>>> Nghĩa vụ của ngân hàng khi xử lý tài sản bảo đảm
>>> Vì sao ngân hàng muốn thu giữ tài sản đảm bảo kể cả không có thỏa thuận
Quyền xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng
Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS), Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết 42/2017/QH14 (tiếp tục có hiệu lực theo Nghị quyết 148/NQ-CP) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rõ quyền xử lý TSBĐ của ngân hàng. Bởi lẽ, ngân hàng với tư cách là trung gian tài chính và là chủ thể điều hòa vốn cho nền kinh tế và cũng chính là bên nhận bảo đảm lớn nhất trong thị trường tiền tệ nên các quy định về TSBĐ, xử lý TSBĐ, thứ tự ưu tiên thanh toán và cơ chế đặc thù liên quan đến nợ xấu đều ghi nhận quyền xử lý TSBĐ của ngân hàng.
Do đó, ngân hàng hoàn toàn có quyền xử lý TSBĐ khi bên vay không thực hiện, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình theo hợp đồng tín dụng đã giao kết với ngân hàng. Việc xử lý TSBĐ đang tranh chấp, tài sản bị kê biên trong vụ án hình sự do tính đặc thù, phức tạp và liên quan đến quyền lợi của nhiều bên liên quan nên quyền xử lý TSBĐ của ngân hàng cũng có sự khác biệt.
Cụ thể, quyền xử lý TSBĐ của ngân hàng sẽ được đặt trong mối quan hệ với các văn bản quy phạm pháp luật khác như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án dân sự, nhằm xác định các trường hợp TSBĐ bị kê biên, yêu cầu giải tỏa kê biên để đảm bảo quyền xử lý TSBĐ của ngân hàng. Tóm lại, quyền xử lý TSBĐ của ngân hàng đối với tài sản đang tranh chấp hoặc bị kê biên trong các vụ án hình sự luôn được pháp luật ghi nhận nhưng sẽ tồn tại những vướng mắc trong việc thực hiện quyền vì tính phức tạp của vụ việc.
Khi nào tài sản bảo đảm bị tranh chấp?
Trong hoạt động cho vay có TSBĐ của ngân hàng, không hiếm trường hợp TSBĐ bị tranh chấp gây ảnh hưởng đến quá trình xử lý TSBĐ và khả năng thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng tín dụng của chủ thể vay.
Tài sản đảm bảo bị tranh chấp gây ảnh hưởng đến quá trình xử lý tài sản đảm bảo
Sau khi tổng hợp và phân tích, nhận thấy rằng tựu chung lại, tranh chấp liên quan đến TSBĐ sẽ phát sinh khi có xung đột về quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc quyền xử lý tài sản giữa các bên liên quan. Hãy cùng LHLegal tìm hiểu cụ thể ngay sau đây:
Thứ nhất, tranh chấp quyền sở hữu tài sản bảo đảm giữa bên bảo đảm và bên thứ ba
Thực tế, nhiều trường hợp bên vay tự ý thế chấp TSBĐ thuộc sở hữu chung (có thể là sở hữu chung của vợ chồng, mà theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì phải có văn bản thỏa thuận giữa vợ chồng trong việc định đoạt tài sản chung) mà chưa có sự đồng thuận của đồng sở hữu. Hoặc bên thế chấp không đủ thẩm quyền để xác lập Hợp đồng bảo đảm (bên vay dùng tài sản thuộc sở hữu của bên thứ ba mà không được bên thứ ba chấp thuận dùng tài sản để bảo đảm cho khoản vay của Ngân hàng).
Hậu quả là các giao dịch bảo đảm này có khả năng cao sẽ bị Tòa án tuyên bố vô hiệu do không đáp ứng điều kiện về chủ thể, giao dịch xác lập trái với ý chí của chủ sở hữu tài sản theo Điều 117 BLDS về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Thậm chí, nhiều bên vay dù đã thế chấp tài sản cho Ngân hàng nhưng vẫn cố tình chuyển nhượng tài sản cho người khác mà chưa có sự đồng ý của ngân hàng, sau đó bên nhận chuyển nhượng phát sinh tranh chấp với Ngân hàng về quyền sở hữu tài sản. Hoặc là những trường hợp tranh chấp xảy ra khi người bảo đảm (cá nhân, doanh nghiệp) không có quyền hợp pháp đối với tài sản nhưng vẫn dùng làm TSBĐ hoặc là TSBĐ thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nhưng bị đem làm TSBĐ mà không có sự phê duyệt hợp lệ theo điều lệ công ty.
Các trường hợp này tranh chấp phát sinh khi điều kiện về TSBĐ tại khoản 1 Điều 295 BLDS: “1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.” không được đáp ứng.
Thứ hai, tranh chấp giữa các bên nhận bảo đảm
Trong trường hợp này, tranh chấp phát sinh khi TSBĐ được dùng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ (tức xuất hiện nhiều hơn một bên nhận bảo đảm) theo Điều 296 BLDS. Các bên nhận bảo đảm tranh chấp với nhau về việc không đăng ký giao dịch bảo đảm sẽ không có quyền ưu tiên thanh toán hoặc có sự chồng chéo về thời điểm đăng ký, cũng như việc một trong số các bên nhận bảo đảm đang nắm giữ, chiếm giữ TSBĐ khiến việc xác định thứ tự quyền ưu tiên thanh toán trở nên khó khăn khi thực hiện xử lý TSBĐ. Trong trường hợp này, cần áp dụng quy định tại Điều 308 BLDS để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ, cụ thể:
“Điều 308. Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm
1. Khi một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định như sau:
a) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng;
b) Trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước;
c) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm.
2. Thứ tự ưu tiên thanh toán quy định tại khoản 1 Điều này có thể thay đổi, nếu các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.”
Thứ tự ưu tiên thanh toán có thể thay đổi nếu các bên cùng nhận đảm bảo có thỏa thuận thay đổi thứ tự
Thứ ba, TSBĐ bị tranh chấp phát sinh từ các quyết định của cơ quan nhà nước
Cụ thể, trong các trường hợp liên quan đến TSBĐ là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, nếu cơ quan có thẩm quyền thực hiện thu hồi TSBĐ đó do vi phạm pháp luật (đất công, đất tranh chấp, tài sản bị kê biên trong vụ án hình sự…) theo quy định tại Luật Đất đai 2024, Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc là trường hợp TSBĐ chưa đủ điều kiện pháp lý để dùng trong giao dịch bảo đảm (khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản…).
Ví dụ, người sử dụng đất bị nhà nước thu hồi đất do vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng đất, lúc này rủi ro cao Ngân hàng sẽ bị mất toàn bộ TSBĐ và khó có thể thu hồi khoản nợ của bên vay, vì vậy mà trước khi giao kết Hợp đồng bảo đảm, ngân hàng cần xem xét kỹ lưỡng TSBĐ để hạn chế các rủi ro mất TSBĐ.
Ảnh hưởng của tranh chấp dân sự đến việc xử lý tài sản bảo đảm
Trong thực tiễn xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng thường gặp khó khăn khi tài sản bảo đảm đang trong tình trạng tranh chấp.
Trước hết, theo quy định pháp luật, tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bảo đảm. Tuy nhiên, khi có tranh chấp, quyền sở hữu tài sản chưa được xác định rõ ràng, dẫn đến việc ngân hàng không thể tiến hành xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng hoặc theo cơ chế thu giữ tài sản theo Nghị quyết 42/2017/QH14. Trường hợp này cũng được hướng dẫn tại khoản 4 mục III Công văn 196/TANDTC-PC: “...Trường hợp này, các Tòa án thụ lý giải quyết các vụ án đều có liên quan đến tài sản thế chấp, mà việc xác định ai là người có quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp tài sản này là căn cứ quan trọng để Tòa án giải quyết các vụ án. Do đó, Tòa án đang giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm d khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để chờ kết quả giải quyết vụ án tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản thế chấp nêu trên. Khi có kết quả giải quyết vụ án này, Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án chấp hợp đồng tín dụng theo quy định pháp luật.”.
Như vậy, khi có tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp TSBĐ thì vấn đề xử lý TSBĐ theo HĐTD của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng, cụ thể là việc giải quyết tranh chấp HĐTD sẽ bị Tòa án tạm đình chỉ, dẫn đến việc không thể tiến hành ngay, gây ra thiệt hại đáng kể cho ngân hàng trong quản lý, sử dụng và xoay vòng nguồn vốn tín dụng.
Thêm vào đó, tranh chấp về TSBĐ thường dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn như phong tỏa, kê biên tài sản theo quy định tại khoản 6, khoản 10 Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 trong quá trình giải quyết, làm kéo dài thời gian xử lý và ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của ngân hàng. Trong nhiều trường hợp, quyền lợi của ngân hàng xung đột với quyền lợi của bên thứ ba (ví dụ: người đồng sở hữu, người mua tài sản từ bên bảo đảm nhưng chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng), khiến việc xử lý tài sản bảo đảm gặp nhiều trở ngại pháp lý.
Hơn nữa, quy trình tố tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài để xác định quyền sở hữu và xử lý tài sản bảo đảm thường kéo dài trong khi giá trị tài sản bảo đảm có thể suy giảm theo thời gian, đặc biệt là Bất động sản - loại TSBĐ phổ biến nhất trong các hợp đồng bảo đảm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của ngân hàng mà còn làm giảm hiệu quả của chính sách xử lý nợ xấu, gây tác động tiêu cực đến thị trường tín dụng và an toàn tài chính quốc gia. Do đó, cần có những quy định rõ ràng, cơ chế rút gọn trong xét xử tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm, đồng thời tăng cường hiệu lực thi hành án để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên liên quan.
Cần có quy định rõ ràng trong xét xử tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo
Kinh nghiệm thực tiễn trong xử lý tài sản bảo đảm bị tranh chấp
Kiểm tra chặt chẽ tình trạng pháp lý trước khi nhận bảo đảm
Xác minh chủ sở hữu hợp pháp và quyền sử dụng tài sản (sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sở hữu…). Tra cứu thông tin về giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký để tránh trường hợp tài sản đã bị thế chấp cho nhiều bên. Kiểm tra xem tài sản có đang bị tranh chấp, kê biên hoặc nằm trong diện quy hoạch, thu hồi đất hay không.
Đăng ký giao dịch bảo đảm kịp thời và đầy đủ
Việc đăng ký tại Trung tâm Đăng ký giao dịch sẽ là cơ sở pháp lý xác lập quyền ưu tiên thanh toán cho ngân hàng theo Điều 297, Điều 298, Điều 308 BLDS và hướng dẫn tại Nghị định 99/2022/NĐ-CP. Điều này sẽ giúp hạn chế rủi ro khi có nhiều bên tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm và thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ.
Đăng ký giao dịch đảm bảo tại Trung tâm Đăng ký giao dịch sẽ là cơ sở để xác lập quyền ưu tiên thanh toán
Áp dụng biện pháp thương lượng trước khi kiện tụng
Làm việc với bên bảo đảm và bên tranh chấp để tìm hướng giải quyết nhanh chóng, tránh kéo dài tranh chấp bằng cách thương lượng, thỏa thuận. Nội dung của thỏa thuận cần tập trung vào việc tìm ra phương án xử lý tài sản phù hợp, có thể là bán tài sản để tất toán khoản vay hoặc thay thế bằng tài sản khác.
Sử dụng cơ chế thu giữ tài sản theo Nghị quyết 42/2017/QH14
Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tiếp tục có hiệu lực theo Nghị quyết 148/NQ-CP quy định cơ chế thu giữ TSBĐ của ngân hàng. Nếu hợp đồng có thỏa thuận về quyền thu giữ, ngân hàng có thể tiến hành thu giữ tài sản, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương hỗ trợ mình trong việc áp dụng cơ chế này để thu giữ tài sản khi nợ xấu phát sinh.Tránh kéo dài thời gian xử lý tài sản khi có tranh chấp.
Tranh chấp với bên thứ ba: Cần xác định rõ quyền ưu tiên thanh toán
Nếu có nhiều bên cùng nhận bảo đảm, cần xác định thứ tự ưu tiên theo thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm. Theo quy định tại khoản 1 Điều 308 BLDS thì:
“Điều 308. Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm
1. Khi một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định như sau:
a) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng;”. Mà một trong những căn cứ để phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba theo Điều 297 BLDS là hành vi pháp lý khi chủ thể đăng ký giao dịch bảo đảm. Khi đăng ký giao dịch bảo đảm thì hiệu lực đối kháng với người thứ ba sẽ phát sinh, ngân hàng sẽ được quyền ưu tiên thanh toán theo quy định của luật. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán, việc đăng ký giao dịch bảo đảm còn là cơ sở làm phát sinh hiệu lực của giao dịch bảo đảm, đối với những trường hợp bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm như TSBĐ là bất động sản… được quy định tại Điều 4 Nghị định 99/2022/NĐ-CP. Vì vậy, ngân hàng cần quan tâm đến vấn đề về đăng ký giao dịch bảo đảm không chỉ để bảo vệ quyền ưu tiên thanh toán của mình mà còn để bảo đảm hiệu lực của giao dịch bảo đảm.
Nếu tranh chấp với bên mua tài sản thế chấp, cần xem xét họ có phải là người thứ ba ngay tình hay không theo Điều 133 BLDS. Quy định của pháp luật dân sự ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, nếu như tranh chấp với bên mua tài sản thế chấp và xác định được đây là người thứ ba ngay tình, ngân hàng sẽ không được thực hiện quyền truy đòi tài sản (vốn là quyền phái sinh khi giao dịch bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba theo khoản 2 Điều 296 BLDS) theo quy định tại khoản 3 Điều 133 BLDS: “3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.”
Khi tài sản bị kê biên trong vụ án hình sự
Xác minh tài sản bảo đảm có liên quan đến hành vi phạm tội hay không.
Nếu tài sản bảo đảm là hợp pháp, ngân hàng có thể yêu cầu giải tỏa kê biên theo Điều 106 BLTTHS, khi này, cơ quan có thẩm quyền phải trả lại ngay tài sản. Cụ thể: khoản 3 Điều 106 BLTTHS:
“3.Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:
a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;
b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án”.
Như vậy, một khi đã có căn cứ cụ thể, ngân hàng phải làm việc với cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.
Khiếu nại hoặc khởi kiện nếu quyền lợi bị xâm phạm
Nếu cơ quan nhà nước có quyết định ảnh hưởng đến quyền xử lý tài sản, ngân hàng có thể Khiếu nại theo Luật Khiếu nại hoặc Khởi kiện hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính để bảo vệ quyền lợi của mình trước hành vi hành chính, quyết định hành chính trái pháp luật của cơ quan nhà nước.
Nếu bên bảo đảm cố tình cản trở, ngân hàng có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm theo thủ tục tố tụng dân sự.
Luật sư giỏi về xử lý tài sản bảo đảm tại LHLegal
LHLegal - Chuyên gia hàng đầu trong xử lý tài sản bảo đảm, bảo vệ quyền lợi tối đa cho bạn!
Bạn đang gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm? Bạn lo lắng về tranh chấp pháp lý, thủ tục pháp lý phức tạp hoặc tài sản bị kê biên? Hãy để LHLegal – công ty luật uy tín với đội ngũ luật sư dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý tài sản bảo đảm – đồng hành cùng bạn!
Với sự am hiểu sâu sắc về Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết 42/2017/QH14 và các quy định pháp luật liên quan, LHLegal cam kết:
-
Tư vấn & giải quyết nhanh chóng mọi vướng mắc pháp lý về tài sản bảo đảm.
-
Hỗ trợ thu hồi nợ hiệu quả, áp dụng biện pháp thu giữ tài sản theo quy định.
-
Bảo vệ quyền lợi tối đa cho ngân hàng, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cá nhân.
-
Trực tiếp làm việc với cơ quan chức năng để xử lý tranh chấp, kê biên tài sản.
Đừng để tranh chấp pháp lý làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn! Liên hệ ngay LHLegal để được tư vấn và đưa ra giải pháp tối ưu nhất!
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Trường hợp nào ngân hàng được tự ý bán tài sản thế chấp? (09.04.2025)
Ngân hàng bán tài sản thế chấp: Cần lưu ý gì để tránh rắc rối pháp lý? (09.04.2025)
Tài sản đấu giá ngân hàng: Cơ hội đầu tư hay tiềm ẩn rủi ro pháp lý? (09.04.2025)
Tranh chấp giữa người trúng đấu giá và ngân hàng - Cách nhận diện và hướng giải quyết (09.04.2025)
Trúng đấu giá tài sản từ ngân hàng - Hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ để tránh rủi ro (09.04.2025)
Lừa đảo tài chính và giả mạo thương hiệu bùng phát mạnh trong năm 2024 (03.04.2025)
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng: Khung pháp lý cho Trung tâm tài chính cần làm rõ quyền và nghĩa vụ của các thực thể tham gia (03.04.2025)
Tín dụng toàn hệ thống tiến sát mốc 16 triệu tỷ đồng, hơn 115.000 tỷ được bơm vào nền kinh tế chỉ trong một tuần (02.04.2025)