>>> Những điều cần biết về chế tài bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại
>>> Cập nhật quy định mới về bồi thường thiệt hại trong công chứng từ 01/07/2025
Dưới bài viết này, LHLegal sẽ phân tích cụ thể về chế tài bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại cũng như các căn cứ pháp lý để áp dụng chế tài này theo quy định của pháp luật hiện hành. Hy vọng bài viết sẽ mang đến thông tin hữu ích cho Quý bạn đọc.
Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại được giải thích tại khoản 1 Điều 302 Luật Thương mại 2005 như sau:
“1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.”
Như vậy, bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại là trách nhiệm pháp lý mà bên vi phạm phải gánh chịu nhằm khắc phục những tổn thất thực tế phát sinh do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Đây là một chế tài mang tính chất bù đắp tổn thất, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị thiệt hại, đồng thời thể hiện sự công bằng trong quan hệ hợp đồng thương mại.
Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 Luật Thương mại 2005, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố được quy định tại Điều 303 như sau:
Có hành vi vi phạm hợp đồng;
Có thiệt hại thực tế;
Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
Từ quy định trên, có thể khẳng định rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại theo quy định của pháp luật chỉ phát sinh khi đồng thời đáp ứng đầy đủ ba yếu tố:
(i) có hành vi vi phạm hợp đồng;
(ii) có thiệt hại thực tế xảy ra;
(iii) mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại phát sinh.
Việc thiếu bất kỳ một trong ba yếu tố này đều không làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường của bên vi phạm. Quy định này nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch trong quan hệ thương mại và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong hợp đồng.
Việc xác định giá trị bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại được quy định tại khoản 2 Điều 302 Luật Thương mại 2005 như sau:
“2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.”
Như vậy, giá trị bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Đồng thời, tại Điều 361 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ như sau:
“Điều 361. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
1. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
2. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
3. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.”
Có thể thấy, bên bị vi phạm có thể yêu cầu bên vi phạm bồi thường cho những thiệt hại sau đây:
Thiệt hại về tinh thần: tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.
Thiệt hại về vật chất: giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra (bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại) và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Nghĩa vụ chứng minh tổn thất
Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm (căn cứ Điều 304 Luật Thương mại 2005).
Nghĩa vụ hạn chế tổn thất
Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được (căn cứ Điều 305 Luật Thương mại 2005).
Bên yêu cầu bồi thường có nghĩa vụ hạn chế tổn thất
Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (căn cứ Điều 306 Luật Thương mại 2005).
Phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại đều là các loại chế tài trong thương mại áp dụng khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thương mại, các bên có quyền thỏa thuận chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại theo quy định tại Điều 307 Luật Thương mại 2005 như sau:
“Điều 307. Quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại
1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.”
Kèm theo đó, Điều 316 Luật Thương mại 2005 quy định về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại khi đã áp dụng các chế tài khác như sau:
“Một bên không bị mất quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổn thất do vi phạm hợp đồng của bên kia khi đã áp dụng các chế tài khác.”
Từ các quy định tại Điều 307 và Điều 316 Luật Thương mại 2005 có thể rút ra kết luận rằng: Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại là hai chế tài độc lập trong pháp luật thương mại và có thể được áp dụng đồng thời nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng. Trong trường hợp không có thỏa thuận về phạt vi phạm, bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, việc áp dụng một chế tài bất kỳ, kể cả chế tài phạt vi phạm hay chế tài khác, không làm mất quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của bên bị vi phạm đối với những tổn thất thực tế phát sinh từ hành vi vi phạm hợp đồng. Quy định này thể hiện nguyên tắc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bên bị vi phạm và khuyến khích các bên chủ động thỏa thuận rõ ràng về chế tài trong hợp đồng nhằm hạn chế rủi ro pháp lý trong quá trình thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
Cảm ơn Quý bạn đọc đã theo dõi!
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Số 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Điện thoại: 1900 2929 01
Số 7 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, TP. Nha Trang
Điện thoại: 1900 2929 01