Kết hôn trái pháp luật là gì? Xử lý thế nào khi ly hôn và hủy kết hôn trái pháp luật?

>>> Cản trở vợ/chồng kết hôn sau khi ly hôn có phải hành vi bạo lực gia đình?

>>> Bao nhiêu tuổi được kết hôn? Kết hôn với người chưa đủ tuổi bị xử lý thế nào? 

Hiện nay, việc kết hôn trái pháp luật là vấn đề khá nhạy cảm, gây ra nhiều thách thức về mặt pháp lý cho xã hội. Vậy bạn đã bao giờ nghe đến khái niệm “Kết hôn trái pháp luật” chưa? Trong bài viết này, LHLegal sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về khái niệm kết hôn trái pháp luật và những thủ tục pháp lý cần thiết để chấm dứt một cuộc hôn nhân. 

Kết hôn trái pháp luật là gì? Trường hợp nào là kết hôn trái pháp luật?

Kết hôn trái pháp luật

Khái niệm kết hôn trái pháp luật được quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó, kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014. 

Điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, bao gồm:

  • Về độ tuổi được đăng ký kết hôn: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

  • Việc kết hôn được quyết định dựa trên tinh thần tự nguyện của nam và nữ; 

  • Về năng lực chủ thể: Chủ thể đăng ký kết hôn không bị mất năng lực hành vi dân sự;

  • Trường hợp được phép đăng ký kết hôn: Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Trường hợp kết hôn trái pháp luật

Các trường hợp không đáp ứng đầy đủ các điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đều được xem là kết hôn trái pháp luật. Như vậy, trường hợp kết hôn trái pháp luật gồm:

  • Không đủ độ tuổi đăng ký kết hôn: nam dưới 20 tuổi, nữ dưới 18 tuổi;

  • Việc kết hôn không được quyết định trên tinh thần tự nguyện của một trong hai bên hoặc cả hai bên;

  • Một trong hai bên hoặc cả hai bên bị mất năng lực hành vi dân sự;

  • Kết hôn giả tạo;

  • Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn;

  • Việc kết hôn giữa người đang có vợ, có chồng với người chưa hoặc đang có vợ, có chồng;

  • Việc kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

  • Việc kết hôn giữa những người cùng giới tính.

Theo đó, nếu việc kết hôn thuộc một trong những trường hợp trên được xem là trường hợp kết hôn trái pháp luật.

Kết hôn giả tạo là một trong những trường hợp kết hôn trái pháp luật

Phân biệt ly hôn và hủy kết hôn trái pháp luật

Ly hôn và hủy kết hôn trái pháp luật đều là hình thức chấm dứt mối quan hệ hôn nhân, tuy nhiên, giữa ly hôn và hủy kết hôn trái pháp luật có sự khác biệt cơ bản về nguyên nhân, thủ tục và hậu quả pháp lý.

Dưới đây là những điểm khác biệt giữa ly hôn và hủy kết hôn trái pháp luật:

Tiêu chí

Ly hôn

Hủy kết hôn trái pháp luật

Khái niệm

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

(khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

Là quyết định của Tòa án về việc hủy kết hôn đối với trường hợp nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Nguyên nhân

Do sự đổ vỡ trong hôn nhân, một trong các bên không còn tình cảm, xảy ra mâu thuẫn không thể hòa giải.

Việc kết hôn ban đầu đã vi phạm quy định của pháp luật về hôn nhân.

Tính chất

Là việc chấm dứt một quan hệ hôn nhân hợp pháp.

Là việc tuyên bố một quan hệ hôn nhân bị vô hiệu ngay từ đầu.

Người có quyền yêu cầu

- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

(Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

- Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn;

- Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây:

  • Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

  • Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

  • Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

  • Hội liên hiệp phụ nữ.

- Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật. 

(Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

Hậu quả pháp lý

Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Cụ thể như sau:

- Đối với quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng:

  • Các quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ và chồng sẽ đương nhiên chấm dứt. Đồng thời các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của luật Hôn nhân và gia đình giữa hai bên sẽ cũng sẽ không còn.

  • Kể từ thời điểm bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì các bên trở thành người độc thân. Họ hoàn toàn có thể kết hôn với một người khác mà không phải chịu bất kỳ một sự ràng buộc nào từ bên còn lại.

- Đối với quan hệ tài sản:

  • Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 và tại các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

- Đối với quan hệ giữa cha, mẹ và con:

  • Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được áp dụng theo quy định tại các Điều 81, 82, 83 và 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. 

(Điều 57, 58, 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì: 

  • Hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

  • Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.

  • Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

(Điều 12 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

Xem thêm: https://luatsulh.com/phap-luat/dich-vu-luat-su-gioi-ly-hon-o-tp-hcm-1330.html

Kết hôn trái pháp luật bị xử lý như thế nào?

Thẩm quyền xử lý việc kết hôn trái pháp luật

Tại khoản 1 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thẩm quyền xử lý việc kết hôn trái pháp luật, theo đó, xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình và pháp luật về tố tụng dân sự.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, khi xem xét, giải quyết yêu cầu có liên quan đến việc hủy kết hôn trái pháp luật, Tòa án phải căn cứ vào các yếu tố sau:

  • Yêu cầu của đương sự;

  • Điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014;

  • Điều kiện công nhận quan hệ hôn nhân theo quy định tại Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Kết hôn trái pháp luật bị phạt như thế nào?

Căn cứ vào Điều 38 và Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, việc kết hôn trái pháp luật bị xử phạt như sau:

  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    • Cho người khác sử dụng giấy tờ của mình để làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn;

    • Cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cam đoan, làm chứng sai sự thật về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn.

  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    • Kết hôn giữa người đang có vợ/chồng với người khác; giữa người chưa có vợ/chồng với người mà mình đã biết rõ là đang có chồng/vợ;

    • Người đang có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

    • Chưa có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

    • Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    • Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

    • Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;

    • Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; 

    • Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

Kết hôn hoặc sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng

Ngoài hình thức phạt tiền, các cá nhân thực hiện việc kết hôn trái pháp luật còn có thể bị áp dụng Biện pháp khắc phục hậu quả:

  • Kiến nghị cơ quan thẩm quyền xem xét và xử lý giấy chứng nhận kết hôn đã được cấp, giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa hay sửa chữa làm sai lệch nội dung;

  • Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi: Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

Đối với một số trường hợp kết hôn trái pháp luật mà có dấu hiệu tội phạm thì người vi phạm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, cụ thể: 

  • Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện bằng cách hành hạ, ngược đãi hay uy hiếp về mặt tinh thần/thủ đoạn khác và đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm: Bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt từ 03 tháng đến 03 năm (Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015).

  • Tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ/một chồng:

Người đang có vợ/chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ/chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng/vợ thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Việc kết hôn, chung sống như vợ chồng trái pháp luật làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

  • Việc kết hôn, chung sống như vợ chồng trái pháp luật đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm.

Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Việc kết hôn, chung sống như vợ chồng trái pháp luật làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

  • Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

 (Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015).

Tội tổ chức tảo hôn 

Hành vi tổ chức lấy vợ/chồng khi chưa đến tuổi, đã bị xử phạt vi phạm mà còn tiếp tục vi phạm: Bị phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm (Điều 183 Bộ luật Hình sự 2015).

Trường hợp nào được công nhận là vợ chồng khi kết hôn trái pháp luật?

Theo khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.”

Theo quy định trên, việc kết hôn trái pháp luật vẫn có thể được công nhận là vợ chồng trong một số trường hợp sau:

  • Cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

  • Cả hai bên đều yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân. 

    • Về độ tuổi kết hôn được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên

    • Tại thời điểm kết hôn, một trong hai bên hoặc cả hai bên đều chưa đủ tuổi kết hôn nhưng tại thời điểm Tòa án giải quyết hủy kết hôn trái pháp luật, cả hai bên đã đủ tuổi kết hôn và cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì họ vẫn được công nhận là vợ chồng hợp pháp kể từ thời điểm cả hai bên đủ tuổi kết hôn theo Luật định.

Nếu đủ điều kiện thì kết hôn trái pháp luật sẽ được công nhận là vợ chồng hợp pháp

  • Đối với trường hợp bị lừa dối/cưỡng ép kết hôn: 

Tại thời điểm Tòa án giải quyết hủy kết hôn trái pháp luật, bên bị lừa dối/cưỡng ép kết hôn đã biết và vẫn muốn tiếp tục chung sống hoà thuận với bên kia thì Toà án không huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Vì vậy, các bên vẫn được công nhận là vợ chồng hợp pháp.

  • Đối với trường hợp kết hôn với người bị mất năng lực hành vi dân sự:

Căn cứ vào khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13: “Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự”.

Theo đó, nếu người mất năng lực hành vi dân sự được Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố bị mất năng lực hành vi dân sự và đáp ứng đủ các điều kiện để kết hôn khác thì sẽ được công nhận là vợ chồng hợp pháp.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:

Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01

Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html

Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830

Website: https://luatsulh.com/

Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang

Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:

Website: https://luatsulh.com/

Facebook: Luật sư LHLegal

Youtube: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)

Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí