Quy định pháp luật về hoãn chấp hành án phạt tù đối với phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi
Hoãn chấp hành án phạt tù đối với phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi là một trong những chính sách nhân đạo do Nhà nước đặt ra từ rất sớm để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ mang thai, con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Quy định về hoãn chấp hành hình phạt đối với phụ nữ có thai lần đầu được xuất hiện tại Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 1985 như sau:
“Tử hình được hoãn thi hành đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới mười hai tháng”
Theo đó, trường hợp phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới mười hai tháng sẽ được hoãn thi hành án đối với hình phạt tử hình. Có thể thấy, chính sách nhân đạo này đã được Nhà nước quan tâm từ những giai đoạn đầu xây dựng Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tiếp theo, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã kế thừa và sửa đổi, bổ sung một số điểm liên quan đến quy định về hoãn thi hành án phạt tù trong trường hợp trên tại điểm b khoản 1 Điều 61 Bộ luật Hình sự năm 1999 như sau:
“Điều 61. Hoãn chấp hành hình phạt tù
1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;”
Từ quy định trên, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã có sự thay đổi độ tuổi của đứa con từ “12 tháng tuổi” lên “36 tháng tuổi”. Có thể thấy, chính sách nhân đạo này đã được Nhà nước ta tiếp tục kế thừa và phát triển, thể hiện sự nhân văn, sâu sắc khi quyền con người, đặc biệt là đối với trẻ em luôn được ưu tiên đảm bảo. Quy định trên đã được Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) tiếp tục kế thừa tại điểm b khoản 1 Điều 67 như sau:
“Điều 67. Hoãn chấp hành hình phạt tù
1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;”
Phân tích quy định về hoãn chấp hành án phạt tù đối với phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi
Trong suốt quá trình áp dụng, thực thi pháp luật trên thực tiễn, đã có không ít trường hợp nữ phạm nhân lạm dụng quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù để trốn tránh việc thi hành án hình sự.
Xét về bản chất pháp lý, quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù là một chế định phản ánh chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với người bị kết án, đặc biệt là đối với người phạm tội là phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Đối với chính sách khoan hồng này, họ sẽ được chấp hành hình phạt tù tại thời điểm khác muộn hơn.
Xét về góc độ văn bản pháp luật, khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau…”
Có thể thấy, thuật ngữ “có thể” được sử dụng trong quy định không mang tính bắt buộc áp dụng, nghĩa là quy định trên sẽ được áp dụng tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà Tòa án sẽ ra quyết định áp dụng hay không áp dụng chế định hoãn chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án. Ngoài ra, vấn đề “người bị kết án là phụ nữ mà sau khi bị kết án họ liên tục có thai và sinh con để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù” đã được trả lời chi tiết bằng Văn bản Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC về một số vấn đề nghiệp vụ do Tòa án nhân dân tối cao ban hành như sau:
“Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 61 Bộ luật hình sự năm 1999 (điểm b khoản 1 Điều 67 Bộ luật hình sự năm 2015) thì người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong trường hợp “Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi”.
Như vậy, nếu người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi, không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không.
Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù
Từ quy định trên, có 02 vấn đề cần lưu ý:
-
Thứ nhất, trường hợp người bị kết án là phụ nữ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù vẫn có thể được áp dụng chế định hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật hình sự. Như vậy, với quy định trên, Tòa án không phân biệt trường hợp họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù. Quy định trên đã và đang phát huy đúng tinh thần của pháp luật hình sự nói riêng và pháp luật nói chung, bởi lẽ trên tinh thần của pháp luật hình sự, người nào có tội thì cá nhân người đó phải tự chịu trách nhiệm hình sự cho những hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Xét về lý, đứa trẻ không có tội trong trường hợp này nên việc chấp hành hình phạt tù khi nữ phạm nhân có thai sẽ gián tiếp dẫn đến việc đứa trẻ phải chấp hành hình phạt tù chung với người mẹ. Ngoài ra, việc chấp hành hình phạt tù trong giai đoạn thai kỳ làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bình thường của đứa trẻ. Tuy nhiên, xét về tình, việc mang thai trong sự toan tính, mưu mô nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án là một việc làm vô nhân đạo, trái đạo đức xã hội. Liệu đứa trẻ lớn lên có thật sự hạnh phúc, phát triển tốt khi biết sự có mặt của mình chỉ là “bức bình phong” giúp mẹ mình thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, thậm chí sau khi người mẹ phải chấp hành án phạt thì đứa trẻ có đủ điều kiện để được nuôi dưỡng, giáo dục đầy đủ hay không.
-
Thứ hai, văn bản giải đáp trên vẫn sử dụng thuật ngữ “có thể” trong việc áp dụng chế định về hoãn chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Quy định này một lần nữa khẳng định việc áp dụng hoãn chấp hành hình phạt tù sẽ tùy vào ý chí của Tòa án. Điều này đã giải thích cho câu hỏi “nếu phạm nhân nữ nhiều lần lợi dụng việc có thai để trốn tránh nghĩa vụ chấp hành hình phạt thì giải quyết như thế nào?”, bằng việc Tòa án sẽ xem xét tình huống cụ thể để có thể ra quyết định áp dụng hay không áp dụng chế định hoãn chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng quy định này vẫn có bất cập nhất định. Vì việc hoãn chấp hành hình phạt không quy định giới hạn nên vô hình chung không có sự răn đe nhất định đối với người phạm tội. Dù quy định có tính chất tùy nghi, nhưng thực tế, “nhiều bị cáo là phụ nữ đã dùng thủ đoạn mang thai liên tục để được hoãn chấp hành án phạt tù khiến các cơ quan tiến hành tố tụng rơi vào tình thế khó xử, nhiều trường hợp tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được hoãn thi hành án, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.”. Như vậy, quy định trên gây khó khăn trong việc đưa ra phán quyết cuối cùng của Tòa án về việc hoãn chấp hành hình phạt, thậm chí là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm vẫn tiếp tục tái diễn khi được hưởng những chính sách nhân đạo của Nhà nước.
Thực tiễn về việc lạm dụng mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi để hoãn chấp hành hình phạt
Trên thực tế, có rất nhiều tình huống phụ nữ lạm dụng việc mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi để hoãn chấp hành hình phạt.
Chẳng hạn như vụ việc của nữ phạm nhân tên Nguyễn Thu Hằng (sinh năm 1983, ngụ quận Ba Đình, Hà Nội) và Đinh Thanh Tùng (SN 1998, ngụ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Theo như báo chí đưa tin, “nữ quái” này đã có ít nhất 4 lần mang thai để tránh việc bị bắt giam.
Hay vụ việc của đối tượng Đặng Thị Ngọc Bích với 3 lần bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam về các hành vi liên quan đến ma túy. Sau khi bị xử phạt 8 năm tù, đối tượng này được hoãn thi hành án 2 năm do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Trong quá trình nuôi con, Ngọc vẫn tiếp tục thực hiện hành vi mua bán ma túy với nhiều đối tượng khác và tiếp tục bị bắt quả tang về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Tổng hợp cả 2 bản án, Ngọc bị xử phạt 16 năm tù, nhưng do mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi nên được cho hoãn chấp hành án phạt tù. Trong quá trình đó, Ngọc tiếp tục sinh con nhỏ và mua bán ma túy, đến khi bị bắt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy vào cuối tháng 10/2020.
Vụ việc bị cáo Trương Thị Lan Anh bị tuyên phạt 16 năm tù do lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 5,5 tỷ đồng của nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Trong thời gian xét xử vụ án phúc thẩm, bị cáo đang nuôi 2 con nhỏ (1 bé gần 3,5 tuổi, 1 bé gần 8 tháng tuổi) mặc dù bị cáo chưa có chồng. Khi hết thời hạn nuôi con nhỏ, bị cáo đã 6 lần liên tiếp mang thai để tránh né. Điều đáng chú ý hơn là trong 6 lần mang thai, Lan Anh không sinh thêm cháu bé nào.
Bị cáo Trương Thị Lan Anh đã 6 lần liên tiếp mang thai để tránh né việc chấp hành án phạt
Một số kiến nghị
Về bất cập trong việc áp dụng quy định hoãn chấp hành hình phạt đối với người phạm tội là nữ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, nhiều chuyên gia về luật học đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện quy định pháp luật trên.
Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội đề xuất: “Để hạn chế tình trạng này, pháp luật cần quy định rõ việc hoãn thi hành án cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ ở mức độ nào,tránh việc người bị xử phạt tù lợi dụng quy định đối phó với cơ quan chức năng. Nếu một đối tượng mang thai nhiều lần để được hoãn chấp hành án hết lần này đến lần khác thì có thể coi đây là sự cố ý trốn tránh chấp hành án,trường hợp này cần bị xử lý nghiêm, đảm bảo tính răn đe”.
Một kiến nghị khác liên quan đến việc sửa đổi, hướng dẫn nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) theo hướng:
“Người bị xử phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi. Trong thời gian hoãn chấp hành hình phạt tù mà người bị kết án lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hoãn cho đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi. Nhưng trong quá trình được áp dụng chế định hoãn, người bị kết án được hoãn không quá 02 lần, tức 02 lần được hoãn tương ứng với 02 lần mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi”.
Như vậy, thông qua các kiến nghị trên, các nhà lập pháp có thể cân nhắc xem xét sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn chỉnh chế định hoãn chấp hành hình phạt đối với trường hợp người phạm nhân là nữ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, nhằm vừa đảm bảo chính sách bảo vệ phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ vừa ngăn chặn kịp thời tình trạng lợi dụng chính nhân đạo của Nhà nước để tiếp tục.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Sử dụng mã độc tống tiền người khác bị phạt bao nhiêu năm tù? (09.05.2025)
Sản xuất hàng giả bị xử lý thế nào? Thời hiệu khởi tố và mức phạt chi tiết (06.05.2025)
Phá nhanh vụ trộm vàng tại Phan Thiết: Con gái cùng bạn trai lấy trộm hơn 100 triệu đồng của gia đình (05.05.2025)
Vụ nổ súng ở Vĩnh Long khiến một người tử vong: Diễn biến pháp lý và trách nhiệm dân sự? (05.05.2025)
Nhân viên trộm đồ của khách trong khách sạn: Vừa bị sa thải, vừa đối mặt án tù? (26.04.2025)
Thông đồng trục lợi bảo hiểm có bị xử lý hình sự? (26.04.2025)
Tội rửa tiền: Những thủ đoạn phổ biến và biện pháp ngăn chặn (26.04.2025)
Chơi Niu Niu có bị đi tù không? Mức phạt cao nhất khi tổ chức đánh bạc? (26.04.2025)