Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn đã có những bước tiến đáng kể so với trước đây. Việc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn được quy định cụ thể hơn, trong đó, xác định các yếu tố được xét đến khi phân chia tài sản chung của vợ chồng. Mặc dù vậy, việc áp dụng những quy định này trên thực tế vẫn còn khó khăn, vướng mắc nhất định, do đó, cần có quy định hướng dẫn cụ thể hơn.
Theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, tuy nhiên, có xét đến các yếu tố sau nhằm xác định sự chênh lệch về tài sản mà vợ, chồng được chia (nếu có): Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng.
Về cơ bản, những yếu tố xét đến khi phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình và khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01 đã bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của vợ, chồng khi phân chia tài sản, tuy nhiên, quy định này còn mang tính chung chung, khái quát, đặc biệt là việc xác định công sức đóng góp của vợ, chồng và xác định lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng, gây khó khăn cho thẩm phán khi đưa ra quyết định.
Về xác định công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung
Điều 7 Thông tư liên tịch số 01 giải thích:
“Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn”.
Nếu như việc đóng góp bằng tài sản riêng, thu nhập còn có khả năng xác định được thì việc xác định đóng góp vào công việc gia đình và công sức lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung gần như không thể thực hiện được trên thực tế, bởi đây là yếu tố trừu tượng, khó định lượng.
Đối với khái niệm “công việc gia đình”, đây là một khái niệm mở, nên khó có thể đưa ra những trường hợp cụ thể, do đó, khó có thể áp dụng trên thực tế. Hơn nữa, nhiều công việc có thể được xem là công việc gia đình và không thể đưa ra mức độ quan trọng của từng công việc nên dẫn đến một thực tế là không thể xác định được bên nào có đóng góp nhiều hơn vào công việc gia đình. Chính vì pháp luật đưa ra yếu tố phân chia tài sản quá mở và khó xác định nên trong các bản án, “hiếm” có Tòa án nào lại nêu căn cứ này để phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.
Nhiều công việc có thể được xem là công việc gia đình nên khó xác định được bên nào góp nhiều hơn
Theo quan điểm của tác giả, tuy còn những vướng mắc nhất định khi áp dụng trên thực tế, việc quy định công việc gia đình là một trong các yếu tố được xét đến khi phân chia tài sản chung của vợ chồng đã bảo đảm được quyền lợi của người phụ nữ và cho thấy sự tiến bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, để quy định này được áp dụng một cách hiệu quả trên thực tế, pháp luật cần quy định rõ yếu tố xác định bên nào có đóng góp vào công việc gia đình nhiều hơn, cụ thể như sau:
Một là, cần đưa ra phạm vi cụ thể cho “công việc gia đình”. Bộ luật Lao động năm 2020 khi quy định về lao động giúp việc trong gia đình có đề cập đến các công việc gia đình bao gồm: Công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại. Vì vậy, cần nghiên cứu, đưa ra phạm vi của “công việc gia đình” phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2020.
Hai là, khi xét đến yếu tố “công việc gia đình” khi phân chia tài sản cần căn cứ vào thời gian đóng góp vào công việc gia đình. Đây là yếu tố có thể xác định được trên thực tế.
Ba là, cần quy định việc đóng góp vào công việc gia đình có thể được vợ, chồng thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp. Đóng góp trực tiếp được hiểu là sử dụng trực tiếp công sức của vợ, chồng đóng góp vào công việc gia đình; đóng góp gián tiếp được hiểu là sử dụng tài sản riêng, công sức của mình để tìm kiếm sự hỗ trợ đối với công việc gia đình (ví dụ như sử dụng tài sản riêng để thuê giúp việc gia đình hoặc dành thời gian để tìm kiếm giúp việc gia đình…). Quy định này sẽ bảo đảm được sự công bằng trong việc xác định công sức đóng góp vào công việc gia đình.
Tương tự như việc xác định đóng góp của vợ, chồng vào công việc gia đình, việc xác định công sức trong việc duy trì, phát triển khối tài sản chung của vợ, chồng cũng gặp những vướng mắc nhất định.
Công sức trong việc tạo lập tài sản chung thường là một quá trình ngắn hạn. Vì vậy, để xem xét ai là người có công nhiều hơn trong việc tạo lập tài sản không gặp quá nhiều trở ngại. Tuy nhiên, khác việc tạo lập tài sản, việc duy trì, phát triển khối tài sản chung là một quá trình lâu dài, bởi nếu không có sự bảo quản, giữ gìn thì tài sản có thể sẽ không còn hoặc bị giảm giá trị. Việc pháp luật quy định đây là căn cứ để phân chia tài sản chung là có cơ sở nhưng việc xác định cụ thể và quy đổi công sức này để làm căn cứ giải quyết tranh chấp về tài sản vẫn gặp nhiều khó khăn.
Tạo lập tài sản chung là quá trình ngắn hạn nên xem xét ai có công nhiều hơn không gặp nhiều trở ngại
Một nội dung nữa cần phải đề cập tới khi xác định công sức đóng góp là quy định “người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm”. Tác giả cho rằng, việc chăm sóc con, gia đình chỉ có thể đạt đến một mức giá trị nhất định và không thể lúc nào cũng đặt ngang bằng với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Hơn nữa, dù vợ, chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình nhưng không phải người còn lại không làm gì để chăm sóc con, gia đình. Trên thực tế, ngoài thời gian đi làm thì đa phần vợ, chồng đều về nhà để chăm sóc con, lo một số công việc gia đình nhất định. Bên cạnh đó, khái niệm “ở nhà chăm sóc con, gia đình” là một khái niệm trừu tượng, khó xác định.
Vì vậy, việc quy đổi ngang bằng công sức của người ở nhà và người đi làm là quy định không phù hợp với thực tế. Đồng thời, pháp luật về hôn nhân và gia đình đã quy định nguyên tắc chung là chia đôi tài sản nên việc quy định công sức đóng góp của người đi làm ngang bằng với người ở nhà là không cần thiết. Theo đó, pháp luật nên quy định cụ thể dựa trên một số căn cứ như: Tính chất, thu nhập từ công việc; thời gian dành cho con, gia đình của vợ, chồng.
Xem thêm: Thủ tục thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn mới nhất năm 2022
Về xác định lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ hoặc chồng
Một vấn đề khác cũng cần được xem xét khi phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, đó là việc quy định “lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”. Quy định này là một trong những căn cứ để xác định tỷ lệ tài sản phân chia. Nhưng trên thực tế rất khó để áp dụng, bởi lẽ:
Thứ nhất, gần như rất khó có thể xác định cụ thể vợ hay chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản. Vì thực tế trong mối quan hệ vợ chồng có rất nhiều quyền và nghĩa vụ đối với nhau, đặc biệt những quyền, nghĩa vụ về nhân thân như “thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”. Khi hôn nhân đổ vỡ, lẽ dĩ nhiên là trước đó đã xảy ra những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Lúc này, riêng việc xác định ai không quan tâm, chăm sóc ai nhiều hơn đã vô cùng nan giải, bởi đây là những yếu tố trừu tượng, định tính, chưa kể đến việc đặt yếu tố này lên “bàn cân” với những quyền và nghĩa vụ khác.
Rất khó để xác định vợ hay chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về tài sản, nhân thân
Thứ hai, về vi phạm quyền, nghĩa vụ về tài sản, khoản 3 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường. Theo đó, có thể thấy, lỗi trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng sẽ dẫn đến vấn đề bồi thường dân sự. Như vậy, cùng một hành vi lỗi vừa phải chịu trách nhiệm pháp lý về dân sự lại vừa phải chịu thiệt thòi khi chia tài sản. Về bản chất, việc bồi thường đã được xem lại bù đắp cho phần lỗi mà vợ hoặc chồng gây ra đối với bên còn lại nên có quan điểm cho rằng quy định như vậy là chưa hoàn toàn hợp tình, hợp lý.
Nhìn chung, quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình về xác định yếu tố lỗi trong phân chia tài sản của vợ, chồng còn chung chung, chưa nêu rõ được các tiêu chí nhận diện lỗi, lỗi nào là lỗi có thể được xem xét để khấu trừ một phần tài sản khi chia và cách thức để khấu trừ trong khối tài sản chung như thế nào? Do đó, trong quá trình giải quyết các vụ án, Tòa án các cấp khi áp dụng pháp luật vào giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo quan điểm của tác giả, mặc dù có những hạn chế, vướng mắc nhất định, tuy nhiên, không nhất thiết phải bỏ quy định này. Vì trên thực tế, lỗi của các bên thường là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ly hôn nên cần phải xem xét đến yếu tố này khi phân chia tài sản để bảo đảm quyền lợi cho bên bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Tại Hoa Kỳ, đa phần các tiểu bang đều chọn cách chia tài sản theo tỷ lệ thay vì chia đôi tuyệt đối (chỉ có 09 tiểu bang quy định cách chia bình đẳng 50/50). Thẩm phán được linh hoạt xét đến các yếu tố để phân chia tài sản chung của vợ chồng và yếu tố lỗi là một trong những yếu tố được xem xét, ảnh hưởng đến tỷ lệ phân chia tài sản (kể cả ở những bang cho phép ly hôn không cần chứng minh lỗi).
Các tiểu ban Hòa Kỳ thường chọn cách chia tài sản theo tỷ lệ
Từ những phân tích, luận giải nêu trên, tác giả cho rằng, pháp luật chỉ nên xem xét đến những lỗi vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng trực tiếp dẫn đến ly hôn từ đó làm căn cứ phân chia tài sản. Trong các quyết định về việc giải quyết ly hôn của Tòa án đều có phần nguyên nhân dẫn đến ly hôn và chỉ nêu những nguyên nhân chính như hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy... vì thường lỗi vi phạm này mới có thể dẫn đến tình trạng hôn nhân trầm trọng, không thể cứu vãn.
Chính vì lẽ đó, nếu pháp luật quy định chỉ xét đến những lỗi vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng trực tiếp dẫn đến ly hôn làm căn cứ để phân chia tài sản thì sẽ hợp lý và có thể áp dụng được trên thực tế. Để vừa bảo đảm sự công bằng cho các bên, vừa bớt gặp khó khăn trong việc xác định lỗi của vợ, chồng để phân chia tài sản, tác giả đề xuất sửa đổi điểm khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng trực tiếp dẫn đến ly hôn”, đồng thời, sửa đổi điểm d khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01 như sau: “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng trực tiếp dẫn đến ly hôn là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn”.
Về yếu tố bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập
Theo tinh thần tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, các yếu tố được đưa ra nhằm xác định phần chênh lệch giá trị tài sản của vợ, chồng nhận được, tuy nhiên, theo điểm c khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01 giải thích điểm c khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì quy định chỉ đặt ra nhằm bảo đảm việc vợ, chồng sẽ nhận tài sản như thế nào để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, bên còn lại phải trả phần chênh lệch giá trị tài sản, chứ không đặt ra vấn đề chia cho bên nào giá trị tài sản nhiều hơn.
Do đó, theo tác giả, việc đặt yếu tố này vào quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là chưa phù hợp. Cần cân nhắc tách điểm c khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thành một khoản riêng tại Điều 59 quy định về một trong các nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn, đồng thời, tách điểm c khoản 4 Điều 7 tại Thông tư liên tịch số 01 thành một khoản riêng tại Điều 7.
Ngoài yếu tố được xét đến khi phân chia tài sản chung của vợ chồng được quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cần xem xét bổ sung yếu tố về quyền nuôi con để tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn, cụ thể, người nào nuôi con sau khi ly hôn sẽ được hưởng phần tài sản nhiều hơn.
Quy định về tỷ lệ phân chia tài sản có xét đến các yếu tố liên quan đến con chung được pháp luật tại nhiều quốc gia ghi nhận, tuy nhiên, tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, yếu tố này chưa được thể hiện rõ nét mà chỉ được thể hiện qua nguyên tắc chung tại khoản 5 Điều 59 “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.
Tỷ lệ phân chia tài sản có thể xét đến các yếu tố về con chung
Nhìn chung, quy định về các yếu tố được xét đến khi phân chia tài sản chung của vợ chồng tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Thông tư liên tịch số 01 đã tương đối chi tiết hơn so với các quy định trước đây, giúp các thẩm phán dễ dàng hơn trong việc áp dụng pháp luật, bảo đảm được sự công bằng cho các bên khi tiến hành phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, các quy định hiện hành vẫn cần phải tiếp tục được nghiên cứu, xem xét sửa đổi bảo đảm phù hợp hơn với thực tiễn xét xử.
Nguồn: Tạp chí Tòa án, Pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn - Một số bất cập và giải pháp hoàn thiện
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Tòa án giải quyết ly hôn vắng mặt do đương sự đang ở nước ngoài ra sao? (04.01.2023)
Quyền nuôi con sau khi ly hôn theo quy định mới nhất 2023 (29.11.2022)
Phụ nữ bị bạo lực gia đình cần làm gì để được giúp đỡ? (26.11.2022)
Hướng dẫn giải quyết tranh chấp nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn (18.11.2022)
Hướng dẫn quan trọng về lấy ý kiến con chưa thành niên khi ly hôn (26.10.2022)
Tóm tắt án lệ số 54/2022/AL về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (25.10.2022)
Tóm tắt án lệ số 53/2022/al về việc hủy quan hệ hôn nhân trái pháp luật (25.10.2022)
Luật sư chuyên giải quyết giành lại quyền nuôi con trai khi ly hôn ở TP.HCM (24.09.2022)