>>> Toàn cảnh vụ việc nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên bán 262 lô đất
Vụ đấu giá đất ở Sóc Sơn gần đây đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá đất đai. Đây là một vấn đề cần được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ và có những biện pháp xử lý nghiêm minh bởi nó không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước mà còn làm mất lòng tin của người dân. Hãy cùng LHLegal tìm hiểu về vụ việc đấu giá đất ở Sóc Sơn và những quy định liên quan đến hoạt động đấu giá đất đai theo pháp luật Việt Nam hiện hành trong bài viết dưới đây.
Tóm tắt vụ việc đất đấu giá ở Sóc Sơn bị thổi giá tới 30 tỷ đồng/m2
Ngày 10/12/2024, theo thông tin với báo giới, Công an TP Hà Nội cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam với Nguyễn Đức Thành (SN 1992, ở TP Bắc Ninh), Phạm Ngọc Tuấn (SN 1991), Ngô Văn Dương (SN 1994), Nguyễn Thế Trung (SN 1994), Nguyễn Thế Quân (SN 1994) đều ở huyện Đông Anh (Hà Nội), về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015.
Nhóm đối tượng gồm 5 người:
-
Phạm Ngọc Tuấn (SN 1991, trú tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội),
-
Nguyễn Đức Thành (SN 1992, trú tại Khu Lãm Làng, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh),
-
Nguyễn Thế Trung
-
Nguyễn Thế Quân
-
Ngô Văn Dương (cùng SN 1994, trú tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, TP Hà Nội)
Phạm Ngọc Tuấn cầm đầu đã dàn dựng một cuộc đấu giá về quyền sử dụng đất ở tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn (thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, do UBND huyện Sóc Sơn tổ chức) để cố tình làm thất bại quá trình đấu giá để mua được đất với giá thấp.
Mục đích:
Các đối tượng này thực hiện hành vi trên với mục đích mua được đất với giá rẻ hơn so với giá thị trường.
Cách thức thực hiện:
Trước đó, tháng 11/2024, Tuấn biết được thông tin về cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn (thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) nên đã nhóm đối tượng đã tìm hiểu kỹ, thu thập đầy đủ thông tin về cuộc đấu giá, mua hồ sơ và lên kế hoạch chi tiết để tham gia cuộc đấu giá do Công ty Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) - đơn vị phối hợp tổ chức cuộc đấu giá phát hành.
Nhóm đối tượng tìm hiểu kỹ, thu thập đầy đủ thông tin về cuộc đấu giá, mua hồ sơ và lên kế hoạch chi tiết. Mỗi người có một vai trò cụ thể, từ việc cung cấp vốn, đấu giá đến việc liên lạc với đơn vị tổ chức đấu giá.
Nhóm đã thống nhất trước một mức giá tối đa cho mỗi lô đất, nếu vượt quá mức này, họ sẽ đưa ra giá rất cao để làm thất bại cuộc đấu giá:
Tuấn đã đưa ra bảng giá tham khảo đối với từng lô đất do Tuấn tính toán, chuẩn bị từ trước. Các lô đất có giá trị dao động khoảng từ 20 triệu đồng đến 32 triệu đồng/m2, ước tính từ 1,7 tỷ đồng - 3,9 tỷ đồng/lô đất. Các đối tượng xác định đây là giá cao nhất có thể mua của từng lô đất.
Các đối tượng đã chuyển khoản tiền cho Dương và Tuấn; sau đó Tuấn chuyển khoản tổng số tiền 3,616 tỷ đồng cho Công ty Thanh Xuân để đặt cọc đấu giá mua đất.
Tại phiên đấu giá, khi giá các lô đất vượt quá mức đã định, nhóm đã đồng loạt đưa ra giá cao bất thường, thậm chí lên đến 30 tỷ đồng/m2 tại vòng thứ 5, nhưng bỏ đấu giá tại vòng cuối cùng (vòng thứ 6). Vì vậy, việc đấu giá sẽ buộc phải dừng để tổ chức đấu giá lại vào lần sau, do không đấu giá đủ 6 vòng theo quy chế khiến 36 lô đất đấu giá không thành công nên không bán được. Khi đó, các đối tượng sẽ không mất tiền đặt cọc và sẽ có cơ hội tiếp tục tham gia đấu giá để mua được lô đất như mong muốn.
Hậu quả:
Hành vi của nhóm đã làm gián đoạn quá trình đấu giá, gây thiệt hại cho Nhà nước và người dân.
Nhận thấy các dấu hiệu bất thường tại cuộc đấu giá, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra xác minh, làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các đối tượng.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Đánh giá pháp lý thủ đoạn thổi giá đất đấu giá ở Sóc Sơn
Theo quy định tại Điều 9 Luật Đấu giá tài sản 2016 về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu giá tài sản, trong đó có bao gồm hành vi lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi; thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ mời tham gia đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá, dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản. Như vậy, thủ đoạn thổi giá đất đấu giá ở Sóc Sơn để làm gián đoạn quá trình đấu giá nhằm mục đích mua đất với giá rẻ hơn so với giá thị trường của nhóm đối tượng trên là hành vi vi phạm quy định của người tham gia đấu giá. Hành vi này không chỉ gây thiệt hại về mặt tài chính cho nhà nước mà còn làm lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến lợi ích công cộng. Tùy vào kết quả điều tra cuối cùng, hành vi này có thể bị áp dụng chế tài tương ứng, có thể rơi vào một trong ba trường hợp sau:
Trách nhiệm hành chính:
-
Nếu đây chỉ là hành vi cản trở hoạt động đấu giá: phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; hoặc
(Theo điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã)
-
Nếu đây là hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; hoặc
(Theo khoản 2 Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã)
Trách nhiệm hình sự:
-
Nếu đây là hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản nhằm thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng:
-
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; hoặc
-
phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm; hoặc
-
phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
-
(Theo điểm c khoản 1 Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017)
-
Nếu đây là hành vi thuộc một trong các trường hợp sau:
-
phạm tội có tổ chức; hoặc
-
nhằm thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; hoặc
-
gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên; hoặc
-
dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; hoặc
-
thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản nhằm thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng mà phạm tội lần thứ hai trở lên.
-
Thì sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. (Theo khoản 2 Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017)
Các đối tượng bị tạm giữ trong vụ đấu giá đất trên 30 tỷ/m2 ở Sóc Sơn
Những điều cần lưu ý để đảm bảo đấu giá đất đúng theo quy định pháp luật
Để hoạt động đấu giá đất đai được thực hiện đúng quy định và không trở thành “sân chơi” của những kẻ gian manh, cần lưu ý những vấn đề sau:
Điều kiện để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất
Căn cứ khoản 2 Điều 125 Luật Đất đai 2024, điều kiện để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm:
-
Đất đã được thu hồi và hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc không phải bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trong khu vực dự án có hạ tầng giao thông đã được kết nối;
-
Có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được phê duyệt vào mục đích sử dụng để đấu giá quyền sử dụng đất, trừ trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 của Luật này;
-
Có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập và phê duyệt đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở;
-
Có phương án đấu giá quyền sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều kiện của tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Theo khoản 3 Điều 125 Luật Đất đai 2024 được hướng dẫn bởi khoản 1 Điều 55 Mục 4 Chương VI Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/08/2024, tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
-
Bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 125 Luật Đất đai 2024:
-
Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Luật Đất đai 2024;
-
Bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 122 của Luật Đất đai 2024 đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư; có năng lực, kinh nghiệm trong việc phát triển dự án;
-
Điều kiện khác theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
-
-
Nhóm công ty là tập đoàn kinh tế hoặc công ty mẹ, công ty con theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi tham gia đấu giá một thửa đất, khu đất hoặc một dự án gồm một hoặc nhiều thửa đất thì phải thỏa thuận để cử một công ty thuộc nhóm công ty tham gia đấu giá quyền sử dụng đất;
-
Phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất;
-
Không thuộc đối tượng bị cấm tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật;
-
Đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản khác.
Điều kiện của cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Tại khoản 4 Điều 125 Luật Đất đai 2024 được hướng dẫn bởi khoản 2 Điều 55 Mục 4 Chương VI Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/08/2024, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
-
Bảo đảm các quy định tại khoản 4 Điều 125 Luật Đất đai 2024:
-
Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Luật Đất đai 2024;
-
Điều kiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
-
-
Trường hợp cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải cam kết thành lập tổ chức kinh tế bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 55 Mục 4 Chương VI Nghị định 102/2024/NĐ-CP. Việc thành lập tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan.
Cá nhân tham gia đấu giá QSDĐ để thực hiện dự án đầu tư phải cam kết thành lập tổ chức kinh tế
Quy trình đấu giá đất đúng luật
Căn cứ Điều 229 Luật Đất đai 2024, quy trình đấu giá đất đúng luật phải trải qua 09 bước:
Bước 1: Lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất
Theo điểm a khoản 1 Điều 229 Luật Đất đai 2024, đơn vị đang được giao quản lý quỹ đất tiến hành lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tại khoản 4 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất, như sau:
-
Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện thì cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất;
-
Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất.
Và theo quy định tại khoản 3 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/08/2024, phương án đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm những nội dung chính sau đây:
-
Vị trí, diện tích, loại đất, tài sản gắn liền với các thửa đất, khu đất đấu giá (nếu có);
-
Hình thức giao đất, cho thuê đất, thời hạn sử dụng của các thửa đất, khu đất khi đấu giá quyền sử dụng đất;
-
Dự kiến thời gian tổ chức thực hiện đấu giá;
-
Đối tượng và điều kiện được tham gia đấu giá;
-
Chi phí tổ chức thực hiện việc đấu giá;
-
Dự kiến giá khởi điểm, khoản tiền đặt trước phải nộp khi tham gia đấu giá và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật;
-
Các nội dung khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ
Theo điểm b khoản 1 Điều 229 Luật Đất đai 2024, căn cứ phương án đấu giá quyền sử dụng đất đã được phê duyệt, đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất gửi hồ sơ thửa đất đấu giá đến cơ quan tài nguyên và môi trường để thẩm định, sau đó được trình lên UBND cấp có thẩm quyền quyết định đấu giá quyền sử dụng đất.
Bước 3: Xác định và phê duyệt giá khởi điểm của thửa đất đấu giá
Theo điểm c khoản 1 Điều 229 Luật Đất đai 2024: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai tổ chức thực hiện việc xác định giá khởi điểm của khu đất, thửa đất đấu giá, trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Căn cứ khoản 5 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, việc xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện như sau:
-
Đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ của các thửa đất, khu đất đấu giá.
Hồ sơ gồm: thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chi tiết liên quan đến thửa đất đấu giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trích lục bản đồ địa chính hoặc mảnh trích đo bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất đấu giá trong trường hợp chưa có bản đồ địa chính;
-
Cơ quan có chức năng quản lý đất đai tổ chức xác định giá khởi điểm theo quy định của pháp luật.
Bước 4: Quyết định đấu giá quyền sử dụng đất
Tại điểm d khoản 1 Điều 229 Luật Đất đai 2024 quy định: căn cứ đề nghị của cơ quan có chức năng quản lý đất đai, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, quyết định đấu giá quyền sử dụng đất được thiện hiện như sau:
-
Cơ quan được giao nhiệm vụ đấu giá quyền sử dụng đất lập hồ sơ đấu giá gửi cơ quan có chức năng quản lý đất đai. Hồ sơ gồm:
-
phương án đấu giá quyền sử dụng đất đã được phê duyệt;
-
văn bản phê duyệt giá khởi điểm của khu đất, thửa đất đấu giá theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 229 Luật Đất đai;
-
dự thảo tờ trình, quyết định đấu giá quyền sử dụng đất;
-
-
Cơ quan có chức năng quản lý đất đai kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP để ban hành quyết định đấu giá quyền sử dụng đất.
