Bạn đã biết gì về Ủy ban Cạnh tranh quốc gia?

Nguồn gốc, lý do ra đời của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Ngày 10 tháng 02 năm 2023 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 2 năm 2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (“Nghị định 03/2023”), sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2023.

Nguồn gốc ra đời của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Khái niệm Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia lần đầu tiên được xuất hiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam khi Luật Cạnh tranh 2018 được ban hành. Tuy nhiên, chỉ đến khi Nghị định 03/2023 mới được Chính phủ ban hành vừa qua thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia mới chính thức được thành lập, đi vào hoạt động.

Đây là một cơ quan cạnh tranh hoàn toàn mới và là một điểm thay đổi đặc biệt của Luật Cạnh tranh 2018 so với Luật Cạnh tranh 2004 cũ. Luật Cạnh tranh 2018 dành hẳn 01 chương là Chương VII để quy định về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra đời để thay thế cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trên cơ sở tổ chức lại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Hội đồng Cạnh tranh.

Sự ra đời của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là kết quả của thời gian dài nghiên cứu, tiếp nhận kiến nghị và học hỏi kinh nghiệm từ mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh các quốc gia khác trên Thế giới.

Lý do ra đời của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Từ thời điểm ra đời đến nay, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (trước đây là Cục Quản lý Cạnh tranh) đã trải qua nhiều sự thay đổi về cơ cấu hoạt động, chức năng cũng như trải qua sự thay đổi khách quan trong nền kinh tế đất nước. Mặc dù đã đạt được rất nhiều những thành tích đáng kể trong hoạt động thực thi pháp luật cạnh tranh, tuy nhiên sau thời gian dài tổ chức, hoạt động thì các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh cũng đã bộc lộ những bất cập, yếu điểm về cả mặt lý luận cũng như thực tiễn.

Do đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được ra đời nhằm thành lập một cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh mới có địa vị pháp lý vững chắc cũng như cơ cấu tổ chức bộ máy đủ khả năng thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển và kinh tế hội nhập cùng các nước trong khu vực.

Sự ra đời của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không chỉ có ý nghĩa mang lại tính nhất thống về chức năng, quyền hạn của cơ quan thực thi pháp luật về cạnh tranh về mặt lý luận, mà còn nhằm đáp ứng kịp thời việc bảo vệ, tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch.

Vị trí, chức năng của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Căn cứ khoản 1 Điều 1 Nghị định 03/2023 quy định về vị trí, chức năng của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia như sau:

“Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công thương có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có tên giao dịch viết bằng tiếng Anh: Viet Nam Competition Commission, viết tắt là VCC.”

Vị trí của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công thương.

Chức năng của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Chức năng của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia bao gồm:

  • Tiến hành tố tụng cạnh tranh;
  • Kiểm soát tập trung kinh tế;
  • Quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm;
  • Giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật;
  • Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Căn cứ Điều 2 Nghị định 03/2023 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia như sau:

  1. Về tố tụng cạnh tranh
  • Phát hiện, xác minh và đánh giá các thông tin, chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh;
  • Tiếp nhận, xác minh, đánh giá các thông tin, chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh do tổ chức, cá nhân cung cấp; tiếp nhận, xem xét, thụ lý hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh;
  • Tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật;
  • Xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật;
  • Tiếp nhận, thụ lý, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật;
  • Tham gia tố tụng hành chính liên quan đến quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
  • Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền phối hợp, hỗ trợ quá trình điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc cạnh tranh;
  • Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
  • Tiến hành hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh của nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh theo quy định của pháp luật;
  • Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình điều tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh có dấu hiệu của tội phạm;
  • Tiếp nhận, xem xét đơn xin hưởng khoan hồng, quyết định việc miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh;
  • Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh;
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác về tố tụng cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
  1. Kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; tiếp nhận, thụ lý hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, thẩm định, quyết định về việc tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật.
  2. Tiếp nhận, thụ lý, thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật.
  3. Giám sát, phát hiện, xác minh và xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định liên quan đến hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường của cơ quan nhà nước và các hành vi bị nghiêm cấm khác có liên quan đến cạnh tranh của tổ chức, cá nhân.
  4. Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp theo quy định của pháp luật.
  5. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công Thương giao.

Thành viên và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Thành viên của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Căn cứ khoản 1, 2 Điều 4 Nghị định 03/2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có tối đa 15 thành viên, gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, một hoặc một số Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các thành viên khác. Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tham gia hoạt động tố tụng cạnh tranh theo phân công của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Căn cứ Điều 5 Nghị định 03/2023 quy định về cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia như sau:

Điều 5. Cơ cấu tổ chức

1. Bộ máy giúp việc thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia:

a) Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh;

b) Ban Thư ký các Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh;

c) Ban Giám sát cạnh tranh.

2. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh được thành lập phòng. Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định số lượng phòng trực thuộc Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

3. Một số đơn vị trực thuộc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Công Thương.”

Tính ưu việt, điểm đặc biệt và ý nghĩa ra đời của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Tính ưu việt trong chức năng, quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Từ những quy định nêu trên về chức năng, quyền hạn, chúng ta có thể nhận thấy rằng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là một cơ quan vô cùng đặc biệt trong hệ thống Bộ máy Nhà nước Việt Nam, vừa có chức năng hành chính và vừa có chức năng tài phán với phạm vi chức năng, quyền hạn rất rộng bao gồm việc phát hiện, đánh giá, xác minh, kiểm soát, giám sát, tham mưu, tiến hành tố tụng,…

Bởi lẽ đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có đầy đủ quyền hạn để thực hiện thực thi pháp luật cạnh tranh một cách bao quát, rộng khắp trên nhiều khía cạnh để giúp mang lại hiệu quả cao trong việc quản lý cạnh tranh và thực thi pháp luật về cạnh tranh.

Ý nghĩa về mặt pháp lý đối với sự ra đời của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Việc thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia giúp thống nhất về mặt địa vị pháp lý và chức năng, quyền hạn của một cơ quan chuyên trách về cạnh tranh. Đồng thời, góp phần tinh giản bộ máy quản lý Nhà nước về cạnh tranh, tạo ra tính chuyên trách về nhiệm vụ trong quá trình quản lý cạnh tranh, giải quyết vụ việc cạnh tranh, khắc phục những bất cập trong quá trình phân quyền giải quyết. Từ đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là một cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm toàn bộ và có đầy đủ chức năng trong tất cả các hoạt động về thực thi pháp luật về cạnh tranh.

Ý nghĩa đối với việc phát triển kinh tế thị trường

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã đang tham gia và là thành viên của các hiệp định quốc tế về thương mại tự do, phi thuế quan,…Trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ ký kết thêm nhiều những hiệp định tầm quốc tế nhằm hội nhập ngày càng sâu rộng đối với thị trường thế giới. Việc tham gia thị trường thế giới đồng thời kéo theo việc gia tăng về tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Vì vậy, sự ra đời của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia mang ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo việc thực thi chính sách của Nhà nước về cạnh tranh, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trên đây là toàn bộ nội dung về Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia. Hy vọng bài viết hữu ích đến bạn đọc.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:

Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01

Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html

Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830

Website: https://luatsulh.com/

Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang

Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:

Website: https://luatsulh.com/

Facebook: Luật sư LHLegal

Youtube: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)

Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí