>>> Nóng: Trang Nemo bị truy tố tội gây rối trật tự công cộng
>>> Vì sao Ngọc Trinh đã bị phạt hành chính mà còn bị xử lý hình sự?
Trong bài viết dưới đây, LHLegal sẽ giúp bạn hiểu rõ các quy định của pháp luật về tội gây rối trật tự công cộng, đồng thời làm rõ các yếu tố cấu thành tội phạm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với hành vi này. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích và cần thiết.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định về khái niệm hành vi gây rối trật tự công cộng. Hành vi này được xác định là hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thậm chí có thể gây ra thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, xâm phạm đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân.
Hành vi gây rối trật tự công cộng có thể được thể hiện qua một số hành vi, bao gồm:
Dùng lời nói, cử chỉ thiếu văn hóa để xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác;
Phá phách hoặc làm ô uế các công trình, thiết bị công cộng;
Hò hét, tạo tiếng động gây ầm ỹ, đua xe trái phép;
Tụ tập ẩu đả, đánh nhau ở nơi công cộng;
Hành hung người làm nhiệm vụ hoặc người tự nguyện tham gia bảo vệ trật tự nơi công cộng...
Căn cứ Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi gây rối trật tự công cộng bị xử lý hình sự bao gồm:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với các trường hợp sau:
Gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng mà còn vi phạm;
Đã bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với trường hợp phạm tội gây rối trật tự công cộng có một trong các yếu tố sau:
Có tổ chức;
Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
Xúi giục người khác gây rối;
Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
Tái phạm nguy hiểm.
Gây rối trật tự công cộng có thể bị xử lý hình sự
Có 04 yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng, bao gồm:
(1) Chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là những người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
(2) Khách thể: Hành vi nêu trên xâm phạm vào những nội quy, quy tắc, điều lệ,... về trật tự, an toàn ở những nơi công cộng; vi phạm nếp sống văn minh, quy tắc của cuộc sống, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
(3) Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Người phạm tội có hành vi vi phạm có đầy đủ năng lực biết rõ hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, lối sống lành mạnh ổn định của xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện.
(4) Mặt khách quan: gồm 02 dấu hiệu
Về hành vi:
Tội phạm được thực hiện ở hành vi gây rối trật tự công cộng, có thể bao gồm các hành vi như: Có lời nói, cử chỉ thô tục gây mất trật tự, xúc phạm những người xung quanh tại nơi công cộng; Có hành vi thô bạo xúc phạm những người xung quanh tại nơi công cộng (đặc biệt là phụ nữ, trẻ em); Có hành vi dùng vũ lực để quậy phá, làm hư hỏng tài sản của nhà nước, của công dân ở nơi công cộng (như đập phá tượng đài, làm hư các biểu tượng, tranh cổ động, xe ô tô…); Hò hét, đuổi đánh nhau trên đường phổ hoặc lôi kéo, kích động người khác cùng tham gia,...
Nơi công cộng là những nơi tập trung đông người như công viên, rạp hát, nhà ga, bến xe, trên đường phố,... có nhiều người qua lại hoặc những nơi trao đổi hàng hóa, nơi vui chơi giải trí của công dân.
Về hậu quả:
Hành vi gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng gây ra một trong các hậu quả sau phải chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự: Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên; Chết người…
Ngoài ra, với hành vi gây rối trật tự công cộng có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội ở mức độ nghiêm trọng.
Theo Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội gây rối trật tự công cộng bao gồm:
Phạm tội có tổ chức;
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
Phạm tội có tính chất côn đồ;
Phạm tội vì động cơ đê hèn;
Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
Phạm tội 02 lần trở lên;
Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên;
Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội;
Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;
Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;
Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội sẽ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
Căn cứ Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của tội gây rối trật tự công cộng bao gồm:
Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
Phạm tội do lạc hậu;
Người phạm tội là phụ nữ có thai;
Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
Người phạm tội tự thú;
Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
Bị cáo: Phạm Văn D1
Tóm tắt bản án
Ngày 28-01-2024, Phạm Văn D1 cùng vợ là chị Y đi dự đám cưới bạn tại thành phố H. Do D1 có uống nhiều rượu nên sau đám cưới, D1 đưa chìa khóa xe mô tô để vợ điều khiển, chở về nhà trọ. Trên đường đi, D1 và chị Y bị tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an quận D làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn yêu cầu dừng xe để lập biên bản vi phạm do D1 không đội mũ bảo hiểm và kiểm tra nồng độ cồn với chị Y. Quá trình làm việc, tổ công tác yêu cầu chị Y thổi nồng độ cồn, D1 liên tục đe dọa và tiến vào khu vực tổ công tác đang làm nhiệm vụ ngăn cản chị Y không chấp hành yêu cầu của tổ công tác. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã yêu cầu D1 đi ra khỏi điểm chốt nhưng D1 không chấp hành. Sau đó, D1 đi ra lòng đường tiếp tục chửi bới, la hét làm thu hút tụ tập đông người đứng xem đã gây cản trở giao thông và mất trật tự tại khu vực trên trong khoảng 30 phút. Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an quận D đã đưa Phạm Văn D1 về trụ sở Công an phường Hưng Đạo lập biên bản bắt người phạm tội quả tang về hành vi Gây rối trật tự công cộng để xử lý theo quy định.
Xem chi tiết bản án tại đây
Quyết định của Tòa Sơ thẩm
1. Xử phạt bị cáo Phạm Văn D1 12 (mười hai) tháng cải tạo không giam giữ, trừ cho bị cáo 24 (hai mươi tư) ngày cải tạo không giam giữ.
2. Miễn việc khấu trừ thu nhập đối với bị cáo.
3. Hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo.
4. Giao bị cáo cho UBND xã C, huyện Ngọc Lặc, tỉnh T giám sát, giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với UBND xã C, huyện Ngọc Lặc, tỉnh T trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.
5. Bị cáo phải thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Luật Thi hành án hình sự.
6. Buộc bị cáo phải nộp 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Các bị cáo:
Trịnh Quốc C
Lê Xuân TA
Lê Hữu Hồng H
Tóm tắt bản án
Ngày 08/11/2023, Trịnh Quốc C cùng với Lê Xuân TA, Lê Hữu Hồng H và chị Lê Thị Yến N ngồi uống nước ở quán Bầu Ben thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Trong lúc uống nước tại quán, C nhìn thấy anh Bùi Quang L đang ngồi uống nước tại bàn bên cạnh. Lúc này, C nhớ tới việc chị Yến Nhi (là người yêu của C) nói về việc trước đây chị Nhi có quen và tìm hiểu anh L nên C ghen và bực tức. C nói với H, TA về việc C có mâu thuẫn với anh L. Nghe vậy, TA đi đến hỏi anh L về việc C có mâu thuẫn với anh C thì anh L trả lời không biết C và không có mâu thuẫn gì. Lúc này, H và C cũng đi đến chỗ anh L, do anh L không thừa nhận nên C tức giận chửi bới, còn TA dùng tay tát vào mặt anh L. H và C cũng xông vào, cả ba người vừa chửi bới, vừa dùng tay, chân đánh tới tấp vào đầu và người anh L.
Thấy xảy ra đánh nhau, chủ quán Bầu Ben ra can ngăn nên TA túm cổ áo, kéo anh L ra phía trước quán. Tại đây, C, H, TA tiếp tục đánh anh L từ khu vực lề đường Quốc lộ 45 (trước quán Bầu Ben) đến cửa hiệu áo cưới Chinh Nhung thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Lúc này, H sử dụng 01 chiếc dép lê bằng nhựa màu vàng nâu, còn TA sử dụng 01 chiếc dép lê bằng da màu đen đánh nhiều cái vào đầu và người anh L. Khi bị đánh, anh L không phản kháng lại, chỉ lấy tay ôm đầu, đến khi anh L có lời xin lỗi và được chị Yến Nhi can ngăn thì C, H, TA mới dừng lại, quay về quán Bầu Ben rồi ra về.
Sự việc diễn ra tại nơi công cộng, kéo dài từ bên trong quán nước Bầu Ben ra khu vực lề đường Quốc lộ 45 (khoảng cách 30m); lúc này trong quán có đông người, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của quán. Sau khi sự việc xảy ra, anh Bùi Quang L đã đến C an Thị trấn A, huyện Yên Định báo cáo sự việc. UBND Thị trấn A và trưởng khu 4, Thị trấn A, huyện Yên Định đã có báo cáo về vụ việc xảy ra tại nơi Công cộng, tạo dư luận xấu trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Xem chi tiết bản án tại đây
Quyết định của Tòa Sơ thẩm
1. Tuyên bố: Các bị cáo Trịnh Quốc C, Lê Xuân TA và Lê Hữu Hồng H phạm tội “Gây rối trật tự Công cộng”.
2. Xử phạt:
Bị cáo Trịnh Quốc C 07 (Bảy) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 14 (Mười bốn) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Bị cáo Lê Xuân TA 07 (Bảy) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 14 (Mười bốn) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Bị cáo Lê Hữu Hồng H 07 (Bảy) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 14 (Mười bốn) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
3. Giao các bị cáo Trịnh Quốc C, Lê Hữu Hồng H và Lê Xuân TA cho UBND xã Đ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
4. Tịch thu tiêu hủy: 01 chiếc dép bên phải (loại dép lê, không có quai) bằng da màu đen, đã qua sử dụng và 01 chiếc dép bên phải (loại dép lê, không có quai) bằng nhựa, màu vàng nâu đã qua sử dụng, mặt trên có chữ “VIP” màu trắng.
5. Buộc các bị cáo Trịnh Quốc C, Lê Xuân TA và Lê Hữu Hồng H, mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm.
Bài viết này được xây dựng dựa trên các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi gây rối trật tự công cộng nhằm cung cấp góc nhìn pháp lý mang tính tham khảo, không có giá trị thay thế cho các quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền và có thể điều chỉnh theo diễn biến thực tế của vụ việc. Mọi trích dẫn, áp dụng câu trả lời nêu trên đều phải ghi rõ nguồn từ Công ty Luật TNHH LHLegal. Nếu áp dụng câu trả lời trong bài viết này cho bất kỳ câu hỏi, sự việc nào khác với bài viết đều có thể không có giá trị và phải tự chịu trách nhiệm bởi người trích dẫn.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Điện thoại: 1900 2929 01
Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang
Điện thoại: 1900 2929 01