>>> Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi)
>>> Di chúc viết tay không công chứng có hợp pháp?
>>> Hợp đồng thuê nhà có cần phải công chứng, chứng thực không?
Thứ nhất, điểm mới về Công chứng viên
Quy định về Công chứng viên được cụ thể hóa tại Chương II Luật Công chứng năm 2024 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung nhất định như sau:
Tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên
Theo Điều 10 Luật Công chứng năm 2024, người có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét bổ nhiệm công chứng viên:
-
Là công dân Việt Nam không quá 70 tuổi;
-
Thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng;
-
Có bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật;
-
Có thời gian công tác pháp luật từ đủ 03 năm trở lên tại cơ quan, tổ chức sau khi có bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật;
-
Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng;
-
Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.
Đối chiếu với Điều 8 Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định về tiêu chuẩn công chứng viên như sau:
“Điều 8. Tiêu chuẩn công chứng viên
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:
1. Có bằng cử nhân luật;
2. Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;
3. Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật này hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này;
4. Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;
5. Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.”
Có thể thấy, Luật Công chứng năm 2024 đã bổ sung nhiều điểm mới liên quan đến tiêu chuẩn công chứng viên, chẳng hạn như:
-
Giảm thời gian công tác pháp luật từ 05 năm xuống còn 03 năm trở lên.
-
Bổ sung thêm điều kiện về giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên là không quá 70 tuổi.
-
Bổ sung thêm tiêu chuẩn có bằng Thạc sĩ hoặc bằng Tiến sĩ luật.
Bổ sung thêm tiêu chuẩn có bằng Thạc sĩ hoặc bằng Tiến sĩ luật
Các điểm mới được bổ sung hoàn toàn phù hợp, nhằm làm chi tiết, cụ thể hóa các tiêu chuẩn công chứng viên.
Về đào tạo nghề công chứng
Theo khoản 3 Điều 11 Luật Công chứng năm 2024, thời gian đào tạo nghề công chứng là 06 tháng dành cho các đối tượng đào tạo nghề công chứng bao gồm:
-
Người đã có thời gian từ đủ 05 năm trở lên làm thẩm phán; kiểm sát viên; điều tra viên; thẩm tra viên chính ngành Tòa án; chấp hành viên trung cấp, thẩm tra viên chính thi hành án dân sự; kiểm tra viên chính ngành kiểm sát; trợ giúp viên pháp lý hạng II; thanh tra viên chính ngành tư pháp; chuyên viên chính, pháp chế viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật;
-
Thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên đã hành nghề từ đủ 05 năm trở lên;
-
Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sĩ luật;
-
Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án; chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự; kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; trợ giúp viên pháp lý hạng I; thanh tra viên cao cấp ngành tư pháp; chuyên viên cao cấp, pháp chế viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
Đối chiếu với Luật cũ thì những đối tượng trên chính là những người được miễn đào tạo nghề công chứng theo Điều 10 Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018). Như vậy, ở quy định mới này, những đối tượng từng là người được miễn đào tạo nghề công chứng này bắt buộc phải đào tạo nghề công chứng 06 tháng (thời gian đào tạo nghề công chứng bằng một nửa so với thời gian đào tạo đối với các đối tượng thường).
Về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên
Luật Công chứng năm 2024 đã bổ sung một số trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên theo Điều 14 như sau:
-
Người không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên theo quy định tại Điều 10 của Luật Công chứng năm 2024.
-
Người đang là thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên, quản tài viên, tư vấn viên pháp luật, thẩm định viên về giá hoặc đang thực hiện công việc theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 9 của Luật Công chứng năm 2024.
-
Thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên, quản tài viên, tư vấn viên pháp luật, thẩm định viên về giá bị miễn nhiệm hoặc bị thu hồi chứng chỉ hành nghề do vi phạm pháp luật mà chưa hết thời hạn 03 năm kể từ ngày quyết định miễn nhiệm hoặc quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề có hiệu lực thi hành.
Theo Điều 16 Luật Công chứng năm 2024 đã bổ sung một số trường hợp miễn nhiệm công chứng viên như:
-
Công chứng viên đương nhiên miễn nhiệm khi quá 70 tuổi.
-
Không còn đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật Công chứng năm 2024, trừ trường hợp đương nhiên miễn nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này;
-
Thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật Công chứng năm 2024;
-
Được tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động giữ một trong các vị trí công tác quy định tại khoản 5 Điều 14 của Luật Công chứng năm 2024, trừ trường hợp đã được miễn nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Công chứng năm 2024;
-
Thuộc trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 9 của Luật Công chứng năm 2024;
-
Không hành nghề công chứng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên hoặc không hành nghề công chứng liên tục từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp không hành nghề do bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng theo quy định tại Điều 15 của Luật này, Văn phòng công chứng bị tạm ngừng hoạt động theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Luật Công chứng năm 2024;
-
Hết thời hạn tạm đình chỉ hành nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật này mà lý do tạm đình chỉ vẫn còn;
-
Bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 lần trở lên về hoạt động hành nghề công chứng trong thời hạn 12 tháng; hành nghề công chứng khi chưa đủ điều kiện hành nghề công chứng hoặc trong thời gian bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng;
-
Bị xử lý kỷ luật từ 02 lần trở lên trong thời hạn 12 tháng hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc;
-
Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;
-
Thuộc trường hợp không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên tại thời điểm được bổ nhiệm.
Có thể thấy, so với Luật cũ, Luật Công chứng năm 2024 đã có nhiều bổ sung, sửa đổi các trường hợp miễn nhiệm công chứng viên.
Tương tự, Luật Công chứng năm 2024 cũng đã có một số bổ sung các trường hợp không được bổ nhiệm lại công chứng viên theo khoản 3 Điều 17 Luật Công chứng năm 2024, cụ thể:
“3. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được bổ nhiệm lại công chứng viên:
a) Bị miễn nhiệm công chứng viên do bị kết án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích; do bị kết án về tội phạm do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích;
b) Bị miễn nhiệm công chứng viên do hành nghề công chứng khi chưa đủ điều kiện hành nghề công chứng hoặc trong thời gian bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng;
c) Thuộc trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên theo quy định tại Điều 14 của Luật này tại thời điểm đề nghị bổ nhiệm lại công chứng viên.”
Về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên
Theo Điều 18 Luật Công chứng viên năm 2024 đã bổ sung rất nhiều quyền và nghĩa vụ của công chứng viên so với Điều 17 Luật Công chứng viên năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), chẳng hạn như:
-
Công chứng viên có quyền làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề công chứng;
-
Công chứng viên có quyền được từ chối công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội;
-
Công chứng viên có nghĩa vụ từ chối công chứng trong trường hợp giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội và các trường hợp khác theo quy định của Luật Công chứng năm 2024; giải thích rõ lý do từ chối công chứng.
Thứ hai, điểm mới về Tổ chức hành nghề công chứng
Về Phòng công chứng
Theo khoản 3 Điều 20 Luật Công chứng năm 2024, người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng là Trưởng Phòng công chứng, do Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật. Trưởng Phòng công chứng phải là công chứng viên và đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên.
Đối chiếu với Luật cũ, có thể thấy Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không còn là người bổ nhiệm, nhiễm nhiệm, cách chức Trưởng Phòng công chứng theo khoản 2 Điều 19 Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018). Sự thay đổi này nhằm tăng cường sự phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước về công chứng hiện nay.
Ngoài ra, Luật mới còn bổ sung điều kiện để thành lập phòng công chứng theo khoản 2 Điều 20 Luật Công chứng năm 2024 như sau:
-
Có từ 02 công chứng viên trở lên; tại các địa bàn cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì Phòng công chứng có thể có 01 công chứng viên;
-
Có trụ sở đáp ứng đủ các điều kiện do Chính phủ quy định.
Về văn phòng công chứng
Theo Luật mới, văn phòng công chứng không còn bắt buộc đặt tên theo họ tên của một trong số các công chứng viên hợp danh, cụ thể tại khoản 4 Điều 23 Luật Công chứng năm 2024 quy định như sau:
“4. Tên của Văn phòng công chứng bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” và tên riêng bằng tiếng Việt do các thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh thỏa thuận lựa chọn hoặc công chứng viên là Trưởng Văn phòng công chứng của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân lựa chọn, bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của Văn phòng công chứng;
b) Không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác đang hoạt động trong phạm vi toàn quốc;
c) Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.”
Đây là điểm mới được sửa đổi từ khoản 3 Điều 22 Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018). Theo đó, Luật cũ quy định rằng:“Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận…”
Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, cụ thể tại khoản 2 Điều 23 Luật Công chứng năm 2024 quy định như sau:
“Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Trưởng Văn phòng công chứng và phải là công chứng viên đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên.”
So với luật cũ thì đây là quy định hoàn toàn mới, được bổ sung nhằm đa dạng loại hình kinh doanh dịch vụ công chứng.
Bổ sung loại hình doanh nghiệp tư nhân trong tổ chức và hoạt động văn phòng công chứng
Ngoài ra, Luật mới còn quy định rõ các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng, đồng thời quy định rõ các điều kiện tiếp nhận, trách nhiệm góp vốn của thành viên hợp danh mới và điều kiện để người thừa kế của công chứng viên hợp danh trở thành thành viên hợp danh mới của văn phòng công chứng.
Thứ ba, điểm mới về hành nghề công chứng
Về hình thức hành nghề
Luật mới đã bổ sung thêm một hình thức hành nghề công chứng viên đó là công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Phòng công chứng. Theo đó, khoản 1 Điều 37 Luật Công chứng năm 2024 quy định như sau:
“1. Các hình thức hành nghề của công chứng viên bao gồm:
a) Công chứng viên là viên chức của Phòng công chứng;
b) Công chứng viên là thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh hoặc công chứng viên là Trưởng Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân;
c) Công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng.”
Theo đó, có thể thấy việc bổ sung thêm một hình thức hành nghề công chứng viên là làm việc theo chế độ hợp đồng lao động nhằm mở rộng cơ hội việc làm trong lĩnh vực công chứng.
Bổ sung thêm một hình thức hành nghề công chứng viên đó là công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Phòng công chứng
Mở rộng phạm vi bồi thường thiệt hại
Theo khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng năm 2024 quy định về trường hợp bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng như sau:
“Điều 40. Bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng
1. Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi của công chứng viên, nhân viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã chuyển đổi, hợp nhất, sáp nhập thì tổ chức hành nghề công chứng kế thừa quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại; trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã giải thể, chấm dứt hoạt động thì công chứng viên, nhân viên trực tiếp gây thiệt hại phải tự mình bồi thường thiệt hại, kể cả trường hợp người đó không còn là công chứng viên hoặc nhân viên của 01 tổ chức hành nghề công chứng.”
Theo đó, Luật mới đã bổ sung thêm trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã chuyển đổi, hợp nhất, sáp nhập thì tổ chức hành nghề công chứng kế thừa quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại; trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã giải thể, chấm dứt hoạt động thì công chứng viên, nhân viên trực tiếp gây thiệt hại phải tự mình bồi thường thiệt hại, kể cả trường hợp người đó không còn là công chứng viên hoặc nhân viên của 01 tổ chức hành nghề công chứng. Có thể thấy, quy định mới này đã mở rộng phạm vi bồi thường thiệt hại, tăng khả năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị thiệt hại trong hoạt động công chứng.
Bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức xã hội – nghề nghiệp
Theo khoản 3 Điều 41 Luật Công chứng năm 2024, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức xã hội – nghề nghiệp bao gồm:
-
Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của công chứng viên trong hành nghề công chứng;
-
Thực hiện rà soát, đánh giá hằng năm chất lượng đội ngũ công chứng viên; giám sát công chứng viên tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng;
-
Tham gia cùng cơ quan nhà nước trong việc tổ chức đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm, hướng dẫn nghiệp vụ cho hội viên;
-
Nhiệm vụ và quyền hạn khác liên quan đến hoạt động công chứng theo quy định của Luật này và quy định của Chính phủ.
Thứ tư, điểm mới về thủ tục công chứng giao dịch
Về hồ sơ yêu cầu công chứng
Không còn Phiếu yêu cầu công chứng theo khoản 1 Điều 42 Luật Công chứng năm 2024. So với trước kia, tại điểm a khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) bắt buộc khi công chứng phải có Phiếu yêu cầu công chứng. Việc loại bỏ phiếu yêu cầu công chứng nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính.
Quy định việc xuất trình bản chính giấy tờ có thể được thực hiện ngay ở giai đoạn nộp hồ sơ yêu cầu công chứng.
Quy định rõ bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng gồm: thẻ căn cước hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ khác để xác định nhân thân của người yêu cầu công chứng theo quy định của pháp luật.
Việc nộp hồ sơ yêu cầu công chứng có thể thực hiện trực tuyến.
Về địa điểm công chứng
Theo Luật Công chứng năm 2024, trường hợp công chứng được thiện hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nếu người yêu cầu công chứng thuộc các trường hợp sau đây:
-
Lập di chúc tại chỗ ở theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2025;
-
Không thể đi lại được vì lý do sức khỏe; đang điều trị nội trú hoặc bị cách ly theo chỉ định của cơ sở y tế;
-
Đang bị tạm giữ, tạm giam; đang thi hành án phạt tù; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
-
Có lý do chính đáng khác theo quy định của Chính phủ.
Việc quy định rõ, chi tiết các trường hợp trên nhằm dễ thực thi pháp luật hơn, tránh hiểu sai, hiểu không đúng.
Về lời chứng của công chứng viên
Luật mới đã chi tiết, cụ thể hóa quy định về lời chứng của công chứng viên tại khoản 1 Điều 48 Luật Công chứng năm 2024 như sau:
“1. Lời chứng của công chứng viên đối với giao dịch phải ghi rõ các nội dung sau đây:
a) Thời điểm, địa điểm công chứng;
b) Họ, tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng;
c) Chứng nhận người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, mục đích, nội dung của giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
d) Chữ ký, dấu điểm chỉ trong giao dịch đúng là chữ ký, dấu điểm chỉ của người yêu cầu công chứng, chữ ký, dấu điểm chỉ của người làm chứng, người phiên dịch trong trường hợp có người làm chứng, người phiên dịch và được ký, điểm chỉ trước sự chứng kiến của công chứng viên hoặc được ký trước đối với trường hợp đăng ký chữ ký mẫu quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này;
đ) Trách nhiệm của công chứng viên đối với giao dịch;
e) Các thông tin về lý do công chứng ngoài trụ sở, việc làm chứng, phiên dịch trong trường hợp công chứng ngoài trụ sở hoặc việc công chứng có người làm chứng, người phiên dịch.”
Như vậy, so với luật cũ, Luật Công chứng năm 2024 đã cụ thể các quy định liên quan đến lời chứng của công chứng viên một cách chi tiết hơn nhằm làm rõ trách nhiệm của công chứng việc trong việc hành nghề công chứng.
Về việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ giao dịch
Theo Điều 53 Luật Công chứng năm 2024 quy định về việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ giao dịch như sau:
“Việc công chứng văn bản sửa đổi, bổ sung, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận hoặc cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã ký kết hợp đồng đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Việc công chứng văn bản sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ văn bản là hành vi pháp lý đơn phương được thực hiện khi có yêu cầu của người đã ký kết văn bản đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Theo đó, Luật Công chứng năm 2024 đã bổ sung thêm việc chấm dứt giao dịch đã công chứng.
Về việc bổ sung quy định về công chứng điện tử
Theo mục 3 Chương V Luật Công chứng năm 2024, Công chứng điện tử là nội dung hoàn toàn mới được Luật Công chứng năm 2024 bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu về công chứng điện tử, phù hợp với hoàn cảnh công nghệ số đang phát triển hiện nay.
Bổ sung quy định về công chứng điện tử
Thông qua bài viết này, chúng tôi mong bạn có thể nắm rõ và hiểu hơn về các điểm mới trong Luật Công chứng năm 2024. Nếu như có thắc mắc hay đặt câu hỏi nào hãy liên hệ ngay đến chúng tôi để được hỗ trợ một cách nhanh chóng và kịp thời nhất.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
05 trường hợp được miễn tạm ứng án phí, án phí trong tố tụng dân sự (27.09.2022)
Cần làm gì để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản? (21.09.2022)
Ký quỹ là gì? Quy định pháp luật về ký quỹ mới nhất (20.09.2022)
Phải làm gì khi CMND/CCCD bị lộ thông tin? (13.09.2022)
Từ vụ cháy làm thiệt mạng 12 người ở Bình Dương đến quy định phòng cháy chữa cháy quán karaoke (07.09.2022)
Phân tích một số vấn đề pháp lý tại Công văn số 1083/VKSTC-V9 về việc “Giải đáp vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình” (05.08.2022)
Bên bán có được quyền giữ lại hàng hóa nếu khách hàng không thanh toán hay không? (05.08.2022)
Cầm giữ tài sản theo quy định bộ Luật Dân sự 2015 mới nhất 2024 (19.07.2022)