Hình phạt là gì? Bộ luật hình sự quy định các hình phạt đối với người phạm tội như thế nào?

Trong Bộ luật hình sự Việt Nam, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nhằm răn đe cá nhân, pháp nhân thương mại khi có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, do cơ quan có thẩm quyền; áp dụng đối với những chủ thể phạm tội. Vì vậy, nếu chúng ta vi phạm pháp luật sẽ bị chế tài, tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm. Vậy các hình phạt đối với người phạm tội được quy định như thế nào trong Bộ luật hình sự? 

Hình phạt là gì? 

Theo quy định tại điều 30 Bộ luật hình sự 2015 thì:

“Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó” 

Như vậy, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước. Và tính nghiêm khắc của hình phạt được thể hiện rõ ở chỗ người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó. Theo đó, khi mà người hoặc pháp nhân thương mại bị kết án trong thời hạn nhất định sau khi chấp hành xong hình phạt vẫn sẽ để lại hậu quả pháp lý là án tích.  

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước

Bên cạnh đó, Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới, giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.  

Bộ luật hình sự quy định các hình phạt đối với người phạm tội như thế nào? 

Căn cứ Điều 32 Bộ luật hình sự 2015 quy định về các hình phạt đối với người phạm tội bao gồm: hình phạt chính và hình phạt bổ sung.  

Hình phạt chính

Hình phạt chính quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật hình sự 2015, bao gồm các hình phạt sau đây: 

Cảnh cáo

Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. 

Phạt tiền  

- Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau: 

+ Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng.

+ Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng sẽ chịu hình phạt là phạt tiền

- Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

- Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng.

Cải tạo không giam giữ 

Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

Trục xuất 

Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể. 

Tù có thời hạn 

Tù có thời hạn là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định. Tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là 03 tháng và mức tối đa là 20 năm. 

Tù chung thân 

Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình. Không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. 

Tù chung thân là hình phạt đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng

Tử hình

Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia; xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng…. 

Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất mà pháp luật áp dụng cho người phạm tội. 

Hình phạt bổ sung  

Hình phạt bổ sung quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 32 Bộ luật hình sự 2015, bao gồm các hình phạt sau đây 

Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 

Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội. 

Thời hạn cấm là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo. 

Cấm cư trú 

Cấm cư trú là buộc người bị kết án phạt tù không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định. 

Thời hạn cấm cư trú là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. 

Quản chế 

Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo quy định và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. 

Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác theo quy định pháp luật.

Tội phạm an ninh quốc gia hay người tái phạm nguy hiểm sẽ phải chịu sự kiểm soát của chính quyền và nhân dân địa phương

Thời hạn quản chế là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. 

Tước một số quyền công dân 

Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật hình sự quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây: 

  • Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước; 

  • Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân. 

Tịch thu tài sản 

Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước. 

Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật hình sự quy định.

Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính 

Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính 

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật chúng ta cần lưu ý đối với hình phạt là: phạt tiền và trục xuất. Vì đây là hai hình phạt có thể áp dụng là hình phạt chính, đồng thời cũng có thể áp dụng làm hình phạt bổ sung (trong trường trường không áp dụng là hình phạt chính).  

Có nghĩa là trong trường hợp người phạm tội đã áp dụng một hình phạt chính khác, không phải là phạt tiền và trục xuất thì khi áp dụng hình phạt là phạt tiền và trục xuất thì hai hình hạt này sẽ là hình phạt bổ sung.  

Như vậy, hình phạt chính là hình phạt độc lập với mỗi tội phạm và hình phạt bổ sung được áp dụng kèm theo hình phạt chính, có thể áp dụng nhiều hình phạt bổ sung cho mỗi loại tội phạm.  

Tóm lại, mỗi người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung. 

Trên đây là bài viết trả lời liên quan đến việc “Hình phạt là gì? Bộ luật hình sự quy định các hình phạt đối với người phạm tội như thế nào?” mà LHLegal gửi đến bạn. Hy vọng bài viết cung cấp đầy đủ thông tin bổ ích đến Quý bạn đọc. 

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ qua các hình thức sau: 

Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01

Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html

Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830

Website: https://luatsulh.com/

Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang

Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:

Website: https://luatsulh.com/

Facebook: Luật sư LHLegal

Youtube: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)

Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí