Nữ sinh Hà Nội bị đánh hội đồng, bị bắt quỳ: Dấu hiệu tội danh của 2 nghi phạm

>>> Ba nghi phạm bị tạm giữ hình sự trong vụ đánh hội đồng tài xế taxi tại Bình Dương

>>> Đánh người sau khi va chạm giao thông có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Tóm tắt vụ việc

Theo nguồn báo chí đưa tin, N.V.A.T (17 tuổi, nạn nhân) có mâu thuẫn với N.X.N.T (17 tuổi) liên quan đến chuyện tình cảm. 

Vào ngày 15/02/2025, A.T đã chủ động hẹn N.T đến quán nước số 987 Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội, để nói chuyện, giải quyết mâu thuẫn. A.T đã rủ thêm 7 người bạn khác cùng đi. Theo đó, bạn của A.T đã tát N.X.N.T. Bức xúc vì bị tát, N.T đã gọi 5 người bạn của mình đến để “trợ giúp”.

Khi bạn của N.T đến, cả 2 nhóm cùng lao vào cự cãi, chửi nhau và bị chủ quán nước đuổi đi. Tiếp tục, cả 2 nhóm cùng hẹn đến khu vực bờ sông Sét ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai để đánh nhau. Sau đó, người dân khu vực đã phát hiện và truy hô báo công an vào can ngăn. Bị can ngăn, cả 2 nhóm cùng bỏ chạy và tiếp tục hẹn ở địa điểm khác là khu vực hồ điều hòa phường Yên Sở, quận Hoàng Mai để tiếp tục đánh nhau lần 2. Ngay sau đó, cả 2 tiếp tục lôi nhau ra trạm bơm gần đó để tiếp tục đánh nhau. 

Trong quá trình đánh nhau, A.T đã bị nhóm N.T cầm lược, dép, mũ bảo hiểm đánh dẫn đến gây thương tích. Sau đó, A.T được các bạn trong nhóm và người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hậu quả, A.T bị rách ở đỉnh đầu, gò má, mắt phải và một số vết bầm tím trên người. Sau khi được đưa đi cấp cứu trong bệnh viện, A.T đã được cho xuất viện trong cùng ngày, tiếp tục điều trị tại nhà. 

Vào tối ngày 19/02/2025, Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội đã tạm giữ hình sự 2 nghi phạm để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích, liên quan đến vụ việc A.T bị đánh hội đồng, bắt quỳ xin lỗi. 

Phân tích tội cố ý gây thương tích và tội gây rối trật tự công cộng

Tội cố ý gây thương tích

Căn cứ Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội cố ý gây thương tích như sau: 

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Theo quy định trên, nghi phạm trong vụ việc liên quan đến thiếu nữ 17 tuổi bị đánh hội đồng, bắt quỳ xin lỗi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nếu thỏa mãn các dấu hiệu sau: 

Khách thể: xâm phạm đến sức khỏe của người khác. Đối tượng tác động của tội danh này là người đang sống. 

Theo vụ việc trên, nghi phạm đã có hành vi dùng lược, nón bảo hiểm, dép để tác động lên người của nạn nhân, dẫn đến gây nhiều thương tích. 

Mặt khách quan: 

  • Hành vi: tội cố ý gây thương tích xuất phát từ hành vi cố ý tác động trái phép đến thân thể, gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác được thực hiện dưới mọi hình thức, mọi thủ đoạn.

  • Hậu quả: đây là dấu hiệu bắt buộc của tội cố ý gây thương tích. Theo quy định pháp luật, thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác đủ điều kiện để cấu thành tội phạm là từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nếu có các tình tiết thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    • Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

    • Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

    • Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

    • Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

    • Có tổ chức;

    • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    • Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

    • Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

    • Có tính chất côn đồ;

    • Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Thiếu nữ 17 tuổi bị thương tích do bị đánh hội đồng

Liên hệ với vụ việc trên, các nghi phạm đã có hành vi sử dụng lược, dép, nón bảo hiểm để tác động lên người A.T (nạn nhân), dẫn đến hậu quả nạn nhân bị rách đỉnh đầu, gò má, mắt phải và một số vết bầm tím trên cơ thể. Như vậy, hành vi “tác động vật lý” và hậu quả do hành vi đó gây ra có thể thỏa mãn điều kiện của mặt khách quan. 

Chủ thể: chủ thể của tội cố ý gây thương tích là người từ đủ 14 tuổi trở lên. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với tội cố ý gây thương tích. Ngoài ra, người phạm tội phải đủ năng lực trách nhiệm hình sự. 

Theo vụ việc trên, các nghi phạm khoảng 17 tuổi, tức đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, các nghi phạm vẫn đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. 

Mặt chủ quan: tội cố ý gây thương tích được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhìn thấy trước được hậu quả nhưng vẫn mong muốn hậu quả xảy ra. 

Thông qua các dấu hiệu trên, các nghi phạm liên quan đến vụ việc thiếu nữ 17 tuổi bị đánh hội đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

Ngoài ra, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội danh cố ý gây thương tích có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. 

Tội gây rối trật tự công cộng

Theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội gây rối trật tự công cộng như sau: 

“Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.”

Gây rối trật tự công cộng là hành vi gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, có thể gây thiệt hại trật tự công cộng, lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân khác. 

Để cấu thành tội gây rối trật tự công cộng, cần phải thỏa mãn các yếu tố sau: 

Khách thể: Tội gây rối trật tự công cộng xâm phạm những quy định, quy tắc, điều lệ… về trật tự ở những nơi công cộng; xâm phạm trực tiếp đến trật tự chung, vi phạm nếp sống văn minh, quy tắc cuộc sống, ảnh hưởng đến những hoạt động bình thường tại nơi công cộng. 

Mặt khách quan: 

  • Về hành vi: Gây rối trật tự công cộng là thực hiện hành vi càn quấy, càn rỡ ảnh hưởng hoặc xúc phạm nhiều người hoặc đập phá, làm ô uế các trang thiết bị nơi công cộng. Ví dụ như: hò hét, nẹt pô, đuổi đánh nhau trên đường phố, kích động người khác cùng tham gia làm huyên náo, ầm ĩ nơi công cộng… Cần lưu ý các hành vi trên phải được thực hiện tại nơi công cộng – là những nơi tập trung đông người, chẳng hạn như công viên, rạp hát, nhà ga, bến xe… Đây cũng chính là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội gây rối trật tự công cộng. 

  • Về hậu quả: hành vi gây rối trật tự công cộng gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đang có án tích về tội này. 

Liên hệ với vụ việc trên, cả hai nhóm đã hẹn gặp và nhiều lần đánh nhau mặc dù đã được người dân, công an can ngăn nhưng vẫn cố tình sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn ở nhiều địa điểm, gây mất trật tự công cộng.  

Mặt chủ quan: Người thực hiện hành vi phạm tội này bởi lỗi cố ý trực tiếp. 

Chủ thể: Tội phạm này được thực hiện bởi những người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự. 

Theo vụ việc trên, các đối tượng tham gia đánh nhau đều đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. 

Thông qua các dấu hiệu trên, các nhóm đối tượng trong vụ việc liên quan đến thiếu nữ 17 tuổi bị đánh hội đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

Ngoài ra, người phạm tội gây rối trật tự công cộng có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gây rối trật tự công cộng

Xử lý hình sự người dưới 18 tuổi

Trong vụ việc trên, cả hai bên đều còn rất trẻ (khoảng 17 tuổi), nên khi xử lý hình sự, các đối tượng trên có thể được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người chưa thành niên theo Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Căn cứ Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau:

“Điều 91. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

4. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

7. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.”

Theo quy định trên, có thể thấy việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào nhiều điều kiện như đặc điểm nhân thân của người phạm tội, tính nguy hiểm của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Nếu xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dịch khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa thì Tòa án mới áp dụng phạt tù có thời hạn. Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Đồng thời, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Nếu bạn có thắc mắc gì hãy liên hệ ngay đến chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:

Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01

Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html

Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830

Website: https://luatsulh.com/

Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang

Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:

Website: https://luatsulh.com/

Facebook: Luật sư LHLegal

Youtube: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)

Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí