XỬ LÝ NỢ THUẾ KHÔNG CÒN KHẢ NĂNG NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Vừa qua vào ngày 26/11/2019, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

 

Đại biểu tham gia biểu quyết tại kỳ họp thứ 8
Nguồn ảnh: Quochoi.vn

 

Luật sư LHLegal xin cập nhật đến quý Độc giả một số thông tin liên quan đến việc thống nhất xử lý nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước sau đây:

 

Theo cổng thông tin điện tử của Quốc hội đưa tin, Nghị quyết bố cục gồm 8 Điều, quy định về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (sau đây gọi chung là xử lý nợ) đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành.

 

Theo đó, về đối tượng được xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế được Nghị quyết quy định gồm có: 

 

  • Người nộp thuế là người đã chết, người bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự;

 

  • Người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể, người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;

 

  • Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ…

 

 

Theo Nghị quyết, về thẩm quyền xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp và tổ chức được quy định:

 

  • Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỉ đồng trở lên;

 

  • Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 10 tỉ đồng đến dưới 15 tỉ đồng;

 

  • Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 5 tỉ đồng đến dưới 10 tỉ đồng;

 

  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp dưới 5 tỉ đồng.

 

Về nguyên tắc xử lý nợ: bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và bảo đảm điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch; việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, giám sát của người dân; tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc cố tình chây ỳ, nợ thuế.

 

Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc khoanh nợ, xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế đã được xóa nợ mà quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới, trừ đối tượng quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết này thì phải hủy quyết định khoanh nợ, xóa nợ (nếu có) và phải thu vào ngân sách nhà nước khoản nợ đã được xóa.

 

Trên đây là một số thông tin liên quan đến thống nhất xử lý nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước mà Luật sư LHLegal cập nhật đến quý Độc giả. Các quy định mới đáng chú ý khác được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8 sẽ được Luật sư LHLegal cập nhật sớm nhất đến bạn đọc. Luật sư LHLegal mời quý Độc giả đón đọc tại các bài viết pháp luật tại website www.luatsulh.com

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 11 năm 2019

**********************

 

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí