Chơi hụi là gì? Các quy định của pháp luật về chơi hụi, họ, phường

Chơi hụi là gì?

Theo đó, hình thức chơi hụi (hay còn gọi là chơi họ, hụi, phường) bao gồm nhiều khái niệm khác nhau như:

Dây hụi là một hụi được hình thành dựa trên cơ sở thỏa thuận cụ thể của những người tham gia hụi bao gồm chủ hụi (nếu có) và các thành viên tham gia. 

Chủ hụi là người đứng ra thực hiện các công việc như tổ chức, quản lý dây hụi, thu và giao các phần hụi cho thành viên trong hụi đủ điều kiện lĩnh ở mỗi kỳ mở hụi cho tới khi kết thúc dây hụi, và chủ hụi có thể đồng thời là thành viên của dây họ tham gia dây hụi. 

Thành viên là người tham gia vào dây hụi, được góp, được lĩnh tiền hụi và được trả lãi nếu là hụi có lãi.

Hụi chết là con hụi đã hốt trước và đang trả lãi cho những kỳ sau.Chẳng hạn như, có 12 người chơi, tháng đầu mỗi người đóng 950.000đ, người lấy xong tháng sau đóng 1.100.000 đ cho tới hết chu kỳ. Người hốt tháng bất kỳ sẽ lấy tổng số tiền mà tất cả những người tháng đó đóng và trả tiền công cho chủ hụi là 1.100.000 đ. Hiểu đơn giản là trong chu kỳ hụi người lấy đầu tiên hụt vào người sau cùng, người lấy thứ hai chỉ chịu bù cho người kế sau cùng trừ tiền công của chủ hụi.

Hụi sống là con hụi chưa hốt hụi, đang nhận tiền lãi từ người hốt hụi trước.

Ví dụ cụ thể về chơi hụi

Chẳng hạn như dây hụi 10 triệu/tháng với 10 con hụi, kỳ đóng hụi 3 ngày/lần, mỗi con hụi sẽ phải đóng 100.000đ/kỳ đóng hụi.

Anh A cần tiền gấp, muốn hốt hụi đầu tiên. Anh sẽ thỏa thuận với các con hụi khác và chủ hụi, chịu mức lãi là 90.000đ/kỳ đóng hụi. Khi đó, anh A sẽ nhận được 10 triệu trong kỳ hốt hụi đầu tiên và từ đó cho đến khi kết thúc dây hụi, anh sẽ phải đóng 90.000đ/kỳ. Lãi suất anh A phải trả sẽ trừ vào số tiền đóng hụi định kỳ của các con hụi khác. Do đó, 9 người con lại chỉ cần đóng: 100.000 - 90.000/9 = 90.000đ.

Tới tháng thứ 2, chị B muốn hốt hụi và thỏa thuận với chủ hụi cùng 8 con hụi còn lại (trừ anh A), chấp nhận mức lãi suất 80.000đ/kỳ đóng hụi. Sau khi hốt hụi 10 triệu, từ đó cho đến khi kết thúc dây hụi, chị B sẽ phải đóng 90.000 + 80.000 = 170.000đ/kỳ. Lãi suất chị B phải trả sẽ được trừ vào số tiền đóng hụi định kỳ của các con hụi chưa hốt hụi. Do đó, 8 người còn lại chỉ cần đóng: 90.000 - 80.000/8 = 70.000đ.

Chẳng hạn như dây hụi 10 triệu/tháng với 10 con hụi, kỳ đóng hụi 3 ngày/lần, mỗi con hụi sẽ phải đóng 100.000đ/kỳ đóng hụi.

Quy định pháp luật về hụi, họ, biêu phường

Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 về “Họ, hụi, biêu, phường” quy định như sau:

"1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.

4. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi".

Pháp luật nghiêm cấm việc tổ chức chơi hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi

Điều 2 Nghị định 144/2006/NĐ-CP cũng quy định chính sách của Nhà nước về họ như sau:

"Điều 2. Chính sách của Nhà nước về họ

1. Quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân theo quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan được pháp luật bảo vệ.

