TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là Công ty Novartis (Thụy Sĩ) và bị đơn là Công ty cổ phần Dược phẩm Đạt Vi Phú (trụ sở tại thị xã Bến Cát, Bình Dương).
Nội dung vụ án:
Công ty Novatis (Thuỵ Sĩ), Nguyên đơn trong vụ kiện về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu của bằng độc quyền sáng chế bảo hộ cho hoạt chất Vildagliptin.
Đầu năm 2015, nguyên đơn phát hiện bị đơn đang sản xuất và kinh doanh sản phẩm thuốc Vigorito chứa hoạt chất Vildagliptin thuộc phạm vi bảo hộ của nguyên đơn. Từ đó, nguyên đơn khởi kiện bị đơn ra tòa với các yêu cầu:
- Thứ nhất, buộc bị đơn phải chấm dứt các hành vi nhập khẩu, sản xuất, buôn bán các sản phẩm xâm phạm độc quyền sáng chế của nguyên đơn.
- Thứ hai, xin lỗi công khai trên báo trong ba kỳ liên tiếp.
- Thứ ba, bồi thường thiệt hại 800 triệu đồng.
Hình ảnh mẫu vật sản phẩm thuốc Vigorito. Nguồn: Internet
Tại phiên Toà sơ thẩm:
Ngày 22-11-2019, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên tòa sơ thẩm. Tại tòa, đại diện bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Lý do, kết quả tra cứu không tìm thấy thông tin nào liên quan đến hợp chất Vildagliptin dạng tinh thể được bảo hộ dưới hình thức sáng chế.
Ý kiến của Nguyên đơn cho rằng phạm vi bảo hộ của bằng độc quyền sáng chế bao gồm các dạng, trong đó có dạng tinh thể. Theo vị đại diện này, hành vi của bị đơn là xâm phạm độc quyền sáng chế của nguyên đơn.
Ý kiến của Đại diện VKS: các chứng cứ là các kết luận giám định, kết luận thanh tra có kết quả trùng khớp xác định bị đơn có yếu tố xâm phạm bằng độc quyền sáng chế của nguyên đơn. Do đó, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Cuối cùng, HĐXX tuyên chấp nhận ba yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Bị đơn kháng cáo:
Trong kháng cáo, phía bị đơn cho rằng bản án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thu thập chứng cứ không đầy đủ và thời gian bảo hộ của nguyên đơn đã hết.
Tại phiên Toà phúc thẩm:
Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn giữ nguyên kháng cáo.
Đại diện VKSND Cấp cao tại tòa cho rằng đối với kháng cáo của bị đơn không đưa ra được tình tiết nào mới. Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ, VKS đề nghị HĐXX tuyên bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Nhận định của Toà phúc thẩm:
Toà án cấp phúc thẩm xét
- HĐXX phúc thẩm nhận định nguyên đơn đã căn cứ vào kết luận giám định hoạt chất Vildagliptin có trong sản phẩm thuốc Vigorito do bị đơn sản xuất để khởi kiện.
- Bị đơn không đồng ý với kết luận giám định này và sau đó được cơ quan tố tụng cho giám định lại.
- Tuy nhiên, bản giám định này không xác định là giám định bổ sung hay giám định lại. Vì thế cần phải hủy bản án sơ thẩm để làm rõ.
Hãng Luật LHLegal – Chuyên giải quyết các vấn đề về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xin cập nhật đến quý độc giả một số thông tin pháp lý liên quan đến Bằng độc quyền sáng chế và quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình:
- Điều kiện được cấp bằng độc quyền sáng chế:
Theo Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) quy định: Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có tính mới;
b) Có trình độ sáng tạo;
c) Có khả năng áp dụng công nghiệp.
- Bồi thường thiệt hai do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
2.1. Nguyên tắc xác định thiệt hại
Căn cứ Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 16 Nghị định 105/2006/NĐ-CP hướng dẫn nguyên tắc xác định thiệt hai như sau:
1. Thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 204 của Luật Sở hữu trí tuệ là sự tổn thất thực tế về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
2. Được coi là có tổn thất thực tế nếu có đủ các căn cứ sau đây:
a) Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại;
b) Người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích quy định tại điểm a khoản này;
c) Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó.
2.2. Căn cứ xác định mức bồi thường:
Theo quy định tại Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình thì có quyền yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường theo một trong các căn cứ sau đây:
a) Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất;
b) Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện;
c) Thiệt hại vật chất theo các cách tính khác do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đưa ra phù hợp với quy định của pháp luật;
d) Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Tòa án ấn định, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng.
Trên đây là một số quy định chung về bằng độc quyền sáng chế và quyền yêu cầu bồi thường khi bị xâm phạm.
Chat GPT và vấn đề về quyền tác phẩm do Chat GPT tạo ra (06.02.2023)
Chat GPT là gì? Nghề Luật sư liệu có bị xoá sổ bởi Chat GPT và siêu AI? (03.02.2023)
Nhãn hiệu như thế nào thì được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam? (05.01.2023)
Điều kiện để được làm đại diện sở hữu công nghiệp theo quy định mới nhất 2023 (04.01.2023)
Quy định về xử phạt vi phạm bản quyền mới nhất (28.11.2022)