Tuy nhiên, phương thức này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý nếu không được xử lý đúng cách thì quyền lợi của các bên liên quan sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong phạm vi bài viết này, LHLegal sẽ phân tích chi tiết các khía cạnh liên quan đến quy định pháp luật, các rủi ro pháp lý cũng như các giải pháp cần thiết để hạn chế rủi ro khi sử dụng một TSBĐ cho nhiều khoản vay.
>>> Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi dùng tài sản bảo đảm cho nhiều khoản vay?
>>> Ngân hàng và đấu giá tài sản bảo đảm: Trách nhiệm pháp lý và rủi ro tiềm ẩn
Quy định pháp luật về tài sản bảo đảm cho nhiều khoản vay
Tài sản của doanh nghiệp có thể có giá trị rất lớn như: Quyền sử dụng đất, dự án đầu tư, dây chuyền sản xuất, quyền tài sản đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ…. Vì vậy mà nhu cầu chủ sở hữu tài sản sử dụng một tài sản để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ là nhu cầu chính đáng, do đó mà các nhà lập pháp cũng quy định cơ chế này một cách rất chi tiết, chặt chẽ. Cụ thể như sau:
Khái niệm tài sản bảo đảm cho nhiều khoản vay
Căn cứ theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) và Nghị định 21/2021/NĐ-CP thì có thể hiểu TSBĐ như sau:
“Điều 295. Tài sản bảo đảm
1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
2. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
3. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
4. Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.”
Như vậy, TSBĐ là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu và tài sản này được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phát sinh trong giao dịch dân sự giữa các bên theo Điều 116, Điều 275 BLDS.
Vậy, tài sản bảo đảm cho nhiều khoản vay là gì?
Quy định tại Điều 296 BLDS và Điều 5 Nghị định 21/2021/NĐ-CP về trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ không đưa ra khái niệm cụ thể. Tuy nhiên, dựa trên nội hàm của các quy định đã phân tích, có thể hiểu TSBĐ cho nhiều khoản vay là hình thức bên vay dùng một TSBĐ để bảo đảm cho nhiều khoản vay cùng lúc với nhiều bên cho vay khác nhau hoặc giao kết nhiều hợp đồng vay với cùng một bên cho vay, với điều kiện tài sản bảo đảm có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn giá trị của các nghĩa vụ được bảo đảm.
Như vậy, việc sử dụng một TSBĐ để bảo đảm cho nhiều khoản vay được pháp luật dân sự quy định cụ thể để các chủ thể, đặc biệt là doanh nghiệp cần huy động vốn thực hiện quyền trên cơ sở bảo đảm các điều kiện của luật.
Trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản.
Bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm khi TSBĐ được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác
Căn cứ pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm
Việc xác lập hợp đồng bảo đảm nhằm mục đích thúc đẩy các bên thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ theo hợp đồng chính. Bên bảo đảm vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng là căn cứ để bên nhận bảo đảm xử lý tài sản bảo đảm. Cơ sở pháp lý của việc xử lý TSBĐ được luật quy định chi tiết để bảo vệ quyền lợi của bên nhận bảo đảm như sau:
Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS): Quy định các nguyên tắc cơ bản về giao dịch bảo đảm, nghĩa vụ bảo đảm và hậu quả pháp lý của các giao dịch này. Chẳng hạn như Điều 296 quy định về việc sử dụng nhiều biện pháp bảo đảm để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ; Điều 299 về các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm; Điều 308 về thứ tự ưu tiên thanh toán… Đây cũng là cơ sở pháp lý gốc để giải quyết trực tiếp vấn đề về xử lý TSBĐ trong giao dịch dân sự.
Nghị định số 21/2021/NĐ-CP: Hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng Bộ luật Dân sự trong giao dịch bảo đảm, làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch bảo đảm, cơ chế xử lý trong trường hợp bên bảo đảm vi phạm hợp đồng gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nhận bảo đảm. Cụ thể, Nghị định này quy định tại Điều 7 về Quyền truy đòi TSBĐ (là quyền phái sinh khi giao dịch bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba); Điều 8 về tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; Điều 9 về mô tả TSBĐ. Vì là Nghị định hướng dẫn chi tiết áp dụng BLDS nên việc áp dụng Nghị định này để xử lý tài sản bảo đảm là cần thiết và được ưu tiên áp dụng.
Nghị định số 99/2022/NĐ-CP: Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm. Quy định 1 số trường hợp bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm để giao dịch bảo đảm phát sinh hiệu lực pháp luật như: Cầm cố, thế chấp, bảo lưu quyền sở hữu…. Thêm vào đó, đăng ký giao dịch bảo đảm là một trong những cơ sở để giao dịch bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Trong quá trình xử lý TSBĐ, việc xác định thứ tự ưu tiên, quyền truy đòi (phái sinh của hiệu lực đối kháng với người thứ ba). Vì vậy việc xác định các vấn đề về đăng ký biện pháp bảo đảm trở nên tối quan trọng, chẳng hạn như Điều 4 về các trường hợp phải đăng ký giao dịch bảo đảm; Điều 6 về hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm.
Các văn bản hướng dẫn chuyên ngành đối với từng loại tài sản bảo đảm: Luật Đất đai đối với tài sản bảo đảm là đất đai, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đối với tài sản bảo đảm là dự án đầu tư, nhà ở,...
Như vậy, các căn cứ pháp lý này không chỉ tạo nền tảng cho giao dịch bảo đảm mà còn đưa ra các quy định về xử lý tranh chấp và thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các chủ nợ khi tài sản được sử dụng làm bảo đảm cho nhiều khoản vay.
Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các chủ nợ
Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các chủ nợ trong trường hợp một TSBĐ được sử dụng để bảo đảm cho nhiều khoản vay là vấn đề pháp lý quan trọng. Nếu không giải quyết ổn thỏa tranh chấp chắc chắn sẽ xảy ra khi quyền và lợi ích hợp pháp của một trong số các chủ nợ bị xâm phạm. Vì vậy, pháp luật dân sự quy định rất chi tiết vấn đề này, cụ thể:
Theo Điều 308 BLDS thì:
“Điều 308. Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm
1. Khi một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định như sau:
a) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng;
b) Trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước;
c) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm.
2. Thứ tự ưu tiên thanh toán quy định tại khoản 1 Điều này có thể thay đổi, nếu các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.”
Như vậy, có thể tóm gọn cơ sở phát sinh, xác định thứ tự ưu tiên thanh toán như sau:
Thứ nhất, dựa vào hiệu lực đối kháng với người thứ ba:
Điều 297 BLDS quy định:
“Điều 297. Hiệu lực đối kháng với người thứ ba
1. Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.
2. Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”.
Như vậy, giao dịch bảo đảm sẽ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba khi được đăng ký hoặc khi bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ TSBĐ. Căn cứ khoản 2 Điều 308 BLDS, thứ tự ưu tiên thanh toán được xác định trước hết cho giao dịch bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba so với giao dịch không phát sinh hiệu lực đối kháng vì không đăng ký hoặc bên bảo đảm không nắm giữ, chiếm giữ TSBĐ.
Giao dịch bảo đảm sẽ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba khi được đăng ký
Thứ hai, dựa vào thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm:
Điều 297, Điều 298, Điều 308 BLDS xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi các giao dịch bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba bằng cách ưu tiên cho giao dịch có thời điểm đăng ký trước, dựa vào ngày đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm. Nói một cách đơn giản thì chủ nợ đăng ký bảo đảm trước sẽ có quyền ưu tiên thanh toán so với chủ nợ đăng ký sau.
Thứ ba, dựa vào thỏa thuận giữa các bên:
Khoản 2 Điều 308 BLDS chỉ rõ:
“2. Thứ tự ưu tiên thanh toán quy định tại khoản 1 Điều này có thể thay đổi, nếu các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.”
Như vậy, trong trường hợp các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận rõ ràng về việc thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau thì thứ tự này sẽ được ưu tiên áp dụng, miễn là không trái với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, như trường hợp tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự 2008 (LTHADS), pháp luật có thể quy định khác về thứ tự thanh toán. Việc xác định rõ thứ tự ưu tiên thanh toán là yếu tố then chốt để đảm bảo quyền lợi của từng chủ nợ và tránh xung đột quyền lợi khi tài sản bảo đảm phải được thanh toán.
Rủi ro pháp lý khi xử lý tài sản bảo đảm
Tranh chấp giữa các bên nhận bảo đảm, các bên liên quan
Khi một TSBĐ được sử dụng để bảo đảm cho nhiều khoản vay, khả năng xảy ra tranh chấp giữa các bên nhận bảo đảm là điều khó tránh khỏi nếu các bên không thỏa thuận trước hoặc không nắm rõ quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mình đối với TSBĐ và bên bảo đảm. Các tranh chấp này có thể xuất phát từ:
Mâu thuẫn về thứ tự ưu tiên: Nếu các hợp đồng bảo đảm không quy định rõ ràng thứ tự ưu tiên hoặc có sự khác biệt trong thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm, các chủ nợ có thể tranh cãi về quyền được thanh toán trước. Ngoài ra, khi có chủ nợ cầm giữ, chiếm giữ TSBĐ và chủ nợ đã đăng ký giao dịch bảo đảm, cả hai đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba cũng sẽ làm phát sinh mâu thuẫn về thứ tự ưu tiên.
