>>> Ly hôn cha muốn giành quyền nuôi con phải làm thế nào?
>>> 02 trường hợp được cấm chồng cũ gặp con sau ly hôn
Câu hỏi:
Tôi và chồng (anh B) kết hôn hợp pháp tại Việt Nam và có một con trai 5 tuổi. Hiện nay do mâu thuẫn kéo dài, chúng tôi đã thống nhất ly hôn. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết ly hôn, anh B mong muốn được nuôi con và đưa con sang Úc sinh sống cùng anh vì anh có quốc tịch Úc, công việc và thu nhập ổn định, điều kiện sống tốt hơn.
Tôi không đồng ý vì con còn nhỏ, rất cần sự chăm sóc trực tiếp của mẹ. Hơn nữa, nếu để con sang nước ngoài cùng anh ấy, tôi lo sợ sẽ rất khó để được gặp con thường xuyên sau này.
Trong trường hợp này, tôi cần làm gì để giành quyền nuôi con? Tòa án sẽ xem xét những yếu tố nào?
Trả lời:
Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến LHLegal, sau đây Luật sư của chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc của bạn như sau:
Quy định pháp luật về việc giao con cho ai sau ly hôn
Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên. Trong trường hợp cha mẹ không thỏa thuận được, Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con.
Cụ thể:
-
Con dưới 36 tháng tuổi thường được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ khi người mẹ không đủ điều kiện;
-
Con từ đủ 7 tuổi trở lên phải được hỏi ý kiến;
-
Mọi quyết định đều phải nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi về thể chất, tinh thần, học tập và các điều kiện phát triển khác của trẻ.
Với trường hợp con 5 tuổi như bạn nêu Tòa án sẽ không tự động giao cho cha hay mẹ, mà cần xem xét điều kiện cụ thể của từng người, đặc biệt là yếu tố gắn bó tình cảm và khả năng chăm sóc trực tiếp. Việc giao con sẽ phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thực tế của cha và mẹ, không có quy định bắt buộc ưu tiên bên nào, nhưng có cân nhắc đến yếu tố “gắn bó tâm lý” điều này thường nghiêng về phía người mẹ trong những năm đầu đời của trẻ.
Tòa án căn cứ vào những yếu tố nào để giao quyền nuôi con?
Khi vợ chồng không đạt được thỏa thuận, Tòa án sẽ đánh giá toàn diện các yếu tố sau để ra quyết định giao con cho ai là người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng:
1. Điều kiện vật chất
-
Thu nhập và kinh tế ổn định, chỗ ở phù hợp, môi trường sống an toàn;
-
Có khả năng đảm bảo các nhu cầu cơ bản và phát triển của trẻ như ăn ở, học hành, y tế, để đảm bảo con được nuôi dưỡng, học tập, chăm sóc tốt nhất về cả vật chất lẫn tinh thần.
2. Thời gian và khả năng chăm sóc thực tế
-
Ai là người trực tiếp chăm sóc, đưa đón, chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ, chữa bệnh, dạy dỗ con hàng ngày;
-
Cha/mẹ có thường xuyên đi công tác xa hay không? Có nhờ ông bà/giúp việc chăm thay không?
3. Tình cảm gắn bó của con với cha hoặc mẹ
-
Trẻ nhỏ rất nhạy cảm với môi trường sống quen thuộc, sự gắn bó với người thường xuyên chăm sóc là yếu tố cực kỳ quan trọng;
-
Nếu chứng minh được con có mối liên kết tâm lý sâu sắc với mẹ, đây sẽ là lợi thế lớn.
4. Tư cách đạo đức, lối sống của mỗi bên
-
Tòa án sẽ xem xét cách bạn giáo dục con cái thông qua lối sống, thái độ ứng xử trong gia đình, các mối quan hệ xã hội, đồng nghiệp;
-
Tòa án sẽ loại trừ người có hành vi bạo lực gia đình, cờ bạc, nghiện ma túy, rượu chè hoặc thiếu trách nhiệm với con;
-
Thẩm phán sẽ xem xét cả lời khai, nhân chứng và tài liệu chứng minh các hành vi không phù hợp.
Tòa cũng đánh giá nguyện vọng của người con nếu từ đủ 7 tuổi, theo khoản 3 Điều 81 Luật HNGĐ 2014. Trẻ 5 tuổi như trường hợp của bạn chưa được lấy ý kiến, nhưng mức độ gắn bó giữa con và mẹ vẫn là yếu tố rất quan trọng.
Bên cha/mẹ có yếu tố nước ngoài có được ưu tiên hơn không?
Hiện nay Việt Nam chưa có quy định pháp luật nào ưu tiên giao con cho bên có yếu tố nước ngoài, kể cả khi người cha/mẹ có quốc tịch nước ngoài hay có điều kiện kinh tế tốt hơn. Việc được sinh sống ở nước ngoài không phải là căn cứ để mặc nhiên được Tòa án giao quyền nuôi con sau ly hôn.
Điều mà Tòa án xem xét là quyền lợi toàn diện của trẻ, không chỉ về vật chất mà cả tinh thần, văn hóa, môi trường phát triển, gắn kết gia đình.
Ví dụ:
Việc người cha hoặc mẹ có quốc tịch nước ngoài chỉ là một yếu tố trong tổng thể các điều kiện được xem xét khi Tòa án quyết định giao con cho ai và không phải là yếu tố mang tính quyết định, và có thể gây bất lợi trong một số trường hợp sau:
-
Làm trẻ mất mối liên kết với người thân còn lại;
-
Làm hạn chế quyền thăm nom của người kia;
-
Làm ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ;
-
Khiến người kia không kiểm soát được tình trạng sức khỏe, học hành, tinh thần của con.
Như vậy, nếu việc đưa trẻ ra nước ngoài có thể khiến trẻ mất đi mối liên hệ tình cảm với người thân còn lại, mất ngôn ngữ mẹ đẻ, ảnh hưởng đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc hoặc phải rời xa môi trường sống quen thuộc, thì đây là những yếu tố có thể gây bất lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ và cần được Tòa án xem xét kỹ lưỡng trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền nuôi con.
Việc đưa con ra nước ngoài sau khi ly hôn có cần sự đồng ý của người còn lại không?
Theo quy định tại Điều 33 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 về Điều kiện xuất cảnh thì đối với trẻ em dưới 14 tuổi cần cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của trẻ em đó đi cùng. Do đó, trong trường hợp con được Tòa án tuyên giao cho anh B nuôi thì anh B hoàn toàn có thể đưa con ra nước ngoài mà không cần tới sự đồng ý của vợ.
Tuy nhiên, Theo khoản 3 Điều 82 Luật HNGĐ 2014, người không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền:
Thăm nom, giáo dục con; Không ai được cản trở quyền này. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Trong trường hợp nếu anh B đưa con ra nước ngoài sinh sống có thể cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của người còn lại, thì người mẹ (hoặc người cha) có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn theo quy định pháp luật.
Do đó, nếu bạn có thể chứng minh rằng việc anh B đưa con (đặc biệt là khi con còn nhỏ) ra nước ngoài là không phù hợp với điều kiện phát triển về thể chất, tinh thần, tâm lý của trẻ, không đảm bảo tối đa quyền lợi của con, đồng thời làm ảnh hưởng hoặc cản trở nghiêm trọng đến quyền thăm nom, chăm sóc, giáo dục của bạn, thì bạn có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn
Có thể khởi kiện ra Tòa để thay đổi người trực tiếp nuôi con nếu chứng minh được mình có điều kiện nuôi dưỡng con tốt nhất
Lời khuyên dành cho người mẹ trong trường hợp này
Dựa trên nội dung bạn cung cấp, dưới đây là những khuyến nghị pháp lý:
1. Chứng minh điều kiện nuôi con phù hợp tại Việt Nam
Thu thập giấy tờ chứng minh bạn có thu nhập ổn định, chỗ ở phù hợp, thời gian chăm sóc con;
Các bằng chứng về việc bạn là người trực tiếp nuôi dưỡng con từ trước đến nay: giấy nhập học mẫu giáo, sổ khám bệnh mẹ đưa con đi, ảnh, video, nhân chứng…
2. Phản đối việc đưa con ra nước ngoài nếu chưa có sự đồng thuận
Gửi yêu cầu bằng văn bản đến Tòa án và luật sư yêu cầu không cho phép bên kia đưa trẻ ra nước ngoài;
Trình bày rõ mối lo ngại về việc con sẽ mất kết nối với mẹ, ảnh hưởng tâm lý, cản trở quyền thăm nom nếu được đưa ra nước ngoài.
3. Luôn giữ thái độ hợp tác và ưu tiên lợi ích của trẻ
Tránh mâu thuẫn gay gắt, thay vào đó trình bày rõ ràng bằng chứng, nguyện vọng và phân tích của bạn về lợi ích tốt nhất cho con;
Nếu có thể, đề xuất phương án thăm nom, hỗ trợ giáo dục con rõ ràng, linh hoạt để Tòa thấy bạn có thiện chí và đảm bảo tốt hơn quyền lợi của trẻ.
Tòa án sẽ không chỉ xét đến yếu tố kinh tế, mà đánh giá toàn diện cả về tình cảm, mức độ gắn bó và điều kiện sống để quyết định ai là người phù hợp nuôi con. Việc người cha có quốc tịch Úc không phải là lý do để đương nhiên được đưa con ra nước ngoài. Trong trường hợp này, bạn cần chuẩn bị hồ sơ chứng minh điều kiện nuôi con, ngăn chặn việc đưa con ra nước ngoài trái pháp luật, và nhờ luật sư LHLegal tư vấn, hỗ trợ bạn trong quá trình tố tụng.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Chồng đòi ly hôn do không sinh được con trai có được pháp luật cho phép? (29.09.2022)
02 trường hợp được cấm chồng cũ gặp con sau ly hôn (20.09.2022)
Con tôi không phải con ruột làm sao để từ chối nhận con? Có thể ly hôn được không? (14.09.2022)
Ly hôn đơn phương có được chia tài sản không? (14.09.2022)
Chồng vắng mặt khi ly hôn, giải quyết sao? (08.09.2022)
Kết hôn lại với chồng cũ, có được không? (29.08.2022)
Đất mua trong thời kỳ hôn nhân nhưng chỉ đứng tên chồng ly hôn chia sao? (25.08.2022)
Nhà của tôi nhưng chồng đòi chia khi ly hôn, phải làm sao? (23.08.2022)