Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh Đức bị khởi tố, bắt tạm giam

>>> Cựu Chủ tịch SCB thừa nhận khai nhầm thưởng Tết 4 tỷ đồng thành 40 tỷ đồng

>>> Vì sao ông Trịnh Văn Quyết bị bắt? Mức án nào dành cho cựu chủ tịch FLC

 

Tóm tắt vụ việc

Bà Chu Thị Thành (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh Đức) bị khởi tố đề làm rõ các sai phạm trong quản lý tài chính, thuế, chiếm đoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu. 

Theo nguồn báo chí đưa tin, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức được thành lập vào tháng 9/2001, trụ sở chính đặt ở Nghệ An. Người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT là bà Chu Thị Thành. 

Theo đó, Tập đoàn Thiên Minh Đức thường xuyên bị cơ quan quản lý xử phạt do có hàng loạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Cuối năm 2023, Thanh tra Chính phủ kết luận Tập đoàn Thiên Minh Đức thường xuyên kê khai thuế bảo vệ môi trường lần đầu và hàng tháng bị sai, thiếu; không kê khai thuế và kê khai không trung thực thuế bảo vệ môi trường phải nộp. Sau khi xác minh, tổng số tiền thuế bảo vệ môi trường kê khai lại trong giai đoạn 2018 – 2021 tăng thêm 3.287 tỷ đồng. Mặc dù nợ ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng, nhưng trong giai đoạn 2017 - 2022, tập đoàn này đã cho Chu Đăng Khoa (Phó Tổng giám đốc) và Chu Thị Thành (Chủ tịch HĐQT) mượn 7.485 tỷ đồng để sử dụng cho mục đích cá nhân. 

Vì sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích, không kết chuyển tài khoản về Quỹ bình ổn giá mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại, Thanh tra Chính phủ sau đó đã kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc trên cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật. 

Theo số liệu công khai của Cục Thuế Nghệ An, tính đến ngày 30/11/2023, Thiên Minh Đức đứng đầu danh sách nợ thuế của địa phương với số nợ hơn 950 tỷ đồng. 

Đầu năm 2024, cơ quan quản lý xác định doanh nghiệp này không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định. Ngoài ra, tập đoàn này có 4 hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. 

Ngày 17/01/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Chu Thị Thành với 02 tội danh là “Tham ô tài sản” và “Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” cùng với các đồng phạm khác. 

Phân tích các tội danh trong vụ việc

Tội tham ô tài sản

Căn cứ theo Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội tham ô tài sản như sau: 

“Điều 353. Tội tham ô tài sản

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.”

Từ quy định trên, các yếu tố cấu thành tội tham ô tài sản bao gồm: 

Khách thể: là những quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức trong Nhà nước và của các doanh nghiệp, tổ chức trong Nhà nước và của cả các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước; uy tín của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, tội Tham ô tài sản còn xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của các cơ quan, tổ chức nêu trên.

Mặt khách quan: 

  • Về hành vi: hành vi của tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội đang quản lý bằng mọi hình thức, mọi thủ đoạn. 

  • Về hậu quả: tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác mà Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định. 

Liên hệ với vụ việc trên, trong giai đoạn từ 2017 – 2022, bà Chu Thị Thành và ông Chu Đăng Khoa đã mượn công ty số tiền hơn 7.485 tỷ đồng để dùng cho mục đích cá nhân. Vào thời điểm thanh tra, hai người này còn nợ công ty tổng số tiền hơn 1.396 tỷ đồng. Như vậy, xét riêng bà Chu Thị Thành đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh Đức) để chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng của công ty. 

Bị can Chu Thị Thành (trái) và Mai Anh Tuyên

Mặt chủ quan: người thực hiện hành vi tham ô tài sản với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rất rõ hành vi tham ô tài sản là hành vi trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội, nhìn thấy trước được hậu quả nhưng vẫn mong muốn hậu quả đó xảy ra. 

Chủ thể: người phạm tội tham ô tài sản là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, chủ thể của tội phạm này là người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm quản lý tài sản. Đây được xem là dấu hiệu quan trọng trong cấu thành tội phạm này. 

Bà Chu Thị Thành là người có chức vụ, quyền hạn, cụ thể là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh Đức theo điểm đ khoản 2 Điều 3 Luật phòng chống tham nhũng 2018 (quy định Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức). Thời điểm bà Thành thực hiện hành vi phạm tội, bà đủ tuổi và đủ năng lực trách nhiệm hình sự. 

Như vậy, hành vi của bà Chu Thị Thành có dấu hiệu của tội Tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

Ngoài ra, vì bà Chu Thị Thành tham ô số tiền hơn 1 tỷ đồng nên theo điểm a khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), bà Thành có thể bị phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. 

Tội In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

Căn cứ Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước như sau: 

“Điều 203. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;

đ) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

e) Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Để cấu thành tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước thì phải thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành sau: 

Khách thể: là chế độ quản lý của Nhà nước đối với các loại hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Đối tượng tác động của tội phạm này bao gồm các loại hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách do Nhà nước thống nhất phát hành. 

Mặt khách quan: 

Về hành vi: tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước được thực hiện ở một trong các hành vi như sau: 

  • In trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước: là hành vi làm giả hóa đơn, chứng từ để thu nộp ngân sách nhà nước. Người phạm tội này có thể tham gia một phần hoặc toàn bộ quá trình in trái phép hóa đơn, chứng từ trên. 

  • Phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước: là hành vi đưa ra lưu hành trên thị trường các loại hóa đơn, chứng từ không đúng thẩm quyền hoặc trái quy định pháp luật. 

  • Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước: là hành vi mua bán nhằm kiếm lời từ các loại hóa đơn, chứng từ mà biết rõ các loại hóa đơn, chứng từ trên không được phép mua bán. 

Về hậu quả: Các hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước chỉ được cấu thành khi thỏa mãn một trong các trường hợp sau: 

  • Dạng phôi từ 50 số trở lên;

  • Hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số trở lên;

  • Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên.

Theo vụ việc trên, cuối năm 2023, Thanh tra Chính phủ kết luận Tập đoàn Thiên Minh Đức thường xuyên kê khai thuế bảo vệ môi trường lần đầu và hàng tháng bị sai, thiếu; không kê khai thuế và kê khai không trung thực thuế bảo vệ môi trường phải nộp. Sau khi xác minh, tổng số tiền thuế bảo vệ môi trường kê khai lại trong giai đoạn 2018 – 2021 tăng thêm 3.287 tỷ đồng. Có thể thấy, bà Chu Thị Thành cùng đồng bọn đã có hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước. 

Mặt chủ quan: người phạm tội này thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp vì họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhìn thấy trước được hậu quả nhưng vẫn mong muốn hậu quả đó xảy ra. 

Chủ thể: chủ thể của tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, chủ thể của tội phạm này có thể là pháp nhân thương mại có đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

Như vậy, bà Chu Thị Thành có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, theo nguồn báo chí đưa tin, bà Chu Thị Thành bị khởi tố với tội danh này theo khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nên bà có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 

Tập đoàn Thiên Minh Đức

Bản án 125/2023/HS-ST ngày 05/04/2023 về tội tham ô tài sản

Bị cáo: Dương Đình S, sinh năm 1986, nơi cư trú: Tổ x, thôn Q, xã H, huyện H, Thành phố Đà Nẵng; nghề nghiệp: tài xế.

Bị hại: Công ty Cổ phần giao nhận H, địa chỉ: số 51 đường số X, phường B, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Công B - Chức vụ: Giám đốc.

Xem chi tiết bản án tại đây

Tóm tắt vụ án

Dương Đình S là tài xế xe đầu kéo vận chuyển hàng hóa của Công ty cổ phần giao nhận H (sau đây gọi là Công ty H). Ngày 08/9/2017, Công ty H có lệnh điều động giao xe đầu kéo cho bị cáo S để vận chuyển Container hàng từ ngày 08/9/2017 đến hết ngày 11/9/2017. 

Khoảng 16 giờ, ngày 10/9/2017, Dương Đình S điều khiển xe đầu kéo biển số 51C-932.85 kéo rơ móc biển số 51R-112.00 đến cảng Cát Lái để vận chuyển hàng hóa. Trong quá trình nhận hàng, bị cáo S tắt định vị GPS của xe, điều khiển xe đến cửa hàng kinh doanh vỏ ruột xe H ở Quận 2 (nay là Thành phố Thủ Đức). Tại đây, bị cáo S thỏa thuận với chủ cửa hàng xe H là anh Ngô Quang H thay 14 vỏ xe và 14 mâm xe của xe đầu kéo và rơ móc lấy 14 vỏ xe và mâm xe khác cũ hơn để hưởng lợi số tiền 15.000.000 đồng. Sau đó, S điều khiển xe về đậu tại bãi xe của công ty dệt V ở quận Thủ Đức rồi bỏ đi. 

Sau khi phát hiện sự việc, anh Hồ Việt Minh Đ (đội trưởng quản lý xe của công ty H) đến trình báo sự việc với công an phường L, quận Thủ Đức. Ngày 04/12/2017, Dương Đình S đầu thú tại Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Quận 2.

Nhận định của Tòa án

Hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “ Tham ô tài sản” được quy định tại Khoản 1 Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo đã bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả; bị cáo đã ra đầu thú và đã được bị hại làm đơn bãi nại là những tính tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 để giảm nhẹ một phần mức án mà lẽ ra bị cáo phải nhận là đúng quy định của pháp luật.

Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Quyết định của Tòa án

Tuyên bố bị cáo Dương Đình S phạm tội “Tham ô tài sản”.

Xử phạt bị cáo Dương Đình S 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù.

Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 353; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Nếu bạn có thắc mắc gì hãy liên hệ ngay đến chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:

Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01

Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html

Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830

Website: https://luatsulh.com/

Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang

Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:

Website: https://luatsulh.com/

Facebook: Luật sư LHLegal

Youtube: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)

Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí