>>> Quy định về thế chấp bất động sản và việc xử lý tài sản thế chấp trong hợp đồng tín dụng ngân hàng
>>> Nghĩa vụ của ngân hàng khi xử lý tài sản bảo đảm
Các dạng tranh chấp phổ biến giữa ngân hàng và khách hàng vay
Tranh chấp Hợp đồng tín dụng khi Ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm là loại tranh chấp phổ biến và tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau. Bất kể một hành vi pháp lý nào được thực hiện kể từ thời điểm giao kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm đều tồn tại khả năng phát sinh tranh chấp. LHLegal sẽ điểm qua một vài dạng tranh chấp phổ biến giữa ngân hàng và khách hàng vay như sau:
Tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của Ngân hàng
Thực tế trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, Ngân hàng thường gặp một số tranh chấp như: Ngân hàng chưa có căn cứ rõ ràng xác định bên vay vi phạm nghĩa vụ hợp đồng dẫn đến quyền xử lý tài sản bảo đảm; tranh chấp xác định thời điểm nợ đến hạn hoặc cách tính lãi, phí phạt phát sinh; bên vay không nhận được thông báo hợp lệ của Ngân hàng về việc xử lý tài sản; bên vay không đồng ý với hình thức xử lý tài sản bảo đảm, định giá tài sản bảo đảm theo các thông báo của Ngân hàng.
Nhìn chung, các tranh chấp này liên quan đến điều kiện phát sinh quyền xử lý tài sản bảo đảm, quy trình, thủ tục để Ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm, thực tế có nhiều trường hợp Ngân hàng không thực hiện đúng thủ tục xử lý nợ nên bên vay, bên bảo đảm phát sinh tranh chấp dẫn đến việc thu hồi nợ của Ngân hàng bị kéo dài. Cơ sở pháp lý để Ngân hàng thực hiện đúng các nghĩa vụ khi xử lý tài sản bảo đảm các Điều 299, Điều 300, Điều 306 Bộ luật dân sự 2015 và các quy định tại Nghị định số 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự về biện pháp bảo đảm.
Tranh chấp về thứ tự ưu tiên thanh toán
Khi có nhiều bên cùng có quyền lợi đối với tài sản bảo đảm, có thể xảy ra tranh chấp về thứ tự ưu tiên thanh toán. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 296, Điều 297, Điều 298, Điều 308 Bộ luật dân sự 2015 và các quy định tại NĐ 21/2021/NĐ-CP, một tài sản bảo đảm có thể dùng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ cùng lúc. Do đó, thực tế tranh chấp thường phát sinh khi bên bảo đảm không có khả năng trả nợ, tài sản bảo đảm bị đem ra xử lý và có nhiều bên cùng yêu cầu xử lý tài sản để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Trong nhiều vụ án hình sự (Vụ án Vạn Thịnh Phát, Vụ án Phạm Công Danh,...) nhiều tài sản bảo đảm bị Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kê biên để thi hành án trong vụ án hình sự, gây khó khăn cho quá trình xử lý nợ của ngân hàng. Sở dĩ, ai cũng muốn mình trở thành đối tượng được ưu tiên xử lý vì người sau thường là người khó có thể nhận lại đủ số nợ theo hợp đồng đã thỏa thuận.
Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của các bên
Các bên có thể tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, chẳng hạn như quyền được thông báo, quyền được tham gia vào quá trình xử lý, nghĩa vụ cung cấp thông tin. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng tín dụng thường được quy định trong hợp đồng tín dụng theo thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, thực tế có không ít trường hợp Hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm không quy định cụ thể về các điều khoản xử lý tài sản bảo đảm (cơ sở xử lý, phương thức xử lý, thời hạn thông báo,....) dẫn đến cách hiểu không rõ ràng của mỗi bên và phát sinh tranh chấp.
Tranh chấp về hiệu lực hợp đồng bảo đảm
Hợp đồng bảo đảm có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu do không đáp ứng được các điều kiện sau:
-
Chủ thể xác lập Hợp đồng bảo đảm không có thẩm quyền hoặc vi phạm quy định về năng lực hành vi dân sự (ví dụ tài sản bảo đảm thuộc sở hữu chung nhưng không có sự đồng ý của tất cả đồng sở hữu, chủ thể xác lập Hợp đồng không được chủ sở hữu tài sản ủy quyền hợp pháp);
-
Nội dung thỏa thuận trong Hợp đồng bảo đảm có điều khoản vi phạm pháp luật;
-
Hợp đồng bảo đảm không đáp ứng điều kiện về hình thức (ví dụ Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất không được công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật), theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.
Khi hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, lúc này Ngân hàng không có cơ sở để xử lý hoặc phát sinh quyền đối với tài sản bảo đảm, từ khoản nợ có bảo đảm trở thành khoản nợ không có tài sản bảo đảm.
Các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận khi hợp đồng đảm bảo bị vô hiệu
Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản bảo đảm với bên thứ ba
Thực tiễn giải quyết tranh chấp, chúng tôi gặp không ít trường hợp Ngân hàng đang chuẩn bị tiến hành xử lý tài sản bảo đảm thì bên thứ ba xuất hiện và yêu cầu giải quyết tranh chấp xác định quyền sở hữu đối với tài sản. Khi đó, bên thứ ba thông thường sẽ khởi kiện bên bảo đảm đến Tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp sở hữu tài sản, Ngân hàng phải đợi kết quả giải quyết tranh chấp này trước khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm.
Theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao tại Mục III.4 Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023, Tòa án đang giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm d khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để chờ kết quả giải quyết vụ án tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản thế chấp đã thụ lý trước đó. Khi có kết quả giải quyết vụ án này, Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án chấp hợp đồng tín dụng theo quy định pháp luật.
Trên đây là một số những dạng tranh chấp phổ biến xảy ra khi ngân hàng thực hiện thủ tục xử lý tài sản bảo đảm. Nhận diện được chúng sẽ giúp cho các chủ thể có sự chủ động trong phòng ngừa và giải quyết tranh chấp tốt hơn.
Ngân hàng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi xảy ra tranh chấp liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm?
Việc xử lý tài sản bảo đảm về bản chất là hoạt động được thực hiện khi quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng bị xâm phạm. Bởi vì nếu bên vay thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ đối với ngân hàng theo hợp đồng tín dụng thì ngân hàng sẽ không phải thực hiện thủ tục xử lý tài sản bảo đảm. Trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, nếu có tranh chấp phát sinh thì quyền lợi hợp pháp của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng xấu, gây thiệt hại khi khó thu hồi các khoản vay có giá trị lớn. Vì vậy, LHLegal tổng hợp một số cách thức mà ngân hàng có thể dùng để bảo vệ quyền lợi của mình khi xảy ra tranh chấp:
Rà soát và củng cố hồ sơ pháp lý, chứng cứ chứng minh trước khi xử lý tài sản bảo đảm
Ngân hàng phải thẩm định, kiểm tra kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm, và các giấy tờ hồ sơ vay để đảm bảo tính pháp lý, tạo cơ sở để bảo vệ Ngân hàng khi quyền lợi của mình bị xâm phạm. Việc này bao gồm việc xác minh tính chính xác của thông tin về tài sản đảm bảo, chủ sở hữu/sử dụng của tài sản bảo đảm, tuân thủ các thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, chứng minh việc bên vay vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng. Sau khi đã đảm bảo tính hợp pháp của hồ sơ pháp lý, ngân hàng sẽ tiến hành thực hiện quyền thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi vốn.
Tự bảo vệ mình với tư cách người thứ ba ngay tình
Khi có tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo, ngân hàng cần đưa ra các chứng cứ để chứng minh mình là người thứ ba ngay tình theo quy định tại khoản 2 Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015 như: Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm ký kết và đăng ký hợp pháp, các hồ sơ, tài liệu đi kèm với hoạt động xác minh thông tin để cấp tín dụng. Điều này giúp ngân hàng bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp tài sản đảm bảo có liên quan đến các giao dịch dân sự vô hiệu trước đó, cũng như tránh các trường hợp bên vay có sự câu kết với các chủ thể khác nhằm thoái thác trách nhiệm trả nợ theo hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm.
Tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý kịp thời
Để tránh rủi ro kiện tụng phát sinh khi xử lý nợ. Khi có tranh chấp phát sinh, trước tiên ngân hàng cần tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý kịp thời, lắng nghe ý kiến tư vấn chuyên môn để có thể tránh tối đa rủi ro kiện tụng phát sinh khi xử lý nợ. Các chuyên gia pháp lý, luật sư giỏi về thu hồi, xử lý nợ sẽ là chủ thể lý tưởng để ngân hàng có thể liên hệ hỗ trợ. Điều này giúp ngân hàng giải quyết nhanh chóng vấn đề xử lý nợ mà không cần phải tốn quá nhiều chi phí, thời gian và công sức. Hơn nữa, việc thỏa thuận, thương lượng với bên vay sau khi đã lắng nghe ý kiến tư vấn chuyên môn cũng sẽ giúp ngân hàng đảm bảo tốt hơn khả năng thỏa thuận của mình.
Ưu tiên thỏa thuận, thương lượng với bên vay khi phát sinh tranh chấp
Việc thỏa thuận, thương lượng với bên vay giúp các bên có khả năng tìm ra được hướng đi chung và tránh phát sinh thời gian, chi phí để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc rất nhiều vào sự thiện chí của các bên, trường hợp bên vay/bên bảo đảm không hợp tác giải quyết, Ngân hàng thường sử dụng cơ chế xử lý mạnh mẽ hơn thông qua việc yêu cầu Tòa án, Trọng tài… giải quyết tranh chấp.
Thỏa thuận, thương lượng với các bên vay giúp các bên tìm ra hướng đi chung, tránh phát sinh tranh chấp
Tuân thủ quy định về thủ tục xử lý tài sản bảo đảm
Nhằm tránh phát sinh khiếu nại, tranh chấp yêu cầu hủy bỏ kết quả xử lý tài sản của ngân hàng. Khi xử lý tài sản bảo đảm, quy trình, thủ tục về xử lý tài sản quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 như: Điều 299 về các trường hợp xử lý TSBĐ, Điều 300 về thủ tục thông báo xử lý TSBĐ, Điều 303 về các phương thức xử lý TSBĐ, cũng như quy định tại Điều 49, Điều 51 Nghị định 21/2021/NĐ-CP… sẽ được áp dụng để giải quyết. Ngân hàng cần tuân thủ quy định về thủ tục luật định, một mặt giúp cho quy trình được xử lý hiệu quả hơn, mặt khác, tránh được các trường hợp phát sinh khiếu nại, tranh chấp.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án, chính quyền địa phương
Để được hỗ trợ xử lý, cưỡng chế khi thi hành án đối với quyền xử lý tài sản của mình. Sau khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án và đã nhận phán quyết của Tòa án về việc xử lý TSBĐ thì các thủ tục hậu tố tụng cũng cực kỳ quan trọng và ngân hàng cũng phải lưu ý. Vì bản án của Tòa án chỉ tuyên quyền xử lý tài sản của ngân hàng về mặt pháp lý còn thực tế cũng phải chờ bên vay/bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình theo bản án, do đó mà việc phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thi hành án, chính quyền địa phương, tạo thế chủ động trong việc yêu cầu hỗ trợ xử lý, cưỡng chế thi hành án là vô cùng quan trọng. Khi này, ngân hàng cũng cần nắm vững quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung) về cơ chế cưỡng chế thi hành án tại Điều 46, Điều 70, Điều 71, Điều 72 nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình.
