Thông tư 29: 10 điểm mới quan trọng về dạy thêm, học thêm

>>> Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm

>>> Từ 14/02/2025, giáo viên dạy thêm ngoài trường có thu tiền không đăng ký kinh doanh có thể bị xử phạt năng

Kể từ ngày 14/02/2025, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm sẽ có hiệu lực thi hành trên thực tế. 

Sau đây là 10 điểm mới quan trọng về dạy thêm, học thêm bạn cần phải nắm rõ:

Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm

Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT định nghĩa “dạy thêm, học thêm” như sau:

“1. Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) trong Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.”

Theo quy định mới trên, thuật ngữ “dạy thêm, học thêm” được hiểu là hoạt động dạy học thêm ngoài thời lượng quy định. Có thể thấy, đây là điểm mới được sửa đổi, bổ sung so với quy định cũ trước kia tại khoản 1 Điều 2 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định “dạy thêm, học thêm” là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. 

Có thể thấy, điểm mới của Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT đã giúp người đọc hiểu rõ hơn, cụ thể hơn về thuật ngữ “dạy thêm, học thêm”. Điều này còn giúp phân biệt rõ ràng giữa hoạt động dạy học chính khóa và phụ thêm.

Quy định về dạy thêm trong nhà trường

Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT quy định như sau: 

“Điều 5. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường

1. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:

a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;

b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;

c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.”

Từ quy định trên, việc dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng:

  • Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt. 

  • Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi. 

  • Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Quy định này nhằm đảm bảo công bằng và hỗ trợ những học sinh thực sự cần thiết.

Dạy thêm trong trường không được thu tiền của học sinh

Giới hạn thời lượng dạy thêm

Theo điểm c khoản 4 Điều 5 Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT quy định: 

“4. Việc xếp lớp, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu sau:

c) Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 (hai) tiết/tuần.”

Như vậy, mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 2 tiết/tuần, và không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu chính khóa. Điều này nhằm đảm bảo học sinh có thời gian nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động khác. Đây cũng là một điểm mới so với quy định cũ trước kia. 

Yêu cầu đăng ký kinh doanh cho dạy thêm ngoài nhà trường

Căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT quy định: 

“Điều 6. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường

1. Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:

a) Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;”

Theo quy định trên, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Điều này nhằm đảm bảo hoạt động dạy thêm được quản lý chặt chẽ và minh bạch. Đây là một quy định hoàn toàn mới so với Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Dạy thêm ngoài trường phải báo cáo với Hiệu trưởng

Theo khoản 3 Điều 6 Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT quy định như sau:

“Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).”

Điểm mới này nhằm tăng cường trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường trong việc quản lý, tổ chức, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm ở bên ngoài nhà trường. Đây là một quy định hoàn toàn mới so với Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Công khai thông tin về dạy thêm

Theo khoản 5 Điều 5 Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT quy định như sau:

“5. Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường hoặc niêm yết tại nhà trường.”

Theo đó, các cơ sở dạy thêm phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm, thời lượng, địa điểm, hình thức, thời gian, danh sách người dạy và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh. Điều này giúp phụ huynh và học sinh nắm rõ thông tin và lựa chọn phù hợp.

Quy định về giáo viên tham gia dạy thêm

Theo khoản 2, 3 Điều 4 Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT quy định như sau:

“2. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

3. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.”

Theo quy định trên, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà họ đang được phân công dạy chính khóa. Ngoài ra, giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm. Có thể thấy, đây là một điểm hoàn toàn mới so với Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

GV không được dạy thêm bên ngoài có thu tiền đối với học sinh mà họ đang được phân công dạy trong trường

Không được xếp thời khóa biểu xen kẽ chính khóa và dạy thêm

Theo điểm b khoản 4 Điều 5 Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT quy định:

“4. Việc xếp lớp, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu sau:

a) Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 (bốn mươi lăm) học sinh;

b) Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường;

c) Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 (hai) tiết/tuần.”

Theo quy định trên, việc xếp lớp, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm rằng không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường. Đây là một điểm hoàn toàn mới so với Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT và được kỳ vọng rằng sẽ chấm dứt tình trạng các trường, giáo viên sắp xếp thời khóa biểu xen kẽ để ép học sinh học thêm.

Dạy thêm có thu tiền phải đóng thuế

Theo Điều 7 Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT quy định về thu và quản lý tiền học thêm như sau: 

“Điều 7. Thu và quản lí tiền học thêm

1. Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm.

3. Việc thu, quản lí, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.”

Có thể thấy, quy định về dạy thêm có thu tiền phải đóng thuế đã được Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT quy định rõ ràng, cụ thể hơn so với Điều 7 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định như sau: 

“Điều 7. Thu và quản lý tiền học thêm

1. Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường:

a) Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm;

b) Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường;

c) Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.

2. Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường:

a) Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm.

b) Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm.”

Có thể thấy, quy định về thu và quản lý tiền học thêm ở quy định cũ không được rõ ràng về vấn đề đóng thuế. Cho nên, việc quy định cụ thể về dạy thêm có thu tiền phải đóng thuế là một điểm mới.

Dạy thêm có thu tiền phải đóng thuế

Xử lý vi phạm

Theo Điều 16 Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT quy định về xử lý vi phạm như sau:

“Điều 16. Xử lí vi phạm

1. Nhà trường, cơ sở dạy thêm, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm thì bị xử lí theo quy định của pháp luật.”

So với Điều 22 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT có một số điểm mới được sửa đổi, bổ sung nhất định. Theo đó, quy định mới đã bổ sung thêm nhà trường, cơ sở dạy thêm là chủ thể có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật về dạy thêm, học thêm. Ngoài ra, việc xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm sẽ còn tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm. Có thể thấy, điểm mới của Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT đã nêu rõ ràng, cụ thể hơn về việc xử lý vi phạm trong dạy thêm, học thêm. 

Nếu bạn có thắc mắc gì hãy liên hệ ngay đến LHLegal để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:

Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01

Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html

Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830

Website: https://luatsulh.com/

Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang

Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:

Website: https://luatsulh.com/

Facebook: Luật sư LHLegal

Youtube: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)

Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí