>>> Quy trình và nguyên tắc bán đấu giá khoản nợ của ngân hàng
>>> Nợ ngân hàng bao lâu thì bị khởi kiện? Nên làm gì khi nợ quá hạn ngân hàng?
Trình tự, thủ tục, quy trình ngân hàng thu hồi nợ thông qua hình thức đấu giá tài sản
Trình tự, thủ tục quy trình ngân hàng thu hồi nợ thông qua hình thức đấu giá tài sản căn cứ Chương III Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (sửa đổi, bổ sung năm 2023, 2024) (Luật Đấu giá tài sản hiện hành):
Bước 1: Thông báo việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo Hợp đồng tín dụng và yêu cầu bên vay/bên thế chấp thực hiện nghĩa vụ, nếu không sẽ tiến hành xử lý tài sản bảo đảm
Khi bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ, và theo thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng, ngân hàng được xử lý tài sản bảo đảm, ngân hàng phát sinh quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Tuy nhiên, ngân hàng phải thông báo cho bên vay về việc bên vay đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo Hợp đồng tín dụng và yêu cầu bên vay/bên thế chấp phải thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn hợp lý, nếu bên vay cố tình không thực hiện, ngân hàng sẽ tiến hành xử lý tài sản bảo đảm (hoặc khởi kiện để yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm), lưu ý là ngân hàng chỉ được xử lý tài sản bảo đảm nếu các bên đã thỏa thuận.
Bước 2: Thông báo cho bên vay về việc xử lý tài sản bảo đảm theo hình thức bán đấu giá
Căn cứ Điều 300 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 51 Nghị định 21/2021/NĐ-CP:
“Điều 300. Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm
1. Trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác.
Đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó.
2. Trường hợp bên nhận bảo đảm không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác”.
Căn cứ Điều 51 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP:
“Điều 51. Thông báo xử lý tài sản bảo đảm
1. Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm có nội dung chủ yếu sau đây:
a) Lý do xử lý tài sản bảo đảm;
b) Tài sản bảo đảm sẽ bị xử lý;
c) Thời gian, địa điểm xử lý tài sản bảo đảm.
2. Phương thức thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận thì bên nhận bảo đảm gửi trực tiếp văn bản thông báo cho bên bảo đảm hoặc thông qua ủy quyền, dịch vụ bưu chính, phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu hoặc phương thức khác đến địa chỉ được bên bảo đảm cung cấp.
Trường hợp bên bảo đảm thay đổi địa chỉ mà không thông báo cho bên nhận bảo đảm biết thì địa chỉ của bên bảo đảm được xác định theo địa chỉ đã được bên bảo đảm cung cấp trước đó, theo hợp đồng bảo đảm hoặc theo thông tin được lưu trữ tại cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm.
3. Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ hoặc được giữ bởi người khác thì văn bản thông báo phải được gửi đồng thời cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác (nếu có) và người giữ tài sản bảo đảm.
Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm thì ngoài phương thức thông báo quy định tại khoản 2 Điều này còn có thể thực hiện bằng phương thức đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
4. Thời hạn thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm phải thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc thỏa thuận khác. Trường hợp không có thỏa thuận thì phải thực hiện trong thời hạn hợp lý, nhưng trước ít nhất 10 ngày đối với động sản hoặc trước ít nhất 15 ngày đối với bất động sản tính đến thời điểm xử lý tài sản bảo đảm, trừ trường hợp tài sản bảo đảm bị xử lý ngay theo quy định tại khoản 1 Điều 300 của Bộ luật Dân sự.
…”
Như vậy, ngân hàng phải thông báo cho bên bảo đảm (bên thế chấp, bảo lãnh,...) và các bên cùng nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ. Thời hạn thông báo theo thoả thuận giữa các bên, nếu không có thoả thuận thì phải thông báo trong thời hạn hợp lý, ít nhất 10 ngày đối với động sản hoặc trước ít nhất 15 ngày đối với bất động sản tính đến thời điểm xử lý tài sản bảo đảm, trừ trường hợp nếu ngân hàng không xử lý ngay thì tài sản bảo đảm sẽ giảm sút giá trị. Nếu ngân hàng không thông báo cho bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm khác thì kết quả đấu giá (nếu có) có thể bị huỷ theo quyết định của Toà án, ngân hàng phải bồi thường nếu gây thiệt hại.
Ngân hàng phải thực hiện thông báo cho các bên hữu quan trước khi xử lý tài sản
Bước 3: Tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý
Điều 52 Nghị định 21/2021 quy định:
“Điều 52. Giao tài sản bảo đảm, xử lý tài sản cầm cố, thế chấp
1. Các bên có thể thỏa thuận về việc giao, xử lý một phần hoặc toàn bộ tài sản bảo đảm.
Trường hợp một nghĩa vụ được bảo đảm bằng nhiều tài sản mà các bên không có thỏa thuận về việc lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý và pháp luật liên quan không có quy định khác thì bên nhận bảo đảm có quyền lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý hoặc xử lý tất cả các tài sản bảo đảm.
2. Trường hợp các bên thỏa thuận về xử lý tài sản cầm cố, thế chấp theo phương thức đấu giá và có thỏa thuận riêng về thủ tục đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản thì việc xử lý tài sản thực hiện theo thỏa thuận này. Trường hợp không có thỏa thuận riêng thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
3. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm là chứng khoán niêm yết, hàng hóa trên sàn giao dịch hàng hóa hoặc động sản khác có thể xác định được giá cụ thể, rõ ràng trên thị trường thì bên nhận bảo đảm được bán theo giá tại thị trường giao dịch chứng khoán hoặc tại sàn giao dịch liên quan khác nhưng phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác (nếu có) biết trước khi bán.
4. Thời hạn xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc thỏa thuận khác. Trường hợp không có thỏa thuận thì bên nhận bảo đảm quyết định thời hạn xử lý sau khi thực hiện nghĩa vụ thông báo quy định tại khoản 4 Điều 51 Nghị định này.
5. Bên bảo đảm hoặc người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm theo thông báo về xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 51 Nghị định này.
6. Trường hợp bên bảo đảm hoặc người đang giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm thì bên nhận bảo đảm có quyền xem xét, kiểm tra thực tế tài sản bảo đảm để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản bảo đảm, để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.
7. Trường hợp người giữ tài sản bảo đảm là người thứ ba thì bên bảo đảm và người giữ tài sản có trách nhiệm phối hợp với bên nhận bảo đảm thực hiện việc xem xét, kiểm tra thực tế tài sản bảo đảm.
8. Bên bảo đảm hoặc người đang giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản bảo đảm theo thỏa thuận hoặc không giao tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 301 của Bộ luật Dân sự, không phối hợp hoặc có hành vi cản trở việc xem xét, kiểm tra thực tế tài sản bảo đảm mà gây thiệt hại cho bên nhận bảo đảm thì phải bồi thường”.
Bước tiếp theo trong quy trình xử lý tài sản bảo đảm là ngân hàng thu giữ tài sản để tiến hành xử lý. Các bên có thể thỏa thuận về việc giao, xử lý một phần hoặc toàn bộ tài sản bảo đảm, khi bên thế chấp bất hợp tác, không chịu bàn giao tài sản, Ngân hàng có thể khởi kiện yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm và đề nghị Cơ quan thi hành án cưỡng chế thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, nếu bên vay cố tình không bàn giao tài sản mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Bước 4: Lựa chọn và ký kết hợp đồng với tổ chức hành nghề đấu giá tài sản
Căn cứ Điều 33 Luật Đấu giá tài sản hiện hành:
“Điều 33. Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản
1. Người có tài sản đấu giá ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức hành nghề đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá tài sản. Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản phải được lập thành văn bản, được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của Luật này.
2. Khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản bằng chứng chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc quyền được bán tài sản theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bằng chứng đó.
3. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có trách nhiệm kiểm tra thông tin về quyền được bán tài sản do người có tài sản đấu giá cung cấp. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không chịu trách nhiệm về giá trị, chất lượng của tài sản đấu giá, trừ trường hợp tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không thông báo đầy đủ, chính xác cho người tham gia đấu giá những thông tin cần thiết có liên quan đến giá trị, chất lượng của tài sản đấu giá theo hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.
4. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá được thực hiện theo hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, quy định của Luật này, quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
5. Người có tài sản đấu giá hoặc tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự trước khi tổ chức hành nghề đấu giá tài sản nhận hồ sơ tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
6. Người có tài sản đấu giá có quyền hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Tổ chức không có chức năng hoạt động đấu giá tài sản mà tiến hành cuộc đấu giá hoặc cá nhân không phải là đấu giá viên mà điều hành phiên đấu giá, trừ trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện;
b) Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản cố tình cho phép người không đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật tham gia đấu giá và trúng đấu giá;
c) Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có một trong các hành vi: không thực hiện việc niêm yết đấu giá tài sản; không thông báo công khai việc đấu giá tài sản; thực hiện không đúng quy định về bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá; cản trở, hạn chế người tham gia đấu giá đăng ký tham gia đấu giá;
d) Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông đồng, móc nối với người tham gia đấu giá trong quá trình tổ chức đấu giá dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản;
đ) Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản tổ chức cuộc đấu giá không đúng quy định về hình thức đấu giá, phương thức đấu giá theo Quy chế cuộc đấu giá dẫn đến làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản”.
Như vậy, sau khi ngân hàng thông báo cho người có tài sản đấu giá về việc xử lý tài sản bảo đảm theo hình thức bán đấu giá tài sản, bước tiếp theo là lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức hành nghề đấu giá để tổ chức hành nghề đấu giá để tiến hành thủ tục bán đấu giá tài sản.
Chọn và ký hợp đồng tổ chức hành nghề đấu giá để tiến hành thủ tục bán đấu giá
Bước 5: Thông báo, niêm yết việc đấu giá tài sản
Điều 35 Luật Đấu giá tài sản hiện hành quy định:
“Điều 35. Niêm yết việc đấu giá tài sản
1.Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản niêm yết việc đấu giá tài sản như sau:
a) Đối với tài sản là động sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết liên tục thông tin quy định tại khoản 2 Điều này tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản đấu giá, nơi trưng bày tài sản (nếu có) và nơi tổ chức phiên đấu giá ít nhất là 07 ngày làm việc trước ngày mở phiên đấu giá;
b) Đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết liên tục thông tin quy định tại khoản 2 Điều này tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản đấu giá, nơi tổ chức phiên đấu giá và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở phiên đấu giá.
Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết liên tục thông tin quy định tại khoản 2 Điều này tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản đấu giá và nơi tổ chức phiên đấu giá ít nhất là 30 ngày trước ngày mở phiên đấu giá.
1a. Trường hợp đấu giá theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 53 của Luật này, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản niêm yết việc đấu giá tại các địa điểm quy định tại khoản 1 Điều này và thời gian niêm yết được thực hiện như sau:
a) Đối với tài sản là động sản thì thời gian niêm yết liên tục ít nhất là 03 ngày làm việc trước ngày mở phiên đấu giá;
b) Đối với tài sản là bất động sản thì thời gian niêm yết liên tục ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày mở phiên đấu giá.
2. Các thông tin chính phải niêm yết bao gồm:
a) Tên, địa chỉ của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá;
b) Các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, k và l khoản 2 Điều 34 của Luật này.
3.Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản lưu tài liệu, hình ảnh về việc niêm yết đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trong hồ sơ đấu giá. Đối với trường hợp niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản lưu tài liệu, hình ảnh về việc niêm yết hoặc lập văn bản có xác nhận về việc niêm yết, kết thúc niêm yết của Ủy ban nhân dân cấp xã.
4. Ngoài việc niêm yết quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thực hiện thông báo công khai việc đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 57 của Luật này theo yêu cầu của người có tài sản đấu giá”.
Đồng thời Điều 57 Luật Đấu giá tài sản hiện hành quy định:
“Điều 57. Thông báo công khai việc đấu giá tài sản
1.Ngoài quy định về niêm yết việc đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật này, đối với tài sản là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải thông báo công khai hai lần trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, mỗi lần cách nhau ít nhất 02 ngày và ít nhất một lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá, trừ trường hợp thay đổi địa điểm tổ chức phiên đấu giá sau khi đã hết hạn tiếp nhận hồ sơ và nộp tiền đặt trước quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật này.
Trường hợp thay đổi một trong các nội dung thông báo công khai đấu giá quy định tại khoản 4 Điều này hoặc tạm dừng việc tổ chức đấu giá mà chưa hết thời hạn tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết nội dung thay đổi theo đúng thời gian quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này và thông báo công khai nội dung thay đổi theo đúng thời gian quy định tại khoản 3 Điều này.
1a. Ngoài việc thông báo công khai trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông báo công khai việc đấu giá tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng khác theo yêu cầu của người có tài sản đấu giá.
2. Trường hợp đấu giá theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 53 của Luật này thì ngoài quy định về niêm yết việc đấu giá tài sản quy định tại khoản 1a Điều 35 của Luật này, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông báo công khai trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia.
3. Thời gian thông báo công khai quy định tại khoản 1 Điều này ít nhất là 07 ngày làm việc đối với tài sản là động sản, 15 ngày đối với tài sản là bất động sản trước ngày mở phiên đấu giá. Việc thông báo công khai quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện đồng thời với việc niêm yết đấu giá tài sản quy định tại khoản 1a Điều 35 của Luật này.
4. Nội dung thông báo công khai việc đấu giá tài sản bao gồm:
a) Tên, địa chỉ của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá;
b) Thời gian, địa điểm đấu giá tài sản;
c) Tên tài sản, nơi có tài sản đấu giá;
d) Giá khởi điểm của tài sản đấu giá trong trường hợp công khai giá khởi điểm; tiền đặt trước;
đ) Thời gian, địa điểm, điều kiện, cách thức đăng ký tham gia đấu giá.
5. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản lưu tài liệu, hình ảnh về việc thông báo công khai quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trong hồ sơ đấu giá”.
Như vậy, theo quy định trên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản, đối với tài sản là động sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi trưng bày tài sản (nếu có) và nơi tổ chức cuộc đấu giá ít nhất là 07 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá; đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá. Nội dung chính cần niêm yết bao gồm: Tên, địa chỉ của tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá; Tài liệu, hình ảnh về tài sản cần đấu giá; đối với trường hợp niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản lưu tài liệu, hình ảnh về việc niêm yết hoặc lập văn bản có xác nhận về việc niêm yết của Ủy ban nhân dân cấp xã;
Đồng thời, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải thông báo công khai việc đấu giá tài sản theo đúng quy định.
Bước 6: Công bố về giá khởi điểm
Điều 34 Luật Đấu giá tài sản hiện hành quy định:
“Điều 34. Quy chế cuộc đấu giá
1. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản ban hành Quy chế cuộc đấu giá áp dụng cho từng cuộc đấu giá trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản.
2. Quy chế cuộc đấu giá bao gồm những nội dung chính sau đây:
a) Tên tài sản hoặc danh mục tài sản, lô tài sản hoặc tài sản riêng lẻ, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá; nơi có tài sản đấu giá; giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đấu giá;
b) Thời gian, địa điểm xem tài sản đấu giá;
c) Ngày, giờ bắt đầu, hết hạn bán hồ sơ mời tham gia đấu giá; ngày, giờ bắt đầu, hết hạn tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá; địa điểm bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá;
d) Giá khởi điểm của tài sản đấu giá trong trường hợp công khai giá khởi điểm;
đ) Tiền mua hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiền đặt trước; ngày, giờ bắt đầu, hết hạn nộp tiền đặt trước;
e) Thời gian, địa điểm, điều kiện, cách thức đăng ký tham gia đấu giá;
g) Thời gian, địa điểm tổ chức phiên đấu giá;
h) Hình thức đấu giá, phương thức đấu giá;
i) Các trường hợp bị truất quyền tham gia đấu giá; các trường hợp không được nhận lại tiền đặt trước;
k) Bước giá, việc áp dụng bước giá tại các vòng đấu giá trong trường hợp cuộc đấu giá có bước giá và các vòng đấu giá; giá trả hợp lệ, giá trả không hợp lệ trong trường hợp đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại phiên đấu giá hoặc đấu giá bằng hình thức trực tuyến; phiếu trả giá hợp lệ, phiếu trả giá không hợp lệ trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại phiên đấu giá hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;
l) Quy định về cách ghi phiếu trả giá, thời hạn nộp phiếu trả giá, trình tự, thủ tục niêm phong, mở niêm phong thùng phiếu trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;
m)Giá trả của từng loại tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng thời là người có quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
3. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết Quy chế cuộc đấu giá tại trụ sở tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, nơi tổ chức phiên đấu giá và thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia đồng thời với việc thông báo công khai việc đấu giá quy định tại Điều 57 của Luật này”.
Như vậy, song song với việc thông báo công khai việc đấu giá, tổ chức ban hành đấu giá tài sản phải ban hành quy chế đấu giá tài sản và niêm yết tại tổ chức, nơi tổ chức đấu giá, thông báo công khai quy chế này trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia.
Bước 7: Lựa chọn địa điểm đấu giá
Điều 37 Luật Đấu giá tài sản hiện hành quy định:
“Điều 37. Địa điểm tổ chức phiên đấu giá
1. Người có tài sản đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thỏa thuận lựa chọn địa điểm để tổ chức phiên đấu giá như sau:
a) Địa điểm trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, trụ sở của người có tài sản đấu giá hoặc nơi có tài sản đấu giá trong trường hợp tài sản là động sản;
b) Địa điểm trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá trong trường hợp tài sản là bất động sản; trường hợp tài sản là bất động sản ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nhau thì người có tài sản đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản lựa chọn địa điểm tại một trong các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có bất động sản, trụ sở của người có tài sản đấu giá hoặc trụ sở của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản.
2. Trường hợp sau khi hết hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá và nộp tiền đặt trước theo Quy chế cuộc đấu giá mà địa điểm tổ chức phiên đấu giá không đáp ứng được điều kiện tổ chức thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thực hiện như sau:
a) Thỏa thuận thống nhất với người có tài sản đấu giá bằng văn bản về việc thay đổi địa điểm tổ chức phiên đấu giá nhưng phải trong phạm vi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thông báo công khai;
b) Thông báo bằng văn bản về địa điểm tổ chức phiên đấu giá cho người tham gia đấu giá đủ điều kiện. Việc thông báo phải thực hiện chậm nhất 01 ngày làm việc trước ngày mở phiên đấu giá được xác định trong Quy chế cuộc đấu giá đã ban hành”.
Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có thể mở phiên đấu giá ngay tại trụ sở
Như vậy, cuộc đấu giá có thể được tổ chức tại trụ sở của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, nơi có tài sản đấu giá hoặc địa điểm khác theo thỏa thuận của người có tài sản đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Bước 8: Xử lý hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá
Điều 38 Luật Đấu giá tài sản hiện hành quy định:
“Điều 38. Đăng ký tham gia đấu giá
1. Cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá thông qua việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá hợp lệ và tiền đặt trước cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khi tham gia đấu giá thì người tham gia đấu giá phải đáp ứng điều kiện đó. Người tham gia đấu giá có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mặt mình tham gia đấu giá.
2. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá tại trụ sở tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở phiên đấu giá 02 ngày làm việc, trừ trường hợp quy định tại khoản 2b và khoản 2c Điều này. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông báo cho người không đủ điều kiện tham gia đấu giá chậm nhất 01 ngày làm việc trước ngày mở phiên đấu giá.
Trường hợp đấu giá theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 53 của Luật này thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá tại trụ sở tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở phiên đấu giá 01 ngày làm việc.
2a. Hồ sơ mời tham gia đấu giá bao gồm:
a) Phiếu đăng ký tham gia đấu giá;
b) Quy chế cuộc đấu giá;
c) Phiếu trả giá trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;
d) Tài liệu liên quan đến tài sản đấu giá.
2b.Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá tại trụ sở tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở phiên đấu giá 15 ngày.
Người tham gia đấu giá nộp hai bộ hồ sơ được niêm phong cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn tiếp nhận hồ sơ, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản gửi một bộ hồ sơ được niêm phong của người tham gia đấu giá cho người có tài sản đấu giá. Người có tài sản đấu giá căn cứ quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đấu giá có trách nhiệm xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá và thông báo cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản danh sách người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá, người không đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá chậm nhất 05 ngày làm việc trước ngày mở phiên đấu giá.
Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông báo riêng bằng văn bản cho từng người tham gia đấu giá về việc đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày mở phiên đấu giá.
2c. Trường hợp tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có trụ sở ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá thì ngoài việc bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá tại trụ sở tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá tại trụ sở của người có tài sản đấu giá hoặc địa điểm khác theo thỏa thuận với người có tài sản đấu giá nhưng phải trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá theo thời gian quy định tại khoản 2 và khoản 2b Điều này.
2d. Ngoài việc bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá quy định tại các khoản 2, 2b và 2c Điều này, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận việc bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá tại địa điểm khác hoặc bằng hình thức trực tuyến trên trang thông tin điện tử của người có tài sản đấu giá, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản hoặc Cổng Đấu giá tài sản quốc gia.
2đ. Hồ sơ tham gia đấu giá bao gồm:
a) Phiếu đăng ký tham gia đấu giá;
b) Giấy tờ chứng minh đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác nhận đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá trong trường hợp pháp luật có quy định yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá.
3. Ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan, người có tài sản đấu giá, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá.
4. Những người sau đây không được đăng ký tham gia đấu giá:
a) Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người tại thời điểm đăng ký tham gia đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
b) Người làm việc trong tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành phiên đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá tài sản;
c) Người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền xử lý tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản, người ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật;
d) Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quy định tại điểm c khoản này;
đ) Người không có quyền mua tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó”.
Như vậy, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có thể bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá từ phía người đăng ký tham gia mua tài sản tại trụ sở của tổ chức hành nghề đấu giá. Trong trường hợp tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có trụ sở ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá, tuỳ thuộc thoả thuận của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá, việc bán hồ sơ mời đấu giá và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn có thể được thực hiện tại địa điểm khác hoặc bằng hình thức trực tuyến trên trang thông tin điện tử của người có tài sản đấu giá, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản hoặc Cổng Đấu giá tài sản quốc gia.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải xem xét hồ sơ và thông báo cho người đăng ký tham gia đấu giá chậm nhất 01 ngày làm việc trước ngày mở phiên đấu giá (nếu họ thuộc trường hợp tại khoản 4 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản hiện hành, không đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản).
Bước 9: Thu tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước
Căn cứ Điều 39 Luật Đấu giá tài sản hiện hành:
“Điều 39. Tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước
1.Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.
Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì người có tài sản đấu giá yêu cầu phong tỏa tài khoản thanh toán riêng của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản đối với khoản tiền đặt trước đó theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng.
1a. Tiền đặt trước do tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là năm phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm của tài sản đấu giá, trừ trường hợp quy định tại khoản 1b Điều này và các trường hợp sau đây:
a) Trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản; đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước tối thiểu là mười phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm;
b) Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là mười phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm;
c) Trường hợp đấu giá quyền cho thuê tài sản mà giá khởi điểm được xác định theo đơn giá thuê hằng năm thì tiền đặt trước tối thiểu là năm phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm nhân với thời hạn cho thuê.
1b. Trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì tiền đặt trước do tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận và được xác định như sau:
a) Trường hợp trả giá theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 59 của Luật này thì tiền đặt trước tối thiểu là năm phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm của khối băng tần đấu giá;
b) Trường hợp trả giá, chấp nhận giá theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 59 của Luật này thì tiền đặt trước tối thiểu là năm phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm của một khối băng tần nhân với số lượng khối băng tần đăng ký mua;
c) Trường hợp trả giá theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật này thì tiền đặt trước tối thiểu là năm phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm của khối băng tần có giá khởi điểm cao nhất trong số các khối băng tần đưa ra đấu giá nhân với số lượng khối băng tần đăng ký mua.
2. Người tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản đến trước ngày mở phiên đấu giá 02 ngày làm việc.
Trường hợp đấu giá theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 53 của Luật này thì người tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong thời hạn từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản đến trước ngày mở phiên đấu giá 01 ngày làm việc.
Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản thì người tham gia đấu giá đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá theo thông báo của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản quy định tại khoản 2b Điều 38 của Luật này nộp tiền đặt trước cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản chậm nhất đến trước ngày mở phiên đấu giá 01 ngày làm việc.
3. Người tham gia đấu giá có quyền từ chối tham gia đấu giá và nhận lại tiền đặt trước trong trường hợp có thay đổi về giá khởi điểm, số lượng, chất lượng tài sản, thời gian, địa điểm tổ chức phiên đấu giá, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá đã niêm yết, thông báo công khai.
4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá hoặc trong thời hạn khác theo thỏa thuận, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có trách nhiệm trả lại khoản tiền đặt trước và thanh toán tiền lãi (nếu có) cho người tham gia đấu giá từ chối tham gia đấu giá quy định tại khoản 3 Điều này, người tham gia đấu giá đã nộp tiền đặt trước nhưng không đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá theo thông báo của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản hoặc người tham gia đấu giá không trúng đấu giá, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này.
5. Trường hợp trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc thực hiện nghĩa vụ mua tài sản đấu giá sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có trách nhiệm chuyển tiền đặt cọc cho người có tài sản đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Việc xử lý tiền đặt cọc được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
6. Người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong các trường hợp sau đây:
a) Đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham dự phiên đấu giá , buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng;
b) Bị truất quyền tham gia đấu giá do có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 của Luật này;
c) Từ chối ký biên bản đấu giá theo quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật này;
d) Rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp nhận theo quy định tại Điều 50 của Luật này;
đ) Từ chối kết quả trúng đấu giá theo quy định tại Điều 51 của Luật này.
7. Ngoài các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không được quy định thêm các trường hợp người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong Quy chế cuộc đấu giá.
8. Tiền đặt trước quy định tại khoản 6 Điều này thuộc về người có tài sản đấu giá. Trong trường hợp người có tài sản đấu giá là cơ quan nhà nước thì tiền đặt trước được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản”.
Người tham gia đấu giá tài sản phải đặt trước một khoản tiền
Như vậy, người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Số tiền đặt trước do tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và ngân hàng thỏa thuận, thông thường tối thiểu là năm phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm của tài sản đấu giá, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Nếu người tham gia đấu giá trúng đấu giá thì số tiền đặt trước được chuyển thành tiền đặt cọc để giao kết, thực hiện hợp đồng. Người tham gia đấu giá có thể được nhận lại tiền đặt trước nếu từ chối tham gia đấu giá (do trường hợp có thay đổi về giá khởi điểm, số lượng, chất lượng tài sản, thời gian, địa điểm tổ chức phiên đấu giá, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá đã niêm yết, thông báo công khai) hoặc không đủ điều kiện tham gia đấu giá. Trong trường hợp người tham gia đấu giá vi phạm quy định đấu giá như: không tham gia đấu giá, bị truất quyền do vi phạm,...thì không được nhận lại tiền đặt trước.
Bước 10: Trình tự, thủ tục tại cuộc đấu giá thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản hiện hành
Dựa vào quy định từ Điều 40 đến Điều 54 Luật Đấu giá tài sản hiện hành, việc đấu giá tài sản có thể được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp bằng lời nói/bỏ phiếu; hoặc bỏ phiếu gián tiếp, hoặc đấu giá trực tuyến.
Trình tự một phiên đấu giá điển hình như sau:
1. Đầu tiên, đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá sẽ bắt đầu giới thiệu bản thân.
2. Thông báo nội quy của cuộc bán đấu giá tài sản
3. Công bố danh sách người đăng ký mua tài sản bán đấu giá và điểm danh để xác định người tham gia đấu giá tài sản
4. Giới thiệu từng tài sản bán đấu giá và nhắc lại giá khởi điểm;
5. Thông báo bước giá và khoảng thời gian tối đa giữa các lần trả giá;
6. Trả lời các câu hỏi của người tham gia đấu giá;
7. Đấu giá viên yêu cầu người tham gia đấu giá tài sản trả giá.
8. Lập hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá cho người trúng đấu giá theo quy định.
Rủi ro pháp lý khi ngân hàng tự ý bán tài sản thế chấp
Như đã phân tích, khi bên vay không thực hiện/thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng có quyền ký hợp đồng với tổ chức hành nghề đấu giá tài sản để bán tài sản thế chấp, tuy nhiên ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ thông báo cho bên thế chấp và bên nhận thế chấp khác (nếu có) theo quy định tại Điều 300 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 51 Nghị định 21/2021/NĐ-CP. Nếu ngân hàng tự ý bán tài sản thế chấp mà không thông báo hoặc vi phạm các thủ tục xử lý tài sản, khi xảy ra tranh chấp, Toà án có thể cho rằng ngân hàng đã không tuân thủ nghĩa vụ thông báo và vi phạm thủ tục xử lý tài sản bảo đảm, dẫn đến huỷ kết quả đấu giá và phải bồi thường nếu gây thiệt hại.
Tranh chấp với bên vay hoặc bên thứ ba
Tranh chấp với bên vay và bên thứ bao có thể liên quan đến các vấn đề:
-
Chủ thể ký kết hợp đồng bảo đảm:chẳng hạn như chỉ có một bên vợ/chồng đứng ra vay tài sản, bên còn lại không đồng ý với việc vay tài sản, không chấp nhận liên đới thực hiện nghĩa vụ trả nợ;
-
Nội dung hợp đồng: thông thường là tranh chấp do bên vay không đồng ý với điều khoản hợp đồng vay, bởi hợp đồng vay do ngân hàng đưa ra (hợp đồng mẫu), bên vay đọc và yêu cầu sửa một số điều khoản nếu xét thấy không hợp lý. Trên thực tế, một số vụ kiện tụng xuất phát từ việc bên vay cho rằng mình bị “gài” ký hợp đồng bảo hiểm,...khi ký hợp đồng vay.
-
Tranh chấp quyền sở hữu tài sản bảo đảm từ bên thứ ba khi Ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm
Vi phạm trình tự, thủ tục xử lý tài sản dẫn đến hợp đồng mua bán bị vô hiệu
Như đã phân tích, việc ngân hàng, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản vi phạm trình tự, thủ tục xử lý tài sản thế chấp (chẳng hạn như không thông báo, không niêm yết, không xem xét kỹ điều kiện của người tham gia đấu giá,...) có thể dẫn đến hủy bỏ kết quả trúng đấu giá, hợp đồng mua bán tài sản với người tham gia đấu giá bị vô hiệu, gây thiệt hại cho bên mua tài sản đấu giá, ngân hàng và phải phát sinh thêm thủ tục, chi phí để xử lý nợ lại đối với Ngân hàng.
Tóm lại, việc ngân hàng thu hồi nợ thông qua đấu giá tài sản phải tuân thủ trình tự, thủ tục pháp lý chặt chẽ nhằm đảm bảo tính minh bạch và quyền lợi của các bên liên quan. Tuân thủ quy trình này sẽ giúp ngân hàng xử lý nợ hiệu quả, đồng thời giúp người mua tài sản đấu giá giảm thiểu rủi ro pháp lý.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Nguy cơ và giải pháp tuân thủ quyết định phong tỏa tài khoản từ phía ngân hàng (09.04.2025)
Trách nhiệm của Ngân hàng khi không tuân thủ quyết định phong tỏa dẫn đến tẩu tán tài sản (09.04.2025)
Tranh chấp Hợp đồng bảo đảm khi tài sản bảo đảm bị tranh chấp - Ngân hàng cần làm gì? (09.04.2025)
Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi dùng tài sản bảo đảm cho nhiều khoản vay? (09.04.2025)
Xử lý tài sản bảo đảm cho nhiều khoản vay: Quy định pháp luật và rủi ro doanh nghiệp cần lưu ý (09.04.2025)
Xử lý tài sản bảo đảm khi bảo lãnh vay vốn: Rủi ro và lưu ý pháp lý (09.04.2025)
Bảo lãnh vay vốn là gì? Quy định pháp luật và những điều cần biết (09.04.2025)
Trường hợp nào ngân hàng được tự ý bán tài sản thế chấp? (09.04.2025)