thị Thùy Linh, Liềng Thị Thực.

Từ tháng 9 - 12/ 2024, hàng tấn vàng, trị giá hàng nghìn tỷ đồng đã bị các nhóm đối tượng buôn lậu từ Campuchia và Trung Quốc về Việt Nam qua khu vực biên giới các tỉnh Long An, An Giang và Lào Cai, đưa đi tiêu thụ tại nhiều địa phương trên cả nước.

Tại biên giới tỉnh Long An và An Giang, Các đối tượng buôn lậu vàng đã lợi dụng những chiếc xe ba gác chở cá qua biên giới và thuyền máy nhỏ chở trái cây để vận chuyển vàng.

Còn tại biên giới Lào Cai, các đối tượng vận chuyển vàng qua đường bộ, giấu trong đế dày. Lực lượng công an xác định mỗi chuyến những đối tượng này vận chuyển từ 12 - 20kg vàng. Có đối tượng một ngày đi nhiều chuyến.

Các đối tượng chia thành nhiều công đoạn vận chuyển khác nhau, thường xuyên thay đổi phương tiện vận chuyển, người vận chuyển, chủ yếu là người trong gia đình để đảm bảo an toàn.

Sau đó, vàng được giao đến các tiệm vàng, xóa dấu vết, thực hiện các biện pháp hợp thức hóa để tiêu thụ.

Trên cơ sở tài liệu chứng cứ đã thu thập được, ngày 27/12/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã khởi tố 02 vụ án, đồng thời khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 19 đối tượng về tội “Buôn lậu”, quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), gồm:

  1. Vụ án “Buôn lậu” xảy ra tại tỉnh Long An, An Giang và các đơn vị, địa phương liên quan; khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 13 đối tượng, gồm: Nguyễn Minh Trí, Nguyễn Văn Sang, Cao Văn Chức, Nguyễn Hoàng Sa, Nguyễn Hữu Nghĩa, Huỳnh Ngọc Quang Trung, Ngô Việt Quốc Tuấn, Nguyễn Chí Khoa, Ôn Thế Hải, Lê Huy Phương, Huỳnh Cẩm Chương, Phạm Ngọc Thắng và Lê Thị Kim Xuyên.

  2. Vụ án “Buôn lậu” xảy ra tại tỉnh Lào Cai và các đơn vị, địa phương liên quan; khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 06 đối tượng, gồm: Trần Thị Hoàn, Vàng Thị Phượng, Trần Thành Hiếu, Lương Thị Bích Hà, Nông Thị Thùy Linh, Liềng Thị Thực. Trong đó, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lương Thị Bích Hà, Nông Thị Thùy Linh và Liềng Thị Thực.

Quyết định khởi tố đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra, củng cố tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố, đồng thời mở rộng điều tra làm rõ hành vi sai phạm của các đối tượng có liên quan và xác minh, thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Vàng được giao đến các tiệm vàng thực hiện các biện pháp hợp thức hóa để tiêu thụ

Vấn đề pháp lý vụ việc buôn lậu vàng

Cấu thành tội phạm

Đối chiếu cấu thành tội phạm Tội buôn lậu tại Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

Khách thể

  • Tội buôn lậu xâm phạm trật tự quản lý kinh tế - trật tự quản lý ngoại thương của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Với đối tượng tác động là hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý.

  • Trong vụ việc buôn lậu trên, hành vi của các đối tượng đã xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự quản lý ngoại thương, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Mặt khách quan

  • Hành vi khách quan của Tội buôn lậu được quy định là hành vi buôn bán trái pháp luật qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật.

