>>> Trình tự, thủ tục phân chia di sản thừa kế theo di chúc
>>> Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế
Câu hỏi:
Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Phân chia di sản thừa kế mảnh đất theo pháp luật
Với dữ liệu và mốc thời gian mà bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng bố bạn có một người vợ trước, có con chung và đã hoàn thành việc ly hôn theo đúng pháp luật (bằng bản án/quyết định ly hôn của Toà). Sau đó, ông chung sống với người vợ thứ hai và cũng có một con chung nhưng không có đăng ký kết hôn. Người vợ thứ ba là mẹ của bạn, có kết hôn hợp pháp. Cả 3 người con đều đã thành niên (đủ 18 tuổi trở lên).
Như vậy, hôn nhân với người vợ thứ nhất đã chấm dứt. Còn người vợ thứ hai sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, không tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp nên không có quyền thừa kế tài sản (căn cứ pháp lý tại Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 - nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng). Bố và mẹ bạn có đăng ký kết hôn, có tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp, do đó, được chia tài sản chung và có quyền thừa kế tài sản. Tuy nhiên, quyền thừa kế của con cái không phụ thuộc vào việc có quan hệ hôn nhân hợp pháp hay không, do đó, cả bạn và hai người anh/chị/em cùng cha khác mẹ đều có quyền hưởng thừa kế. Vậy những người được hưởng thừa kế mảnh đất trên bao gồm: mẹ bạn, bạn, con chung của người vợ thứ nhất với bố bạn, con chung của người vợ thứ 2 với bố bạn.
Mảnh đất là tài sản chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân giữa bố bạn và mẹ bạn, do đó, khi bố bạn mất đi, không để lại di chúc, mảnh đất được chia đôi, bố và mẹ bạn mỗi người một nửa. Phần của bố bạn để thừa kế cho mẹ bạn, bạn, anh/chị/em cùng cha khác mẹ (4 phần bằng nhau).
Trong trường hợp này, nếu muốn sang tên mảnh đất cho mẹ bạn thì cần thoả thuận với hai người con còn lại của bố bạn về việc phân chia di sản thừa kế. Nếu hai người con này muốn chia di sản thừa kế theo pháp luật mẹ bạn phải thanh toán phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, sau đó thực hiện sang tên mảnh đất. Nếu hai người này đồng ý không nhận di sản thừa kế thì cần lập văn bản từ chối nhận di sản thừa kế để mẹ bạn toàn quyền được hưởng di sản thừa kế.
Chúng tôi sẽ làm rõ từng phương diện về việc thừa kế tài sản của người bố như sau:
Tổng quan về quyền thừa kế đất đai trong trường hợp nhiều vợ
Căn cứ Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015: Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết hoặc Toà án tuyên bố là đã chết.
Quyền thừa kế dựa vào (1) Di chúc hoặc (2) Thừa kế theo pháp luật.
Thừa kế theo di chúc
Căn cứ Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Việc để thừa kế tài sản cho ai phụ thuộc vào ý chí của người có tài sản, trong trường nhiều vợ thì cũng theo quy định thông thường, người chồng viết di chúc hợp pháp, để lại tài sản cho ai thì người đó có quyền hưởng di sản.
Lưu ý:
-
Di chúc phải thoả mãn điều kiện về hình thức, nội dung di chúc, người được để thừa kế trong di chúc không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản tại Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015.
-
Những người sau đây vẫn được hưởng 2/3 di sản của một người thừa kế theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động. (Quy định này không áp dụng đối với người từ chối nhận di hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản) (Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Căn cứ pháp lý từ Điều 625 - 648 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thừa kế theo pháp luật
Kể từ khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 có hiệu lực (Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 có hiệu lực từ ngày 13/01/1960 ở miền Bắc. Có hiệu lực từ ngày 25/3/1977 ở miền Nam) thì chế độ hôn nhân nhiều vợ không còn được thừa nhận. Như vậy, trong trường hợp có nhiều vợ, chỉ có người vợ được có đăng ký kết hôn hợp pháp mới được hưởng thừa kế.
Đối với con chung, quyền thừa kế không chịu ảnh hưởng từ quan hệ hôn nhân, dù là con chung với vợ hợp pháp hay không thì vẫn được quyền hưởng di sản.
Con chung không chịu ảnh hưởng từ quan hệ hôn nhân nên vẫn được quyền hưởng di sản
Phân tích chi tiết quyền thừa kế tài sản của người chồng
Xác định tính chất pháp lý của tài sản thừa kế
Xác định tính chất pháp lý của tài sản thừa kế chủ yếu là xác định tài sản thừa kế là tài sản chung hay tài sản riêng. Việc xác định tài sản chung hay tài sản riêng phải áp dụng luật đang có hiệu lực vào thời điểm tài sản hình thành.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (luật hiện hành) thì:
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.
“Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này”.
Như vậy, ngoại trừ tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn, tài sản để phục vụ nhu cầu thiết yếu, tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, được chia riêng hoặc tài sản được hình thành/hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng thì tất cả tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng.
