Vì sao nhiều doanh nghiệp xăng dầu bị tước giấy phép?

Vì sao các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu bị tước giấy phép?

Ngày 15 tháng 02 năm 2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định thanh tra số 192/QĐ-BCT về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của tất cả các doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu. Thực hiện quyết định nêu trên, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra các đơn vị và có báo cáo kết quả thanh tra, lập Biên bản vi phạm hành chính với các đơn vị có hành vi vi phạm.

Ngoài hình thức xử phạt tiền đối với 18 đơn vị gồm các thương nhân đầu mối, công ty con, còn áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với 05 thương nhân đầu mối gồm: Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH MTV Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh.

Lý do bị tước giấy phép là các doanh nghiệp nêu trên thiếu điều kiện kinh doanh xăng dầu, như thiếu cửa hàng sở hữu và cửa hàng chung, thiếu đại lý hoặc thiếu kho, cầu cảng, phương tiện vận tải theo quy định đăng ký, cấp giấy phép thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu…

Luật quy định điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu như thế nào?

Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định: Thương nhân có đủ các điều kiện quy định dưới đây được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu:

"…

Có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu mười (10) cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu bốn mươi (40) tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân. Mỗi năm, kể từ khi được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, phải sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu tối thiểu bốn (04) cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cho đến khi đạt tối thiểu một trăm (100) cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.”
Tuy nhiên, Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP lại quy định điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu như sau:

“Có hệ thống phân phối xăng dầu: tối thiểu mười (10) cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ năm (05) năm trở lên, trong đó có ít nhất năm (05) cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu bốn mươi (40) tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.”

Theo như những gì doanh nghiệp bị tước giấy phép chia sẻ thì doanh nghiệp luôn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hệ thống phân phối như quy định trong Nghị định 95 tuy nhiên lại bị đoàn thanh tra kết luận là vi phạm hành chính: Không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định ở Nghị định 83.

Nhiều doanh nghiệp quan ngại liệu Bộ Công thương có đang nhập nhằng trong việc áp dụng hình thức xử phạt này khi viện dẫn quy định của Nghị định cũ trong khi Nghị định mới đã có hiệu lực? 

Bởi, theo quy định của Nghị định 95, điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu đã được nới lỏng so với Nghị định 83. Theo đó, các hệ thống xăng dầu chỉ phải đáp ứng tối “thiểu mười (10) cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ năm (05) năm trở lên, trong đó có ít nhất năm (05) cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp và (40) tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu”, trong khi Nghị định cũ không chấp nhận hình thức thuê cũng như nhận quyền bán lẻ xăng dầu.

Việc áp dụng hình thức xử phạt căn cứ từ một văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi thay thế bổ sung có bất cập?

Căn cứ theo Khoản 3 và 4 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, văn bản quy phạm pháp luật sẽ được áp dụng theo nguyên tắc sau:

“Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới”.

Việc áp dụng pháp luật của Bộ Công thương vẫn gây tranh cãi và khiến nhiều doanh nghiệp “không phục”.

Hiện, thông tin cụ thể về kết quả đợt thanh tra các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vẫn chưa được cơ quan chức năng công bố cụ thể, chi tiết.

Ảnh hưởng của việc các cửa hàng xăng dầu bị tước giấy phép kinh doanh đối với thị trường?

Mặc dù việc tước giấy phép là hình phạt bổ sung nhưng lại là đòn "giáng" nặng với doanh nghiệp và có thể ảnh hưởng tới cung cầu thị trường xăng dầu trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp bị rút giấy phép có thị phần và quy mô lớn ở miền Nam.

Các doanh nghiệp bị tước giấy phép kinh doanh đã có đơn kiến nghị tới Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công Thương về quyết định xử phạt của cơ quan thanh tra.

Bên cạnh đó, tới thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ quyết định xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra Bộ công thương chỉ yêu cầu dừng xuất nhập khẩu xăng dầu hay tạm ngưng cả hoạt động kinh doanh trên toàn hệ thống. Bởi nếu chỉ tước phần nhập, xuất khẩu thì phía doanh nghiệp vẫn có thể có được nguồn cung ứng xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước theo hình thức PV. Nhờ đó, đảm bảo không gây đứt gãy nguồn phân phối xăng dầu của cả nghìn cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.

Tuy nhiên, theo như doanh nghiệp chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà máy lọc dầu nội địa đã không tiếp tục cấp hàng cho doanh nghiệp trước ý kiến của Bộ Công thương. Do đó, hình thức tước giấy phép của Bộ Công thương sẽ có thể tạo nên nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn hàng và gây bất ổn cho thị trường cung ứng xăng dầu.

Câu hỏi đặt ra là, liệu có một quyết định xử phạt nào khác vừa đảm bảo tính răn đe cho các doanh nghiệp vi phạm nhưng vẫn không làm mất đi quyền lợi doanh nghiệp đáng được hưởng, đồng thời hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đối với xã hội? 

Làm thế nào để hài hòa được các mối quan hệ này, áp dụng đúng luật nhưng vẫn đảm bảo nhu cương? Thiết nghĩ đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước nên hướng tới để đảm bảo một nền lập pháp và hành pháp Việt Nam phát triển bền vững.

 
Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí