DOANH NGHIỆP CÓ QUYỀN ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG MÀ KHÔNG CẦN BÁO TRƯỚC VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG

Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 được Quốc hội thông qua đã mở rộng hơn quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động (HĐLĐ) của người sử dụng lao động.

 

Theo đó, căn cứ Điều 36 Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động được mở rộng thêm so với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành ở các trường hợp sau đây:

 

  1. NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169. Tuổi nghỉ hưu (Bộ luật Lao động sửa đổi 2019);
  2. NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên;
  3. NLĐ cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết HĐLĐ làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng NLĐ.

 

Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 thì đối với trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà KHÔNG CẦN BÁO TRƯỚC.

 

Quy định này là điểm mới mang tính ưu việt và thuận tiện hơn cho người sử dụng lao động trong quá trình xử lý người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng làm ảnh hưởng đến năng suất và quy trình làm việc chung của doanh nghiệp.

 

Đối chiếu với các quy định pháp luật tại Bộ luật Lao động 2012, để người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động tự ý nghỉ việc như trên phải qua 02 giai đoạn. Một là, xử lý kỷ luật người lao động theo hình thức sa thải (Khoản 3 Điều 126). Hai là, chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động (Khoản 8 Điều 36).

 

Khoản 3 Điều 125 Bộ luật Lao động 2012 về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải quy định: “Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.”

 

Khoản 8 Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động: “8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.”

 

Tuy nhiên, để xử lý kỷ luật sa thải và chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động phải tuân theo trình tự, thủ tục khá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Vì vậy, doanh nghiệp khi gặp trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc không phép, không có lý do chính đáng thường tìm lý do khác để chấm dứt hợp đồng lao động.

 

Do đó, kể từ ngày 01/01/2021 trở đi – khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành thì người sử dụng lao động được mở rộng hơn quyền của mình trong việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần phải thông báo với người lao động khi người lao động nghỉ việc mà không có lý do chính đáng.

 

Trên đây là một số thông tin về điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 mà Luật sư LHLegal cập nhật đến quý Độc giả, đặc biệt là đến các doanh nghiệp trong nước. Các quy định mới đáng chú ý khác về thay đổi tại Bộ luật Lao động 2019 có tác động trực tiếp đến quyền lợi người lao động và người sử dụng lao động, Luật sư LHLegal sẽ cập nhật sớm nhất đến bạn đọc. Luật sư LHLegal mời quý Độc giả đón đọc tại các bài viết pháp luật tại website www.luatsulh.com

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 12 năm 2019

**********************

 

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí