>>> Nhãn hiệu như thế nào thì được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam?
>>> Quy định về xử phạt vi phạm bản quyền mới nhất
Nhãn hiệu là gì? Căn cứ xác lập quyền đối với nhãn hiệu?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) (sau đây viết là Luật SHTT 2005).
“Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”.
Căn cứ khoản 4 Điều 4 Luật SHTT 2005:
“Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”.
Căn cứ khoản 16, 20 Điều 4 Luật SHTT 2005:
“16. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
20. Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam”.
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 6 Luật SHTT 2005:
“a. Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký…”.
Như vậy, quyền đối với nhãn hiệu là quyền của tổ chức, cá nhân đối với nhãn hiệu – dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, được xác lập trên cơ sở văn bằng bảo hộ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức đó.
Riêng đối với nhãn hiệu nổi tiếng, việc xác lập quyền được xác lập trên cơ sở sử dụng, không việc cần đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ.
Những dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu
Điều 73 Luật SHTT 2005 quy định những dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:
“Các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:
1. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca;
2. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;
3. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
4. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
5. Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ;
6. Dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hóa hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có;
7. Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó”.
Dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hóa sẽ không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu
Các yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Căn cứ Điều 77 Nghị định 65/2023/NĐ – CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (“Nghị định 65/2023/NĐ-CP”) quy định chi tiết về yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu như sau:
-
Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn với hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ.
-
Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là phạm vi bảo hộ nhãn hiệu, gồm mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp hoặc thông qua việc đánh giá chứng cứ chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ.
-
Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với nhãn hiệu, đồng thời phải so sánh hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ. Dấu hiệu bị xem là có yếu tố xâm phạm khi đáp ứng cả hai điều kiện sau đây:
-
Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo và cách thức thể hiện; một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số thành phần hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc đối với dấu hiệu nhìn thấy được, nhạc điệu, âm điệu đối với dấu hiệu âm thanh và việc sử dụng dấu hiệu có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
-
Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ; hoặc có mối liên quan với nhau về bản chất hoặc chức năng hoặc phương thức thực hiện.
-
-
Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là yếu tố xâm phạm nếu:
-
Dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
-
Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 3 Điều này hoặc hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
-
Những trường hợp xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Căn cứ khoản 1 Điều 129 Luật SHTT 2005, nếu cá nhân, tổ chức thực hiện những hành vi sau mà không xin phép chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị xem là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
-
Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
-
Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
-
Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
-
Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Dùng dấu hiệu tương tự nhãn hiệu nổi tiếng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu như thế nào?
Về phía chủ thể bị xâm phạm quyền
Căn cứ Điều 198 Luật SHTT 2005, khi phát hiện hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chủ thể quyền có thể:
-
Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu;
-
Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
-
Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định của Luật SHTT và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
-
Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Về phía cơ nhà nước có thẩm quyền
(1) Trách nhiệm hành chính:
Căn cứ khoản 3 Điều 200, Điều 211 Luật SHTT 2005, Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ – CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021, 2024).
Tổ chức, cá nhân thực hiện những hành vi được liệt kê tại Điều 211 bị xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp hành chính được áp dụng bởi cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật;
Mức xử phạt cụ thể được quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ – CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021, 2024), nhẹ nhất là phạt cảnh cáo và nặng nhất là 250.000.000 đồng (đối với tổ chức, mức đối đa lên đến 500.000.000 đồng). Ngoài ra còn bị áp dụng các biện pháp buộc khắc phục hậu quả:
-
Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm;
-
Buộc tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm; tem, nhãn, bao bì, vật phẩm vi phạm;
-
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;
Và xử phạt bổ sung: đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng.
(2) Trách nhiệm dân sự
Căn cứ khoản 2 Điều 200, Điều 202 Luật SHTT 2005:
Khi có yêu cầu của chủ thể quyền và Tòa án xác định có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, Toà án có thể áp dụng các biện pháp dân sự sau:
-
Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
-
Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
-
Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
-
Buộc bồi thường thiệt hại;
-
Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
(3) Trách nhiệm hình sự
Căn cứ khoản 2 Điều 200, Điều 212 Luật SHTT 2005:
Cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
“Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.
Như vậy, khi Toà án, cơ quan chức năng xác định chủ thể có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì chủ thể đó có thể đối mặt với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Quy định giới hạn quyền sở hữu nhãn hiệu
Căn cứ Điều 132 Luật SHTT 2005:
“Các yếu tố hạn chế quyền sở hữu công nghiệp
Theo quy định của Luật này, quyền sở hữu công nghiệp có thể bị hạn chế bởi các yếu tố sau đây:
1. Quyền của người sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp;
2. Các nghĩa vụ của chủ sở hữu, bao gồm:
a) Trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
b) Sử dụng sáng chế, nhãn hiệu.
3. Chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Khoản 2 Điều 136 Luật SHTT 2005:
“Nghĩa vụ sử dụng sáng chế, nhãn hiệu
…2. Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu. Việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ năm năm trở lên thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại Điều 95 của Luật này”.
Như vậy, chủ sở hữu có nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu. Nếu chủ sở hữu/bên nhận chuyển quyền không sử dụng nhãn hiệu liên tục từ 05 năm trở lên thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chấm dứt hiệu lực và nhãn hiệu không còn được bảo hộ nữa. Đây là quy định mà nhà lập pháp đưa ra nhằm hạn chế đăng ký nhãn hiệu một cách vô tội vạ nhưng không sử dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể khác.
Ví dụ thực tế về một số hành vi xâm phạm nhãn hiệu điển hình
Vụ xâm phạm nhãn hiệu Red Bull
Vụ việc như sau: Nguyên giám đốc Công ty THHH Nam Bình là ông Bùi Trung Hòa đã đưa vào sản xuất hàng chục nghìn lon nước tăng lực giống hệt nhãn hiệu Red Bull và ông cho rằng đã được Sở Y Tế cấp phép và đã “đặt hàng” từ Công ty TNHH Bao bì Thành Phát gần 73 nghìn vỏ lon nước uống tăng lực có hình hai con vật húc nhau màu đỏ. Trong đó, ông Hòa đã đặt sản xuất hơn 34 nghìn lon cho sản phẩm của mình.
Tháng 9 năm 2006, Công ty TNHH Công nghiệp Dược phẩm TC (Thái Lan), sở hữu nhãn hiệu Red Bull (đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam), đã đề nghị cơ quan công an tiến hành xử lý hình sự ông Hòa về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Trên thực tế, Sở Y tế không có chức năng cấp phép nhãn hiệu hàng hóa. Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xác định ông Hòa đã thực hiện việc xâm phạm đối với nhãn hiệu Redbull, tuyên phạt Bùi Trung Hòa 02 năm tù về Tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, nhưng ông được hưởng án treo.
Bản án 1651/2007/HSST của Toà án nhân dân TP.HCM ngày 21/11/2007 Về Tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và Tội trốn thuế.
Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ số 17/2019/KDTM-ST của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội
Hộ kinh doanh cá thể Đồng T ra đời từ cuối những năm 1990 chuyên về sản xuất sản phẩm bột thực phẩm, bột chiên tôm, bột chiên giòn. Đã được cấp giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh từ năm 2002.
(Nguyên đơn) Ông Phạm Tấn T - Chủ hiệu kinh doanh Hiệu Đồng T đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu “Hiệu Đồng T & hình Đồng T ” cấp ngày 12/01/2005 có hiệu lực đến 29/06/2021 ;
(Bị đơn) Công ty CP bột thực phẩm Asea Đồng T thành lập ngày 20/6/2014 với tên gọi là Công ty CP bột thực phẩm AS và đăng ký thay đổi lần thứ nhất ngày 03/3/2016 với tên gọi là Công ty CP bột thực phẩm Asea Đồng T với nhiều ngành nghề kinh doanh trong đó có sản xuất tinh bột và các sản phẩm bằng tinh bột.
Công ty CP bột thực phẩm Asea Đồng T được cấp giấy phép kinh doanh với mã số 0106577171 ngày 20/6/2014. Như vậy, dấu hiệu “ASEA ĐỒNG T” là tên thương mại của “Công ty CP bột thực phẩm Asea Đồng T ” được sử dụng là ngày 03/3/2016 có sau (muộn hơn) so với Nhãn hiệu “Hiệu Đồng T & hình Đồng T” được nguyên đơn xác lập quyền.
Toà án xác định Việc sử dụng yếu tố/dấu hiệu “Đồng T” sau khi Bị đơn đã thay đổi đăng ký kinh doanh thành Công ty Asea Đồng T mà không có sự cho phép của nguyên đơn là hành vi trái pháp luật, trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại và nhãn hiệu Hiệu Đồng T đang được Nhà nước bảo hộ cho Nguyên đơn. Buộc bị đơn chấm dứt hành vi xâm phạm nhãn hiệu Hiệu Đồng T; Buộc Công ty cổ phần Bột Thực phẩm ASEA Đ, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại Đồng T và phải tiến hành thủ tục đổi tên doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội bằng cách xóa bỏ dấu hiệu tên “ĐỒNG T” ra khỏi tên doanh nghiệp, tên giao dịch, tên viết tắt của mình...
Quy định về quyền đối với nhãn hiệu là quy định tiến bộ, phù hợp xu thế chung của thế giới, nhằm khuyến khích các chủ thể cạnh tranh lành mạnh, giúp nền kinh tế nước ta phát triển cao hơn, ngày càng bền vững. Việc công dân tìm hiểu, nắm vững, tuân thủ và tuyên truyền quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền đối với nhãn hiệu nói riêng là điều vô cùng cần thiết nhằm hạn chế hành vi xâm phạm quyền, đảm bảo trật tự trị án, sự phát triển ổn định, sự hội nhập của nền kinh tế.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Phân tích Công văn 4370/BTC-DNTN: Không yêu cầu thay đổi đăng ký kinh doanh khi sáp nhập tỉnh, xã (26.04.2025)
Rủi ro pháp lý khi doanh nghiệp khấu trừ lương của người lao động: Cảnh báo và hướng xử lý (26.04.2025)
Khi giao dịch từ xa có bắt buộc cung cấp số chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không? (26.04.2025)
Bồi thường thiệt hại trong Hợp đồng thương mại? Việc xác định giá trị bồi thường thiệt hại như thế nào? (26.04.2025)
Doanh nghiệp đang giải thể có thoát được trách nhiệm khi trốn thuế, gian lận thuế? (24.04.2025)
Doanh nghiệp trốn thuế bị xử lý thế nào? Các mức phạt nặng cần biết (24.04.2025)
Quy định pháp luật về hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất: Những điểm cần lưu ý (17.04.2025)
Vụ gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả bị phát hiện: Người tiêu dùng hoang mang, lo ngại (15.04.2025)