Trong tình huống ở đầu bài viết, mảnh đất đứng tên riêng của người bố, mua từ năm 2002 (trong thời kỳ hôn nhân với người vợ thứ ba), lúc này Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 đang có hiệu lực.
Tại Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000:
“Điều 27. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất”.
Vậy mảnh đất là tài sản chung của người bố và người vợ thứ ba là mẹ bạn.
Quyền lợi của vợ con hợp pháp trong thừa kế
Căn cứ Điều 649, 650, 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong trường hợp người bố để lại di chúc nhưng trong di chúc không để thừa kế cho vợ, con hợp pháp thì căn cứ Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, con chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động, người vợ vẫn có quyền thừa kế 2/3 phần di sản chia theo pháp luật.
Trong tình huống đầu của khách hàng ở bài viết, người bố không để lại di chúc, do đó tài sản được chia đôi. ½ của mẹ bạn, ½ của bố bạn. ½ mảnh đất thuộc sở hữu của bố bạn chia cho 4 người: 2 người con cùng cha khác mẹ với bạn, mẹ bạn và bạn.
Thủ tục sang tên sổ đỏ và yêu cầu về văn bản từ chối di sản
Trong trường hợp này, nếu muốn sang tên mảnh đất cho mẹ bạn thì cần thỏa thuận việc phân chia di sản thừa kế với những người đồng thừa kế.
Để sang tên mảnh đất, người hưởng thừa kế phải thỏa thuận việc phân chia di sản với những người đồng thừa kế
Nếu bạn và hai người con còn lại đồng ý không nhận di sản thừa kế và đồng ý cho mẹ bạn được hưởng toàn bộ di sản thừa kế thì cả ba người con lập văn bản từ chối di sản thừa kế theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự.
Nếu hai người con này muốn chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật thì các bên phải làm thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Theo đó, mẹ bạn sẽ trả lại phần giá trị tài sản mà họ được hưởng theo quy định tại khoản 2 Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015, bạn sẽ tiến hành thủ tục tặng cho phần thừa kế của mình cho mẹ để mẹ bạn toàn quyền được thực hiện thủ tục sang tên mảnh đất.
Lưu ý khi làm thủ tục phân chia di sản thừa kế
Để tránh tranh chấp phát sinh sau này, việc phân chia di sản thừa kế giữa mẹ bạn và các con của bố bạn phải được lập thành văn bản và công chứng văn bản phân chia di sản thừa kế tại văn phòng công chứng với nội dung các người con đồng ý nhận tiền và để cho mẹ bạn toàn quyền sử dụng đối với di sản thừa kế. Ngoài ra, việc mẹ bạn thanh toán giá trị phần thừa kế của mỗi người phải được ghi lại và có xác nhận chữ ký của những người này về việc họ đã nhận đầy đủ số tiền tương ứng với phần thừa kế di sản của mình (1).
Trường hợp các con từ chối nhận di sản thừa kế thì phải tiến hành đầy đủ các thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế và có đầy đủ văn bản có chữ ký của từng người xác nhận việc đồng ý để mẹ bạn được thừa kế toàn bộ mảnh đất bố bạn để lại (2).
Việc sang tên sổ đỏ phải được thực hiện đúng theo quy định pháp luật, đảm bảo không có ai tranh chấp đối với mảnh đất.
Căn cứ Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018, 2023), thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế, phân chia di sản thừa kế như sau:
Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người thừa kế từ chối nhận di sản nộp hồ sơ tại văn phòng công chứng, hồ sơ bao gồm:
-
Phiếu yêu cầu công chứng;
-
Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế có cam kết việc từ chối nhận di sản thừa kế không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản;
-
Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân (bản sao có chứng thực);
-
Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế: Giấy chứng nhận kết hôn, …;
-
Giấy chứng tử của người để lại di sản (bản sao chứng thực);
-
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc giấy tờ tương đương (bản sao có chứng thực).
Bước 2: Công chứng viên thẩm định hồ sơ
Bước 3: Nhận văn bản công nhận từ chối nhận di sản thừa kế.
Thủ tục phân chia di sản thừa kế
Bước 1: Nộp hồ sơ:
Những người thừa kế chuẩn bị hồ sơ gồm:
-
Phiếu yêu cầu công chứng;
-
Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng: Giấy chứng nhận kết hôn,...;
-
Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết;
-
Dự thảo Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế (nếu có);
-
Các giấy tờ nhân thân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu… của người thừa kế;
-
Các giấy tờ về tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
Người thừa kế cần chuẩn bị hồ sơ để tiến hành làm thủ tục phân chia di sản thừa kế
Bước 2:
Sau khi nộp đủ giấy tờ, hồ sơ, Công chứng viên sẽ xem xét, kiểm tra. Nếu đầy đủ thì sẽ tiếp nhận, thụ lý và ghi vào sổ công chứng. Ngược lại nếu hồ sơ không đầy đủ thì người thừa kế sẽ được hướng dẫn và yêu cầu bổ sung. Nếu không có cơ sở giải quyết thì giải thích và từ chối tiếp nhận.
Bước 3: Niêm yết công khai
Việc niêm yết phải được tiến hành tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản với các nội dung như họ, tên người để lại di sản, người nhận thừa kế, quan hệ giữa người để lại di sản và người thừa kế, danh mục di sản thừa kế…Thời gian niêm yết là 15 ngày.
Bước 4: Ký công chứng và trả kết quả
Sau khi nhận được kết quả niêm yết không có khiếu nại, tố cáo, tổ chức hành nghề công chứng sẽ hướng dẫn người thừa kế ký Văn bản khai nhận di sản hoặc Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Sau đó, Công chứng viên yêu cầu người thừa kế xuất trình bản chính các giấy tờ, hồ sơ đã nêu ở trên để kiểm tra, đối chiếu trước khi ký xác nhận vào lời chứng và từng trang của văn bản. Khi hoàn tất hồ sơ, tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành thu phí, thù lao công chứng và trả lại bản chính của Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế cho người thừa kế.
Lưu ý:
-
Phí công chứng được tính dựa trên giá trị di sản thừa kế nêu chi tiết tại Thông tư số 257/2016/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
-
Thù lao công chứng do tổ chức hành nghề công chứng và người thừa kế thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức trần thù lao do từng tỉnh quy định.
Thủ tục để vợ nhận thừa kế di sản từ chồng
Dưới đây là thủ tục để mẹ bạn được nhận thừa kế di sản bố bạn để lại và sang tên sổ đỏ.
Các giấy tờ cần thiết khi làm thủ tục
Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định về điều tra cơ bản đất đai, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai;
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
Văn bản từ chối nhận di sản;
Trích lục khai tử/Giấy chứng tử;
Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân: căn cước công dân, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Quy trình xin chữ ký từ chối thừa kế
Căn cứ Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định điều kiện người thừa kế được quyền từ chối nhận di sản.
Việc từ chối nhận di sản được lập thành văn bản. Văn bản từ chối nhận di sản được công chứng tại bất kỳ phòng công chứng, văn phòng công chứng nào (Điều 59, Điều 42 Luật công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018, 2023).
Hoặc được chứng thực tại UBND xã/phường/thị trấn, không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực (điểm g khoản 2 Điều 5, khoản 5 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP).
Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản
Giải pháp và lời khuyên từ luật sư
Trong tình huống của bạn, tuy có quyền thừa kế hợp pháp nhưng di sản thừa kế chưa được phân chia, do đó bạn phải cùng với những người đồng thừa kế (ngoại trừ mẹ bạn) lập Văn bản từ chối nhận di sản và sang tên mảnh đất cho mẹ bạn.
Bạn nên tham khảo ý kiến, sự hỗ trợ từ luật sư để thương lượng thuận lợi và tránh tranh chấp cũng như thực hiện thủ tục sang tên đất được diễn ra suôn sẻ.
Các bước thực hiện cụ thể
Lập văn bản từ chối nhận di sản, công chứng tại phòng công chứng/văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã;
Thực hiện thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
Căn cứ pháp lý: Điều 29 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, mục 15 Quyết định số 2124/QĐ-BTNMT.
Trên đây là những tư vấn sơ bộ từ phía LHLegal về vụ việc của bạn. Bài viết này được xây dựng dựa trên các thông tin và tình tiết từ câu hỏi của người dân, nhằm cung cấp góc nhìn pháp lý mang tính tham khảo, không có giá trị thay thế cho các quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền và có thể điều chỉnh theo diễn biến thực tế của vụ việc.
Toàn bộ nội dung trả lời trên đây có giá trị giới hạn trong phạm vi yêu cầu, tình tiết sự việc cụ thể của câu hỏi tại đầu bài viết. Mọi trích dẫn, áp dụng câu trả lời nêu trên đều phải ghi rõ nguồn từ Công ty Luật TNHH LHLegal. Nếu áp dụng câu trả lời trong bài viết này cho bất kỳ câu hỏi, sự việc nào khác với bài viết đều có thể không có giá trị và phải tự chịu trách nhiệm bởi người trích dẫn.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Đồng thừa kế ở nước ngoài không đồng ý chia nhà do cha mẹ để lại: Giải quyết việc chia di sản thế nào? (24.04.2025)
Không có tên trong di chúc, con cái có được hưởng tài sản thừa kế? (27.03.2025)
Người nước ngoài có được thừa kế quyền sử dụng đất không? (18.11.2022)
Con riêng của chồng có được hưởng thừa kế không? (31.08.2022)
Nhà của bà nhưng cha thừa kế vậy con có được bán hay mang đi vay không? (25.08.2022)
Cha mẹ để lại đất không có di chúc, thủ tục chia thừa kế ra sao? (04.08.2022)
Cách lập di chúc sao cho đúng pháp luật? (13.06.2022)
Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế (16.02.2022)