Khi nào di chúc nhà đất bị từ chối công chứng?

>>> Trình tự, thủ tục phân chia di sản thừa kế theo di chúc

>>> Thủ tục lập di chúc hợp pháp và những điều cần biết

Các quy định pháp luật về công chứng di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết (Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Căn cứ Điều 630, Điều 638, di chúc phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực, trừ các trường hợp sau:

  • Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực.

  • Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó.

  • Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó.

  • Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị.

  • Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó.

  • Di chúc của người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.

Căn cứ Điều 56 Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018, 2023) quy định:

“Điều 56. Công chứng di chúc

1. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.

2. Trường hợp công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó.

Trường hợp tính mạng người lập di chúc bị đe dọa thì người yêu cầu công chứng không phải xuất trình đầy đủ giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng.

3. Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó”.

Các trường hợp di chúc bị từ chối công chứng

Căn cứ khoản 2 Điều 56 Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018, 2023), khi rơi vào một trong hai trường hợp sau, di chúc sẽ bị từ chối công chứng:

  • Công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;

  • Có căn cứ để công chứng viên cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó.

Công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc mắc bệnh tâm thần sẽ bị từ chối công chứng

Trường hợp tính mạng người lập di chúc bị đe dọa thì người yêu cầu công chứng phải ghi rõ trong văn bản công chứng.

Trường hợp người lập di chúc không đủ năng lực hành vi

Đây là trường hợp công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. 

Căn cứ Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc là điều kiện đầu tiên để di chúc hợp pháp. Do vậy, khi công chứng nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có thể từ chối công chứng di chúc.

Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015:

“Mất năng lực hành vi dân sự

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện;"

Rủi ro trong khi người lập di chúc không đủ năng lực hành vi:

Theo Điều 125, 128 Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; Giao dịch dân sự do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình có thể bị Toà án tuyên bố vô hiệu.

Trường hợp nội dung di chúc vi phạm pháp luật do người lập di chúc bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Căn cứ Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc người lập di chúc không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép cũng là điều kiện tiên quyết để di chúc hợp pháp. Phân tích rõ rủi ro nếu xác lập di chúc => Di chúc vô hiệu theo Điều 127 Bộ luật Dân sự. 

Nếu có căn cứ để công chứng viên cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp người yêu cầu công chứng không làm rõ được thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng di chúc đó.

Nếu có dấu hiệu lừa dối, đe dọa thì công chứng viên sẽ đề nghị người lập di chúc làm rõ và có thể từ chối công chứng di chúc

Lưu ý:

Trong trong trường hợp có tranh chấp về tài sản trong di chúc thì công chứng viên có thể từ chối công chứng: 

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai năm 2024, người sử dụng đất được thực hiện quyền thừa kế quyền sử dụng đất khi đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật.

“Điều 45. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:

b) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;”.

Đồng thời, tại Điều 3, Điều 4 Luật Công chứng hiện hành:

“Điều 3. Chức năng xã hội của công chứng viên

Công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội”.

“Điều 4. Nguyên tắc hành nghề công chứng

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

2. Khách quan, trung thực.

3. Tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng”.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 5 Thông tư số 11/2012/TT-BTP về ban hành bộ quy tắc hành nghề công chứng cũng quy định: 

“3. Công chứng viên có nghĩa vụ giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý phát sinh của hợp đồng, giao dịch được yêu cầu công chứng; giải đáp một cách rõ ràng những thắc mắc của người yêu cầu công chứng nhằm đảm bảo cho hợp đồng, giao dịch đúng với ý chí của các bên giao kết hợp đồng, giao dịch; đảm bảo các bên có nhận thức đúng về pháp luật có liên quan và giá trị pháp lý của văn bản công chứng trước khi công chứng viên công chứng”.

Như vậy, không có điều khoản trực tiếp quy định và việc tài sản đang có tranh chấp cũng rất khó xác định, tuy nhiên, căn cứ các quy định của Luật Đất đai, Luật Công chứng hiện hành về nghĩa vụ của công chứng viên như trên, nếu có căn cứ cho rằng tài sản trong di chúc đang bị tranh chấp thì công chứng viên cần từ chối công chứng di chúc đó.

Thủ tục khiếu kiện quyết định từ chối công chứng

Căn cứ Điều 76 Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018, 2023) quy định về giải quyết tranh chấp trong hoạt động công chứng:

“Trong trường hợp giữa người yêu cầu công chứng và công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng có tranh chấp liên quan đến hoạt động hành nghề công chứng thì các bên có quyền khởi kiện vụ việc ra Tòa án để giải quyết tranh chấp đó”.

Như vậy, nếu có căn cứ cho rằng việc công chứng viên từ chối công chứng di chúc là không đúng pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của mình thì người yêu cầu công chứng có quyền khởi kiện Công chứng viên, Tổ chức hành nghề công chứng ra Tòa án, yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh

Việc quy định các trường hợp công chứng viên được từ chối công chứng di chúc góp phần phòng ngừa tranh chấp, bảo đảm sự minh bạch, bình đẳng trong thừa kế nói riêng và giao lưu dân sự nói chung, sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Người dân cần nắm rõ những trường hợp bị từ chối cũng như phương thức khiếu kiện để tránh rủi ro pháp lý cũng như bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân và gia đình.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:

Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01

Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html

Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830

Website: https://luatsulh.com/

Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang

Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:

Website: https://luatsulh.com/

Facebook: Luật sư LHLegal

Youtube: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)

Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí