>>> Chi phí khởi kiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản là bao nhiêu?
>>> Có được ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai không?
Gần đây, nhiều người đã trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa bán đất nền tại các khu vực vùng ven TP.HCM với mức giá khoảng 3 tỷ đồng. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các “dự án ma”, không có thật hoặc chưa được phê duyệt, để tạo niềm tin và thu hút người mua. Bằng thủ đoạn thiết kế các tờ rơi, quảng cáo hấp dẫn, thậm chí tổ chức các sự kiện giới thiệu dự án để tạo sự uy tín và chuyên nghiệp, chúng dẫn dụ người mua, để họ tin tưởng và chuyển tiền, lúc này các đối tượng này sẽ chiếm đoạt và biến mất, để lại những hậu quả nặng nề cho nạn nhân.
Một trường hợp điển hình về bẫy lừa đảo bất động sản là vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản Odiland. Theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, Trần Công Thắng - Tổng giám đốc công ty này, đã lập ra một “dự án ma” mang tên “Ruby City”. Thắng thiết kế tờ rơi và các tài liệu quảng cáo để tạo niềm tin cho khách hàng, sau đó bán và nhận tiền từ nhiều người, chiếm đoạt số tiền lớn. Hành vi này cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cụ thể:
Trần Công Thắng biết rõ thửa đất số 592, tờ bản đồ số 08, diện tích 4.897,8m2, địa chỉ P.An Phú Đông, Q.12 theo giấy chứng nhận số CH02725, ngày 11/10/2013 chưa thực hiện phân lô, tách thửa và chỉ mới đặt cọc mua một phần (26 lô đất) của bà Phan Thị Tuyết Nga; hoàn toàn không thực hiện bất kỳ thủ tục xin lập dự án “Dự án Ruby City” tại Ủy ban nhân dân Q.12, không được các cơ quan chức năng cấp phép lập dự án nhưng Thắng đã tự đặt tên khu đất trên thành “Dự án Ruby City”, tự thiết kế tờ rơi để tư vấn “rao bán” cho khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Nghi phạm Trần Công Thắng
Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định như sau:
Cấu thành tội phạm: Người phạm tội là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (khoản 1 Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và không bị mất năng lực hành vi hình sự (Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)), có hành vi cố ý sử dụng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp:
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Khung hình phạt: Tùy thuộc vào giá trị tài sản chiếm đoạt và tính chất, mức độ của hành vi, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Trong vụ án của Công ty Odiland, Trần Công Thắng đã có hành vi gian dối bằng cách tạo ra dự án không có thật, lừa dối khách hàng để chiếm đoạt tài sản. Hành vi này thỏa mãn các dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định của pháp luật.
Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tương tự, nhà đầu tư cần lưu ý:
Kiểm tra pháp lý dự án: Yêu cầu xem các giấy tờ pháp lý liên quan đến dự án, như quyết định phê duyệt, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, v.v…xem có đáp ứng hay không trước khi ký kết bất cứ hợp đồng nào hoặc đặt cọc;
Thẩm định uy tín của chủ đầu tư: Tìm hiểu thông tin về chủ đầu tư, xem xét các dự án đã thực hiện và đánh giá uy tín trên thị trường thông qua website về đăng ký kinh doanh, mã số thuế, website của chủ đầu tư, đánh giá từ khách hàng cũ, tham quan thực tế;
Tham khảo ý kiến chuyên gia: Nhờ sự tư vấn của các luật sư hoặc chuyên gia bất động sản để đánh giá tính hợp pháp và tiềm năng của dự án.
Cảnh giác với các ưu đãi quá hấp dẫn: Nếu nhà đầu tư gặp một dự án đưa ra các ưu đãi hoặc cam kết lợi nhuận quá cao, cần thận trọng và xem xét kỹ lưỡng.
Vụ án lừa đảo tại Công ty Cổ phần Bất động sản Odiland là một lời cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Việc thiếu thận trọng và không kiểm tra kỹ lưỡng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về tài chính và pháp lý. Do đó, nhà đầu tư cần nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức pháp lý và luôn thận trọng trong các giao dịch để bảo vệ quyền lợi của mình.
Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Điện thoại: 1900 2929 01
Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang
Điện thoại: 1900 2929 01