>>> Tóm tắt và bình luận bản án số 34/2024/HS-ST ngày 26/04/2024 về tội gây rối trật tự công cộng
>>> Tóm tắt và bình luận bản án tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ hình thành trong tương lai
A. Tóm tắt vụ án
Bị cáo: Nguyễn Xuân Đ, sinh năm 1979; Địa chỉ: Số 08 N, Phường 2, thành phố BL, tỉnh Lâm Đồng;
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
1. Bà Hoàng Thu Nh, sinh năm 1978; Địa chỉ: Số 10, Tổ dân phố 22, phường TV, quận N, Thành phố Hà Nội;
2. Ông Trần Văn T, sinh năm 1986; Địa chỉ: Số 28 L, Phường 2, thành phố BL, tỉnh Lâm Đồng;
3. Bà Trần Hồng Ch, sinh năm 1979; Địa chỉ: Số 8/12 Đ, Phường 1, thành phố BL, tỉnh Lâm Đồng;
4. Bà Trần Thị Kh, sinh năm 1983; Địa chỉ: Số 287/2 M, Phường 2, thành phố BL, tỉnh Lâm Đồng.
Người tố cáo: Bà Trần Thị Lệ Q, sinh năm 1981; nơi cư trú: Số 97 N, Phường 1, thành phố BL, tỉnh Lâm Đồng
Nội dung vụ án:
Vụ án Đinh Văn Th bị Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao khởi tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Chi cục Thi hành án dân sự (CcTHADS) thành phố BL, tỉnh Lâm Đồng. Sau khi khởi tố, VKSND tối cao (Vụ 6) đã có quyết định truy tố và chuyển vụ án đến Tòa án nhân dân (TAND) thành phố BL để xét xử sơ thẩm.
Ngày 20/12/2019, Viện trưởng VKSND thành phố BL ra quyết định phân công Nguyễn Xuân Đ, Kiểm sát viên sơ cấp, Phó Viện trưởng VKSND thành phố BL, và bà Hoàng Thu Nh, Kiểm sát viên sơ cấp Vụ 6 VKSND tối cao (được biệt phái) thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án này.
Sau khi được phân công tham gia kiểm sát xét xử vụ án Đinh Văn Th (bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”), do có mối quan hệ quen biết từ trước, Đinh Văn Th đã nhờ vợ là Trần Thị Lệ Q liên hệ Nguyễn Xuân Đ để xin xử nhẹ.
Tối 12/01/2020, bà Q và chị gái đến nhà riêng Nguyễn Xuân Đ để nhờ vả. Đ hứa sẽ giúp và hướng dẫn bà Q liên hệ thêm với các cán bộ có thẩm quyền như: thẩm phán Vũ Đức C, chánh án Nguyễn Khắc Q1, viện trưởng VKSND Đặng Văn Đ. Đ yêu cầu bà Q chuẩn bị giấy tờ giảm nhẹ hình phạt và nộp cho Đ.
Ngày 13/01/2020, bà Q được hướng dẫn chuẩn bị số tiền 100 triệu đồng để đưa cho bà Hoàng Thu Nh, kiểm sát viên biệt phái từ VKSND tối cao. Ngoài ra, Đ còn yêu cầu chuẩn bị thêm quà Tết cho các cán bộ điều tra (gồm trà + phong bì 2 triệu đồng mỗi người) và 2 triệu đồng tiền trả bữa ăn.
Tối 19/01/2020, tại quán ăn HĐ, bà Q mang tiền và quà đến. Khi được chỉ dẫn, bà Q tiếp cận Nguyễn Xuân Đ trước quán, đưa 04 túi quà gồm:
-
01 túi chứa 100 triệu đồng “cho bà Nhường (Hoàng Thu Nh)”
-
03 túi “quà Tết” mỗi túi 2 triệu đồng cho cán bộ điều tra
-
Thêm 2 triệu đồng tiền ăn
Sau khi nhận, Nguyễn Xuân Đ cất các túi vào cốp xe, tiếp tục vào ăn tối, rồi sau đó chở bà Nhường và đoàn công tác về khách sạn T. Tại khách sạn, Đ giao toàn bộ 04 túi quà cho bà Nhường, nói là quà gia đình bị cáo gửi. Bà Nhường khai chỉ nhận 01 túi có gói trà, không có tiền.
Ngày 20/01/2020, phiên tòa diễn ra, bà Nhường đề nghị xử Đinh Văn Th mức án từ 30-36 tháng tù, Tòa tuyên 30 tháng tù giam, đúng đề nghị. Sau đó, Đinh Văn Th rút kháng cáo.
Ngày 29/06/2020, bà Q làm đơn tố cáo Đ nhận hối lộ tổng cộng 120 triệu đồng, gồm:
-
100 triệu đưa cho bà Nhường
-
6 triệu quà Tết cho cán bộ điều tra
-
2 triệu tiền ăn
-
10 triệu tiếp khách
-
2 triệu đưa Đ trước đó
Trong quá trình điều tra, Đ phủ nhận hành vi nhận hối lộ, khai chỉ trung gian đưa tiền cho bà Nhường, nhưng không có bằng chứng giao tiền, trong khi các chứng cứ như ghi âm, video, nhân chứng, thực nghiệm hiện trường lại khẳng định bà Q đưa tiền cho Đ đúng như tố cáo.
Xem chi tiết bản án tại đây
B. Phân tích bản án
Nhận định của Hội đồng xét xử
Bị cáo Nguyễn Xuân Đ là người đang giữ chức vụ quyền hạn, có ảnh hưởng đối với mức hình phạt của bị cáo Đinh Văn Th trong vụ án hình sự do Đ được phân công thực hành quyền công tố. Với vai trò Kiểm sát viên đại diện cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử tại phiên tòa. Sau khi được phân công, bị cáo Đ đã có sự tiếp xúc với bị cáo Đinh Văn Th và gia đình của Đinh Văn Th, qua đó đã có sự hứa hẹn giúp cho Đinh Văn Th được mức án nhẹ nhất khi xét xử Th tại phiên tòa. Đ đã hướng dẫn cho Th và gia đình của Th nộp các tài liệu liên quan đến tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và trực tiếp nhận của Trần Thị Lệ Q là vợ của bị cáo Đinh Văn Th số tiền 108.000.000 đồng vào tối ngày 19/01/2020 mục đích để giúp cho Đinh Văn Th có mức án nhẹ nhất tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/01/2020. Sự thỏa thuận và hứa hẹn dùng ảnh hưởng vị trí, nhiệm vụ được phân công của Nguyễn Xuân Đ đối với Đinh Văn Th và người nhà của Đinh Văn Th trong hoạt động công vụ để trực tiếp nhận số tiền 108.000.000 đồng vào tối ngày 19/01/2020 đã đủ yếu tố cấu tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tại giai đoạn điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo có thái độ thành khẩn, ăn năn, hối cải nhưng bị cáo đề nghị hội đồng xét xử xem xét lại một số nội dung của cáo trạng truy tố bị cáo và ý kiến phát biểu luận tội của kiểm sát viên tại phiên tòa xem xét đối với nội dung bị cáo không có động cơ hứa hẹn mức án treo và không có thỏa thuận đưa hối lộ số tiền 106.000.000 đồng, bị cáo chỉ là người trung gian nhận hộ cho bà Hoàng Thu Nh theo thỏa thuận trước đó giữa bà Nh và bà Q mà bị cáo được biết. Qua lời trình bày thừa nhận diễn biến của sự việc liên quan đến chức vụ, quyền hạn và nhiệm vụ công vụ được phân công, cùng với việc tiếp xúc, trao đổi thỏa thuận các cách thức đưa nhận tiền giữa bị cáo và bà Trần Thị Lệ Q vào tối ngày 19/01/2022 và việc nộp lại số tiền 108.000.000 đồng để khắc phục, xét thấy bị cáo cũng đã nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật của mình nên cần áp dụng thêm cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Về trách nhiệm dân sự: Theo đề nghị của Kiểm sát viên đại diện cho Viện kiểm sát tại phiên tòa, hội đồng xét xử tuyên trả lại cho bà Trần Thị Lệ Q số tiền 108.000.000 đồng theo Biên lai thu số 0003711 ngày 01/7/2022 của Cục Thi hành án tỉnh Lâm Đồng là khoản tiền bị cáo khắc phục hậu quả đối với số tiền đã chiếm đoạt.
