Vụ hơn 600 loại sữa bột giả: Đủ yếu tố cấu thành tội phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng

>>> Phân tích pháp lý: Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục đối diện mức án như thế nào trong vụ án kẹo rau củ Kera

>>> Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối - Làm sao để đòi lại tiền

Hành vi sản xuất sữa bột giả có thể cấu thành những tội danh nào?

Sữa bột là một loại thực phẩm được sử dụng phổ biến vì công dụng bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là các chủ thể dễ bị tổn thương như trẻ em, bà bầu, người cao tuổi… Tuy nhiên, tác dụng của sữa bột chỉ thực sự hiệu quả khi đó là hàng thật, được sản xuất đúng quy trình. Hành vi sản xuất sữa bột giả là tạo ra sản phẩm sữa bột không đảm bảo các tiêu chuẩn kiểm định nhằm mục đích trục lợi từ sức khỏe của người tiêu dùng, hành vi “đầu độc” đồng bào để trục lợi này cấu thành rất nhiều tội danh theo luật.

Trong vụ việc chấn động dư luận vừa được triệt phá bởi cơ quan chức năng, các chủ thể đã thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng tấn sữa bột giả với hơn 600 thương hiệu phổ biến trên thị trường. Việc sản xuất, buôn bán sữa bột giả với quy mô trăm tỷ, thành lập 9 công ty liên kết để thực hiện hoạt động phi pháp. Với mức độ, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của những chủ thể này có thể cấu thành các tội danh sau:

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm

Vụ việc vừa được triệt phá thành công chỉ rõ việc các chủ thể trong “đường dây” này đã phạm tội tại Điều 193 BLHS, đó là Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm. 

Những “gian thương” là hơn 9 công ty liên kết, “cầm đầu” là Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà (chủ mưu cầm đầu thành lập doanh nghiệp Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả), làm giả hơn 600 thương hiệu sữa bột phổ biến trên thị trường để trục lợi hàng trăm tỷ đồng với mức tăng trưởng vốn gấp 5 lần chỉ sau vài tháng buôn bán hàng giả. 

Cụ thể, Điều 193 BLHS quy định:

“1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Buôn bán qua biên giới;

g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Làm chết người;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

4.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết 02 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.”

Như vậy, đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm khi:

  • Mặt khách quan: Hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm giả như sữa bột giả (sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, gắn nhãn mác giả) là hành vi cụ thể. Hậu quả có thể gây thiệt hại về sức khỏe, kinh tế cho người tiêu dùng. 

  • Mặt chủ quan: Người phạm tội có lỗi cố ý, nhằm mục đích trục lợi trên sức khỏe của đồng bào, biết rõ việc sản xuất, buôn bán hàng giả với nguyên liệu không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng phản ánh ý chí chủ quan “biết nhưng vẫn cố tình làm” vì lòng tham vô đáy trước lợi nhuận khổng lồ.

  • Mặt khách thể: Hành vi này xâm phạm với mức độ đặc biệt nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng, trật tự kinh tế.

  • Mặt chủ thể: Cá nhân đủ năng lực trách nhiệm hình sự, từ đủ 16 tuổi trở lên, là các chủ thể mưu mô, nguy hiểm và tán tận lương tâm. 

Tội lừa dối khách hàng 

Theo quy định tại Điều 198 BLHS, việc thực hiện hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sữa bột giả là hành vi Lừa dối khách hàng. Vụ việc này đủ yếu tố cấu thành tội danh theo Điều 198, cụ thể như sau: 

“Điều 198. Tội lừa dối khách hàng

1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:...”.

Như vậy, hành vi sản xuất, buôn bán hơn 600 loại sữa bột giả của các chủ thể là các cá nhân, pháp nhân do các cá nhân này thành lập đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cụ thể: 

  • Mặt khách quan: Hành vi gian dối trong khối lượng, chất lượng, chủng loại... của sản phẩm để thu lợi bất chính. Hành vi gian dối thể hiện trong vụ việc này là các chủ thể đã lừa dối khách hàng bằng thông tin giả như Công bố thành phần sản phẩm có các chất như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng thực tế không có, mà thay vào là một số nguyên liệu và thêm chất phụ gia.

  • Mặt chủ quan: Lỗi cố ý, mục đích lừa đảo để thu lợi.

  • Mặt khách thể: Hoạt động mua bán hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

  • Mặt chủ thể: Cá nhân, pháp nhân có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi chịu trách nhiệm hình sự. 

Hành vi sản xuất, buôn bán hơn 600 loại sữa bột giả đủ yếu tố cấu thành tội lừa dối khách hàng

Tội trốn thuế

Theo Điều 200 BLHS, hành vi của các chủ thể này còn cấu thành Tội trốn thuế vì, trong quá trình điều tra cho thấy các cơ sở sản xuất - kinh doanh không kê khai doanh thu thật, không nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Bước đầu điều tra, cơ quan chức năng xác định từ năm 2021 đến nay, Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood còn để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng. Hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành Tội trốn thuế theo Điều 200 BLHS:

“Điều 200. Tội trốn thuế

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;

b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.”. 

Thấy rõ, hành vi của các chủ thể này đã đáp ứng: 

  • Mặt khách quan: Hành vi gian dối như không kê khai doanh số thật, lập sổ sách kế toán giả hoặc không lập sổ sách, không xuất hóa đơn.

  • Mặt chủ quan: Lỗi cố ý nhằm giảm nghĩa vụ thuế, trục lợi.

  • Mặt khách thể: Quan hệ tài chính giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân nộp thuế.

  • Mặt chủ thể: Cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định pháp luật.

Các hành vi khác có thể liên quan

Ngoài ra, nếu trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng chứng minh được số tiền thu được từ việc bán sữa bột giả được đưa vào hệ thống kinh doanh hợp pháp nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp thì các chủ thể liên quan có thể bị xử lý thêm về Tội rửa tiền được quy định tại Điều 324 BLHS.

Nếu phát hiện có dấu hiệu của việc làm giả hóa đơn, chứng từ thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo Điều 203 BLHS. 

Các tình tiết định khung tăng nặng trong vụ việc này

Vụ việc này được xem là “án điểm”, khi cơ quan chức năng công bố thông tin liên quan đến vụ án, dư luận xã hội tỏ ra vô cùng phẫn nộ. Điều này thể hiện mức độ tác động là vô cùng lớn. Vụ việc này chứa đựng rất nhiều tình tiết định khung tăng nặng vì tính chất, mức độ nguy hiểm, cụ thể:  

Căn cứ theo quy định tại Điều 193, Điều 198, Điều 200, Điều 203, Điều 324 BLHS, thì:

  • Thứ nhất, đây là hành vi phạm tội có tổ chức: Tình tiết vụ việc cho thấy nhóm đối tượng này cấu kết, phân công vai trò chặt chẽ trong việc sản xuất – tiêu thụ hàng giả là sữa bột, thành lập hơn 9 công ty liên kết, trong đó doanh nghiệp “lõi” là Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood có mức tăng trưởng vốn “nhanh chóng mặt” chỉ trong vòng nửa năm sản xuất và buôn bán sữa bột giả. 

  • Thứ hai, đây là hành vi phạm tội nhiều lần, với số lượng lớn, có tính chất chuyên nghiệp: Như trong vụ sữa bột giả, công an phát hiện hàng tấn sản phẩm giả, cho thấy quy mô lớn đến mức kinh hoàng. Việc phát hiện “hệ sinh thái” này cho thấy sự oanh tạc của hàng giả trong thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy, tỷ lệ người dân sử dụng phải hàng giả là rất lớn.

Tỷ lệ người dân dùng phải sữa giả rất lớn

Gây thiệt hại cho sức khỏe của người tiêu dùng: Hành vi sản xuất, buôn bán hàng tấn sữa bột giả không có nguồn gốc, gắn nhãn mác của các thương hiệu lớn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong đó có các chủ thể được pháp luật bảo vệ một cách đặc biệt là trẻ em sơ sinh, người già, bà bầu, người mắc bệnh tiểu đường…. Hành vi này thể hiện lòng tham vô đáy và sự vô cảm trước sức khỏe của đồng loại. 

Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên. Đây là tình tiết định khung tăng nặng thể hiện rõ nhất trong vụ việc này khi chỉ trong bước đầu điều tra, cơ quan chức năng phát hiện các “gian thương” này bỏ túi hơn 500 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận “đen” khủng như vậy, cần xem xét xử lý thật nghiêm minh để răn đe các chủ thể khác, không vì lợi nhuận mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật một cách tán tận lương tâm.  

Thêm vào đó, lợi dụng danh nghĩa tổ chức là các doanh nghiệp được thành lập đúng quy định của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội. Điều này thể hiện tâm lý muốn che giấu hành vi phạm tội, khiến việc phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng khó khăn hơn. Điều này cho thấy các chủ thể trong vụ việc này là các đối tượng phạm tội chuyên nghiệp. 

Vụ việc này có cấu thành “tội phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng” không?

Theo điểm d khoản 1 Điều 9 BLHS:

“d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”, 

Mà khoản 4 Điều 193 BLHS quy định:

“4.[138] Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết 02 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.”

Như vậy, để được xem là Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, BLHS yêu cầu mức cao nhất của khung hình phạt là trên 15 năm tù đến 20 năm tù hoặc án chữ. Trong vụ việc này, có thể đáp ứng điều kiện để xem là tội phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng nếu các chủ thể bị Khởi tố, Điều tra, Truy tố và Xét xử theo khoản 4 Điều 193 BLHS - Tội danh có mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân. 

Theo phân tích ban đầu, vụ việc này có thể cấu thành “tội phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng”, nhưng để xác định chính xác, cần phải chờ kết quả xử lý của cơ quan chức năng, cụ thể là Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, Cáo trạng của Viện kiểm sát và Bản án của Tòa án nhân dân.

Vụ việc hơn 600 loại sữa bột giả bị phát hiện không chỉ là hành vi vi phạm an toàn thực phẩm mà còn hội tụ đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và trật tự quản lý kinh tế. Đây là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thực phẩm chức năng, sữa bột và sản phẩm cho trẻ em cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật, nếu không muốn phải chịu những chế tài hình sự nghiêm khắc.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:

Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01

Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html

Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830

Website: https://luatsulh.com/

Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang

Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:

Website: https://luatsulh.com/

Facebook: Luật sư LHLegal

Youtube: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)

Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí