Doanh nghiệp nào bắt buộc đăng ký nội quy lao động theo luật?

>>> Quy trình xử lý kỷ luật người lao động mới nhất hiện nay

>>> Vấn đề người sử dụng lao động giữ lương trong bộ luật lao động 2019

Nội quy lao động là gì?

Căn cứ theo khoản 1, 2 Điều 118 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về nội quy lao động như sau: 

“Điều 118. Nội quy lao động

1. Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.

2. Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

b) Trật tự tại nơi làm việc;

c) An toàn, vệ sinh lao động;

d) Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

đ) Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;

e) Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;

g) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;

h) Trách nhiệm vật chất;

i) Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.”

Theo quy định trên, có thể hiểu “nội quy lao động” một cách đơn giản là văn bản được ban hành bởi người sử dụng lao động. Nội dung của nội quy lao động bao gồm các quy tắc ứng xử mà người lao động bắt buộc phải tuân thủ khi tham gia quan hệ lao động; các quy định về vi phạm kỷ luật lao động; các biện pháp kỷ luật có liên quan; các quy định về trách nhiệm vật chất; các quy định khác có liên quan… 

Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật khác có liên quan. Ngoài ra, trước khi ban hành nội quy lao động hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Đồng thời, nội quy lao động phải được thông báo đến người lao động và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.

Mục đích của nội quy lao động trong quản lý lao động tại doanh nghiệp

Một số mục đích của nội quy lao động trong quản lý lao động tại doanh nghiệp như: 

  • Xây dựng môi trường làm việc nề nếp: Quy định rõ ràng các chuẩn mực, quy tắc và trách nhiệm của cả người lao động và người sử dụng lao động, từ đó duy trì trật tự và kỷ luật trong doanh nghiệp.

  • Quản lý lao động hiệu quả: Nội quy lao động là cơ sở để doanh nghiệp tổ chức, giám sát và điều hành công việc một cách hiệu quả, đồng thời giúp hạn chế các hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

  • Bảo vệ quyền lợi của các bên: Nội quy lao động đảm bảo quyền và nghĩa vụ của cả người lao động và người sử dụng lao động được xác định rõ ràng, giúp giảm thiểu tranh chấp và mâu thuẫn trong quan hệ lao động. 

  • Hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp: Nội quy lao động còn góp phần định hình và duy trì văn hóa làm việc chuyên nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Xây dựng môi trường nề nếp là mục đích của nội quy lao động

Doanh nghiệp nào bắt buộc đăng ký nội quy lao động?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 118 Bộ luật Lao động năm 2019, được hướng dẫn, bổ sung cụ thể tại khoản 1 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về nội quy lao động như sau: 

“Điều 69. Nội quy lao động

Nội quy lao động tại Điều 118 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

1. Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản, nếu sử dụng dưới 10 người lao động thì không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động”

Theo quy định trên, có thể thấy, doanh nghiệp có sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì bắt buộc người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động. 

Nếu sử dụng dưới 10 người lao động thì việc ban hành nội quy lao động là không bắt buộc, nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động ban hành nội quy lao động bằng văn bản thì hiệu lực do người sử dụng lao động quyết định trong nội quy lao động.

Không đăng ký nội quy lao động bị xử lý thế nào?

Nghĩa vụ đăng ký nội quy lao động

Căn cứ khoản 1 Điều 119 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:

“Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh.”

Theo đó, người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải ban hành nội quy lao động bằng văn bản và phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh.

Trách nhiệm khi không đăng ký nội quy lao động theo quy định pháp luật

Căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Nghị định 12/2022/NĐ-CP) quy định như sau: 

“2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không có nội quy lao động bằng văn bản khi sử dụng từ 10 lao động trở lên;

b) Không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật;”

Theo quy định trên, có thể thấy người sử dụng lao động có hành vi không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật có thể bị xử phạt hành chính với hình thức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi. 

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền đối với hành vi không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật áp dụng đối với cá nhân. Cho nên, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, nghĩa là mức phạt tiền đối với tổ chức khi có hành vi không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật có thể bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Thủ tục đăng ký nội quy lao động như thế nào?

Căn cứ theo Điều 119 Bộ luật Lao động năm 2019, thủ tục đăng ký nội quy lao động được thực hiện như sau: 

Bước 1: Đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động. 

Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh.

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động. 

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động. 

Hồ sơ đăng ký nội quy lao động được quy định tại Điều 120 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau: 

  • Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động;

  • Nội quy lao động;

  • Văn bản góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

  • Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (nếu có).

Tải mẫu văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động tại đây

Bước 3: Tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động, nếu nội dung nội quy lao động có quy định trái với pháp luật thì cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo, hướng dẫn người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại.

Nội quy lao động có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký nội quy lao động. 

Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động ban hành nội quy lao động bằng văn bản thì hiệu lực do người sử dụng lao động quyết định trong nội quy lao động.

Lưu ý: 

  • Người sử dụng lao động có các chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt ở nhiều địa bàn khác nhau thì gửi nội quy lao động đã được đăng ký đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

  • Căn cứ điều kiện cụ thể, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc đăng ký nội quy lao động theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Lao động năm 2019. 

Cần đảm bảo nội dung nào khi xây dựng nội quy lao động?

Nội dung nội quy lao động của công ty

Khi xây dựng nội quy lao động, cần phải đảm bảo nội dung của nội quy lao động không được trái với pháp luật lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Căn cứ theo khoản 2 Điều 118 Bộ luật Lao động năm 2019, được hưởng dẫn, bổ sung chi tiết tại khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về các nội dung chủ yếu của nội quy lao động bao gồm: 

  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: quy định thời giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trong 01 tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc ca làm việc; làm thêm giờ (nếu có); làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt; thời điểm các đợt nghỉ giải lao ngoài thời gian nghỉ giữa giờ; nghỉ chuyển ca; ngày nghỉ hằng tuần; nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương;

  • Trật tự tại nơi làm việc: quy định phạm vi làm việc, đi lại trong thời giờ làm việc; văn hóa ứng xử, trang phục; tuân thủ phân công, điều động của người sử dụng lao động;

  • An toàn, vệ sinh lao động: trách nhiệm chấp hành các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân, các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; vệ sinh, khử độc, khử trùng tại nơi làm việc;

  • Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc: người sử dụng lao động quy định về phòng, chống quấy rối tình dục theo quy định tại Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP chẳng hạn như: 

    • Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

    • Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;

    • Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;

    • Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;

    • Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.

  • Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động: quy định danh mục tài sản, tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ; trách nhiệm, biện pháp được áp dụng để bảo vệ tài sản, bí mật; hành vi xâm phạm tài sản và bí mật;

  • Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động: quy định cụ thể các trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Bộ luật Lao động năm 2019;

  • Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động: quy định cụ thể hành vi vi phạm kỷ luật lao động; hình thức xử lý kỷ luật lao động tương ứng với hành vi vi phạm;

  • Trách nhiệm vật chất: quy định các trường hợp phải bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi gây thiệt hại tài sản; do làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản hoặc tiêu hao vật tư quá định mức; mức bồi thường thiệt hại tương ứng mức độ thiệt hại; người có thẩm quyền xử lý bồi thường thiệt hại;

  • Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động: người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 18 của Bộ luật Lao động năm 2019 (Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật; Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật; Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động) hoặc người được quy định cụ thể trong nội quy lao động.

Như vậy, khi xây dựng nội quy lao động, người sử dụng lao động cần phải đảm bảo có 09 nội dung chủ yếu như trên. Người sử dụng lao động có thể ban hành thêm các quy định khác về nội quy lao động, nhưng phải đảm bảo nội dung phải tuân thủ theo quy định của pháp luật lao động và các quy định của pháp luật khác có liên quan; cũng như nội dung không được trái với đạo đức xã hội. 

Hiệu lực của nội quy lao động

Theo Điều 121 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về hiệu lực của nội quy lao động như sau: 

“Điều 121. Hiệu lực của nội quy lao động

Nội quy lao động có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 119 của Bộ luật này nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký nội quy lao động.

Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động ban hành nội quy lao động bằng văn bản thì hiệu lực do người sử dụng lao động quyết định trong nội quy lao động.”

Từ quy định trên, hiệu lực của nội quy lao động được hướng dẫn như sau: 

  • Nội quy lao động có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/huyện) nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký nội quy lao động. 

  • Lưu ý: Đối với trường hợp người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động ban hành nội quy lao động bằng văn bản thì hiệu lực do người sử dụng lao động quyết định trong nội quy lao động.

Nếu doanh nghiệp của bạn có nhu cầu xây dựng nội quy lao động, bạn có thể liên hệ đến LHLegal, đội ngũ Luật sư giỏi của chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn cho bạn trong việc xây dựng các nội dung nội quy lao động sao cho hợp pháp và phù hợp với doanh nghiệp của bạn.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:

Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01

Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html

Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830

Website: https://luatsulh.com/

Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang

Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:

Website: https://luatsulh.com/

Facebook: Luật sư LHLegal

Youtube: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)

Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí