>>> Tóm tắt và bình luận bản án số 396/2021/DS-PT về tranh chấp tài sản của người được giám hộ
Nguyên đơn: Ông Nguyễn Phú C, sinh năm 1968. Địa chỉ: Ấp T, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An.
Bị đơn: Bà Nguyễn Thị G, sinh năm 1965. Địa chỉ: Ấp T, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
-
Bà Nguyễn Thanh N, sinh năm 1973. Địa chỉ: Ấp T, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An.
-
Ông Nguyễn Văn L, sinh năm 1955. Địa chỉ: Ấp T, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An.
-
Bà Nguyễn Thị Y, sinh năm 1963. Địa chỉ: Chung cư H, đường N, phường c, quận G, thành phố Hồ Chí Minh.
-
Ông Nguyễn Thành Đ, sinh năm 1972. Địa chỉ: Ấp T, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An.
Người kháng cáo: Bị đơn bà Nguyễn Thị G; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Văn L, bà Nguyễn Thị Y.
Xem chi tiết bản án tại đây
I. Tóm tắt vụ án
Cha mẹ ông C có 07 người con gồm: bà P (sinh năm 1953); ông L (sinh năm 1955); bà Y (sinh năm 1963); bà G (sinh năm 1965); ông C (sinh năm 1968); ông Đ (sinh năm 1972) và bà N (sinh năm 1973).
Trong các anh chị em, người em út là bà N bị khuyết tật về thần kinh, được nhà nước công nhận và được hỗ trợ trợ cấp hàng tháng. Trước đây, bà N được cha mẹ nuôi nấng, chăm sóc. Từ khi cha mẹ mất, bà N được bà P chăm sóc. Từ năm 2020, bà P mất, bà N sống một mình trong căn nhà do bà P xây dựng.
Từ tháng 7/2020, ông C thường xuyên chăm sóc, nuôi dưỡng bà N vì ông C nhận thấy ông là người ở gần và có điều kiện trông nom, chăm sóc bà N nhiều nhất và tốt nhất. Do đó, ông đề nghị Tòa án cử ông là người giám hộ cho bà N để thuận tiện cho cuộc sống bà N sau này.
Ngày 28/9/2022, ông C khởi kiện bà G, đề nghị Tòa án tuyên bố bà N mất năng lực hành vi dân sự và cử ông C là người giám hộ cho bà N vì ông C đủ điều kiện hơn bà G.
II. Quan điểm pháp lý của các bên
Nguyên Đơn
1. Yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn
Đề nghị Tòa án tuyên bố bà N mất năng lực hành vi dân sự và cử ông C là người giám hộ cho bà N vì ông C đủ điều kiện hơn bà G
2. Lập luận
-
Ông C là người ở gần nhà bà N, ông đã về hưu từ lâu, phần lớn thời gian của ông là ở nhà.
-
Ông có thời gian nấu cơm, đem cơm cho bà N cũng như trông nom, mua thuốc, đưa bà đi bệnh viện kịp thời mỗi khi ốm đau, bệnh tật.
-
Ông C nhận thấy ông là người ở gần và có điều kiện trông nom, chăm sóc bà N nhiều nhất và tốt nhất.
3. Cơ sở pháp lý
-
Căn cứ vào Điều 26, Điều 35, Điều 186 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
-
Căn cứ vào các Điều 49, Điều 53, Điều 54 và Điều 57 của Bộ luật dân sự năm 2015.
-
Căn cứ vào Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.
Nguyên đơn đề nghị tuyên bố bà N mất năng lực hành vi dân sự và cử ông C là người giám hộ cho bà N
Bị đơn
1. Lập luận
-
Bà G cùng cha mẹ chăm sóc bà N từ nhỏ.
-
Khi mẹ mất thì bà là người trực tiếp chăm sóc bà N, thường xuyên qua lại chăm sóc bà N.
-
Ông C có gia đình riêng, chưa từng chăm sóc cho bà N như ông C trình bày.
2. Yêu cầu kháng cáo
Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Long An sửa bản án sơ thẩm, công nhận bà Nguyễn Thị G là người giám hộ cho bà Nguyễn Thanh N vì bà G từ xưa đến nay là người trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng bà N.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
1. Lập luận
-
Ông L, bà Y thống nhất theo lời trình bày bà G.
-
Ông Đ thống nhất theo lời trình bày của người đại diện theo ủy quyền của ông C.
2. Yêu cầu kháng cáo
Ông L, bà Y kháng cáo: Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Long An sửa bản án sơ thẩm, công nhận bà Nguyễn Thị G là người giám hộ cho bà Nguyễn Thanh N vì bà G từ xưa đến nay là người trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng bà N.
Đối với Tòa án
Quyết định của Tòa sơ thẩm:
-
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Phú C
-
Tuyên bố bà Nguyễn Thanh N mất năng lực hành vi dân sự. Chỉ định ông Nguyễn Phú C là người giám hộ cho bà Nguyễn Thanh N.
Quyết định của Tòa phúc thẩm:
-
Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị G và các Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn L, bà Nguyễn Thị Y.
-
Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 09/2023/DS-ST ngày 17 tháng 01 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Long An.
III. Phân tích bản án
Nhận định của Hội đồng xét xử
Bà Nguyễn Thanh N mất năng lực hành vi dân sự, không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 53 Bộ luật Dân sự; các đương sự không thống nhất việc cử người giám hộ cho bà N. Vì vậy, cần chỉ định người giám hộ cho bà N để đại diện bà N bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như thực hiện các giao dịch dân sự khác của bà N.
Ông C có đủ điều kiện của cá nhân làm người giám hộ cho bà N. Bởi vì trong các anh chị em của bà N thì ông L đã lớn tuổi; bà Y và ông Đ thì ở xa; bà G đi làm công nhân không có nhiều thời gian quan tâm chăm sóc bà N.
Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, chỉ định ông C là người giám hộ cho bà N là phù hợp với các Điều 49 và Điều 54 Bộ luật Dân sự.
Kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có căn cứ nên không được chấp nhận.
Kháng cáo của bị đơn không có căn cứ nên không được chấp nhận
Phán quyết của Hội đồng xét xử
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Phú C: Tuyên bố bà Nguyễn Thanh N mất năng lực hành vi dân sự. Chỉ định ông Nguyễn Phú C là người giám hộ cho bà Nguyễn Thanh N.
Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị G và các Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn L, bà Nguyễn Thị Y.
Nghĩa vụ án phí: Buộc bà G phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Bà G và bà Y mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí phúc thẩm.
IV. Bài học rút ra từ vụ án so với quy định pháp luật, có khuyến nghị
Quy định về người bị mất năng lực hành vi dân sự?
Theo Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
-
Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
-
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
-
Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Như vậy, điều kiện để xác định một người bị mất năng lực hành vi dân sự bao gồm:
-
Bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi.
-
Có yêu cầu tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự từ người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan.
-
Có kết luận giám định pháp y tâm thần.
-
Quyết định của Tòa án về tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự.
Liên hệ vụ việc trên, bà N được kết luận là chậm phát triển tâm thần, mức độ nặng (về y học) và mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi (về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi). Có yêu cầu đề nghị Tòa án tuyên bố bà N mất năng lực hành vi dân sự của ông C. Và có quyết định của Tòa án tuyên bố bà N mất năng lực hành vi dân sự.
Thông qua đó, bà N được xác định là người mất năng lực hành vi dân sự vì thỏa mãn đủ điều kiện mà luật quy định.
Đồng thời, theo điểm c khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người được giám hộ, trong đó người được giám hộ bao gồm cả người mất năng lực hành vi dân sự.
Ngoài ra, người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự bao gồm các trường hợp như sau:
-
Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
-
Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
-
Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
(Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Theo vụ việc trên, bà N không thuộc trường hợp có người giám hộ đương nhiên.
Quy định về cử, chỉ định người giám hộ
Theo Điều 54 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về cử, chỉ định người giám hộ như sau:
-
Trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.
-
Trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.
-
Trường hợp cử, chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người này.
-
Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.
-
Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.
Như vậy, liên hệ với vụ việc trên thì trường hợp có tranh chấp về việc cử người giám hộ (giữa ông C và bà G) thì Tòa án sẽ là cơ quan ra quyết định cử người giám hộ.
Đồng thời, người giám hộ còn phải đáp ứng một số điều kiện tại Điều 49 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
-
Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
-
Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
-
Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
-
Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Người giám hộ phải có tư cách đạo đức tốt
Liên hệ với vụ việc trên, qua xác minh tại địa phương, ông C có kinh tế ổn định; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ; không phải là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác… Vì vậy, Tòa án chỉ định ông C là người giám hộ cho bà N là phù hợp với Điều 49 và Điều 54 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Một số khuyến nghị
Việc cử, chỉ định người giám hộ cần đặt lợi ích của người mất năng lực hành vi dân sự lên hàng đầu. Chẳng hạn như:
-
Đảm bảo người giám hộ có năng lực chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
-
Đảm bảo nhu cầu sống cơ bản cho người được giám hộ: người giám hộ phải có đủ khả năng tài chính, sức khỏe, thời gian, sinh hoạt thường ngày (ăn uống, nghỉ ngơi…) để đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho người được giám hộ.
-
Ngoài ra, trường hợp người được giám hộ vẫn có khả năng muốn bày tỏ ý kiến, mong muốn của họ đối với người giám hộ thì cũng cần phải xem xét đến.
-
Tránh việc chỉ định dẫn đến lạm dụng, lợi dụng tài sản hoặc quyền lợi của người được giám hộ.
Tranh chấp về việc chỉ định người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự không chỉ liên quan đến quyền lợi cá nhân mà còn phản ánh trách nhiệm bảo vệ người yếu thế trong xã hội. Bản án không chỉ đưa ra phán quyết cụ thể mà còn đặt ra những vấn đề pháp lý quan trọng về quyền và nghĩa vụ của người giám hộ, cũng như vai trò của tòa án trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của người mất năng lực hành vi dân sự. Qua việc phân tích và bình luận, bài viết đã làm rõ các khía cạnh pháp lý nổi bật và đề xuất một số hướng hoàn thiện nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và nhân văn trong việc giải quyết các tranh chấp tương tự trong tương lai.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi qua các hình thức sau:
Hotline gặp Luật sư tư vấn trực tiếp: 1900 2929 01
Nhập thông tin đăng ký tư vấn luật tại đây: https://luatsulh.com/dang-ky-tu-van.html
Liên hệ đặt lịch hẹn qua zalo số: 0903 796 830
Website: https://luatsulh.com/
Trụ sở: 288 B7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Chi nhánh Nha Trang: 07 Bế Văn Đàn, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang
Theo dõi Công ty Luật LHLegal tại:
Website: https://luatsulh.com/
Facebook: Luật sư LHLegal
Youtube: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hoà: Luật sư Hoà (LHLegal)
Kênh Tiktok Công ty: Luật sư LHLegal
Kênh Tiktok Luật sư Hình sự: Luật sư Hình sự
Bị sập nhà do thiên tai, bão lũ có được bồi thường không? (28.09.2022)
05 trường hợp được miễn tạm ứng án phí, án phí trong tố tụng dân sự (27.09.2022)
Cần làm gì để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản? (21.09.2022)
Ký quỹ là gì? Quy định pháp luật về ký quỹ mới nhất (20.09.2022)
Phải làm gì khi CMND/CCCD bị lộ thông tin? (13.09.2022)
Từ vụ cháy làm thiệt mạng 12 người ở Bình Dương đến quy định phòng cháy chữa cháy quán karaoke (07.09.2022)
Phân tích một số vấn đề pháp lý tại Công văn số 1083/VKSTC-V9 về việc “Giải đáp vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình” (05.08.2022)
Bên bán có được quyền giữ lại hàng hóa nếu khách hàng không thanh toán hay không? (05.08.2022)