Về trách nhiệm của những người liên quan trong vụ án:
Đối với bà Trần Thị Lệ Q, đã có hành vi đưa tiền cho bị cáo Nguyễn Xuân Đ tổng cộng 108.000.000 đồng để nhờ giúp Đinh Văn Th được xử án treo hoặc 9 tháng tù giam, có dấu hiệu của tội “Đưa hối lộ”. Tuy nhiên, trước khi vụ việc bị phát giác, bà Q đã có đơn tố cáo đến Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời cung cấp các tài liệu, chứng cứ quan trọng góp phần để Cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Xuân Đ. Căn cứ khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao không xử lý trách nhiệm hình sự đối với bà Trần Thị Lệ Q là có căn cứ, đúng pháp luật.
Đối với bà Hoàng Thu Nh, theo lời khai của Nguyễn Xuân Đ bà Nhường đã nhận 04 túi quà bên trong có tiền từ Đ đưa tại khách sạn T nhưng việc đưa quà không có ai chứng kiến, Nguyễn Xuân Đ cũng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh. Về phía bà Hoàng Thu Nh qua lấy lời khai và qua đối chất với bị cáo Nguyễn Xuân Đ, xác định chỉ nhận 01 túi trà, bên trong không có tiền và đã phủ nhận toàn bộ lời khai của Nguyễn Xuân Đ. Mặt khác, quá trình điều tra không xác định được bà Hoàng Thu Nh hứa hẹn hay liên hệ với bà Trần Thị Lệ Q, việc xét xử vụ án Đinh Văn Th đúng quy định của pháp luật nên không có cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Hoàng Thu Nh là có căn cứ.
Phán quyết của Hội đồng xét xử
Tuyên bố bị cáo Nguyễn Xuân Đ phạm tội “Nhận hối lộ”; Xử phạt bị cáo Nguyễn Xuân Đ 04 năm tù;
Về trách nhiệm dân sự: Trả cho bà Trần Thị Lệ Q số tiền 108.000.000 đồng;
Về án phí: Buộc bị cáo Nguyễn Xuân Đ phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Bị cáo Đ phạm Tội nhận hối lộ và bị xử phạt 4 năm tù
Căn cứ pháp lý:
-
Điểm c khoản 2 Điều 354; điểm b, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
-
Điều 135; Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
C. Phân tích các vấn đề pháp lý, bài học rút ra từ vụ án so với quy định pháp luật
Về cấu thành tội phạm Tội nhận hối lộ
Khách thể:
-
Tội nhận hối lộ xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, bình thường, tính chuẩn mực trong công tác của cơ quan, tổ chức do nhà nước quy định;
-
Đối tượng của tội nhận hối lộ phải là tiền của, tài sản hoặc những giấy tờ có giá trị tài sản. Trường hợp người có chức vụ không nhận tiền của, tài sản mà nhận tình cảm của người khác giới thì không coi là nhận hối lộ.
Mặt khách quan
-
Thể hiện ở hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận tiền của hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu hoặc vì lợi ích của người đưa hối lộ;
-
Hành vi nhận hối lộ được thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác nhau (trường hợp sẽ nhận là trường hợp người có chức vụ chưa nhận tiền của hối lộ nhưng có căn cứ cho rằng đã có sự thỏa thuận về việc nhận hối lộ sau khi thực hiện xong một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ);
-
Trường hợp, người có chức vụ nhận quà biếu sau khi đã làm đúng chức trách của mình không được coi là nhận hối lộ bởi giữa người có chức vụ và người đưa quà biếu không có bất kỳ thỏa thuận nào về việc tặng quà biếu, người nhận quà biếu thực hiện công việc của mình đúng chức năng, quyền hạn, vô tư thì quà biếu được như sự biết ơn, có trước có sau, là tấm lòng, đạo đức của người Việt Nam.
Mặt chủ quan
-
Tội phạm được thể hiện do hình thức lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi và hậu quả của tội phạm và mong muốn hậu quả xảy ra;
-
Mục đích lợi dụng chức vụ, quyền hạn liên quan đến công việc để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất có giá trị là yếu tố bắt buộc cấu thành tội phạm này.
Chủ thể:
-
Chủ thể của loại tội phạm này là người từ đủ 16 tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định đồng thời phải là người có chức vụ, quyền hạn. Chức vụ, quyền hạn ấy liên quan trực tiếp đến việc giải quyết công việc của người đưa hối lộ;
-
Trường hợp người có chức vụ nhưng chức vụ, quyền hạn của họ không liên quan đến việc giải quyết công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì không coi là tội nhận hối lộ mà phạm vào tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Một số vấn đề liên quan
Hành vi của tội nhận hối lộ:
Của hối lộ có nhất thiết phải là tiền hoặc lợi ích vật chất hay không? Câu trả lời là không. Hành vi nhận hối lộ không chỉ là việc nhận tiền hay lợi ích vật chất một cách thuần tuý theo kiểu trao tay. Các hình thức nhận hối lộ khác dù được che đậy dưới vỏ bọc hợp pháp như việc nhận lợi ích chính thông qua các hình thức hợp đồng (như hợp đồng vay tiền nhưng sau đó không hoàn trả, hợp đồng bán tài sản với giá cao hơn hoặc mua tài sản với giá thấp hơn giá trị thực tế của tài sản), hoặc qua các loại hình dịch vụ (không phải trả chi phí) đều bị coi là tội phạm.
Đối tượng của tội nhận hối lộ:
Của hối lộ không chỉ là lợi ích vật chất mà còn là lợi ích phi vật chất.
Các lợi ích phi vật chất: việc khen ngợi trên truyền thông, lợi ích về tình dục… đều có thể bị coi là của hối lộ.
Lĩnh vực - phạm vi tội nhận hối lộ:
Không chỉ trong lĩnh vực công, tức trong cơ quan nhà nước. So với Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã mở rộng phạm vi của tội nhận hối lộ sang cả lĩnh vực tư.
Khuyến nghị
Hành vi của các đối tượng trong Tội nhận hối lộ luôn biến hóa khôn lường với vô vàn thủ đoạn tinh vi như:
-
Lập nhiều tài khoản, dòng tiền chuyển lòng vòng hòng xoá dấu vết (Trong đại án Việt Á: các nhân viên y tế chuyển tiền mua kit test vào tài khoản chính của công ty Việt Á, sau đó chuyển tiền qua tài khoản phụ của Công ty Việt Á, sau đó tiếp tục chuyển vào tài khoản cá nhân của em ruột Hồ Thị Thanh Thủy, vợ Phan Quốc Việt để chuyển cho các nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á. Số tiền này được rút ra tiền mặt rồi quyết toán cho các cá nhân, không ghi và sổ kế toán; Công ty đồng thời sử dụng 2 hệ thống phần mềm, sổ sách;
-
Chuyển tiền hối lộ thông qua các kênh riêng biệt (thường liên quan đến các vụ án buôn lậu xăng dầu);
-
Chuyển tiền hối lộ núp bóng những giao dịch dân sự, kinh tế như: “thanh toán tiền mua hàng”, “trả nợ”,…;
-
Hay “biếu quà” với giá trị tiền tỷ.
Chính những thủ đoạn tinh vi được các đối tượng sử dụng đã gây khó khăn cho công đoạn điều tra, phát hiện và truy tố.
Đồng thời, thực tiễn cũng cho thấy hành vi đưa hối lộ thường diễn ra kín đáo, bí mật, cả người đưa và người nhận hối lộ đều tìm cách che giấu, trốn tránh nên rất khó có người nhìn thấy, phát hiện để tố cáo, tố giác, xử lý.
Hành vi đưa hối lộ thường diễn ra kín đáo, bí mật nên rất khó để phát hiện và xử lý
Do đó, cần kết hợp nhiều giải pháp mới có thể giảm thiểu tội phạm này:
-
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế bất cập trong hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng. Trong đó đặc biệt cần nghiên cứu bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về các hành vi làm giàu bất chính, hành vi tặng quà ơn nghĩa, nhận quà tặng không vì mục đích từ thiện… là tội phạm theo khuyến nghị của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên để làm cơ sở mở rộng việc việc xử lý các hành vi đưa, nhận và môi giới hối lộ;
-
Nghiên cứu ban hành chính sách đặc biệt nhằm khuyến khích người có hành vi phạm tội thành khẩn, hợp tác tích cực, chủ động cung cấp tài liệu, thông tin liên quan cho các cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra;
-
Bồi dưỡng giáo dục trình độ nghiệp vụ và đạo đức để nâng cao đạo đức, bản lĩnh chính trị cho cán bộ công tác trong các cơ quan tố tụng, đặc biệt đối với cơ quan điều tra;
-
Tăng cường các công tác quản lý kinh tế, quản lý hành chính có hiệu quả, trong đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch và tăng cường cơ chế giám sát, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào công tác quản lý để sao cho người có chức vụ quyền hạn muốn nhận hối lộ cũng không thể nhận và những người có liên quan muốn hối lộ cũng không thể hối lộ;
-
Duy trì quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực , tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng nói chung, hành vi đưa và nhận hối lộ nói riêng.
Thực tế những năm gần đây, nhiều vụ việc hối lộ chấn động được phát hiện (vụ Việt Á, vụ “Chuyến bay giải cứu”,…), điều này cho thấy nước ta đang phòng chống, đấu tranh, xử lý tội nhận hối lộ một cách có hiệu quả. Ý thức pháp luật toàn dân cũng đang được nâng cao. Tuy nhiên, đấu tranh phòng chống Tội nhận nhận hối lộ nói riêng và nhóm tội phạm tham nhũng nói chung là một quá trình lâu dài, đòi hỏi trước hết bản thân mỗi người phải có ý thức pháp luật và phẩm chất đạo đức vững vàng, quyết tâm kiên trì phòng chống tội phạm.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Triệt phá ổ bạc trong khách sạn quận 3: Hành vi vi phạm pháp luật (19.03.2025)
Nữ giáo viên ở Gia Lai bị truy tố hình sự vì lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng (18.03.2025)
Hành hung tài xế sau va chạm giao thông cán bộ trung tâm phát triển quỹ đất bị khởi tố (17.03.2025)
Thanh Hóa: vì ghen tuông, chồng giết vợ ngay tại nhà anh vợ (17.03.2025)
Chính thức giảm mức phạt tù tối đa đối với người dưới 18 tuổi phạm tội từ 01/01/2026 (17.03.2025)
Hà Nam: Công an bắt giữ cặp vợ chồng gây ra 10 vụ trộm cắp tài sản (17.03.2025)
Chiêu lừa táo tợn: Thanh niên bị ép dàn dựng màn gọi tiền chuộc 200 triệu (13.03.2025)
Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng 24 - 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (11.03.2025)