Căn cứ vào khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định hàng giả gồm các loại hàng hóa sau:
Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016, gồm:
Thuốc không có dược chất, dược liệu;
Thuốc có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;
Thuốc có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại khoản 32 Điều này trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối;
Thuốc được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.
Dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016, gồm:
Dược liệu không đúng loài, bộ phận hoặc nguồn gốc được cơ sở kinh doanh cố ý ghi trên nhãn hoặc ghi trong tài liệu kèm theo;
Dược liệu bị cố ý trộn lẫn hoặc thay thế bằng thành phần không phải là dược liệu ghi trên nhãn; dược liệu bị cố ý chiết xuất hoạt chất;
Dược liệu được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.
Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, “Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả” gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, dấu chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc vật phẩm khác của tổ chức, cá nhân kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm, mã số mã vạch, mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố của hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác.
Ngoài ra, theo Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 79 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 còn quy định về hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ.
Theo đó, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ gồm: hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa sao chép lậu.
Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.
Hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó và việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản 4 Điều 121 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 hoặc theo pháp luật của nước xuất xứ của chỉ dẫn địa lý đó.
Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan.
Như vậy, hàng hóa chứa một hay nhiều các dấu hiệu trên thì được xem là hàng giả.
Hàng giả là hàng hóa sao chép bản sao được xuất bản mà không được phép của chủ sở hữu
Theo khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), chủ thể của tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định là chủ thể có đủ 2 yếu tố:
có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại; và
đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Hành vi phạm tội xâm phạm đến chính sách quản lý thị trường của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sản xuất, buôn bán hàng thật và của người tiêu dùng.
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý nhằm mục đích vụ lợi, cụ thể người phạm tội biết rõ hoặc buộc phải biết rõ là hàng mình đang sản xuất, buôn bán là hàng giả, nhưng vì lợi nhuận mà vẫn sản xuất, buôn bán số hàng hóa giả này cho khách hàng.
Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội sản xuất, buôn bán hàng giả gồm:
Về hành vi:
Đối với các tội sản xuất hàng giả: Có hành vi sản xuất ra các loại hàng giả làm cho người mua bị nhầm lẫn hoặc để lừa dối người mua nhằm thu lợi bất chính. Việc sản xuất hàng giả phải trái phép. Tức là việc sản xuất đó không có giấy phép hoặc trái với nội dung giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với tội buôn bán hàng giả: Về hành vi buôn bán hàng giả là hành vi sử dụng hàng giả để bán lại cho người tiêu dùng nhằm mục đích thu lợi bất chính. Người bán hàng giả có thể có được hàng giả bằng cách tự mình sản xuất hàng giả để bán, hoặc dùng tiền, tài sản hoặc các giấy tờ có giá trị như tiền để đổi lấy sản phẩm, hàng hóa mà người mua biết đó là hàng giả để bán lại cho khách hàng hoặc nhặt được, xin được hàng giả, dùng một lại hàng hóa khác để đổi lấy hàng giả, hoặc ngược lại dùng hàng giả để trao đổi lấy một loại hàng hóa khác để bán lại cho người tiêu dùng.
Về mục đích bán hàng giả: Người phạm tội bán hàng giả dùng sản phẩm, hàng hoá mà người bán biết rõ là hàng giả đưa ra thị trường để đổi lấy tiền, tài sản hoặc các giấy tờ có giá trị như tiền (tức hình thức mua bán) để thu lợi bất chính.
Về hậu quả: Buôn bán hàng giả gây ra các thiệt hại về vật chất cũng như là phi vật chất, cụ thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng, gây mất lòng tin của người tiêu dùng đối với các nhãn hàng bị làm giả trên thị trường, bên canh đó gây thiệt hại về uy tín, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất, buôn bán hàng thật, không những vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quản lý thị trường của Nhà nước, nền kinh tế nước nhà.
Buôn bán hàng giả gây thiệt hại về vật chất, sức khỏe hay thậm chí là tín mạng của người tiêu dùng
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả gây ảnh hưởng đến quyền lợi của không chỉ nhà sản xuất hàng thật mà còn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Do đó, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả bị phạt như sau:
Căn cứ khoản 1,2,3 và 4 Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), khung hình phạt đối với cá nhân phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả:
Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm khi người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), gồm:
Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 192 hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
Có tổ chức;
Có tính chất chuyên nghiệp;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
Làm chết người;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
Buôn bán qua biên giới;
Tái phạm nguy hiểm.
Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
Làm chết 02 người trở lên;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo khoản 5 Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định khung hình phạt tội sản xuất, buôn bán hàng giả đối với pháp nhân thương mại như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng khi phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau:
Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 192 hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
Có tổ chức;
Có tính chất chuyên nghiệp;
Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
Làm chết người;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
Buôn bán qua biên giới;
Tái phạm nguy hiểm.
Phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
Làm chết 02 người trở lên;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn khi phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
Thành lập chỉ để thực hiện tội phạm.
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Vụ án 16 bị cáo bị tuyên án về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" tại tỉnh Hải Dương
uang cảnh phiên tòa xét xử các bị cáo tại Hội trường xét xử TAND TP. Hải Dương
Trong khoảng thời gian từ ngày 6/1/2021 đến 11/10/2021, Phạm Văn Quyền đã thực hiện việc mua gas từ hai công ty: Công ty TNHH Super gas tại Hải Phòng và Công ty TNHH kinh doanh dầu khí Việt Hải tại Hải Dương. Quyền đã mua gas không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn giá trị gia tăng, dưới dạng xe bồn và thuê địa điểm, lắp đặt hệ thống sang chiết gas tại khu Nhân Nghĩa, phường Nam Hưng để sang chiết gas vào các bình 12kg và 45kg, sau đó giao bán các bình gas này cùng với tem và niêm màng co cho các đại lý.
Để bán gas ra thị trường, Phạm Văn Quyền đã thuê Nguyễn Minh Tiến, Phạm Tiến Hải và Phạm Tiến Hưng giao bình gas kèm theo tem và niêm màng co giả cho các đại lý tự đóng bán ra thị trường. Tổng số bình gas mà Quyền bán cho Hải và 9 đại lý tại tỉnh Hải Dương là 34.554 bình, với giá trị tương đương hàng thật là 7.715.746.081 đồng, trong đó:
Nguyễn Thị Thuỷ đã mua và tự đóng niêm màng co giả vào 15.049 bình gas các loại, tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 3.325.511.619 đồng;
Phạm Văn Biên đã mua và tự đóng niêm màng co giả để tiêu thụ 5.063 bình gas các loại, tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 1.068.253.349 đồng.
Trần Thị Loan đã mua và tự đóng niêm màng co giả để tiêu thụ 5.366 bình gas các loại, tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 1.216.985.000 đồng;
Vũ Thị Kim Oanh đã mua và tự đóng niêm màng co giả để tiêu thụ 2.949 bình gas các loại, tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 592.257.000 đồng;
Vũ Bá Thiết đã mua và tự đóng niêm màng co giả để tiêu thụ 1.112 bình gas các loại, tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 285.614.240 đồng.
Trương Đình Trọng đã mua và tự đóng niêm màng co giả để tiêu thụ 1.160 bình gas các loại, tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 245.066.000 đồng;
Đàm Văn Chuẩn đã mua và tự đóng niềm màng cơ giả để tiêu thụ 655 bình gas các loại, tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 152.180.873 đồng;
Phạm Văn Ngát đã mua và tự đóng niêm màng cơ giả để tiêu thụ 624 bình gas các loại tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 112.811.000 đồng.
Nguyễn Văn Kiên đã mua và tự đóng niêm màng co giả để tiêu thụ 398 bình gas các loại, tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 82.788.000 đồng.
Ngoài ra, Quyền còn sang chiết bán cho các đại lý mua chung chuyển với nhau với tổng số 1.248 bình gas các loại, tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 443.299.000 đồng. Nguyễn Minh Tiến trực tiếp giao các bình gas, tem và niêm màng co cho các đại lý trên để tự các đại lý niêm màng co, dán tem và bán ra thị trường với tổng số 18.572 bình gas các loại, tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 4.199.254.462 đồng.
Phạm Tiến Hải cùng Tiến đi giao một số chuyến gas kèm theo niêm và tem màng co cùng với Tiến và trực tiếp mua bình gas và nhận niêm màng co, tem từ Quyển về để bán với tổng số 6.814 bình gas, tương đương với số lượng của hàng thật trị giá là 1.643.487.000 đồng;
Phạm Tiến Hưng giúp sức Quyền giao một số chuyến bình gas cùng Tiến cho các đại lý và cùng giúp sức Thủy sang chiết gas ra các bình loại 2kg, 45kg để Thủy và Tiến chụp niêm màng co tiêu thụ ra thị trưởng với tổng số 2886 bình, tương đương với số lượng của hàng thật trị giá là 659.028.000 đồng.
Phạm Văn Quang, Bùi Văn Lì và Trần Văn Hiếu giúp sức Thủy sang chiết gas ra các bình gas loại 12kg, 45kg, rồi chụp niêm màng co vào các bình gas giúp Thủy để Thủy tiêu thụ ra thị trường với 537 bình gas, tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 168.443.000 đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Quyền là người tổ chức sang chiết, mua tem và niêm màng co giả nên giữ vai trò chính, các bị cáo Nguyễn Minh Tiến, Phạm Văn Quang, Bùi Văn Li, Phạm Tiến Hải, Phạm Tiến Hưng giúp sức Quyền sang chiết, giao gas và niêm màng co cho các đại lý nên giữ vai trò là giúp sức trong vụ án. Bị cáo Thủy, Biên, Loan, Oanh, Thiết, Trọng, Chuẩn, Ngát, Kiên chịu trách nhiệm độc lập về hành vi Sản xuất, buôn bán hàng giả; Trần Văn Hiếu là người lái xe chở gas cho Thủy và cùng Thủy đóng niêm màng co nên đồng phạm với Thủy với vai trò là người thực hành.
Căn cứ vào kết quả thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và trên cơ sở đề nghị của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử tuyên phạt 9 bị cáo hình phạt tù với mức án cao nhất là 7 năm 3 tháng tù, thấp nhất là 3 năm 9 tháng tù; đồng thời áp dụng hình phạt tù, cho hưởng án treo đối với 7 bị cáo tham gia với vai trò thứ yếu, giúp sức đã ăn năn, hối cải và có nhiều tình tiết giảm nhẹ đáng được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Hàng giả không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội và pháp lý nghiêm trọng. Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và chất lượng thị trường. Theo Bộ luật Hình sự, tội buôn bán hàng giả bị xử lý nghiêm khắc nhằm răn đe và bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức pháp luật, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân là giải pháp cần thiết để đẩy lùi vấn nạn hàng giả, đảm bảo quyền lợi cho mọi bên liên quan.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Điện thoại: 1900 2929 01
Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang
Điện thoại: 1900 2929 01