Bước 5: Lựa chọn và ký hợp đồng thuê đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất
Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 229 Luật Đất đai 2024, đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất có trách nhiệm tổ chức lựa chọn và ký hợp đồng thuê đơn vị, tổ chức thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Việc lựa chọn đơn vị, tổ chức thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trình tự thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 229 Luật Đất đai 2024 và Luật Đấu giá tài sản 2016. (Theo khoản 7 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP)
Bước 6: Tổ chức thực hiện
Theo khoản 2 Điều 229 Luật Đất đai 2024 quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện cuộc đấu giá quyền sử dụng đất: đơn vị, tổ chức thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất có trách nhiệm thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Bước 7: Phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất
Căn cứ khoản 3 Điều 229 Luật Đất đai 2024, việc công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện như sau:
-
Đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất lập hồ sơ gửi cơ quan có chức năng quản lý đất đai để trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất;
-
Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ký ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đã bán đấu giá thành công để gửi cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai, đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, cơ quan thuế và người trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Bước 8: Nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
Việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sau khi có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP:
-
Cơ quan thuế gửi thông báo nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất bằng văn bản cho người đã trúng đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý thuế trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền;
-
Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất có trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất theo thông báo của cơ quan thuế;
-
Kể từ thời điểm công bố kết quả trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì sau 120 ngày kể từ ngày phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, cơ quan thuế có trách nhiệm thông báo đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá không được nhận lại tiền đặt cọc.
Đối với trường hợp người trúng đấu giá đã nộp nhiều hơn khoản tiền đặt cọc thì được Nhà nước hoàn trả số tiền chênh lệch nhiều hơn so với số tiền đặt cọc theo quy định;
-
Cơ quan thuế thông báo cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai về việc người trúng đấu giá đã hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Bước 9: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Sau khi kết thúc phiên đấu giá quyền sử dụng đất, cơ quan có chức năng quản lý đất đai chủ trì, phối hợp với đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tổ chức bàn giao đất trên thực địa và trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
(Theo khoản 6 Điều 229 Luật Đất đai 2024)
Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất , quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người trúng đấu giá quyền sử dụng đất sau phiên đấu giá.
Bài học từ vụ đấu giá đất tại Sóc Sơn
Từ vụ đấu giá đất tại Sóc Sơn cho thấy hoạt động quản lý, tổ chức đấu giá đất còn tồn tại các bất cập. Thông qua vụ án này, chúng ta có thể rút ra được bài học:
Cần phải tăng cường tính minh bạch trong các phiên đấu giá, đặc biệt là đối với những lô đất có giá trị lớn. Việc công khai thông tin về giá khởi điểm, các điều kiện tham gia, quá trình đấu giá sẽ giúp hạn chế tình trạng thao túng giá và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các hoạt động đấu giá đất, đặc biệt là đối với những trường hợp có dấu hiệu bất thường như giá trị trúng đấu giá quá cao so với giá thị trường.
Không chỉ về phía cơ quan chức năng mà người tham gia đấu giá cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, không tham gia vào các hoạt động gian lận, gây nhiễu loạn thị trường vì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gian lận.
Bài viết này được xây dựng dựa trên các thông tin và tình tiết từ sự việc cụ thể nhằm cung cấp góc nhìn pháp lý mang tính tham khảo, không có giá trị thay thế cho các quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền và có thể điều chỉnh theo diễn biến thực tế của vụ việc. Mọi trích dẫn, áp dụng câu trả lời nêu trên đều phải ghi rõ nguồn từ Công ty Luật TNHH LHLegal. Nếu áp dụng câu trả lời trong bài viết này cho bất kỳ câu hỏi, sự việc nào khác với bài viết đều có thể không có giá trị và phải tự chịu trách nhiệm bởi người trích dẫn.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Mua nhà ở xã hội để tái định cư: Khi nào phải bốc thăm trước khi ký hợp đồng mua bán? (24.04.2025)
Cách định vị và tra cứu thửa đất trên bản đồ địa chính chính xác nhất (18.04.2025)
Mua chung cư đang thế chấp: Thủ tục và lưu ý quan trọng (18.04.2025)
Làm sao để chứng minh nguồn gốc đất cha ông để lại trước năm 1980? (16.04.2025)
Mua lại chung cư chưa có Sổ hồng cần lưu ý điều gì? (16.04.2025)
Tóm tắt và bình luận bản án số 427/2019/HC-PT ngày 09/07/2019 về khiếu kiện quyết định hành chính về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất và giải quyết khiếu nại (11.04.2025)
Tóm tắt và bình luận bản án số 189/2021/DS-ST ngày 29/11/2021 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán căn hộ (11.04.2025)
Người dân bức xúc vì làm hồ sơ đất đai quá lâu, chính quyền lập tức trả lời (10.04.2025)