Chia sẻ kỹ năng sao chụp tài liệu trong quá trình hành nghề luật của Luật sư Lê Nguyên Hòa

Sao chụp tài liệu gì đầu tiên trong hồ sơ vụ án có cả chục ngàn trang giấy?

Hôm nay, tôi được Toà án tạo điều kiện để sao chụp tài liệu của một vụ án hình sự mà mình tham gia bào chữa. Xấp tài liệu mà tôi cầm trên tay trong bức ảnh dưới đây không phải là toàn bộ hồ sơ vụ án, còn gần một nửa đang được Thẩm phán giữ để nghiên cứu.

Số bút lục trong vụ án này là gần 10 ngàn số, tức số trang giấy tương đương 10 ngàn trang. Đây là số tài liệu không phải quá lớn nhưng không hề nhỏ để vừa đọc nhanh, vừa sao chụp trong thời gian 2-3 tiếng đồng hồ được. Nói đúng hơn là không thể vừa scan bằng mắt, chụp bằng tay toàn bộ tài liệu nêu trên trong một buổi làm việc ngắn. Thực ra không cần thiết phải chụp toàn bộ hồ sơ vụ án, vì có nhiều tài liệu không cần thiết phải nghiên cứu sâu do không có tính quyết định giải quyết vụ án. Do đó, Luật sư cũng cần phải chọn lọc tài liệu cần sao chụp.

Vậy cái gì nên chụp, và chụp cái gì trước tiên? Câu hỏi này đối với các Luật sư có kinh nghiệm tranh tụng lâu năm sẽ rất đơn giản, nhưng với các bạn mới hành nghề hoặc các bạn trợ lý Luật sư thường sẽ bị lúng túng khi trước mắt là cả chục ngàn trang giấy!

Theo kinh nghiệm của bản thân và các bậc tiền bối mà tôi được học hỏi, thì tài liệu nên được ưu tiên chụp đầu tiên phải là “danh mục hồ sơ vụ án, có số bút lục”. Tại sao phải chụp danh mục hồ sơ vụ án đầu tiên? Vì rõ ràng tài liệu này tổng hợp toàn bộ hồ sơ của vụ án, dựa vào đó chúng ta biết được trong hồ sơ có những tài liệu gì, nằm ở đâu thông qua số bút lục. Chúng ta cũng sẽ biết nên sao chụp nhanh tài liệu nào trước, tài liệu nào cần chụp và tài liệu nào có thể bỏ qua.

Tiếp theo “danh mục hồ sơ vụ án” thì có 2 nhóm tài liệu bắt buộc phải chụp ngay đó là (i) nhóm các bản khai, lấy cung đối với các bị cáo, bị hại và người liên quan và (ii) nhóm tài liệu, chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng xác minh, thu thập. Đây là 2 nhóm tài liệu phải “tóm lấy” ngay chứ đừng suy nghĩ nhiều cho mất thời gian, vì hai nhóm này tương hỗ với nhau sẽ chính là chứng cứ trực tiếp để gỡ tội và buộc tội. Nếu lời của những người trong cuộc là manh mối xác minh sự thật, thì các chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập lại là chứng cứ quan trọng để làm rõ sự thật vụ án, định tội danh & mức án như biên bản thu giữ tang chứng, vật chứng; biên bản bắt người phạm tội quả tang (đặc biệt quan trọng trong các vụ án phạm tội về ma túy), biên bản khám nghiệm hiện trường hoặc thực nghiệm điều tra; kết luận giám định (thương tật hoặc giám định về thiệt hại tài sản); các văn bản xác minh từ cơ quan thứ 3 như Ngân hàng, Ủy ban, các sở ban ngành khác.

Ngoài nhóm 2 nhóm tài liệu trên, thì tùy tính chất và loại tội phạm sẽ có thêm những loại tài liệu khác. Nhưng dù là vụ án nào đi chăng nữa, thì “danh mục hồ sơ vụ án, có bút lục” cũng cần sao chụp đầu tiên, vì có tài liệu này chúng ta sẽ biết cần sao chụp thêm tài liệu nào, không chụp được hôm nay, thì hôm sau có thể xin chụp tiếp không mất đâu cả, quan trọng phải biết trong hồ sơ đó có những gì để cần chụp.

 

Luật sư Lê Nguyên Hòa

12/10/2021

https://www.facebook.com/LuatSuLeNguyenHoa/posts/

 

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí