PHÂN TÍCH TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐẤU THẦU GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Đấu thầu là gì?

Khoản 12 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013 quy định: “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.

Như vậy có thể hiểu: Đấu thầu là quá trình chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của mình. Trong đó, bên mua sẽ tổ chức đấu thầu để bên bán (các nhà thầu) cạnh tranh nhau. Mục tiêu của bên mua là có được các hàng hóa và dịch vụ thỏa mãn các yêu cầu của mình về kĩ thuật, chất lượng và chi phí thấp nhất. Mục đích của nhà thầu là giành được quyền cung cấp mua hàng hóa, dịch vụ đó với giá đủ bù đắp các chi phí đầu vào và đảm bảo mức lợi nhuận cao nhất có thể.

Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

Dấu hiệu pháp lý tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

Khách thể của tội phạm

Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý trong hoạt động đấu thầu.

Mặt khách quan của tội phạm

* Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở một trong các hành vi sau đây:

- Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu: hành vi này có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như: gặp trực tiếp, gọi điện thoại, gửi công văn, giấy tờ dưới danh nghĩa cơ quan, tổ chức, cá nhân,… làm cho hoạt động đấu thầu mất đi tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch.

- Thông thầu: đây là hành vi cấu kết giữa các bên có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm làm sai lệch kết quả đấu thầu. Cụ thể (Căn cứ khoản 3 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013):

 + Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;

 + Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu;

 + Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.

- Gian lận trong đấu thầu (Căn cứ khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013) bao gồm các hành vi:

 + Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào;

 + Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

 + Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

- Cản trở hoạt động đấu thầu (Căn cứ khoản 5 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013) bao gồm các hành vi:

 + Hủy hoại, lừa dối, thay đổi, che giấu chứng cứ hoặc báo cáo sai sự thật; đe dọa, quấy rối hoặc gợi ý đối với bất kỳ bên nào nhằm ngăn chặn việc làm rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, gian lận hoặc thông đồng đối với cơ quan có chức năng, thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán;

 + Các hành vi cản trở đối với nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

- Vi phạm quy pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu (Căn cứ khoản 6 Điều 89 Luật Đầu tư 2013)

 + Tham dự thầu với tư cách là nhà thầu, nhà đầu tư đối với gói thầu, dự án do mình làm bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu, chủ đầu tư;

 + Tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với cùng một gói thầu, dự án;

 + Tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với cùng một gói thầu, dự án;

 + Là cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư nhưng trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu, dự án do cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu;

 + Nhà thầu tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp do mình cung cấp dịch vụ tư vấn trước đó;

 + Đứng tên tham dự thầu gói thầu thuộc dự án do chủ đầu tư, bên mời thầu là cơ quan, tổ chức nơi mình đã công tác trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi thôi việc tại cơ quan, tổ chức đó;

 + Nhà thầu tư vấn giám sát đồng thời thực hiện tư vấn kiểm định đối với gói thầu do mình giám sát;

 + Áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật này;

 + Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế;

 + Chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật này nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

- Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu: Nợ đọng vốn là việc các nhà thầu đã thực hiện dự án đầu tư nhưng không được chủ đầu tư thanh toán kinh phí. Nợ đọng vốn của nhà thầu ảnh hưởng tới hoạt động tái đầu tư, ảnh hưởng đến việc cân đối và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của nhà thầu;

- Chuyển nhượng thầu trái phép:

 + Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết;

 + Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.

* Hậu quả về thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra: gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Thiệt hại ở đây không nhất thiết là thiệt hại về tài sản của Nhà nước, mà có thể là thiệt hại về tài sản của các nhà thầu, các cá nhân, tổ chức khác…

Dấu hiệu pháp lý của tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.

Chủ thể của tội phạm

Người phạm tội là người đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS.

Khung hình phạt tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 222 mục 3 Chương XVIII BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tội có tổng cộng 04 khoản trong đó 03 khoản định khung hình phạt và 01 khoản quy định về hình phạt bổ sung. Cụ thể như sau:

Khung hình phạt tại khoản 1

Người phạm tội thực hiện một trong những hành vi đã phân tích ở trên thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 đến 05 năm.

Khung hình phạt tại khoản 2

Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

- Vì vụ lợi: là hành vi vi phạm nhằm mục đích đạt được những lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng;

- Có tổ chức: là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện phạm tội;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi phạm tội;

- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt: là dùng thủ đoạn có tính gian dối cao để thực hiện và che giấu tội phạm;

- Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Khung hình phạt tại khoản 3

Người phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Khung hình phạt tại khoản 4

Khoản 4 quy định về hình phạt bổ sung bao gồm: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Xử phạt vi phạm hành chính

Người nào có hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu nhưng chưa đủ điều kiện cấu thành tội phạm theo Điều 222 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Chương III Nghị định 122/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Mức xử phạt có thể từ 20.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.

Liên hệ Luật sư hình sự giỏi tại TP.HCM

Luật sư và Cộng sự Công ty Luật TNHH LHLegal

Trên đây là toàn bộ tư vấn của LHLegal về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Hy vọng bài viết đã đem đến những thông tin bổ ích cho bạn đọc. Nếu cần liên hệ Luật sư giỏi hình sự tại TP.HCM, vui lòng liên hệ với chung tôi qua cách thức sau:

Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01

Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html

Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830

Website: https://luatsulh.com/

Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang

Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:

Website: https://luatsulh.com/

Facebook: Luật sư LHLegal

Youtube: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)

Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí