>>> Tóm tắt bản án số 23/2024/HS-PT ngày 09/05/2024 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
A. Tóm tắt vụ án
Bị cáo: Phùng Khắc K; sinh ngày: 16/10/1990. Địa chỉ: thôn T, xã P, huyện Đ, tỉnh Quảng Ngãi
Bị hại:
1. Ông Trần Anh H1; nơi cư trú: B V, Phường D, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh;
2. Ông Nguyễn Trường L; nơi cư trú: B H, Phường B, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh;
3. Ông Trương Khánh D; nơi cư trú: A26A - B T, Phường D, thành phố Đ, tỉnh Lâm Đồng;
4. Bà Đặng Thy Ngọc P; nơi cư trú: phòng 802, lô A, đường G, phường T, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh;
5. Ông Nguyễn Minh N; nơi cư trú: xóm D Q, xã V, huyện T, Thành phố Hà Nội;
6. Ông Nguyễn Sỹ H2; nơi cư trú: A T, phường N, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh;
7. Bà Nguyễn Thị Thanh B; nơi cư trú: 604 đường L, phường L, quận Đ, Thành phố Hà Nội;
8. Bà Nguyễn Thị Kim C1; nơi cư trú: E H, quận B, Thành phố Hà Nội;
9. Ông Đặng Hồng S; nơi cư trú: phố G, phường Đ, Thành phố N, tỉnh Ninh Bình; vắng mặt tại phiên tòa.
10. Ông Đinh Văn V; nơi cư trú: thôn D, xã Đ, huyện T, tỉnh Bình Thuận;
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
Chị Trịnh Thị Ngọc B1, sinh năm: 1988; nơi cư trú: ấp G, xã T, huyện T, tỉnh Đồng Tháp; vắng mặt tại phiên tòa.
Xem chi tiết bản án tại đây
Nội dung vụ án:
Tháng 9/2011, Trịnh Thị Ngọc B1 từ Đồng Tháp đến sống cùng Phùng Khắc K tại TP.HCM để đi học.
K hỏi B1 có tài khoản mở tại ngân hàng để khách hàng chuyển tiền vào tài khoản khi mua các sản phẩm điện tử, thì B1 đưa K tài khoản mang tên Phan Thị T (bạn của B1) mở tại V2. Một thời gian sau, K đưa cho B1 giữ 01 thẻ ATM với tài khoản tên Dương Minh T1, do bạn K là Nguyễn Trương Xuân N1 cho.
B1 quản lý 02 thẻ ATM trên, mỗi khi có tiền chuyển vào thì rút tiền đưa cho K.
Đến tháng 3/2012, B1 phát hiện các sản phẩm điện tử như máy ảnh, điện thoại, máy tính bảng... K đăng tin quảng cáo rao bán trên mạng Internet tại các trang web mua bán là không có thật, toàn bộ số tiền chuyển vào 02 tài khoản B đang giữ là do lừa dối khách hàng mua hàng chuyển tiền vào mà có. Do đó, B1 nói K không thực hiện hành vi trên nữa và trả lại tiền cho khách hàng, nhưng K nói nếu bị phát hiện thì K hoàn toàn chịu trách nhiệm. Sau đó, K, B1 vẫn tiếp tục thực hiện hành vi trên.
Từ tháng 9/2011 đến tháng 6/2012, K và N1 đăng tin bán các sản phẩm điện tử không có thật tại các trang web như rongbay.com, muaban.com.vn, 5giay.vn, raovat.com... không bàn bạc với B1. Khi khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm, liên hệ theo số điện thoại trên tin đã đăng thì được K, B1 trao đổi, yêu cầu khách hàng chuyển từ 10% đến 50% giá trị sản phẩm cần mua vào các tài khoản chỉ định để chiếm đoạt tài sản. Khách hàng chuyển tiền vào các tài khoản thì không liên lạc được số điện thoại và không nhận được sản phẩm như đã thỏa thuận.
Tổng số tiền mà K chiếm đoạt của khách hàng là 196.301.153 đồng.
Số tiền Trịnh Thị Ngọc B1 được chia từ số tiền chiếm đoạt được là 12.000.000 đồng, số tiền còn lại Phùng Khắc K chiếm hưởng.
Ngày 23/6/2023, Phùng Khắc K đã tự nguyện đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố H để đầu thú và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nêu trên.
B. Phân tích bản án
Nhận định của hội đồng xét xử
Hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
Từ tháng 9/2011 đến tháng 6/2012, bị can Phùng Khắc K đã đăng tin bán các sản phẩm điện tử như máy ảnh, điện thoại, máy tính bảng… không có thật trên các trang web mua bán như rongbay.com, 5giay.vn, muaban.com.vn… Khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm, liên hệ theo số điện thoại trên tin đã đăng thì được K yêu cầu chuyển tiền từ 10% đến 50% giá trị sản phẩm vào tài khoản do K chỉ định để chiếm đoạt. Sau khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản thì không nhận được sản phẩm cũng không liên lạc được số điện thoại đã đăng. Tổng số tiền K đã chiếm đoạt là 184.301.153 đồng được K sử dụng tiêu xài cá nhân.
Hành vi của bị cáo cấu thành tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại các điểm b, d khoản 2 Điều 226b Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, Viện kiểm sát truy tố bị cáo tội danh “Sử dụng mạng máy tính thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo khoản 2 Điều 290 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) là đúng quy định.
Phán quyết của hội đồng xét xử
Tuyên xử: Phùng Khắc K phạm tội “Sử dụng mạng máy tính thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Hình phạt: 03 năm 03 tháng tù;
Buộc bị cáo Phùng Khắc K nộp lại số tiền 163.501.153 đồng;
Bị cáo phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm.
Căn cứ pháp lý:
Điểm b, đ khoản 2 Điều 290; điểm s khoản 1 Điều 51; khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017);
Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015, Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
Điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
C. Bài học rút ra từ vụ án so với quy định pháp luật
(1) Về cấu thành Tội “Sử dụng mạng máy tính thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” tại Điều 290 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017):
Khách thể: Tội phạm này xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh mạng máy tính, đồng thời xâm phạm quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân.
Mặt khách quan:
Người phạm tội có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân. Cụ thể là:
-
Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
-
Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
-
Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
-
Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;
-
Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
Mặt chủ quan:
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp: người phạm tội này nhận thức rõ hành vi và hậu quả có thể xảy ra nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Chủ thể:
Chủ thể của tội danh này là chủ thể thường, là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt tuổi luật định (từ đủ 16 tuổi trở lên)/ từ đủ 14 tuổi trở lên (nếu bị kết tội theo khoản 2, 3, 4 Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hình phạt:
Căn cứ Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người phạm tội có thể đối mặt với hình phạt tù đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Người phạm tội sử dụng mạng máy tính thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù đến 20 năm
(2) Về áp dụng luật cho hành vi xảy ra khi Bộ luật Hình sự năm 1999 có hiệu lực nhưng đến khi Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực mới bị đem ra xét xử:
Tại bản án số 45/2024/HS-ST ngày 23/01/2024, hội đồng xét xử nhận định:
Hành vi đăng tin bán các sản phẩm điện tử không có thật tại các trang web, yêu cầu khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm chuyển tiền từ 10% đến 50% giá trị sản phẩm vào tài khoản để chiếm đoạt tiền mua hàng của khách hàng có giá trị nêu trên mà bị cáo thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 9/2011 đến tháng 6/2012, đã thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại các điểm b, d khoản 2 Điều 226b Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 94/2015/QH13, quy định:
“Điều 2. Việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015
1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng như sau:
… b) Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích;…”.
Với hành vi phạm tội của bị cáo Phùng Khắc K, khoản 2 Điều 226b của Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định khung hình phạt từ 03 năm đến 07 năm tù. Trong khi đó, khoản 2 Điều 290 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định khung hình phạt từ 02 năm đến 07 năm. Áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh truy tố bị cáo tội danh “Sử dụng mạng máy tính thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” với các tình tiết định khung hình phạt “Phạm tội 02 lần trở lên” và “Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng” theo các điểm b, đ khoản 2 Điều 290 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) là đúng quy định.
Như vậy, nếu một hành vi xảy ra khi Bộ luật Hình sự năm 1999 có hiệu lực nhưng đến khi Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực mới bị đem ra xét xử thì việc áp dụng Bộ luật Hình sự nào sẽ theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, tức là áp dụng luật có chế tài phạt nhẹ hơn cho người phạm tội.
Qua việc phân tích bản án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, có thể thấy rõ tính chất tinh vi và nguy hiểm của loại tội phạm này. Đây là bài học đắt giá, là lời cảnh tỉnh cho cộng đồng về việc nâng cao cảnh giác khi tham gia các giao dịch trực tuyến. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo xử lý nghiêm minh và hiệu quả, góp phần xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho toàn xã hội.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Sử dụng mã độc tống tiền người khác bị phạt bao nhiêu năm tù? (09.05.2025)
Sản xuất hàng giả bị xử lý thế nào? Thời hiệu khởi tố và mức phạt chi tiết (06.05.2025)
Phá nhanh vụ trộm vàng tại Phan Thiết: Con gái cùng bạn trai lấy trộm hơn 100 triệu đồng của gia đình (05.05.2025)
Vụ nổ súng ở Vĩnh Long khiến một người tử vong: Diễn biến pháp lý và trách nhiệm dân sự? (05.05.2025)
Nhân viên trộm đồ của khách trong khách sạn: Vừa bị sa thải, vừa đối mặt án tù? (26.04.2025)
Thông đồng trục lợi bảo hiểm có bị xử lý hình sự? (26.04.2025)
Tội rửa tiền: Những thủ đoạn phổ biến và biện pháp ngăn chặn (26.04.2025)
Chơi Niu Niu có bị đi tù không? Mức phạt cao nhất khi tổ chức đánh bạc? (26.04.2025)