  • Tuy nhiên, hành vi buôn bán trái pháp luật được mô tả trên chỉ cấu thành tội phạm khi hàng hoá, tiền Việt Nam, kim khí quý, đá quý có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:

    • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc một trong các Điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;

    • Vật phạm pháp là di vật, cổ vật. Một số nhóm phương thức thực hiện hành vi buôn lậu hàng hóa như: Buôn bán hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật trái pháp luật qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan và nội địa hoặc ngược lại được hiểu là hành vi trao đổi hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật qua biên giới quốc gia hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không khai báo, khai báo gian dối, dùng giấy tờ giả mạo, giấu giếm hàng hoá, không có giấy tờ hợp lệ của cơ quan có thẩm quyền, trốn tránh sự kiểm soát của hải quan, bộ đội biên phòng,… 

    • Phương tiện - địa điểm phạm tội: Người buôn lậu có thể vận chuyển qua biên giới bằng đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không, đường sắt hoặc qua bưu điện quốc tế,…

Trường hợp người được thuê vận chuyển (người khuân vác, lái xe) có hành vi vận chuyển (thuê) hàng hoá, tiền tệ,… qua biên giới hoặc từ biên giới hoặc từ khu thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại cho chủ hàng (người buôn lậu) cũng bị coi là phạm tội buôn lậu với vai trò là người giúp sức trong đồng phạm. Tội buôn lậu được hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi chuyển hàng hoá một cách trái pháp luật qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại.

Trong vụ việc trên, từ tháng 9 – 12/2024, các nhóm đối tượng đã dùng thủ đoạn vận chuyển, buôn bán trái phép hàng tấn vàng, trị giá hàng nghìn tỷ đồng từ Campuchia và Trung Quốc về Việt Nam qua khu vực biên giới các tỉnh Long An, An Giang và Lào Cai, đưa đi tiêu thụ tại nhiều địa phương trên cả nước mà không khai báo.

Thủ đoạn mà các nhóm đối tượng sử dụng là dùng những chiếc xe ba gác chở cá sang bên kia biên giới để bán và chiều quay lại và thuyền máy nhỏ chở trái cây. Các đối tượng buôn lậu vàng đã cất giấu trong những chuyến tàu xe qua lại biên giới (Long An, An Giang); Vận chuyển vàng qua đường bộ, giấu trong đế dày. Sau đó, vàng được giao đến các tiệm vàng, xóa dấu vết, thực hiện các biện pháp hợp thức hóa để tiêu thụ.

Hành vi buôn lậu mang tính chất “Có tổ chức”: các nhóm đối tượng chia thành nhiều công đoạn vận chuyển khác nhau, thường xuyên thay đổi phương tiện vận chuyển, người vận chuyển, chủ yếu là người trong gia đình để đảm bảo an toàn.

Các đối tượng thường chia nhiều công đoạn vận chuyển khác nhau để tránh cơ quan chắc năng

Mặt chủ quan

Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Thông thường động cơ là đem lại lợi ích về kinh tế.

Các đối tượng trong vụ việc trên có động cơ, mục đích rõ ràng để thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhận thức rõ về hành vi và hậu quả nhưng vì thu lợi cao và nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài chính với nhà nước nên bất chấp thực hiện hành vi.

Chủ thể

Chủ thể của tội buôn lậu là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định. 

Các đối tượng trong vụ việc trên đều là người đã thành niên và không bị hạn chế về năng lực hành vi, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Hình phạt (có thể phải gánh chịu)

Hiện chưa có bản án, quyết định chính thức từ Toà án, tuy nhiên, các đối tượng trong vụ việc trên có hành vi buôn lậu kim khí quý – vàng, thu lợi đến hàng nghìn tỷ đồng, phạm tội có tổ chức, do đó có thể phải đối mặt với khung hình phạt nặng nhất theo khoản 6 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt lên đến 20 năm tù. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản tuỳ vào mức độ nguy hiểm, vai trò trong vụ án.

Ngoài ra xem xét tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ tại Điều 51, 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bài học rút ra từ vụ việc trên

Về thực trạng buôn lậu

Tình trạng buôn lậu diễn biến phức tạp trong dịp cuối năm, nhất là khu vực biên giới. Các đối tượng thường nhắm tới hàng hoá dễ bảo quản, thuế suất cao (bia, rượu, thuốc lá…), kim khí quý có giá trị lớn, phổ biến. 

Điển hình: Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh, ngày 27/11/2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Tây Ninh tiến hành tiêu hủy 62.188 bao thuốc lá ngoại nhập lậu; Còn theo báo điện tử Tiền Phong, ngày 5/10/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An đã tịch thu, tiêu hủy hơn 30.000 sản phẩm là hàng nhập lậu, hàng không đủ điều kiện lưu thông, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ,…

Cơ quan chức năng đang tiến hành tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu

Mạng xã hội phát triển, hàng loạt các ứng dụng ra đời tạo sự thuận tiện để trao đổi, mua bán hàng hóa không qua kiểm định chất lượng cũng là một trong những khó khăn để phát hiện, truy tìm kịp thời các nhóm đối tượng thực hiện hành vi buôn lậu hàng hóa.

Tính nguy hiểm của tội buôn lậu

Nhiều người cho rằng tội buôn lậu không ảnh hưởng đến lợi ích người dân, giúp người dân mua được hàng tốt với giá rẻ. Tuy nhiên thực tế không như vậy. Khi các đối tượng có hành vi trao đổi hàng hóa trái phép qua biên giới, các cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát được số lượng, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá, dẫn đến việc nhân dân tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, nhất là nhóm hàng thực phẩm, dược phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thêm vào đó, hành vi buôn lậu đe dọa, cạnh tranh tiêu cực đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa nội địa, làm suy giảm tốc độ phát triển nền kinh tế thị trường công bằng, minh bạch, làm thất thu thuế và các khoản tiền nộp cho nhà nước.

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ công nghiệp ….

Biện pháp chống buôn lậu

Từ những hậu quả mà Tội buôn lậu mang lại, nên tăng cường các biện pháp phòng tránh như sau:

  • Tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, hướng dẫn rõ quy định về hành vi buôn lậu, chế tài áp dụng khi tiêu thụ, sử dụng hàng buôn lậu để nâng cao ý thức sử dụng hàng hóa đúng chất lượng, đúng giá của người dân. Chẳng hạn như việc hoàn thiện quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng Nghị định số 17/2022/NĐ-CP…

  • Theo sát hoạt động kiểm tra, thanh tra việc chống bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh để hạn chế nguy cơ tiềm ẩn việc giao dịch, lưu trữ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng.

  • Kịp thời có chính sách, quy định điều chỉnh để rà soát hàng hóa mua bán qua thương mại điện tử nhằm tránh bỏ lọt tội phạm thực hiện với nhiều chiêu trò tinh vi, khó kiểm soát. 

  • Triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phát hiện, điều tra, xử lý hành vi buôn lậu. Chủ động nắm vững diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi buôn lậu; xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại... Phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và của trung ương đóng tại địa bàn. Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các hành vi buôn lậu, làm rõ trách nhiệm những đối tượng tiếp tay, bao che đối tượng buôn lậu. Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp trong phát hiện, phòng ngừa, điều tra, xử lý hành vi buôn lậu. 

  • Tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng tích cực tham gia phòng, chống buôn lậu với các hình thức, biện pháp tuyên truyền đa dạng, thiết thực. 

Trước diễn biến tội buôn lậu ngày càng tinh vi, cần có sự phối hợp từ phía nhân dân và Nhà nước để phòng chống tội phạm trên. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tội phạm, hình phạt.

Bài viết này được xây dựng dựa trên các thông tin và tình tiết vụ việc được công khai, nhằm cung cấp góc nhìn pháp lý mang tính tham khảo, không có giá trị thay thế cho các quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền và có thể điều chỉnh theo diễn biến thực tế của vụ việc.

Mọi trích dẫn, áp dụng câu trả lời nêu trên đều phải ghi rõ nguồn từ Công ty Luật TNHH LHLegal. Nếu áp dụng câu trả lời trong bài viết này cho bất kỳ câu hỏi, sự việc nào khác với bài viết đều có thể không có giá trị và phải tự chịu trách nhiệm bởi người trích dẫn.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:

Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01

Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html

Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830

Website: https://luatsulh.com/

Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang

Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:

Website: https://luatsulh.com/

Facebook: Luật sư LHLegal

Youtube: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)

Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí