Đằng sau mục tiêu ấy là cơ hội vàng cho hàng triệu hộ kinh doanh – lực lượng đang giữ vai trò trụ cột trong nền kinh tế phi chính thức – có thể vươn lên, chuyển mình, và hòa nhập sâu vào dòng chảy kinh tế hiện đại. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tầm nhìn đó, Việt Nam cần những chính sách đột phá, hỗ trợ thiết thực và hành động quyết liệt từ cả hệ thống chính trị đến từng địa phương.
Hiện cả nước có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, trong đó chỉ hơn 2 triệu hộ thực hiện đăng ký kinh doanh và nộp thuế đầy đủ. Hơn 3 triệu hộ còn lại vẫn đang hoạt động phi chính thức – nghĩa là tiềm năng lớn vẫn chưa được đánh thức.
Luật sư Trần Xoa, chuyên gia về thuế, nhận định rằng Nghị quyết 68 mở ra cơ hội có một không hai để hàng triệu hộ kinh doanh “lột xác” thành doanh nghiệp thực thụ, có pháp nhân, có vị thế, và có cơ hội phát triển bền vững. Một trong những động lực quan trọng là việc áp dụng hóa đơn điện tử – bắt buộc từ ngày 1-6-2025 với hộ có doanh thu từ 1 tỉ đồng trở lên. Đây được xem là bước đi tất yếu giúp nâng cao tính minh bạch, quản lý hiệu quả và cắt giảm chi phí.
Đặc biệt, những chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập trong 3 năm đầu, hỗ trợ chi phí hợp lý, tư vấn thuế miễn phí... sẽ là bệ phóng mạnh mẽ cho hộ kinh doanh tự tin chuyển đổi. “Chuyển đổi thành doanh nghiệp không chỉ giúp mở rộng quy mô, mà còn nâng cao uy tín, dễ tiếp cận vốn và tham gia chuỗi cung ứng hiện đại” – ông Xoa nhấn mạnh.
Chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 68 tạo đòn bẩy giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
Theo chuyên gia tài chính Trần Đình Phương, việc đạt 2 triệu doanh nghiệp không phải là chỉ tiêu hình thức, mà là một cột mốc chiến lược trong hành trình thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo việc làm và nâng cao chất lượng đời sống người dân. Tuy nhiên, để đạt được, cần một chiến lược đồng bộ, dài hơi và đột phá, nhất là trong cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý, mở rộng tiếp cận tài chính và đất đai.
“Phát triển đồng đều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, và song song đó là khuyến khích sự hình thành của các doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt thị trường, chính là công thức thành công” – ông Phương khẳng định.
Ông Nguyễn Đình Tùng – CEO Vina T&T, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho rằng, Nghị quyết 68 thể hiện sự quyết liệt của lãnh đạo cấp cao trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, để các hộ kinh doanh thật sự dám bước ra “vùng sáng”, cần có thêm chính sách cụ thể, sát thực tế cho từng giai đoạn phát triển, đặc biệt là hỗ trợ vốn cho người trẻ khởi nghiệp.
Ông đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, ưu tiên những mô hình tiềm năng chưa có tài sản thế chấp, và thiết kế cơ chế chính sách linh hoạt cho doanh nghiệp từ siêu nhỏ đến lớn.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh rằng chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp siêu nhỏ là hướng đi tất yếu, nhưng phải đi kèm với những hỗ trợ cụ thể như: miễn thuế thu nhập ban đầu, đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ kế toán và công nghệ.
“Phải xây dựng một môi trường đầu tư minh bạch, giảm mạnh thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp nhỏ” – ông nói, đồng thời đề xuất sửa đổi Luật Hỗ trợ DNNVV và đưa ra tiêu chí hỗ trợ dựa trên đóng góp thực tế vào ngân sách, việc làm và xã hội.
Nghị quyết 68 đã đặt nền móng. Nhưng để mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 trở thành hiện thực, điều quan trọng hơn cả là sự chuyển động đồng bộ của cả hệ thống chính trị – và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, hiệp hội và người dân.
Cần những hành động cụ thể, những chính sách thực chất – không chỉ để “kéo” các hộ kinh doanh vào khu vực chính thức, mà còn để trao cho họ niềm tin, cơ hội và động lực phát triển dài hạn.
Từ khát vọng thành hành động – đó là con đường duy nhất để đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành trụ cột phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Điện thoại: 1900 2929 01
Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang
Điện thoại: 1900 2929 01