>>> Tóm tắt án lệ số 53/2022/al về việc hủy quan hệ hôn nhân trái pháp luật
>>> Tóm tắt và bình luận Bản án số 233/2023/DS-PT về tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư
A. Tóm tắt vụ án
Bị cáo: Nguyễn Trọng Th, sinh năm 1995. Địa chỉ: Thôn T, xã Đ, huyện H, tỉnh Kon Tum.
Nguyên đơn dân sự: Công ty cổ phần dược phẩm FPT L. Địa chỉ: 379-381 đường H, phường V, Quận 3, Thành Phố H.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Chị Võ Thị Tuyết M, sinh năm: 1993; Địa chỉ: khu phố 4, thị trấn P, huyện P, tỉnh N.
Người làm chứng: Chị Nguyễn Thị Phương Tr, sinh năm: 1995; nơi cư trú: Thôn T, xã P, huyện N, tỉnh N
Nội dung vụ án:
Ngày 22/12/2022, Nguyễn Trọng Th ký hợp đồng lao động với Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT L, làm nhân viên bán thuốc tại Nhà thuốc L 1204 (tỉnh N). Đến ngày 07/7/2023, Th được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức vụ Trưởng ca bán hàng, có nhiệm vụ tổng kết tiền và giữ chìa khóa két sắt.
Ngày 16/7/2023, Th làm ca trực tại Nhà thuốc L 1206 cùng Nguyễn Thị Phương Tr. Do cần tiền trả nợ cá nhân, Th nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền từ nhà thuốc. Khoảng 21 giờ cùng ngày, sau khi kiểm đếm doanh thu hai ngày 15/7/2023 và 16/7/2023 (do là cuối tuần nên tiền chưa được gửi ngân hàng), Th vào kho, mở két sắt và lấy 29.233.000 đồng. Sau đó, Th bắt xe khách vào TP.HCM và tiêu xài toàn bộ số tiền cho mục đích cá nhân.
Sáng 17/7/2023, Th nhắn tin vào nhóm Zalo của Nhà thuốc thừa nhận đã lấy tiền và hứa sau 2 ngày sẽ hoàn trả, nếu không sẽ tự ra công an đầu thú. Khi kiểm tra két sắt, nhân viên phát hiện chỉ còn 767.000 đồng, còn lại đã bị Th chiếm đoạt. Theo phần mềm bán thuốc, tổng doanh thu của nhà thuốc hai ngày này là 30.000.000 đồng nhưng thực tế bị mất 29.233.000 đồng.
Xem chi tiết bản án tại đây
B. Phân tích bản án
Nhận định của Hội đồng xét xử
Các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
Bị cáo Nguyễn Trọng Th là người có trách nhiệm, quyền hạn trong việc quản lý tài sản của doanh nghiệp được Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT L bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng ca bán hàng tại Nhà thuốc L, địa chỉ tại thôn L, xã D, huyện N, tỉnh N. Vì tham lam, muốn có tiền tiêu xài cá nhân nên ngày 16/7/2023 sau khi kết thúc ca bán hàng, bị cáo Th đã lợi dụng nhiệm vụ Ca trưởng để mở két sắt của Nhà thuốc L chiếm đoạt số tiền 29.233.000 đồng để tiêu xài cá nhân.
Xét thấy hành vi nêu trên của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp nên Viện kiểm sát nhân dân huyện N truy tố bị cáo Nguyễn Trọng Th về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 353 của Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.
Về tình tiết giảm nhẹ/tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo tự nguyện bồi thường dân sự; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; người đại diện theo pháp của nguyên đơn dân sự xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đây là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo Nguyễn Trọng Th tác động vợ tên Võ Thị Tuyết Mai thỏa thuận bồi thường cho Công ty cổ phần dược phẩm FPT L số tiền 29.233.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Cẩm H – Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn dân sự không yêu cầu bồi thường gì khác. Do đó, Hội đồng xét xử không xét đến.
Tại phiên tòa, chị Võ Thị Tuyết M không yêu cầu bị cáo Nguyễn Trọng Th trả lại số tiền 29.233.000 đồng đã bồi thường cho nguyên đơn dân sự. Do đó, Hội đồng xét xử không xét đến.
Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí sơ thẩm theo quy định pháp luật.
Phán quyết của Hội đồng xét xử
-
Tuyên bị cáo Nguyễn Trọng Th phạm tội “Tham ô tài sản”.
-
Xử phạt bị cáo Nguyễn Trọng Th 12 tháng tù.
-
Buộc bị cáo Nguyễn Trọng Th phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm.
Bị cáo Th phạm Tội tham ô tài sản và bị xử phạt 12 tháng tù
Căn cứ pháp lý:
-
Khoản 1 Điều 353; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Nghị quyết số: 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
-
Khoản 2 Điều 135 và khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội 14 Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
C. Phân tích các vấn đề pháp lý, bài học rút ra từ vụ án so với quy định pháp luật
Về cấu thành tội phạm Tội tham ô tài sản
Khách thể:
-
Tội tham ô tài sản xâm phạm những quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức trong nhà nước và của cả các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp này bị suy yếu, mất uy tín; đồng thời cũng xâm phạm quyền sở hữu tài sản của các cơ quan tổ chức đã nêu.
-
Đối tượng tác động của tội phạm chính là tài sản mà người có chức vụ, quyền hạn đang trực tiếp quản lý. Tài sản này là tài sản của nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức nhà nước sở hữu và đang đặt dưới sự quản lý của cơ quan, tổ chức nhà nước hoặc là tài sản của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước đang giao cho người phạm tội quản lý.
Mặt khách quan:
-
Tội tham ô tài sản có cấu thành tội phạm vật chất, mặt khách quan của tội này gồm hành vi khách quan và hậu quả của tội phạm.
-
Hành vi khách quan: lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội quản lý. Hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó hoặc không thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện phạm tội để người phạm tội lợi dụng và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng.
-
Hậu quả của tội phạm: tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2 triệu đồng trở lên hoặc chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì nhưng thuộc một trong các trường hợp sau mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự: đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng (mục 1 chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Mặt chủ quan:
Người phạm tội thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản.
Chủ thể:
Chủ thể của Tội tham ô tài sản là người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý tài sản, từ đủ 16 tuổi trở lên và không bị hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự. Người có trách nhiệm quản lý tài sản là người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản của cơ quan, tổ chức như: kế toán, thủ quỹ, thủ kho, bảo vệ … Ngoài ra, những người gián tiếp quản lý tài sản, có trách nhiệm trong việc quyết định việc thu chi, xuất nhập, mua bán, trao đổi tài sản như người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, giám đốc công ty, chủ tịch Hội đồng quản trị các doanh nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã… cũng có thể là chủ thể của tội phạm này.
Hình phạt:
-
Căn cứ quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người phạm Tội tham ô tài sản thì mức án cao nhất có thể phải gánh chịu là tử hình.
-
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Một số vấn đề liên quan
So với Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã mở rộng quy định về hành vi khách quan của Tội tham ô tài sản” theo quy định của Bộ luật Hình sự. Theo đó, không chỉ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực công mà bao gồm cả hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Khoản 6 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”.
Một số tình tiết định khung tăng nặng còn chưa rõ ràng, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật:
Chẳng hạn, tình tiết “dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm”: Theo Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì “Dùng thủ đoạn xảo quyệt” là trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn dối trá một cách tinh vi, sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, che giấu tội phạm, đổ tội cho người khác hoặc người phạm tội có hành vi tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và “Dùng thủ đoạn nguy hiểm” là trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc có thể gây hậu quả nghiêm trọng khác để chiếm đoạt tài sản hoặc che giấu tội phạm.
Tuy nhiên việc đưa ra các khái niệm vẫn còn mang tính vẫn còn dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Như thế nào là “tinh vi”, việc sử dụng thủ đoạn dối trá đến mức độ nào thì được coi là tinh vi; thế nào là “công nghệ cao”; thế nào là “gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm”,…? Do đó, cần có văn bản hướng dẫn theo hướng xác định rõ các tiêu chí, mức độ theo hướng tương tự như “có tính chất chuyên nghiệp là cố ý phạm tội từ 05 lần trở lên và lấy đó là nghề sinh sống, lấy kết quả phạm tội làm nguồn sống chính”.
Thứ hai, tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Tình tiết này cũng đã được hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP gồm 03 trường hợp: Gây khiếu kiện đông người, biểu tình, gây rối để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động chống phá chính quyền, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; Gây hoang mang, lo sợ hoặc phẫn nộ trong nhân dân; Gây khó khăn trong việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, hiểu thế nào là “đông người”, liệu “hai người” đã là “đông người” hay chưa? Căn cứ vào đâu để xác định các thế lực thù địch có lợi dụng, lôi kéo, kích động, xuyên tạc hay không? Nhân dân biểu hiện như thế nào, đến mức nào thì được coi là hoang mang, lo sợ, phẫn nộ… Do đó, cần có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn.
Người bị kết án tử hình chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô
Điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, lập công lớn”.
Nếu đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, Người phạm tội Tham ô tài sản không bị án tử hình
Quy định này thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội tham ô hoặc nhận hối lộ không chỉ nhằm khuyến khích những người này trả lại tài sản đã chiếm đoạt được bằng hình thức “tham ô” hoặc “nhận hối lộ” mà còn hướng đến mục đích của công cuộc đấu tranh chống tham nhũng là thu hồi tài sản.
Theo hướng dẫn của Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP thì “chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô” là trường hợp người phạm tội đã tự mình nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ sau khi phạm tội. Cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ đối với trường hợp người phạm tội sau khi phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ.
Vậy “tài sản tham ô” ở đây hiểu là chỉ tài sản mà người phạm tội chiếm đoạt được qua việc thực hiện hành vi tham ô tài sản hay bao gồm cả thiệt hại về mặt tài sản do hành vi phạm tội tham ô gây ra? Quy định này cũng cần phải được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn và giải thích rõ hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác áp dụng pháp luật.
Khuyến nghị
Tham ô tài sản là loại tội phạm có tính nguy hiểm cao, nhất là khi hành vi xảy ra ở các cơ quan chủ chốt trong bộ máy nhà nước, liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ công. Tham ô tài sản có tổ chức thường khó bị phát hiện, vì việc thu, chi khống đã được hợp thức hoá bằng một hệ thống sổ sách, hoá đơn chứng từ, chỉ khi nào một trong những người đồng phạm tố giác thì sự việc mới bị phát hiện. Do đó, việc đấu tranh phòng chống, phát hiện tội phạm tham ô tài sản trước hết đòi hỏi bản thân mỗi người phải nhận thức về hành vi, hậu quả và trách nhiệm hình sự phải gánh chịu. Cơ quan, tổ chức cần thắt chặt quản lý nguồn tài chính. Nhà nước ngày càng đẩy mạnh công tác hoàn thiện pháp luật và xử lý nghiêm minh tội phạm.
Trên đây là tóm tắt bản án điển hình và bình luận một số vấn đề pháp lý liên quan đến Tội tham ô tài sản theo pháp luật hình sự hiện hành. Chúng tôi hy vọng bài viết hữu ích, phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập và làm việc của bạn đọc.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Hai vợ chồng lĩnh án tù vì trộn hàn the vào giò chả bán ra thị trường (21.03.2025)
Tội trốn thuế bị xử lý thế nào? Trốn thuế gồm những hành vi nào? (21.03.2025)
Phân tích pháp lý vụ hung thủ sát hại 4 người thân "Do quá nghèo" tại Hà Nội (20.03.2025)
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh Đức bị khởi tố, bắt tạm giam (20.03.2025)
Phân tích pháp lý vụ tài xế Mercedes rút kiếm dọa nhân viên môi trường (20.03.2025)
Phân tích pháp lý vụ việc giám đốc doanh nghiệp tự ý bán trái phép gần 1.500 m2 đất của dân (20.03.2025)
Hiểu rõ về tội nhận hối lộ: Phân tích chi tiết theo bộ luật hình sự hiện hành (19.03.2025)
Tất tần tật về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ A đến Z (Cập nhật 2025) (19.03.2025)