Giải pháp thương lượng và kiện tụng để thu hồi nợ hiệu quả
Để có thể thu hồi nợ hiệu quả trong các trường hợp có tranh chấp phát sinh, ngân hàng thường áp dụng kết hợp hai giải pháp là thương lượng và kiện tụng. Tùy thuộc vào trường hợp cụ thể mà các giải pháp này sẽ phát huy tác dụng khác nhau. Dưới đây là phân tích chi tiết:
-
Thứ nhất, để thương lượng hiệu quả, ngân hàng cần liên hệ với khách hàng để tìm hiểu nguyên nhân nợ quá hạn, đề xuất các phương án trả nợ phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng như gia hạn thời gian, cơ cấu lại phương án trả nợ, giảm lãi suất, khoanh nợ… Sau khi các bên đã thống nhất được kết quả của việc thương lượng, ngân hàng cần lập văn bản để ghi nhận sự thỏa thuận và thường xuyên theo dõi, đôn đốc khách hàng thực hiện cam kết. Giải pháp này đem lại ưu điểm lớn giúp ngân hàng giữ gìn được các mối quan hệ với khách hàng, đặc biệt là những khách hàng tiềm năng trong tương lai, tối ưu hóa chi phí, thời gian xử lý nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên, cũng có nhược điểm là phụ thuộc lớn vào sự thiện chí của bên vay cũng như ý chí chủ động thực hiện cam kết của bên vay, vốn là thứ mà ngân hàng khó kiểm soát được.
-
Thứ hai, khi không thể giải quyết tranh chấp thông qua thỏa thuận, thương lượng của các bên, ngân hàng cần áp dụng giải pháp kiện tụng. Tức thực hiện quyền yêu cầu Tòa án, Trọng tài giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm đã ký kết. Trong trường hợp này, để đảm bảo hiệu quả cho hoạt động khởi kiện, ngân hàng cần chủ động thu thập đầy đủ hồ sơ, chứng cứ liên quan đến khoản nợ;thực hiện thủ tục khởi kiện tại Tòa án, Trọng tài có thẩm quyền; tham gia các phiên tòa và cung cấp chứng cứ; yêu cầu thi hành án khi có bản án có hiệu lực. Đối với giải pháp khởi kiện, đòi hỏi cấp thiết nhất là tính chính xác và sự đầy đủ của hồ sơ pháp lý cũng như cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền lợi của ngân hàng được bảo vệ bằng phán quyết có lợi của Tòa án. Chính vì vậy, việc ngân hàng lựa chọn cho mình những luật sư có kinh nghiệm là rất quan trọng. Bởi lẽ, luật sư sẽ cung cấp cho ngân hàng cơ sở vững chắc để bảo vệ quyền lợi tối đa khi khách hàng cố tình chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết.
Nếu không giải quyết được qua thỏa thuận, thương lượng thì ngân hàng có thể khởi kiện ra Tòa
Thực tiễn các ngân hàng thường sẽ kết hợp hai giải pháp để đạt được hiệu quả cao nhất trong thu hồi nợ từ các tranh chấp liên quan. Như vậy, Ngân hàng cần luôn chú trọng xây dựng quy trình thu hồi nợ chuyên nghiệp và hiệu quả; đào tạo đội ngũ nhân viên có kỹ năng thương lượng và kiến thức pháp luật chuyên sâu cũng như lựa chọn cho mình những luật sư có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp là vô cùng quan trọng.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về các tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần tập trung thu hồi nợ vay, xử lý nợ xấu (25.03.2025)
Xử lý tài sản bảo đảm bị kê biên trong vụ án hình sự - Quy trình và giải pháp (24.03.2025)
Quy định mới về việc mua cổ phiếu quỹ của tổ chức tín dụng bởi nhà đầu tư nước ngoài từ 19/5/2025 (24.03.2025)
Những lưu ý quan trọng khi ngân hàng thực hiện bán đấu giá khoản nợ (21.03.2025)
Ngân hàng khó bán đấu giá tài sản dù đã “Đại hạ giá” nhiều lần - Nguyên nhân & giải pháp (21.03.2025)
Các vướng mắc khi ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm đang tranh chấp, tài sản bị kê biên (21.03.2025)
Một loạt ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm (21.03.2025)
Ngân hàng Nhà nước đề xuất tài sản bảo đảm không bị kê biên trong xử lý nợ xấu (16.03.2025)