2. Nghiêm cấm việc tổ chức họ để cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác để chiếm đoạt tài sản của người khác."

Như vậy chơi hụi không vi phạm pháp luật mà chỉ bị nghiêm cấm khi người chơi lợi dụng để che giấu hoạt động cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,...

Hình thức chơi hụi online ra sao?

Hiện nay, ngoài việc chơi hụi truyền thống thì hình thức chơi hụi online đang ngày càng phổ biến. Người chơi hụi online chủ yếu là dân văn phòng và những người buôn bán hàng online.

Theo đó, chỉ cần người chơi có một tài khoản giao dịch (tài khoản ngân hàng) thì có thể dễ dàng tham gia vào chơi hụi online trên mạng Internet, với các mức đóng tiền và thời hạn nhận khác nhau để có những mức lãi suất tương ứng. 

Hầu hết, những người chơi hụi online đều là thành viên trong một diễn đàn hoặc một nhóm nào đó trên mạng xã hội chẳng hạn như Facebook, Zalo và mọi hình thức giao dịch thanh toán đều thực hiện qua việc chuyển khoản ngân hàng.

Khi có người tham gia vào giây hụi online thì người đó phải đăng ký tên, tuổi, địa chỉ nhà, chụp ảnh hai mặt chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu rồi đăng lên mạng thì mới được xét duyệt vào chơi.

Sau khi được xét duyệt vào chơi thì lúc đến hạn đóng tiền chủ hụi sẽ gửi tin nhắn về số điện thoại của các thành viên để thông báo về số tiền mà mỗi người phải đóng rồi sẽ chuyển tiếp cho người đăng ký lấy trong tháng đó.

Về lãi suất thì chủ hụi và các thành viên tự thỏa thuận với nhau, thông thường người nào lấy tiền trước thì phải chịu lãi cho người lấy sau và mức lãi suất này thường cao hơn từ 3 đến 4 lần mức lãi suất ngân hàng.

Chủ hụi và các thành viên sẽ tự thỏa thuận với nhau về mức lãi suất

Chơi hụi có vi phạm pháp luật không?

Có thể thấy, hình thức chơi hụi ngày càng phổ biến và số người chơi hụi ngày càng tăng cao. Bởi lẽ, chơi hụi là một kênh huy động vốn linh hoạt, đáp ứng được ngay nhu cầu của người chơi và việc chơi hụi được pháp luật cho phép. 

Chơi hụi sẽ không vi phạm pháp luật nếu người chơi tuân thủ các quy định của pháp luật về nguyên tắc tổ chức, điều kiện tham gia hụi theo quy định tại Nghị định 19/2019/NĐ-CP. 

Cụ thể, Nghị định này quy định chi tiết về điều kiện làm thành viên, chủ hụi; gia nhập, rút khỏi hụi; văn bản thỏa thuận về hụi; thứ tự lĩnh hụi, lãi suất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ hụi. Theo đó, nghị định này nghiêm cấm việc tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Tuy nhiên, chơi hụi đang dần biến tướng thành hình thức cho vay nặng lãi. Cho vay nặng lãi là cụm từ phổ biến dùng để chỉ những trường hợp cho vay với lãi suất cao, cụ thể mức lãi suất này cao hơn 5 lần so với mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.

Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: 

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Theo đó, mọi hành vi cho vay nặng lãi với mức lãi suất trên 100% đều vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu đến 20 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, hành vi cho vay nặng lãi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tội cho vay nặng lãi theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Theo đó, mức phạt tù cao nhất đối với tội danh này là 03 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội này còn bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Pháp luật nghiêm cấm hành vi cho vay nặng lãi với lãi suất trên 100%

Xem thêm: Chủ hụi bỏ trốn, giật tiền bị xử lý như thế nào? có bị xử lý hình sự?

Mức xử phạt nếu vi phạm lãi suất chơi họ hụi biêu phường

Để giúp đưa hoạt động của hình thức họ, hụi, biêu, phương về đúng mục đích thì Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP để quy định về cách thức hoạt động, đối tượng được phép tổ chức, nguyên tắc của tổ chức họ, hụi,... Cụ thể tại Điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP nêu các nguyên tắc của hoạt động tổ chức họ.

“Điều 3. Nguyên tắc tổ chức họ

1. Việc tổ chức họ phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự.

2. Việc tổ chức họ chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về họ.

3. Không được tổ chức họ để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.”

Tại Điều 7 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định về hình thức thỏa thuận dây họ

“Điều 7. Hình thức thỏa thuận về dây họ

1. Thoả thuận về dây họ được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thỏa thuận về dây họ được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây họ yêu cầu.

2. Trường hợp thỏa thuận về dây họ được sửa đổi, bổ sung thì văn bản sửa đổi, bổ sung phải được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.”

Mức phạt hành vi vi phạm quy định về họ, hụi, biêu, phường được quy định tại Điều 16 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể:

“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi;

b) Không thông báo đầy đủ về số lượng dây họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi tắt là họ), phần họ, kỳ mở họ hoặc số lượng thành viên của từng dây họ mà mình đang làm chủ họ cho người muốn gia nhập dây họ;

c) Không lập biên bản thỏa thuận về dây họ hoặc lập biên bản nhưng không có các nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật;

d) Không lập sổ họ;

đ) Không giao các phần họ cho thành viên lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ;

e) Không cho các thành viên xem, sao chụp sổ họ và cung cấp các thông tin liên quan đến dây họ khi có yêu cầu;

g) Không giao giấy biên nhận cho thành viên khi góp họ, lĩnh họ, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây họ có giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ từ 100.000.000 đồng trở lên;

b) Không thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức từ hai dây họ trở lên.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Lợi dụng việc tổ chức họ để cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;

b) Tổ chức họ để huy động vốn trái pháp luật.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.”

Nếu vi phạm quy định về họ, hụi, biêu, phường có thể bị phạt tiền từ 2-20 triệu đồng

Quyền và nghĩa vụ của thành viên trong dây hụi

Theo Điều 15, 16 Nghị định 19/2019/NĐ-CP có quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên trong dây hụi:

“Điều 15. Quyền của thành viên

1. Thành viên trong họ không có lãi có các quyền sau đây:

a) Góp một hoặc nhiều phần họ trong một kỳ mở họ;

b) Lĩnh họ;

c) Chuyển giao một phần hoặc toàn bộ phần họ cho người khác theo quy định tại Bộ luật dân sự;

d) Yêu cầu chủ họ hoặc người giữ sổ họ cho xem, sao chụp sổ họ và cung cấp các thông tin liên quan đến dây họ;

đ) Yêu cầu chủ họ trả phần họ của thành viên không góp phần họ đúng hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

e) Yêu cầu chủ họ thực hiện đúng nghĩa vụ của chủ họ quy định tại Điều 18 của Nghị định này;

g) Yêu cầu thành viên khác thực hiện nghĩa vụ của thành viên quy định tại Điều 16 của Nghị định này;

h) Các quyền của thành viên quy định tại khoản 1 Điều 7, Điều 9, Điều 10 và Điều 13 của Nghị định này;

i) Thực hiện việc thông báo theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này trong trường hợp chủ họ không thực hiện;

k) Các quyền khác theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận về dây họ.

2. Thành viên trong họ có lãi có các quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đưa ra mức lãi trong mỗi kỳ mở họ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 20 của Nghị định này;

c) Được lĩnh họ trước các thành viên khác nếu đưa ra mức lãi cao nhất tại kỳ mở họ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

d) Hưởng lãi từ thành viên lĩnh họ.

3. Thành viên trong họ hưởng hoa hồng có các quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này nếu thuộc trường hợp họ không có lãi hoặc các quyền quy định tại khoản 2 Điều này nếu thuộc trường hợp họ có lãi;

b) Thỏa thuận về mức hưởng hoa hồng của chủ họ.”

“Điều 16. Nghĩa vụ của thành viên

1. Thành viên trong họ không có lãi có các nghĩa vụ sau đây:

a) Góp phần họ theo thoả thuận;

b) Thông báo về nơi cư trú mới trong trường hợp có thay đổi cho những người tham gia dây họ;

c) Tiếp tục góp các phần họ để các thành viên khác được lĩnh cho đến khi thành viên cuối cùng lĩnh họ trong trường hợp đã lĩnh họ trước thành viên khác;

d) Các nghĩa vụ của thành viên trong việc thực hiện quy định tại Điều 10 và khoản 2 Điều 11 của Nghị định này;

đ) Trong trường hợp không có chủ họ thì thành viên được giao lập và giữ sổ họ có các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 12, khoản 5 và khoản 6 Điều 18 của Nghị định này.

2. Thành viên trong họ có lãi có các nghĩa vụ sau đây:

a) Các nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trả lãi cho các thành viên chưa lĩnh họ khi được lĩnh họ.

3. Thành viên trong họ hưởng hoa hồng có các nghĩa vụ sau đây:

a) Các nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này nếu thuộc trường hợp họ không có lãi hoặc các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều này nếu thuộc trường hợp họ có lãi;

b) Trả khoản hoa hồng cho chủ họ khi lĩnh họ theo thỏa thuận”

Các thành viên trong họ có nghĩa vụ trả lãi cho những thành viên chưa lĩnh họ

Quyền và nghĩa vụ của chủ hụi

Tại Điều 17, 18 của Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ hụi như sau:

“Điều 17. Quyền của chủ họ

1. Chủ họ trong họ không có lãi có các quyền sau đây:

a) Thu phần họ của các thành viên;

b) Yêu cầu thành viên không góp phần họ của mình phải trả phần họ trong trường hợp chủ họ đã góp thay cho thành viên đó;

c) Quyền của chủ họ trong việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 7, Điều 9 và Điều 10 của Nghị định này;

d) Các quyền khác theo thỏa thuận.

2. Chủ họ trong họ có lãi có các quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Lĩnh các phần họ trong kỳ mở họ đầu tiên và không phải trả lãi cho các thành viên khác trong trường hợp chủ họ đồng thời là thành viên, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ họ trong họ hưởng hoa hồng có các quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này nếu thuộc trường hợp họ không có lãi hoặc các quyền quy định tại khoản 2 Điều này nếu thuộc trường hợp họ có lãi;

b) Được hưởng hoa hồng từ thành viên lĩnh họ.”

“Điều 18. Nghĩa vụ của chủ họ

1. Thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi.

2. Thông báo đầy đủ về số lượng dây họ; phần họ, kỳ mở họ; số lượng thành viên của từng dây họ mà mình đang làm chủ họ cho người muốn gia nhập dây họ.

3. Giao các phần họ cho thành viên lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ.

4. Nộp thay phần họ của thành viên nếu đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần họ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

5. Để các thành viên xem, sao chụp sổ họ và cung cấp các thông tin liên quan đến dây họ khi có yêu cầu.

6. Gửi thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Nghị định này.

7. Các nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này.

8. Các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.”

Trên đây là những nội dung liên quan đến vấn đề chơi hụi và những quy định của pháp luật về chơi hụi, họ, phường. Nếu quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật hay có vấn đề cần giải đáp, hãy liên hệ ngay với LHLegal - Luật sư giỏi hình sự thông qua những cách thức sau để được giải đáp nhanh chóng nhất:

Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01

Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html

Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830

Website: https://luatsulh.com/

Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang

Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:

Website: https://luatsulh.com/

Facebook: Luật sư LHLegal

Youtube: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)

Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal

Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự

Trụ sở

Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 1900 2929 01

Chi nhánh Nha Trang

Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang

Điện thoại: 1900 2929 01

Đăng ký tư vấn Tính án phí