>>> Hiểu rõ về tội nhận hối lộ: Phân tích chi tiết theo bộ luật hình sự hiện hành
>>> Phân biệt tội tham ô tài sản và nhận hối lộ theo Bộ luật Hình sự?
Quy định của pháp luật hiện hành về Tội nhận hối lộ
Căn cứ Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), phạm tội nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Như vậy, một người bị xem là phạm tội nhận hối lộ khi đáp ứng những điều kiện sau:
Chủ thể:
-
Là người từ đủ 16 tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định đồng thời phải là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Chức vụ, quyền hạn ấy liên quan trực tiếp đến việc giải quyết công việc của người đưa hối lộ;
-
Trường hợp người có chức vụ nhưng chức vụ, quyền hạn của họ không liên quan đến việc giải quyết công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì không coi là tội nhận hối lộ mà phạm vào tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Có hành vi:
-
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, việc nhận hối lộ có thể là trực tiếp hoặc qua trung gian.
-
“Sẽ nhận” là trường hợp người có chức vụ chưa nhận tiền của hối lộ nhưng có căn cứ cho rằng đã có sự thỏa thuận về việc nhận hối lộ sau khi thực hiện xong một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
-
Trường hợp, người có chức vụ nhận quà biếu sau khi đã làm đúng chức trách của mình không được coi là nhận hối lộ bởi giữa người có chức vụ và người đưa quà biếu không có bất kỳ thỏa thuận nào về việc tặng quà biếu, người nhận quà biếu thực hiện công việc của mình đúng chức năng, quyền hạn, vô tư thì quà biếu được như sự biết ơn, có trước có sau, là tấm lòng, đạo đức của người Việt Nam. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp hành vi nhận hối lộ không bị phát hiện, xử lý nhờ “núp bóng” dưới hình thức “nhận quà biếu”.
Giá trị “của hối lộ”:
-
Đây là yếu tố bắt buộc, nếu không đáp ứng thì hành vi trên không cấu thành tội nhận hối lộ.
-
Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên.
Lưu ý:
-
Nếu “của hối lộ” là lợi ích phi vật chất (chẳng hạn như hứa hẹn thăng chức, lợi ích tình dục,…) thì không bàn đến giá trị tối thiểu để cấu thành tội phạm như trên.
-
Hành vi nhận hối lộ đã trình bày ở trên vẫn cấu thành tội nhận hối lộ nếu của hối lộ dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi nhận hối lộ mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng được quy định tại mục 1 chương XXIII chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
Hình phạt:
-
Theo Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người phạm tội này có thể bị phạt tù thấp nhất là 02 và mức cao nhất là chung thân, thậm chí tử hình.
-
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Thực trạng của tội nhận hối lộ
Theo thống kê của Bộ Công an, trong Quý I/2024, phát hiện 231 vụ, 491 đối tượng phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng 10% số vụ, 26,55% số đối tượng so với Quý IV/2023), trong đó có tội phạm về tham nhũng. Trong khi đó các loại tội phạm khác giảm mạnh trên toàn quốc.
Có thể thấy, tội phạm tham nhũng ngày càng tăng về số vụ phạm tội, số tội phạm và giá trị tài sản thiệt hại.
Có thể kể đến một số vụ đại án gây rúng động dư luận trong thời gian vừa qua như:
Vạn Thịnh Phát - đại án kinh tế lớn nhất từ trước đến nay
Sáng ngày 5/3/2024, Toà án nhân dân TP. HCM tổ chức xét xử vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm. Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tử hình về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.
Các đồng phạm trong vụ án cũng bị tuyên các mức án nghiêm khắc. Bị cáo Đỗ Thị Nhàn cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận hối lộ 5,2 triệu USD và lĩnh mức án tù chung thân.
Xét xử cựu Bí thư tỉnh ủy Bến Tre trong vụ Xuyên Việt Oil
Ngày 29/11/2024, Toà án nhân dân TP. HCM đã tuyên án sơ thẩm đối với 15 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Xuyên Việt Oil và các cơ quan liên quan.
Ông Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) nhận 28 năm tù về hai tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Bà Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) lĩnh 30 năm tù; Tòa buộc bị cáo Hạnh buộc nộp lại hơn 1.400 tỷ đồng; ông Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) nhận 3 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Các bị cáo khác là cựu Vụ trưởng, Cục trưởng… cũng phải nhận mức án từ 2 năm đến 7 năm tù về tội Nhận hối lộ và Đưa hối lộ.
Vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Chiều ngày 27/12/2024, sau hơn 3 ngày xét xử và Nghị án, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tiến hành tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2.
Ông Trần Tùng, nguyên Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên nhận mức án 12 năm tù về tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Các bị cáo khác nhận mức án từ 1 đến 3 năm tù.
Các vụ án đang được đưa ra tiếp tục xét xử trong năm 2025, như:
Vụ án xảy ra tại dự án Sài Gòn Đại Ninh
Toà án nhân dân TP. Hà Nội đã có kế hoạch đưa ra xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch Lâm Đồng và hàng loạt cá nhân vướng sai phạm.Truy tố cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ); cựu Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp và cựu Bí thư tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận (cùng Tội nhận hối lộ).
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn
Khởi tố nhiều nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi về tội nhận hối lộ và Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tác động của tội nhận hối lộ đến xã hội và nền kinh tế
Ảnh hưởng đến dư luận và lòng tin của nhân dân: Thực trạng tội phạm nhận hối lộ gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, khiến người dân hoang mang, gây mất lòng tin trong nhân dân vào đội ngũ cán bộ, bộ máy nhà nước;
Cản trở phân bổ nguồn lực, gây mất công bằng cạnh tranh: các cá nhân, doanh nghiệp muốn có sự ưu tiên trong việc cấp giấy chứng nhận, cấp phép xây dựng, hay phê duyệt một khoản chi tiêu,…Hành vi nhận hối lộ của cán bộ công chức, dành sự ưu tiên cho những doanh nghiệp này làm phá vỡ sự công bằng xã hội, thúc đẩy và “tiếp tay” cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây bất bình đẳng với các doanh nghiệp làm ăn chân chính; Trong các dự án PPP – đầu tư theo hình thức đối tác công tư, việc dành sự chấp thuận cho các nhà đầu tư không đáp ứng đủ điều kiện nhưng chấp nhận hối lộ để “lót đường” dẫn đến nguy cơ công trình dự án phục vụ lợi ích công cộng của toàn dân không đảm bảo chất lượng;
Thanh tra Bộ Xây dựng sớm phát hiện sai phạm nhận hối lộ tại dự án cầu Đồng Việt
Mặt khác, thực trạng tội nhận hối lộ càng diễn ra nhiều và thường xuyên, càng tạo thói quen xấu trong cơ quan, tổ chức. Ngày càng “bình thường hóa” hành vi nhận hối lộ. Trong cơ chế “ngầm” của thị trường hiện nay một trong số các yếu tố đó là tiền hoa hồng cho giới chức lãnh đạo, người có quyền lực, cơ quan nhà nước. Quy luật ngầm này hình thành khi có cạnh tranh không lành mạnh diễn ra và lý do chính hiện nay là sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh của các cán bộ,công chức nhà nước. Theo thời gian lâu dài hình thành một quy luật mà các doanh nghiệp buộc phải tuân theo. Tính về thiệt hại, số tiền hoa hồng, hối lộ này thực sự không nhỏ đặc biệt là hối lộ ở các công ty lớn. Chưa dừng lại ở đó, một khi đạo đức người làm trong cơ quan nhà nước đi xuống thì tính sách nhiễu, phiền hà, quan liêu càng tăng;
Nguy hiểm nhất, mục đích của tội nhận hối lộ thường nhằm che giấu loại tội phạm khác, do đó ảnh hưởng một cách gián tiếp đến mọi mặt của xã hội. Chẳng hạn như trong vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Đỗ Thị Nhàn là cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận hối lộ 5,2 triệu USD nhằm giúp bà Trương Mỹ Lan che giấu hành vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, qua đó giúp bà Lan chiếm đoạt tổng số tiền hơn 304.000 tỷ đồng.
Tội nhận hối lộ thường đi liền với tội tham ô tài sản, Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,...gây thất thoát ngân sách nhà nước nghiêm trọng.
Qua bài viết trên, có thể thấy thực trạng và hậu quả mà tội nhận hối lộ đã, đang và sẽ tác động đến xã hội, đến nền kinh tế đang diễn biến phức tạp, rất cần sự đấu tranh phòng chống không chỉ từ hệ thống cơ quan, cá nhân có trách nhiệm điều tra, phòng chống tội phạm mà đến từ toàn thể mỗi cá nhân, tổ chức trong xã hội.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Sử dụng mã độc tống tiền người khác bị phạt bao nhiêu năm tù? (09.05.2025)
Sản xuất hàng giả bị xử lý thế nào? Thời hiệu khởi tố và mức phạt chi tiết (06.05.2025)
Phá nhanh vụ trộm vàng tại Phan Thiết: Con gái cùng bạn trai lấy trộm hơn 100 triệu đồng của gia đình (05.05.2025)
Vụ nổ súng ở Vĩnh Long khiến một người tử vong: Diễn biến pháp lý và trách nhiệm dân sự? (05.05.2025)
Nhân viên trộm đồ của khách trong khách sạn: Vừa bị sa thải, vừa đối mặt án tù? (26.04.2025)
Thông đồng trục lợi bảo hiểm có bị xử lý hình sự? (26.04.2025)
Tội rửa tiền: Những thủ đoạn phổ biến và biện pháp ngăn chặn (26.04.2025)
Chơi Niu Niu có bị đi tù không? Mức phạt cao nhất khi tổ chức đánh bạc? (26.04.2025)