Điều khoản không đồng bộ: Sự khác nhau trong nội dung hợp đồng giữa các bên liên quan có thể tạo ra những khoảng trống pháp lý, từ đó dẫn đến tranh chấp khi doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đúng hạn.
Ngoài ra, thực tế còn phát sinh tranh chấp với các bên liên quan như bên thuê, bên mượn tài sản thế chấp (chủ thể được khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm theo các giao dịch xác lập trước đó) làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý tài sản bảo đảm của Ngân hàng.
Những tranh chấp này không chỉ làm chậm quá trình xử lý khoản nợ mà còn có thể dẫn đến việc kiện tụng, gây thiệt hại về tài chính và uy tín cho doanh nghiệp.
Rủi ro trong trường hợp tài sản bị kê biên, xử lý thi hành án
Trong trường hợp doanh nghiệp vướng vào tranh chấp pháp lý hoặc bị kiện tụng, tài sản bảo đảm có thể bị cơ quan thi hành án kê biên và làm trì hoãn việc xử lý tài sản bảo đảm của bên cho vay. Khi đó:
-
Thứ tự thanh toán theo quyết định của cơ quan thi hành án: Các chủ nợ sẽ phải tuân theo thứ tự ưu tiên do cơ quan thi hành án xác định, điều này có thể không tương thích với thỏa thuận ban đầu giữa các bên.
-
Giảm giá trị tài sản bảo đảm: Quá trình kê biên và xử lý thi hành án thường không đảm bảo tối đa giá trị của tài sản, dẫn đến thiệt hại cho các bên nhận bảo đảm.
Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định rõ về thủ tục và thứ tự xử lý tài sản bị kê biên, tuy nhiên, thực tiễn thi hành vẫn còn nhiều bất cập, khiến cho quyền lợi của chủ nợ không được đảm bảo một cách hiệu quả.
Ảnh hưởng của hợp đồng bảo đảm không hợp lệ
Một hợp đồng bảo đảm được xem là hợp lệ khi tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về giao dịch dân sự như Điều 117 BLDS về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Tuy nhiên, nếu hợp đồng không hợp lệ do không đáp ứng đủ các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực thì sẽ bị Tòa án tuyên vô hiệu theo Điều 122 BLDS. Khi Hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu, các bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận theo Điều 131 BLDS. Điều này có nghĩa chủ nợ không thể thực hiện quyền xử lý ài sản bảo đảm và doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại nếu việc vô hiệu của hợp đồng bảo đảm do lỗi của mình gây ra.
Hợp đồng bảo đảm hợp lệ khi tuần thủ đầy đủ các quy định pháp luật
Như vậy, việc xử lý tài sản bảo đảm cho nhiều khoản vay đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động và cẩn trọng trong từng bước giao dịch, từ khâu xây dựng hợp đồng, đăng ký giao dịch cho đến việc xử lý tranh chấp nếu phát sinh. Sự minh bạch, chặt chẽ trong quy định và thực hiện đúng quy trình pháp lý là chìa khóa giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả nguồn vốn đồng thời hạn chế tối đa rủi ro pháp lý.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Bộ Công an phản hồi về đề xuất ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm (09.04.2025)
Nguy cơ và giải pháp tuân thủ quyết định phong tỏa tài khoản từ phía ngân hàng (09.04.2025)
Trách nhiệm của Ngân hàng khi không tuân thủ quyết định phong tỏa dẫn đến tẩu tán tài sản (09.04.2025)
Tranh chấp Hợp đồng bảo đảm khi tài sản bảo đảm bị tranh chấp - Ngân hàng cần làm gì? (09.04.2025)
Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi dùng tài sản bảo đảm cho nhiều khoản vay? (09.04.2025)
Xử lý tài sản bảo đảm khi bảo lãnh vay vốn: Rủi ro và lưu ý pháp lý (09.04.2025)
Bảo lãnh vay vốn là gì? Quy định pháp luật và những điều cần biết (09.04.2025)
Trường hợp nào ngân hàng được tự ý bán tài sản thế chấp? (09.04.2025)