Giải quyết tranh chấp, khiếu nại về chất lượng hàng hóa

>>> Có được quyền chấm dứt Hợp đồng nếu bên mua chậm trả nợ hay không?

>>> Bên bán có quyền đòi lãi do bên mua chậm trả nợ không?

>>> Bên cung cấp dịch vụ có được quyền giữ lại hàng hóa nếu khách hàng không thanh toán hay không?

Quy định pháp Luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại về chất lượng hàng hóa

Chủ thể trong tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Tại Điều 54 Luật Chất lượng sản phẩm 2007 quy định về tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa như sau:

“Tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa bao gồm:

1. Tranh chấp giữa người mua với người nhập khẩu, người bán hàng hoặc giữa các thương nhân với nhau do sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc thỏa thuận về chất lượng trong hợp đồng.

2. Tranh chấp giữa tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng và các bên có liên quan do sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.”

Theo quy định trên, các chủ thể bao gồm:

  • Thứ nhất, là tranh chấp giữa người mua với người nhập khẩu, người bán hàng hoặc giữa những thương nhân với nhau. Nguyên nhân tranh chấp là do chất lượng sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn được công bố hoặc chất lượng không tương ứng với chất lượng đã thỏa thuận trong hợp đồng.

  • Thứ hai, là tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đối với người tiêu dùng mà nguyên nhân tranh chấp là do chất lượng sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo gây thiệt hại cho người, động vật, môi trường trong quá trình sử dụng

Giải quyết tranh chấp chất lượng hàng hoá như thế nào?

Căn cứ tại Điều 55 Luật Chất lượng sản phẩm 2007 quy định về hình thức giải quyết tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa như sau:

“1. Thương lượng giữa các bên tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thoả thuận chọn làm trung gian.

3. Giải quyết tại trọng tài hoặc toà án.

Thủ tục giải quyết tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại trọng tài hoặc toà án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng trọng tài hoặc tố tụng dân sự.”

Các chủ thể tự do lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp và thỏa thuận với nhau. Đối với hình thức giải quyết tại tòa trọng tài, thủ tục giải quyết sẽ được tiến hành theo quy định của pháp Luật về tố tụng trọng tài hoặc tố tụng dân sự.

Thời hạn khiếu nại, khởi kiện tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa bao lâu?

Tại Điều 56 Luật Chất lượng sản phẩm quy định cụ thể về thời hiệu khiếu nại, khởi kiện tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa:

“1. Thời hiệu khởi kiện về chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa người mua với người bán hàng được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Thời hiệu khiếu nại, khởi kiện về chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được thực hiện theo quy định của Luật thương mại.

3. Thời hiệu khiếu nại, khởi kiện đòi bồi thường do sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường là 2 năm, kể từ thời điểm các bên được thông báo về thiệt hại với điều kiện thiệt hại xảy ra trong thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa có ghi hạn sử dụng và 5 năm kể từ ngày giao hàng đối với sản phẩm, hàng hóa không ghi hạn sử dụng.”

Theo đó, căn cứ tại Điều 318 Luật Thương mại 2005 quy định thời hiệu khiếu nại, khởi kiện đối với tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh như sau: 

  •  Sáu tháng, kể từ ngày giao hàng.

  • Nếu hàng hóa có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành.

Thời hiệu khiếu nại, khởi kiện đối với tranh chấp giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất là 6 tháng

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 237 Luật Thương mại 2005 quy định miễn trừ trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics nếu không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận.

Thực hiện kiểm tra, thử nghiệm, giám định để giải quyết tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Khi tiến hành giải quyết tranh chấp, các cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp sẽ yêu cầu các bên đương sự thỏa thuận đề nghị cơ quan, tổ chức chuyên môn tiến hành kiểm tra, giám định sản phẩm, hàng hóa. Cụ thể quy định tại Điều 57 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa:

“1. Cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp chỉ định hoặc các bên đương sự thoả thuận đề nghị cơ quan, tổ chức có chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện việc kiểm tra, thử nghiệm, giám định sản phẩm, hàng hóa tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Căn cứ kiểm tra, thử nghiệm, giám định sản phẩm, hàng hóa tranh chấp bao gồm:

a) Thoả thuận về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong hợp đồng;

b) Tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với sản phẩm, hàng hóa.”

Chi phí lấy mẫu thử, giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ do người khiếu nại, khởi kiện chi trả. Trong trường hợp xác nhận được có sai phạm trong kết quả giám định thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sẽ phải trả lại phần phí giám định cho người khiếu nại, khởi kiện. (Quy định tại Điều 58 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa)

Trường hợp nào không phải bồi thường thiệt hại?

Thiệt hại do vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Trừ khi có thỏa thuận khác giữa các bên, các thiệt hại sẽ được bồi thường bao gồm:

  • Thiệt hại về giá trị hàng hóa, tài sản bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại.

  • Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ con người.

  • Thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản.

  • Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Người sản xuất, nhập khẩu phải bồi thường thiệt hại cho người bán hàng hoặc người tiêu dùng khi hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của người sản xuất, người nhập khẩu. Việc bồi thường được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quyết định của tòa án hoặc trọng tài. Trừ những trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa sau đây:

“a) Người bán hàng bán hàng hóa đã hết hạn sử dụng; người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng;

b) Đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện;

c) Đã thông báo thu hồi hàng hóa có khuyết tật đến người bán hàng, người sử dụng trước thời điểm hàng hóa gây thiệt hại;

d) Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của sản phẩm tính đến thời điểm hàng hóa gây thiệt hại;

e) Thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng;

g) Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng.”

Người sản xuất, nhập khẩu không phải bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại phát sinh do lỗi người mua

Người bán hàng phải bồi thường thiệt hại cho người mua, người tiêu dùng trong trường hợp thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên liên quan hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc Trọng tài. Trừ những trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa sau đây:

“a) Người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng;

b) Đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện;

c) Đã thông báo hàng hóa có khuyết tật đến người mua, người tiêu dùng nhưng người mua, người tiêu dùng vẫn mua, sử dụng hàng hóa đó;

d) Hàng hóa có khuyết tật do người sản xuất, người nhập khẩu tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của hàng hóa tính đến thời điểm hàng hóa gây thiệt hại;

e) Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng.”

Bên cạnh trách nhiệm bồi thường giữa các chủ thể tham gia tranh chấp, Luật cũng quy định nghĩa vụ bồi thường của tổ chức đánh giá sự phù hợp khi cung cấp kết quả sai thì có nghĩa vụ bồi thường cho bên bị thiệt hại. Các cá nhân, tổ chức có sản phẩm, hàng hóa được đánh giá sẽ có nghĩa vụ chứng minh kết quả sai và lỗi của tổ chức đánh giá.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý pháp Luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Được quy định từ Điều 64, 65, 66, 67 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007

  • Đối với cá nhân: có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền về quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân cho là trái pháp Luật hoặc về hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tố cáo về hành vi vi phạm pháp Luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

  • Đối với tổ chức: có quyền có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền về quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân cho là trái pháp Luật hoặc về hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Sau khi khiếu nại, tố cáo các cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm về khiếu nại, tố cáo của mình.

Về xử lý vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm cá nhân sẽ bị xử lý kỷ Luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tổ chức sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp Luật.

Cần lưu ý gì khi giao kết hợp đồng để tránh tranh chấp, khiếu nại về chất lượng sản phẩm, hàng hóa?

Giao kết hợp đồng là các bên bày tỏ với nhau ý chí về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng trên cơ sở tuân theo nguyên tắc do pháp Luật quy định. Trong đó, các bên thực hiện sự bày tỏ thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng và thống nhất ý chí nhằm hướng tới những lợi ích nhất định.

Thông thường một hợp đồng sẽ có những rủi ro tương ứng đối với từng giai đoạn cụ thể: giai đoạn giao kết hợp đồng; giai đoạn thực hiện hợp đồng và giai đoạn giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Các bên cần dữ liệu các tình huống có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Xác định rõ các Điều khoản liên quan đến bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm khi một trong 2 bên vi phạm các Điều khoản hợp đồng.

Thỏa thuận hợp đồng về thời gian khiếu nại, thời hạn bảo hành cũng như các trường hợp mà bên bán, nhập khẩu không giải quyết khiếu nại,…

Trước khi giao kết hợp đồng, bạn cần lưu ý về thời gian bảo hành, thời gian khiếu nại

Vụ việc tranh chấp, khiếu nại hàng hóa tiêu biểu và cách xử lý

Trong đời sống, tranh chấp về chất lượng sản phẩm hàng hóa dễ nhận thấy cũng như tiếp cận nhất là tranh chấp giữa người tiêu dùng với người bán về chất lượng sản phẩm không giống với công bố.

Ví dụ về vụ việc mua phải sữa giả, kém chất lượng thì ai là người phải chịu trách nhiệm. Thông tin vụ việc như sau:

Vợ chồng anh Cường mua 2 hộp sữa hiệu Glico Icreo (nhập khẩu từ Nhật Bản) tại siêu thị Tú Bắc về cho con uống. Sau khi con uống hết số sữa trên, anh Cường tiếp tục mua 1 hộp nữa. Khi cháu bé uống được nửa hộp thì bị tiêu chảy, nôn ói phải nhập viện.

Nghi ngờ sữa có vấn đề vì hộp sữa có vật thể lạ, vón cục nên anh Cường đã đến siêu thị Tú Bắc làm rõ. Sau đó, anh Cường và siêu thị đã gặp nhau giải quyết vụ việc nhưng không tìm được tiếng nói chung.

Chiều 14-7, anh Cường rủ anh Hùng đến siêu thị Tú Bắc yêu cầu giải quyết. Hình ảnh từ camera của siêu thị cho thấy: tại quầy tính tiền, anh Cường có lời qua tiếng lại rồi dùng tay tát vào mặt bà Bắc (chủ siêu thị), lấy 2 hộp trên quầy ném ra đường. Tiếp đó, anh Cường vào kệ lấy 5 hộp sữa khác đem ra đường ném, giẫm đạp lên các lon sữa.

Ngay sau đó, Công an phường Lê Mao đã yêu cầu các bên lên làm việc. Tại đây, vợ anh Cường đưa 2,7 triệu đồng để trả tiền các hộp sữa anh Cường đã đập nhưng chủ siêu thị không nhận. Trong khi đó giá 7 hộp sữa hơn 3,7 triệu đồng.

Cách xử lý:

Khi mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng thường chọn cách phản ứng trực tiếp với nhà sản xuất, phân phối... Do các bên khó có tiếng nói chung nên thường xảy ra xung đột, nếu không kiểm soát được rất dễ có hành vi vi phạm pháp Luật. Do đó việc người tiêu dùng cần làm là liên hệ với Hội Bảo vệ người tiêu dùng để được hướng dẫn thủ tục pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể tố cáo tới cơ quan nhà nước như cơ quan quản lý thị trường để xem xét xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân theo quy định pháp Luật. Hoặc có thể nhờ các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ sở y tế... kiểm tra chất lượng, làm biên bản giám định khi nghi ngờ sản phẩm kém chất lượng. Sau đó liên hệ hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nhờ can thiệp.

Trên là nội dung về “Giải quyết tranh chấp, khiếu nại về chất lượng hàng hóa” hy vọng cung cấp những thông tin bổ ích đến bạn đọc.

Ngoài ra, nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào hay cần tư vấn pháp lý liên quan đến kinh doanh thương mại, hãy để lại câu hỏi hoặc liên hệ ngay tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại LH Legal để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:

Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01

Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html

Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830

Website: https://luatsulh.com/

Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang

Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:

Website: https://luatsulh.com/

Facebook: Luật sư LHLegal

Youtube: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)

Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí