Biện pháp điều chỉnh carbon tại biên giới của EU
Vào ngày 11/12/2019, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Thỏa thuận xanh (EU Green Deal). Đây là một kế hoạch hành động chi tiết nhằm thúc đẩy sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn, cắt giảm ô nhiễm và khôi phục đa dạng sinh học, là kết quả của sự nỗ lực hơn hai thập kỷ qua.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU có thể tác động tới doanh nghiệp xuất khẩu
EU Green Deal đặt mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính của khu vực vào năm 2030 ít nhất 55% so với mức năm 1990, nhằm đưa EU đến năm 2050 trở thành “khối trung lập về khí hậu” đầu tiên trên thế giới. Trong khuôn khổ của thỏa thuận, bên cạnh loạt chính sách tập trung vào việc điều tiết hành vi mua sắm và sản xuất trong khối, thì Biện pháp điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) giành được sự chú ý lớn của cộng đồng quốc tế, khi được sử dụng để điều chỉnh mức phát thải của hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu.
Biện pháp này được thiết kế là một công cụ nhằm giải quyết vấn đề rò rỉ carbon, vốn là sự e ngại của các quốc gia phát triển khi ban hành các chính sách nghiêm ngặt về chống biến đổi khí hậu làm gia tăng chi phí cho ngành sản xuất nội địa khiến chúng giảm khả năng cạnh tranh trước hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia có quy định khí hậu lỏng lẻo hơn (như các quốc gia đang phát triển). Biện pháp này áp đặt một “mức phí” lên hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia có quy định giảm phát thải không nghiêm ngặt bằng EU.
Cụ thể, doanh nghiệp xuất khẩu phải mua chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải sinh ra trong quá trình sản xuất và vận chuyển hàng hóa vượt quá ngưỡng EU ấn định. Giá của chứng chỉ sẽ tương ứng với giá carbon thực tế trên thị trường mua bán phát thải EU (giá cập nhật ngày 02/6/2023 là 78,2 Euro/tấn CO2 và được dự đoán sẽ tăng dần trong tương lai khi khối này ngày càng siết chặt các quy định về sản xuất và tiêu dùng nhằm hướng đến nền kinh tế xanh).
Doanh nghiệp xuất khẩu phải mua chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải sinh ra trong quá trình sản xuất và vận chuyển hàng hóa vượt quá ngưỡng EU ấn định
Trên thế giới, CBAM đã được cả giới chính trị lẫn học giả tranh luận gần hai thập kỷ trở lại đây về tính hiệu quả thực sự của nó, cũng như các rủi ro về mặt pháp lý của loại biện pháp này trước các quy định về tự do hóa thương mại của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, với quy định của Nghị Viện châu Âu vào ngày 18/4/2023, CBAM sẽ được triển khai vào tháng 10 tới và đây sẽ là khu vực đầu tiên ấn định hạn ngạch phát thải lên hàng hóa nhập khẩu, có thể là một trường hợp điển hình để các quốc gia phát triển khác áp dụng các chính sách tương tự, như Mỹ, Canada, Australia và Nhật Bản.
Tiến độ thực hiện CBAM bao gồm 3 giai đoạn, bắt đầu bằng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 01/10/2023 gồm 6 ngành có khả năng rò rỉ carbon cao là xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, điện và hydro. Các doanh nghiệp xuất khẩu ở giai đoạn này chỉ phải khai báo mà chưa bắt buộc mua chứng chỉ phát thải. Giai đoạn tiếp theo từ năm 2026 yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải mua chứng chỉ phát thải và phạm vi CBAM có thể mở rộng dần đối với các mặt hàng tiêu dùng thông thường. Đến giai đoạn sau năm 2030, cơ chế này sẽ được áp dụng đầy đủ, bao gồm tất cả các sản phẩm nằm trong thị trường mua bán phát thải EU.
Dự báo tác động tới doanh nghiệp Việt Nam và khuyến nghị giải pháp
Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa vào thị trường này. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sắt thép và nhôm của Việt Nam sang EU (các sản phẩm thuộc phạm vi của CBAM) lần lượt đạt hơn 1,1 tỷ USD và 307 triệu USD (xi măng và phân bón chưa được xuất khẩu nhiều nên chiếm tỷ trọng không lớn).
Thực tế, máy móc mà Việt Nam sử dụng để sản xuất các hàng hóa này đa phần sử dụng công nghệ truyền thống, tạo ra lượng phát thải carbon cao, dẫn đến khả năng hàng hóa xuất xứ Việt Nam không thể đáp ứng ngưỡng quy định mà EU đề ra. Theo ước tính sơ bộ của Hiệp hội Thép Việt Nam, CBAM làm giảm trung bình GDP hàng năm của Việt Nam khoảng 100 triệu USD. Con số này mặc dù so với quy mô của cả nền kinh tế (350 tỷ USD) là không đáng kể, nhưng với xu thế mở rộng phạm vi áp dụng CBAM trong tương lai và sự ủng hộ của các nền kinh tế lớn khác trên thế giới, tác động tiêu cực của nó đến Việt Nam là điều chắc chắn nếu chúng ta không có những ứng phó thích hợp (Vũ Khuê, 2023).
