Phân tích vụ dược phẩm Hoa Linh và Tiktoker Võ Hà Linh

1. Nội dung vụ việc

Theo như thông tin được từ thực tế diễn ra và được cung cấp bởi các bên liên quan trong Vụ việc, thì sự việc được hiểu như sau: 

Công ty TNHH Dược Phẩm Hoa Linh (“Công ty Hoa Linh”) là nhà phân phối các sản phẩm dầu gội, dược phẩm,… cho các đại lý, nhà thuốc (“Các đại lý”). Theo đó, Công ty Hoa Linh và Các đại lý thỏa thuận việc phân phối sản phẩm theo Bảng giá cụ thể theo chính sách của Công ty Hoa Linh. Lấy ví dụ các sản phẩm dầu gội có giá ưu đãi cho Các đại lý là khoảng 76.000 đồng. 

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Công ty Hoa Linh lại tạo điều kiện cho một nhà sáng tạo nội dung là Võ Hà Linh được bán các sản phẩm của Công ty Hoa Linh với giá rất ưu đãi, ví dụ đối với sản phẩm dầu gội là khoảng 18.000 đồng. Nhà sáng tạo nội dung này thực hiện việc bán các sản phẩm của Công ty Hoa Linh trực tiếp tại nhà máy sản xuất của Công ty Hoa Linh thông qua trình chiếu trực tuyến tại nền tảng Tiktok. 

Việc nhà sáng tạo nội dung này được bán các sản phẩm dược phẩm với giá thấp hơn so với Các đại lý đã gây nên nhiều ý kiến phẫn nộ của Các đại lý về việc cạnh tranh không lành mạnh, gây mất khách hàng làm giảm doanh thu của Các đại lý. 

2. Hành vi nhà sáng tạo nội dung bán sản phẩm của Công ty Hoa Linh có được xem là chính Công ty Hoa Linh đang bán lẻ sản phẩm hay không? 

Việc nhà sáng tạo nội dung bán sản phẩm của Công ty Hoa Linh có thể thuộc trường hợp được xem là chính Công ty Hoa Linh đang bán lẻ từng sản phẩm. Vì nhà sáng tạo nội dung chỉ chào bán sản phẩm còn Công ty Hoa Linh là đơn vị trực tiếp bán và giao hàng đến người mua.

Công ty Hoa Linh là đơn vị trực tiếp bán và giao hàng nên trường hợp này được xem là Công ty Hoa Linh đang bán lẻ từng sản phẩm

3. Vậy hành vi bán hàng với giá thấp hơn giá phân phối cho các đại lý có thuộc trường hợp được xem là cạnh tranh với từng đại lý bán lẻ hay không? 

Việc chứng minh hành vi của Công ty Hoa Linh vi phạm pháp luật cạnh tranh là rất khó khăn. Vì mối quan hệ giữa Công ty Hoa Linh và Các đại lý là mối quan hệ hợp tác thông qua thỏa thuận bán lẻ hàng hóa do chính Công ty Hoa Linh sản xuất. Do vậy, nếu Công ty Hoa Linh đang thực hiện việc cạnh tranh với các đại lý cũng đồng nghĩa Công ty Hoa Linh đang cạnh tranh với chính sản phẩm của mình. 

Tuy nhiên, hành vi của Công ty Hoa Linh có thể bị vi phạm quy định của pháp luật cạnh tranh sau: 

i. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh 

Theo tình tiết Vụ việc, thì hoạt động bán hàng trên của Công ty Hoa Linh là hoạt động khuyến mại dưới hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó theo quy định tại khoản 3 Điều 92 Luật Thương mại 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019)[1]

Việc Công ty Hoa Linh thực hiện hành vi gây cho Các đại lý không thể tiếp tục bán được hàng. Do đó, việc Công ty Hoa Linh thực hiện hành vi này có thể thuộc trường hợp Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh theo quy định tại khoản 9 Điều 100 Luật Thương mại 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019)[2]

Căn cứ khoản 7 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định: 

“ Điều 45. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm 

… 

7. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.” 

Hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể về hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh này.  

Tuy nhiên, từ những căn cứ nêu trên, hành vi của Công ty Hoa Linh có thể được xem xét để đánh giá thuộc trường hợp hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo pháp luật cạnh tranh. 

Trường hợp này của Công ty Hoa Linh có thể thuộc hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo pháp luật cạnh tranh

ii. Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm 

Hành vi của Công ty Hoa Linh là áp dụng nhiều chính sách giá khác nhau trong việc bán các sản phẩm.  

Nếu Công ty Hoa Linh là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018 thì Công ty Hoa Linh có thể thuộc trường hợp có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. 

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018 quy định: 

“ Điều 27. Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm 

1. Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện hành vi sau đây: 

… 

đ) Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;” 

Theo đó, hành vi trên của Công ty Hoa Linh áp dụng nhiều chính sách giá khác nhau cho cùng việc bán sản phẩm có thể gây ảnh hưởng, dẫn đến việc ngăn cản cho Các đại lý tham gia thị trường hoặc dẫn đến Các đại lý không thể tiếp tục kinh doanh trong thị trường liên quan. Vì vậy, Công ty Hoa Linh có thể vi phạm quy định lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường về việc áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác tại điểm đ khoản 1 Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018.

Công ty Hoa Linh có thể vi phạm quy định lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường

4. Kết luận 

1. Việc nhà sáng tạo nội dung bán sản phẩm của Công ty Hoa Linh trên nền tảng MXH Tiktok được xem là chính Công ty Hoa Linh đang bán lẻ sản phẩm của mình. 

2. Hành vi của Công ty Hoa Linh có thể vi phạm các quy định pháp luật cạnh tranh sau:

i. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh 

ii. Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác

 


[1] Khoản 3 Điều 92 Luật Thương mại 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019) 

“ 3. Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”

[2] Khoản 9 Điều 100 Luật Thương mại 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019) 

“ Điều 100. Các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại 

… 

9. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh” 

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí