Cảnh báo chiêu trò lừa đảo qua tin tuyển dụng và cách phòng tránh

>>> Lừa đảo mua bán nhà đất bị xử lý ra sao?

>>> Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có bị tử hình không? Người từ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội lừa đảo có bị truy cứu trách nhiệm không?

Tình trạng lừa đảo qua tin tuyển dụng

Gần đây, sự phát triển của khoa học công nghệ, sự nở rộ của hình thức tuyển dụng qua mạng đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho các đối tượng lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo thường chuẩn bị kế hoạch tỉ mỉ, tận dụng tâm lý và nhu cầu của người tìm việc để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.    

Thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo sử dụng ngày càng tinh vi, đó có thể là đăng bài lên các mạng xã hội có độ tương tác cao như facebook, instagram, threads, … thậm chí thông qua các trang tìm việc có độ uy tín như như Indeed, LinkedIn, tin nhắn WhatsApp hoặc gửi tin nhắn SMS cho nạn nhân. Thông qua các hội, nhóm, trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram… Các đối tượng giả mạo là nhân viên của các trang sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada hoặc các tổ chức, doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín để tạo lòng tin nhằm chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Khi tiếp cận được nạn nhân, các đối tượng lừa đảo yêu cầu họ cài đặt ứng dụng, tham gia nhóm chat, hoặc nhấp vào đường link lạ, cung cấp thông tin cá nhân với lý do để làm hồ sơ nhận việc, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để nhận lương,… Sau đó chiếm quyền quản trị thiết bị, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Đáng nói, sau khi đã lừa nạn nhân và thực hiện được mục đích chiếm đoạt tài sản, các đối tượng lại câu kết nhau lừa tiếp nạn nhân lần 2. Chúng móc nối và tìm đến nạn nhân với tư cách người lấy lại mật khẩu, tài khoản facebook, sau đó yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin, chuyển tiền cọc để thực hiện “dịch vụ” lấy lại tài khoản. Sau đó ôm tiền cao bay xa chạy.

Các bài tuyển dụng đưa ra thông tin thu nhập hấp dẫn nhưng thực chất là lừa đảo

Trách nhiệm dân sự, hình sự, hành chính với hành vi lừa đảo bằng tin tuyển dụng

Người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng tin tuyển dụng nếu bị phát hiện có thể bị phạt hành chính, bị truy cứu trách nhiệm dân sự, thậm chí tội hình sự:

Trách nhiệm hành chính

Người có hành vi lừa đảo tuyển dụng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

Vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động

"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

a) Không khai trình việc sử dụng lao động theo quy định;

b) Thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động;

c) Không thể hiện, nhập đầy đủ thông tin về người lao động vào sổ quản lý lao động kể từ ngày người lao động bắt đầu làm việc;

d) Không xuất trình sổ quản lý lao động khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

...

4. Biện pháp khắc phục hậu quả"

Buộc người sử dụng lao động trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định:

“Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần

1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

...

Như vậy, người có hành vi lừa đảo tuyển dụng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Đối với tổ chức có cũng hành vi vi phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Đồng thời, buộc người sử dụng lao động trả lại cho người lao động khoản tiền tuyển dụng đã thu theo khoản 4 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP."

Trách nhiệm dân sự

Người có hành vi lừa đảo phải bồi thường theo Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 nếu gây thiệt hại về nhân thân, tài sản của nạn nhân.

 Cũng căn cứ theo Điều 584 và các điều khoản liên quan tại Bộ luật Dân sự năm 2015, người có hành vi giả mạo các công ty, nhà tuyển dụng chính thống còn có thể phải bồi thường thiệt hại gây ra từ việc sử dụng trái phép hình ảnh, mạo danh, từ đó làm giảm sút uy tín, ảnh hưởng hoạt động của công ty, nhà tuyển dụng.

Trách nhiệm hình sự

Người có hành vi lừa đảo tuyển dụng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

“Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Như vậy, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm mà người có hành vi lừa đảo tuyển dụng qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản có thể phải đối diện với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung nhân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Người có hành vi lừa đảo tuyển dụng có thể bị truy cứu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Một số vụ việc điển hình

Có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực Công nghệ thông tin vẫn bị lừa đảo

Đó là vụ việc liên quan đến việc mạo danh Công ty Intel Việt Nam tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nạn nhân là anh P.H.N. (ở xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) - một người có kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành công nghệ thông tin.

Theo lời kể của anh N., anh nhận được lời mời phỏng vấn qua mạng xã hội Signal, với yêu cầu thực hiện bài kiểm tra MBTI để đánh giá tính cách và khả năng làm việc.

