Năm 2025, với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và các công nghệ tiên tiến khác, tội phạm công nghệ cao có thể biến đổi theo nhiều hình thức mới, đòi hỏi những biện pháp phòng ngừa và xử lý chặt chẽ hơn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích khái niệm tội phạm công nghệ cao, các đặc trưng của loại tội phạm này, cũng như đề xuất những biện pháp ngăn chặn hiệu quả nhằm bảo vệ quyền lợi cá nhân, doanh nghiệp và an ninh quốc gia.
>>> Trình tự giải quyết thủ tục tố cáo theo quy định Luật tố cáo
>>> Nhóm tội phạm công nghệ cao theo quy định của bộ luật hình sự 2015: Quy định & chế tài xử lý
Tội phạm công nghệ cao là gì?
Căn cứ Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (Bộ luật hình sự hiện hành) về khái niệm tội phạm:
“1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.
Và Điều 3 Nghị định 25/2014/NĐ-CP về tội phạm có sử dụng công nghệ cao:
“1. Tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao.
..."
Như vậy, theo quy định trên có thể hiểu rằng tội phạm công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khác, của xã hội, xâm phạm đến các quan hệ xã hội mà luật hình sự bảo vệ thông qua mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các thiết bị số.
Thực trạng tội phạm công nghệ cao tại Việt Nam và thế giới
Số liệu thống kê về tội phạm công nghệ cao
Xuất phát từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự cho thấy, tình hình tội phạm công nghệ cao có nhiều diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng, phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội kín đáo, ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn; gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội, cả trong và ngoài nước.
Tình hình các đối tượng lợi dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ và sự phát triển của mạng viễn thông, internet để hoạt động phạm tội có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, có tính chất xuyên quốc gia và thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng; nổi lên là sự gia tăng của tội phạm công nghệ cao, lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản.
Thống kê tại thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2024, lực lượng Công an TP đã bắt 5.936 đối tượng phạm tội có sử dụng công nghệ cao (số liệu từ báo Sài Gòn Giải phóng online).
Trong năm 2024, Công an tỉnh Trà Vinh phát hiện, khởi tố 36 vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao (tăng 26 vụ so với năm 2023); điều tra, khám phá 11/36 vụ, bắt xử lý 13 đối tượng phạm tội. Ngoài ra, Công an tỉnh đã phát hiện, xử phạt hành chính 25 vụ, 127 đối tượng đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên không gian mạng dưới các hình thức (đá gà, số đề, kêu lô tô,…), tổng số tiền 191 triệu đồng (Số liệu công tác phòng, chống tội phạm về công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2024 của Công an tỉnh Trà Vinh).
Hay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm 2024 đến đầu năm 2025, toàn tỉnh xảy ra 44 vụ sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự xã hội, gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng (theo Báo Tiền Phong).
Các vụ án điển hình liên quan đến tội phạm công nghệ cao
Các vụ án điển hình liên quan đến công nghệ cao có thể kể đến như:
-
Vụ việc nhóm đối tượng sử dụng mạng viễn thông thu thập thông tin của người dân, mở tài khoản ngân hàng nhằm thu lợi bất chính gồm: Nguyễn Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1992), Võ Minh Hùng (sinh năm 1985) cùng Lê Ngọc Anh, Nguyễn Bá Việt, Nguyễn Phương Loan, Nguyễn Thị Như Ngọc, Nguyễn Thanh Xuân thành lập Công ty TNHH Tư vấn tài chính Nhung Nguyễn (Công ty Nhung Nguyễn) và Công ty TNHH Tư vấn tài chính Minh Anh (Công ty Minh Anh) với hàng chục chi nhánh hoạt động rầm rộ tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư các tỉnh phía Nam. Thủ đoạn của các đối tượng là dụ dỗ, thu thập thông tin cá nhân của người dân, sử dụng sim rác mở tài khoản ngân hàng nhằm trục lợi;
-
Vụ việc của Mr Pips - Phó Đức Nam thông qua tạo lập trang web, ứng dụng để lừa đảo hàng ngàn người với số tiền lên đến 5.200 tỷ đồng. Thủ đoạn mà Nam sử dụng là núp bóng dưới danh nghĩa công ty, trang mạng hoạt động về lĩnh vực Tele Marketing, Tele Sale, tư vấn đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán... để dụ dỗ, lôi kéo các khách hàng (nạn nhân) tham gia, cung cấp thông tin sai sự thật để nạn nhân tin tưởng, chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định và sau đó chiếm đoạt số tiền trên;
-
Vụ “Nữ quái” 26 tuổi - Phạm Thị Huyền Trang xây dựng kịch bản lừa đảo trong đường dây chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia trên không gian mạng, hơn 13.000 người bị lừa gần 1.000 tỷ đồng.
“Nữ quái” Phạm Thị Huyền Trang xây dựng kịch bản lừa đảo trong đường dây chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia
Biện pháp ngăn chặn tội phạm công nghệ cao hiệu quả
Biện pháp pháp lý - Quy định và chế tài xử lý
Ở Việt Nam hiện nay, Nhà nước đã ban hành các quy định về tội phạm công nghệ cao: cấu thành tội phạm và chế tài xử lý như:
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có các quy định về hành vi cấu thành tội phạm công nghệ cao và chế tài xử lý.
Chẳng hạn, Điều 289 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác
“1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Nghị định số 25/2014/NĐ-CP ngày 07/04/2014 của Chính phủ: Nghị định này quy định về hoạt động phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực này;
Luật Công nghệ cao năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014) nhằm xác định thế nào là “công nghệ cao”.
Các cơ quan ban ngành, đoàn thể đang kiến nghị bổ sung quy định pháp luật về các loại tài sản số, tiền kỹ thuật số, tiền ảo. Xây dựng cơ chế trao đổi, phối hợp, xác minh thông tin liên quan các hành vi phạm tội giữa cơ quan Công an với các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Đẩy mạnh triển khai các quy định pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành; chấn chỉnh hoạt động quản lý, đăng ký tài khoản ngân hàng của các tổ chức ngân hàng, công ty tài chính, ví điện tử...
Giải pháp công nghệ - Sử dụng AI, bảo mật nâng cao
Một số giải pháp công nghệ của nhà nước nhằm ngăn chặn và hạn chế tội phạm công nghệ cao có thể kể đến như:
-
Đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân, để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động phục vụ quản lý Nhà nước, hạn chế tình trạng nặc danh, lừa đảo.
-
Siết chặt quản lý giao dịch trực tuyến, thêm các điều kiện bảo mật, hạn mức chuyển tiền trực tuyến, xác thực sinh trắc học để phòng ngừa tội phạm, bảo vệ tài sản cho người dân...đồng thời ứng dụng, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, loại bỏ những tài khoản ảo, làm sạch tài khoản thuê bao di động, loại bỏ sim rác, qua đó hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo.
Tăng cường bảo mật để phòng ngừa tội phạm công nghệ cao
Vai trò của doanh nghiệp trong phòng chống tội phạm mạng
Hiện nay, ở nước ta có hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước đang kinh doanh dịch vụ mạng như Google, Facebook, Youtube, VNPT, FPT… Luật An ninh mạng quy định rõ trách nhiệm, vai trò của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ giá trị gia tăng trên không gian mạng đối với từng biện pháp trong phòng ngừa và xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng:
-
Phối hợp với cơ quan chức năng xử lý các thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
-
Áp dụng các giải pháp kỹ thuật và các biện pháp cần thiết khác nhằm phòng, chống gián điệp mạng, ngăn chặn nguy cơ tổn hại hoặc mất dữ liệu; trường hợp xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra việc lộ hoặc mất dữ liệu thông tin người sử dụng, cần lập tức đưa ra giải pháp ứng phó, đồng thời thông báo đến người sử dụng và báo cáo với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng theo quy định của pháp luật;
-
Cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng; Không cung cấp/ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế;
-
Phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng để ngăn chặn, loại trừ hành vi tấn công mạng và cung cấp đầy đủ, kịp thời, thông tin, tài liệu liên quan; Khi phát hiện dấu hiệu hoặc hành vi khủng bố mạng thì có trách nhiệm báo cáo kịp thời đến lực lượng bảo vệ an ninh mạng;
-
Thường xuyên cảnh báo khả năng mất an ninh mạng trong việc sử dụng dịch vụ trên không gian mạng do mình cung cấp và hướng dẫn biện pháp phòng ngừa; Xây dựng phương án, giải pháp phản ứng nhanh với sự cố an ninh mạng, xử lý ngay điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, mã độc, tấn công mạng, xâm nhập mạng và rủi ro an ninh khác; khi xảy ra sự cố an ninh mạng, ngay lập tức triển khai phương án khẩn cấp, biện pháp ứng phó thích hợp, đồng thời báo cáo với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.
Hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm công nghệ cao
Hoạt động của tội phạm công nghệ cao là không có biên giới, việc phòng chống tội phạm công nghệ cao phải kết hợp giữa biện pháp trong nước và quốc tế, do đó, rất cần thiết phải tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao với các quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội trên không gian mạng nhắm vào địa bàn nước ta.
Ý thức người dùng - Cách bảo vệ dữ liệu cá nhân và tài khoản trực tuyến
Bên cạnh trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh công nghệ, mạng viễn thông thì người dùng cũng cần có trách nhiệm trong phòng chống tội phạm công nghệ cao, có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân và tài khoản trực tuyến. Như:
-
Tuân thủ quy trình bảo mật của ứng dụng ngân hàng trực tuyến, mạng xã hội, …Tránh đặt mật khẩu bảo mật quá đơn giản, dễ nhớ, truy cập vào đường link lạ, tiết lộ mã xác thực OTP, …
Tránh đặt mật khẩu quá dễ nhớ
-
Cảnh giác cao độ trước những thông tin trúng thưởng, tuyển dụng, …
-
Khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm trên không gian mạng, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện điều tra, xử lý.
Tội phạm công nghệ cao đang trở thành một thách thức lớn đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để đối phó với loại tội phạm này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp công nghệ và mỗi cá nhân trong việc nâng cao nhận thức, cập nhật các biện pháp bảo mật và tuân thủ pháp luật. Các giải pháp như siết chặt khung pháp lý, ứng dụng công nghệ vào công tác phòng chống tội phạm, tăng cường hợp tác quốc tế sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và xử lý hành vi phạm tội. Trong bối cảnh năm 2025, khi công nghệ tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh chóng, việc chủ động phòng ngừa và thích nghi với những thay đổi mới là yếu tố then chốt giúp bảo vệ an toàn thông tin và trật tự xã hội trước những nguy cơ từ tội phạm công nghệ cao.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Sử dụng mã độc tống tiền người khác bị phạt bao nhiêu năm tù? (09.05.2025)
Sản xuất hàng giả bị xử lý thế nào? Thời hiệu khởi tố và mức phạt chi tiết (06.05.2025)
Phá nhanh vụ trộm vàng tại Phan Thiết: Con gái cùng bạn trai lấy trộm hơn 100 triệu đồng của gia đình (05.05.2025)
Vụ nổ súng ở Vĩnh Long khiến một người tử vong: Diễn biến pháp lý và trách nhiệm dân sự? (05.05.2025)
Nhân viên trộm đồ của khách trong khách sạn: Vừa bị sa thải, vừa đối mặt án tù? (26.04.2025)
Thông đồng trục lợi bảo hiểm có bị xử lý hình sự? (26.04.2025)
Tội rửa tiền: Những thủ đoạn phổ biến và biện pháp ngăn chặn (26.04.2025)
Chơi Niu Niu có bị đi tù không? Mức phạt cao nhất khi tổ chức đánh bạc? (26.04.2025)