Do dùng máy móc công nghệ truyền thống, thải carbon cao nên khó để đáp ứng ngưỡng quy định mà EU đề ra
Mặc dù EU Green Deal đã khởi động từ năm 2019 kèm theo các dự thảo về CBAM, tuy nhiên tại Việt Nam, vấn đề này dường như vẫn còn rất mới. Một số hiệp hội chỉ mới có các cuộc thảo luận, hội thảo đầu tiên vào tháng 4/2023 khi Nghị viện châu Âu chính thức ban hành biện pháp này. Điều này không phải là mới, khi các doanh nghiệp Việt Nam thường có những phản ứng khá chậm trước các chính sách thương mại mới từ các đối tác lớn hay các cam kết quốc tế mới mà Việt Nam tham gia, dẫn đến việc bỏ lỡ nhiều cơ hội trong hoạt động kinh doanh và bị động trước các thay đổi của chính sách tại thị trường nước nhập khẩu.
Khi CBAM của EU được áp dụng chính thức, bên cạnh mặt tích cực là tạo ra động lực cho các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất từ truyền thống sang khử carbon, thì biện pháp này sẽ trở thành một rào cản thương mại mới cho hàng hóa Việt Nam vốn phải đối mặt thường xuyên với các rào cản như thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế chống trợ cấp, hàng rào kỹ thuật (theo nghiên cứu của Ngân hàng Phần Lan, trung bình với giá 28 USD/tấn CO2 tại thị trường EU, mức phí CBAM đánh lên hàng nhập khẩu tương đương với thuế suất nhập khẩu là 2%).
Chính vì vậy, các giải pháp ứng phó đồng bộ và hiệu quả từ cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và kịp thời, giúp hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ CBAM. Nhóm tác giả khuyến nghị các giải pháp cần triển khai như sau:
Thứ nhất, về phía Chính phủ, cần sớm hoàn thiện khung pháp luật về chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam và ban hành các công cụ định giá carbon tương ứng giúp cho doanh nghiệp làm quen, thích nghi với các quy định và hạn ngạch giảm phát thải. Từ đó hướng đến việc thúc đẩy tính tương thích giữa chính sách khí hậu Việt Nam và EU, tránh rủi ro rò rỉ carbon và giảm thiểu tối đa mức phí phát thải phải đóng khi hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này.
Chính Phủ cần sớm hoàn thiện khung pháp luật về chống biến đổi khí hậu và ban hành các công cụ định giá carbon tương ứng
Ngoài ra, cũng cần chủ động đàm phán với EU về ưu đãi đặc thù cho các quốc gia đang phát triển khi CBAM kết thúc giai đoạn chuyển đổi và tận dụng tối đa các cơ chế hỗ trợ về tài chính và công nghệ. Cũng cần chuẩn bị những phương án phòng vệ phù hợp trong khuôn khổ các quy định thương mại quốc tế trong trường hợp hàng hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi CBAM.
Thứ hai, về phía doanh nghiệp, cần chủ động nắm bắt kịp thời các thông tin về CBAM và thị trường mua bán phát thải EU nhằm đưa ra các kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp, nhất là các quy trình, thủ tục về khai báo trong giai đoạn chuyển đổi.
Doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin về CBAM để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp
Các doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch cải tiến công nghệ sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn phát thải tiên tiến trên thế giới và xây dựng hệ thống đo lượng khí thải carbon nội bộ phù hợp với quy chuẩn quốc tế. Tất cả những điều này chỉ có thể được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả, khi Chính phủ có các cách thức hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính sách kịp thời, cũng như công cụ tài chính, công nghệ giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh và bền vững./.
TS. Đào Gia Phúc và Nhóm cộng tác viên nghiên cứu
Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
So sánh chi nhánh công ty Luật với văn phòng đại diện công ty Luật (08.08.2022)
Luật sư giỏi về giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê tài sản (05.08.2022)
Sổ đăng ký thành viên công ty TNHH theo quy định pháp luật mới nhất 2023 (07.06.2023)
Điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi mới nhất (10.05.2023)
Trình tự, thủ tục thông báo website thương mại điện tử bán hàng theo quy định mới nhất 2023 (26.04.2023)
Quy định về cuộc họp Đại hội đồng cổ đông mới nhất năm 2023 (21.04.2023)
Hướng dẫn thay đổi người đại diện pháp luật của công ty theo quy định hiện hành (20.04.2023)
Nghị quyết, quyết định của hội đồng thành viên công ty TNHH 02 thành viên trở lên (16.04.2023)