Sau đó anh được yêu cầu truy cập vào một đường link mạo danh là của Công ty Xổ số kiến thiết thành phố Hồ Chí Minh, với lời hứa sẽ chuyển tiền làm từ thiện thông qua hệ thống Banking online. Khi thực hiện chuyển tiền, chúng đã lợi dụng lòng tin của anh và lỗ hổng bảo mật để chiếm đoạt mật khẩu, thông tin đăng nhập của anh, sau đó chuyển tiền từ tài khoản của anh sang tài khoản của chúng.

Sinh viên mất tiền vì vội tìm việc

Một tài khoản facebook kể lại, cũng như bao sinh viên khác muốn tìm việc làm để có thêm thu nhập. Bạn đã cẩn thận tìm hiểu các trang tuyển dụng vì sợ sẽ gặp phải đa cấp hay lừa đảo. Sau khi rải đơn thì bạn được 2 bên liên hệ, cụ thể là nhân viên bán hàng của Coopmart và nhân viên ở CGV. 

Bên Coopmart liên hệ trước nên bạn chọn bên này và họ hẹn phỏng vấn ngay hôm sau. Đến nơi, họ có văn phòng thật, cũng có một vài bạn khác vừa phỏng vấn xong, khiến bạn cũng bớt nghi ngờ, các đối tượng phổ biến tất cả các thông tin liên quan và bảo bạn đóng trước 300k (tiền đồng phục). Dù lo ngại nhưng qua tìm hiểu thì việc đóng tiền đồng phục là bình thường, nhiều chỗ cũng yêu cầu như vậy và tiền đó sẽ được trả vào tiền lương nên bạn đã đưa 300k cho chúng. Sau đó, các đối tượng lừa đảo liền xoá luôn bài tuyển dụng và tài khoản.

Tuy số tiền không lớn nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sinh viên xa nhà, mong muốn kiếm thêm thu nhập. Các vụ việc lừa đảo trót lọt được thực hiện, số tiền lừa đảo đã lên đến hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu.

Mất hơn 01 tỷ vì tìm việc online

Chị H.T.K.T (35 tuổi) ngụ TP. Tân An, tỉnh Long An đã mất hơn 01 tỷ đồng từ việc làm cộng tác viên bằng cách thực hiện nhiệm vụ like, share các đoạn video, clip theo hướng dẫn của đối tượng. 

Khoảng cuối năm 2023, chị T có quen 01 đối tượng trên facebook tự xưng là nhân viên công ty Shopee hướng dẫn chị T làm nhiệm vụ online bằng cách like, share các sản phẩm và chị T nhận được tiền hoa hồng chuyển về tài khoản ngân hàng. Sau đó, đối tượng hướng dẫn chị T nâng cấp nhiệm vụ để nhận hoa hồng cao hơn bằng cách chuyển tiền vào tài khoản của công ty, lần này chị T vẫn nhận được số tiền lợi nhuận cao hơn. Nhận thấy việc làm này kiếm tiền khá dễ dàng, chị T tiếp tục với gói nhiệm vụ cao hơn, số tiền cần chuyển là hơn chục triệu đồng thì lúc này chị T không nhận được tiền hoa hồng và được thông báo lý do là nạp tiền sai cú pháp, yêu cầu chị chuyển thêm tiền để nhận tổng số tiền cả vốn và lời. Cứ tiếp tục như vậy, đối tượng đưa ra nhiều lý do như: nạp tiền chưa đủ hạn mức, chưa đúng quy trình, nâng cấp gói nhiệm vụ… Với tâm lý muốn lấy lại số tiền trước đó, chị T đã chuyển khoản cho đối tượng nhiều lần với tổng số tiền hơn một tỷ đồng.

Ảnh chụp màn hình tin nhắn giữa nạn nhân với kẻ lừa đảo

Giải pháp phòng tránh “bẫy” lừa đảo qua tin tuyển dụng

Nhận diện các tin tuyển dụng có yếu tố lừa đảo

Tài khoản đăng tin tuyển dụng không rõ ràng

Đối với các tin tuyển dụng mang tính lừa đảo, thông thường thông tin “người tuyển dụng” sẽ mập mờ, không đồng nhất, các đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản cá nhân, mạo danh đại diện cho một, một vài sàn thương mại điện tử hoặc một số nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường với logo, số điện thoại, địa chỉ được sao chép gần như y hệt, khiến cho nạn nhân tin rằng đây là những thông tin tuyển dụng chính thống.

“Việc nhẹ lương cao”:

Các bài đăng tin tuyển dụng lừa đảo thường đặt dưới các tiêu đề như: “Tuyển cộng tác viên cho Shopee, Tiki, Lazada, Sendo”; “Làm việc tại nhà với mức lương lên đến 500-700k/ngày” “Trả tiền ngay sau ca làm”,…Bài đăng có hình thức sơ sài, không chuẩn theo form mẫu văn phòng, từ ngữ sử dụng không trang trọng, sai chính tả. Độ dài tin tuyển dụng thường rất ngắn với đãi ngộ hấp dẫn, mức lương cao.

Các bài đăng tuyển dụng lừa đảo thường mô tả công việc rất tốt, công việc nhẹ nhàng, có thể làm việc tại nhà, mức lương nhận được hoặc mức hoa hồng thường rất cao, tùy theo doanh thu. Có các yêu cầu chuyển chuyển tiền, trả phí cho các khoản thu trước khi làm nhân viên chính thức như: tiền đặt cọc để đảm bảo trách nhiệm làm việc với Công ty; phí phát hành thẻ nhân viên chính thức...

Nhận việc gấp:

Mẫu bài đăng tuyển dụng nhằm lừa đảo thường có thời hạn ứng tuyển ngắn và bị hối thúc phải làm, phải nộp hồ sơ, thông tin ngay lập tức để giữ vị trí như “chỉ còn 3 ngày tuyển dụng duy nhất để trở thành cộng tác viên của shopee” hoặc “chỉ còn 5 vị trí trong đợt tuyển 100 cộng tác viên của...”. Khi trở thành cộng tác viên thanh toán đơn hàng, ứng viên cũng cần thanh toán ngay khi có yêu cầu. Họ không cho nạn nhân có thời gian để nghĩ kỹ càng và khiến nạn nhân phải nhanh chóng liên hệ nhận việc.

Phương thức lừa đảo của các “nhà tuyển dụng ma”:

Khi nạn nhân đã ứng tuyển thì yêu cầu phỏng vấn online/phỏng vấn tại một trụ sở công ty giả mạo, sau đó các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải đóng các khoản phí, tiền đặt cọc để được làm nhân viên chính thức của công ty và hứa sẽ hoàn lại khi làm việc 3 tháng hay khi kết thúc hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền hoặc khi phát hiện bị lộ các “nhà tuyển dụng” lập tức khóa các thông tin liên lạc và biến mất.

Đối với việc tuyển cộng tác viên tạo lượt mua hàng thì khi đã trở thành cộng tác viên, đối với các đơn hàng đầu tiên, giá trị nhỏ, việc hoàn tiền và hoa đồng được thực hiện ngay lập tức đúng như cam kết để tạo lòng tin cho nạn nhân. Đến các đơn hàng sau, các đối tượng có thêm yêu cầu. Chẳng hạn:

  • Nhiệm vụ bổ sung: bạn cần thanh toán thêm…đơn, mỗi đơn…lần để nhận được toàn bộ số tiền gốc và hoa hồng của nhiệm vụ lần này.

  • Hoặc, bạn đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng để nhận tiền gốc và hoa hồng, bạn cần hoàn thành nhiệm vụ sau.

Giải pháp phòng tránh rơi vào “bẫy” lừa đảo

Để nhận diện và phòng tránh lừa đảo, người lao động tìm kiếm việc làm cần trực tiếp đến công ty tuyển dụng, xem xét kỹ điều kiện công ty đưa ra, đồng thời tìm hiểu tư cách pháp nhân của công ty, đơn vị tuyển dụng (địa chỉ, mã số thuế, …). Bên cạnh đó, người lao động cũng cần tìm hiểu cách thức ký hợp đồng, quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia làm việc. Người dân nên cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, chủ động xác thực thông tin trước khi lan truyền để tránh gây hoang mang cho mọi người, dẫn đến những rủi ro về pháp luật.

Tránh nhấp vào các đường link lạ, vội vàng cung cấp thông tin cá nhân, nhất là hình ảnh căn cước công dân, tài khoản mạng xã hội, số thẻ ngân hàng, mã xác nhận, …

Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo tuyển dụng, người dân cần:

(1) Không chuyển bất kỳ phí cọc tuyển dụng nào, đồng thời làm đơn tố giác gửi đến các cơ quan:

  • Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

  • Các cơ quan, tổ chức khác khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

(2) Hoặc trình báo qua Đường dây nóng của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Fanpage chính thức của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TPHCM

Lừa đảo qua tin tuyển dụng không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần, công việc và sự an toàn của người lao động. Để tránh rơi vào bẫy của các đối tượng xấu, mỗi cá nhân cần nâng cao cảnh giác, kiểm tra kỹ thông tin nhà tuyển dụng và không cung cấp thông tin cá nhân, tài chính một cách tùy tiện. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Nếu gặp phải tình huống nghi vấn, hãy tham vấn ý kiến từ luật sư hoặc báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:

Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01

Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html

Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830

Website: https://luatsulh.com/

Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang

Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:

Website: https://luatsulh.com/

Facebook: Luật sư LHLegal

Youtube: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)

Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí